1. Chuyện gì đang xảy ra?
Mạng xã hội lan truyền đoạn video quay cảnh một giáo viên túm cổ áo, kéo lê một học sinh nữ đang khóc từ hành lang vào lớp học. Ngoài ra, còn có một đoạn ghi âm lời mắng, lời thóa mạ của cô với học sinh này.
Sự việc xảy ra tại một trường THPT ở Hà Nội. Nguyên nhân của sự việc là trong buổi liên hoan của lớp, bạn học sinh đã không mua bánh ở cửa hàng mà cô chỉ định trước đó.
Cộng đồng mạng phẫn nộ và bất bình trước hành động của cô giáo, thể hiện sự thất vọng trước những vấn đề còn tồn tại trong môi trường sư phạm. Một số người bày tỏ thái độ nhưng cũng kêu gọi mọi người bình tĩnh, chờ đợi thông báo của nhà trường cũng như kết luận của cơ quan điều tra.
2. Có những luồng thông tin nào?
Dựa trên lời giải trình của người liên quan, ta có thể nắm bắt một số chi tiết như sau.
Bạn học sinh đã quỳ gối ở cửa lớp để xin lỗi cô giáo do không làm theo đúng lời cô. Bạn vẫn khóc khi giáo viên yêu cầu đứng dậy, và do sức khỏe kém nên đã lên cơn co giật tại chỗ. Giáo viên thấy vậy liền túm áo kéo bạn vào trong lớp.
Một số báo như Tiền Phong ghi lại chi tiết những gì xảy ra trước sự việc trong clip: cô giáo bảo học sinh ra đứng ở cửa lớp để “giải quyết chiếc bánh mình đặt.” Các tờ Tuổi Trẻ, Dân Trí hay Vietnamplus đưa tin rằng cả hai bên đều đã nhận lỗi.
Báo Lao Động dẫn lời nhân chứng kể lại lời đe dọa mà cô giáo đã nói ra trước khi diễn ra sự việc trong video. Lời dọa nạt không dừng ở hạ hạnh kiểm hay không cho thi tốt nghiệp, mà còn thể hiện sự vô cảm trước tình trạng sức khỏe và tâm lý của học sinh.
3. Sự việc đặt ra những vấn đề gì?
Điều khiến dư luận bức xúc nhất là cách hành xử của giáo viên. Việc nắm áo, lôi học sinh vào lớp như vậy là không phù hợp ở môi trường sư phạm, bất kể tình huống nào hay sự việc ra sao.
Những lời mắng mỏ và thóa mạ của cô cũng khiến nhiều người bất bình. Chúng cho thấy cô hoàn toàn không thấu cảm với học sinh mà chỉ quan tâm tới cảm xúc của mình.
Nhiều người cũng chất vấn quyền hạn của giáo viên: tại sao lại bắt học sinh của mình đi mua bánh? Và kể cả như vậy, thì liệu có đáng phải thóa mạ học sinh chỉ vì một chiếc bánh không?
Bên cạnh đó, nhiều nhà giáo dục cũng như cá nhân đặt câu hỏi ở chiều ngược lại: tại sao bạn học sinh đó không phản kháng, và tại sao những người bạn cùng lớp không lên tiếng? Từ đó, họ chất vấn môi trường giáo dục đã thất bại trong việc bảo vệ học sinh, cũng như đào tạo học sinh tự bảo vệ bản thân mình.
Câu hỏi cuối cùng mà một số người đặt ra là, phạt học sinh thế nào cho phù hợp? Họ cho rằng trong một số trường hợp, việc phạt là cần thiết. Nhưng nếu dùng hình phạt cực đoan sẽ dẫn tới những tổn thương tâm lý và cả thể chất cho học sinh. Một ví dụ cho việc này xảy ra ở Trung Quốc, nơi một học sinh phải nhập viện do bị giáo viên phạt đứng lên ngồi xuống 200 lần.
4. Còn những vấn đề giáo dục nào khác trong thời gian gần đây?
Năm học mới vừa bắt đầu, những câu chuyện về giáo dục đang thu hút nhiều sự chú ý. Một trong số đó là vấn đề lạm thu tại cấp học phổ thông. Một trong nhiều sự việc đã phát giác diễn ra tại trường THCS Tứ Hiệp, Hà Nội: tiền quỹ lớp lên tới 500 triệu đồng, trong đó có nhiều khoản thu không hợp lý.
Trường hợp tương tự xảy ra tại một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thu 10 triệu đồng mỗi học sinh, lớp có quỹ hơn 300 triệu. Nhưng dù năm học mới bắt đầu chưa được một tháng, lớp đã chi tới 260 triệu - không chỉ cho việc tu sửa lớp học, mà còn có nhiều khoản chi vô lý như 4 triệu tiền tập văn nghệ hay 5 triệu tiền ăn uống trong buổi tập văn nghệ.
Học thêm và dạy thêm cũng là chủ đề tranh cãi. Vấn đề không chỉ là hoạt động dạy thêm tự phát do giáo viên tổ chức, mà là việc dạy thêm trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo phản ánh của các nhà báo và nhà giáo dục, nhiều trường đưa các môn học tự nguyện thành bắt buộc, đồng thời thiết kế nhiều hoạt động học bồi dưỡng, học bổ sung mang tính ép buộc. Ngoài ra, các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của bộ giáo dục về việc dạy và học thêm tới nay đã lỗi thời, bởi chúng đều ra đời trước khi có chương trình giáo dục phổ thông mới.
5. Có thể báo cáo sai phạm giáo dục ở đâu ngoài… lên mạng?
Khi phát hiện sai phạm trong giáo dục, các học sinh hay phụ huynh còn cách nào khác ngoài “vái tứ phương” trên mạng xã hội? Liệu có một đường dây nóng, hay một địa chỉ liên lạc nào cho vấn đề này không?
Khi tìm kiếm trên internet những kênh liên lạc như vậy, ta sẽ nhận được một vài số điện thoại, tuy nhiên những số này hoặc không còn hoạt động, hoặc không nhấc máy.
Một kết quả tìm kiếm khác đưa tới chức năng Phản ánh kiến nghị tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tại đây, người dân có thể thông báo với cơ quan chức năng khi có sự việc xảy ra ở tất cả các chủ đề, trong đó có giáo dục đào tạo.
Hầu hết các vụ việc bạo lực học đường hay sai phạm giáo dục đều có chung một công thức: người bị hại hoặc người tố giác lên tiếng, đưa ra bằng chứng trên mạng xã hội. Nếu vụ việc đủ nghiêm trọng sẽ được truyền thông và báo chí đưa tin.
Cách này hiệu quả bởi tính tức thời và khả năng lan tỏa của mạng xã hội. Nó cũng có hạn chế là cần thu hút sự theo dõi của đại chúng, điều tưởng dễ nhưng hóa ra không đơn giản nếu người tố giác không thực sự biết mình nên "bóc phốt" như thế nào và ở đâu. Một sự thay đổi giữa chừng của thuật toán cũng có thể khiến lời tố giác chìm nghỉm giữa muôn màu showbiz.
Ta ngày càng thấy nhiều sự việc bạo hành hay bạo lực học đường - không phải vì đó là xu hướng, mà bởi ngày càng nhiều người đang lên tiếng. Điều chúng ta cần làm là tạo ra một bộ phận phụ trách, một kênh liên lạc để lắng nghe tất cả các trường hợp, chứ không phó mặc vào sự may rủi của truyền thông và mạng xã hội.