Toàn cảnh sự việc bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Toàn cảnh sự việc bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng

Hiện đang có hơn 100 cơ sở hoạt động có mô hình giống Mái ấm Hoa Hồng, vậy sự vụ này đến đây là kết thúc, hay chỉ là mở đầu cho chuỗi những màn bóc trần hành vi vô nhân đạo? 
Toàn cảnh sự việc bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng

Nguồn: Báo Thanh Niên

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 4 và 5/9 vừa qua, Báo Thanh Niên đã đăng tải 4 video ghi lại toàn cảnh quá trình bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng ở Quận 12, TP. HCM. Với diễn biến từng kỳ như sau:

  • Kỳ 1, 2: Video ghi lại nhiều phân cảnh một bảo mẫu liên tục chửi bới, đánh, nhéo vào tai, bóp miệng các em nhỏ để đút sữa. Thậm chí, cô còn chia sẻ với một bảo mẫu khác kinh nghiệm đánh đập để các cháu nghe lời và không bị ai phát hiện.
  • Kỳ 3, 4: Toàn cảnh môi trường sống thiếu vệ sinh, bừa bộn tại mái ấm. Các bé được cho ăn chung 1 tô cơm trắng chỉ chan nước tương, thau đựng bình sữa chất ngổn ngang trong nhà vệ sinh. Cứ đến khuya, sẽ có một người chạy xe máy đến chở những thùng sữa, tã từ mái ấm đến tiệm tạp hoá cách đó không xa để bán.
alt
Phân cảnh cắt từ video "Bóng tối trong mái ấm tình thương" | Nguồn: Báo Thanh Niên

Theo điều tra của báo Thanh Niên, mái ấm thuộc diện kinh doanh “cơ sở ngoài công lập" - tổ chức xã hội không được ủng hộ tài chính và kiểm soát hoàn toàn bởi Nhà Nước.

Quy định cho thấy nơi đây chỉ được nuôi 39 đứa trẻ. Nhưng sau khi đến kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận hiện tại đang có 86 em nhỏ đang sinh sống - vượt gấp 3 lần cho phép.

Hiện tại, chính quyền đã tiến hành giam giữ chủ mái ấm và 4 bảo mẫu. Chiều ngày 4/9, các bé cũng đã được đưa đến các Trung tâm Bảo trợ công lập để chăm sóc tạm thời.

2. Nghi ngờ từ lâu nhưng vì sao không ai lên tiếng?

Sau khi sự việc được phát giác, nhiều nhà hảo tâm đã lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ, thương xót với các em. Đáng nói là nhiều người chia sẻ họ đã từng thấy những điểm đáng ngờ của mái ấm, nhưng do không có chứng cứ, nên vẫn nhắm mắt ngó lơ và tiếp tục ghé thăm.

Một nhà hảo tâm chia sẻ trên Facebook cô thường xuyên quyên góp sữa mẹ cho các bé sơ sinh tại Mái ấm Hoa Hồng. Mặc dù đã nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, nhưng vì tình thương dành cho các em, cô vẫn tiếp tục đến thăm và cung cấp sữa mẹ, chỉ ngừng cho hiện vật và hiện kim.

Một nhà hảo tâm khác cho biết khi họ liên hệ mái ấm ngỏ ý đến thăm các bé, tặng một số đồ dùng, thức ăn thì lại bị từ chối với lý do “hết giờ thăm trẻ". Vào ngày hôm sau, khi gọi lại bảo muốn quyên góp tiền thì họ lại được đón tiếp rất niềm nở.

alt
Bài chia sẻ của một nhà hảo tâm về sự thiên vị của mái ấm | Nguồn: FaceBook Tống Thị Phương Anh

Theo nguồn tin chưa xác thực, sự việc chỉ bắt đầu được điều tra khi tòa soạn báo Thanh Niên nhận được những phản hồi tố cáo từ người dân, một trong số đó đến từ bảo mẫu từng làm việc tại đây.

3. Mái ấm Hoa Hồng đã lách luật như thế nào?

Cơ sở này đã lợi dụng một số “vùng xám" của pháp luật để thực hiện hàng loạt hành vi tàn ác mà không bị phát hiện, bao gồm:

Tranh thủ khoảng cách của kiểm tra định kỳ: Trong Điều kiện thành lập mái ấm có nêu rõ, các cơ sở bảo trợ xã hội phải được kiểm tra định kỳ, đột xuất bởi cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, chính quyền địa phương thường tiến hành kiểm tra tất cả mái ấm mỗi 6 tháng một lần. Hai lần rà soát gần nhất tại Mái ấm Hoa Hồng đều không phát hiện sai phạm.

Vì mỗi đợt thanh tra cách nhau khá lâu, những bảo mẫu có thể tự do thực hiện hành vi trái đạo đức trong nhiều tháng liền mà không lo bị bắt gặp.

Không có quy định cụ thể về số lượng bảo mẫu bắt buộc: Trong Luật có điều khoản “Cơ sở phải có đội ngũ nhân viên trợ giúp xã hội bảo đảm đủ về số lượng, trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ của cơ sở”.

Điều luật này không nêu rõ cần cụ thể bao nhiêu bảo mẫu để đảm bảo các em được chăm lo trong điều kiện tốt nhất. Nên có lẽ Mái ấm Hoa Hồng đã chủ trương càng ít người, càng tiết kiệm chi phí. Dù đang nhận nuôi tận 86 bé, nhưng chỉ có 4 người thay ca nhau túc trực, canh chừng.

Trong khi tại Úc, số lượng nhân viên tối thiểu được chia theo tỉ lệ rất chi tiết, dựa trên số trẻ và độ tuổi trẻ:

  • Dưới 24 tháng: 1 bảo mẫu cho mỗi 4 trẻ.
  • Từ 2-3 tuổi: 1 bảo mẫu cho mỗi 5 trẻ.
  • Từ 3 tuổi trở lên: 1 bảo mẫu cho mỗi 10-11 trẻ.

Nếu sử dụng tỉ lệ này để tham chiếu, thì ước chừng Mái ấm Hoa Hồng cần có ít nhất 15 bảo mẫu cùng một lúc thì mới đạt chuẩn, nhiều gấp 5 lần số lượng thực tế.

Đồng thời, bảo mẫu tại quốc gia này cũng phải trải qua giai đoạn rà soát và kiểm tra lý lịch vô cùng gắt gao. Quy trình này giúp đảm bảo rằng ứng viên có đủ sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, không có tiền sử hay xu hướng bạo hành, ngược đãi, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn về giáo dục cũng như chăm sóc trẻ em.