Ở một thời điểm nào đó trong đời, chúng ta sẽ nghĩ đến chuyện kết hôn. Nhưng xung quanh từ người thân, bạn bè đến những người nổi tiếng, có rất nhiều cặp đôi đã luôn hạnh phúc bên nhau nhiều năm nhưng sau khi kết hôn thì không viên mãn như mường tượng. Chứng kiến những trường hợp như vậy lặp đi lặp lại, chúng ta không khỏi hoang mang tự hỏi, hôn nhân liệu có giết chết tình yêu?
Được truyền cảm hứng bởi tác giả Brittany Wong trên HuffPost, bài viết này sẽ lý giải quan niệm “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu” dưới góc nhìn của các chuyên gia tâm lý học.
1. Kỳ vọng sai lầm về hôn nhân
Hôn nhân sẽ trở thành một thảm họa nếu chúng ta quyết định kết hôn với những lý do sai lầm. Tiến sĩ tâm lý Deborah Sandella cho biết, nhiều khách hàng của cô tin rằng kết hôn chỉ đơn giản là lựa chọn kế tiếp tốt nhất sau khi hẹn hò nhiều năm, hoặc sau khi tốt nghiệp đại học. Một số người còn cho rằng hôn nhân là bước đệm để thoát ra khỏi cuộc sống gia đình không êm ấm hoặc công việc bế tắc. Kết quả là họ đã từng có ý suy xét lại việc kết hôn ngay trong ngày cưới.
Hôn nhân là một quyết định lâu dài, không phải một quyết định bốc đồng hay lãng mạn. Nhiều người đặt mục tiêu tìm kiếm “một nửa hoàn hảo", hy vọng rằng người đó sẽ hoàn thiện mình, sẽ khiến mình tốt hơn hay hạnh phúc hơn. Trên thực tế, hôn nhân không hoàn thiện chúng ta, mà mỗi người chúng ta phải tự hoàn thiện bản thân để sẵn sàng cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp, vì một tình yêu trưởng thành là một tình yêu tràn đầy.
Chúng ta phải chịu trách nhiệm không chỉ đối với bản thân mình, mà còn đối với người bạn đời và gia đình mà chúng ta gầy dựng sau này. Hôn nhân không phải là một giải pháp khi chúng ta cảm thấy cô đơn, cũng không khiến cuộc đời chúng ta bớt rối ren hay khiến sự nhiệp chúng ta bớt lạc lối một cách thần kì. Hôn nhân nên được xây dựng dựa trên lòng tin, lòng trắc ẩn và sự chia sẻ chân thành, nhất là khi có vấn đề cần được giải quyết.
2. Hôn nhân phức tạp hóa nhiều vấn đề
Khác với giai đoạn yêu đương, cuộc sống vợ chồng luôn gặp phải áp lực từ thực tế. Theo tiến sĩ tâm lý Deborah Sandella, “cặp đôi đã kết hôn có nhiều niềm tin và kì vọng vô hình hơn so với khi chỉ là người yêu của nhau.” Một trong những kì vọng về hôn nhân đó là các cặp đôi phải luôn gắn bó và không được rời bỏ nhau dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Chỉ riêng điều đó đã khiến cuộc sống vợ chồng khác xa với khi hẹn hò.
Ngoài ra, tài chính gia đình cũng là một trong những vấn đề dễ trở thành mâu thuẫn trong hôn nhân. Giờ đây tài chính của cả hai đã gắn chặt vào nhau. Khi hai vợ chồng có thu nhập ngang bằng, việc cùng lên kế hoạch chi tiêu sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng nếu gia đình có “trụ cột tài chính”, khả năng kiếm tiền của cả hai có sự chênh lệch thì việc ai nên quyết định chi gì sẽ trở thành một bài toán khó.
Trò chuyện cởi mở với vợ/chồng tương lai của bạn về tình hình tài chính cá nhân của bản thân trước khi kết hôn là một phương pháp hữu hiệu để tránh biến chuyện tiền nong thành vấn đề cốt lõi trong mối quan hệ.
3. Hôn nhân đi ngược lại với tính cá nhân
Theo nhà tâm lý học Kelifern Pomeranz, trước khi kết hôn, “mỗi người luôn ưu tiên mục đích cá nhân của mình hơn cả. Hôn nhân đánh dấu bước chuyển giữa lợi ích của “tôi” và lợi ích của “chúng ta”, điều đó khiến nhiều người cảm thấy mình đang phải thỏa hiệp và lo ngại đánh mất bản sắc cá nhân.”
Ông cũng nói thêm rằng điều khiến nhiều người sợ kết hôn là vì quyết định đó mang lại cảm giác “chung cuộc” và “vĩnh viễn”.
“Đối với những người quan niệm rằng sự cam kết trong hôn nhân là một kiểu kìm hãm, hôn nhân trong mắt họ cũng trở thành kết thúc của tự do, khởi đầu cho những nhu cầu không được đáp ứng và hạn chế nhiều lựa chọn.” Trước đó, họ xem mối quan hệ này như một sự tự do lựa chọn mỗi ngày. Nhưng khi đến giai đoạn kết hôn, sự cam kết xuất hiện, họ mới nhận thức rõ những trở ngại và khó khăn đi kèm.
4. Cảm giác rằng hôn nhân đã thay đổi người bạn đời
Có rất nhiều thứ thay đổi khi một cặp đôi bước vào đời sống hôn nhân: kế hoạch cuối tuần, mối quan hệ với bạn bè, việc chi tiêu mua sắm và quản lý tài chính. Những yếu tố này vô tình khiến nhiều người cảm thấy bạn đời của mình thiếu tinh tế hơn, ích kỷ hơn hoặc “không còn như trước".
Tuy nhiên, có nhiều thứ không thực sự thay đổi trong hôn nhân, mà chỉ dần lộ rõ hơn. Tiến sĩ tâm lý Deborah Sandella cho biết, ở giai đoạn đầu của mối quan hệ, chúng ta có xu hướng trưng lên những mặt tốt nhất của mình, đồng thời cũng thường ngăn chúng ta chia sẻ cảm nhận chân thật.
Nhưng khi sự say mê ngắn ngủi ban đầu chuyển thành tình yêu lâu dài, hoặc khi cảm thấy an toàn vì đã kết hôn, bạn bắt đầu trở nên thoải mái hơn. Những cảm xúc luôn che giấu trước đây bắt đầu bùng nổ. Lúc này, những mặt tính cách chân thật được thể hiện rõ khiến nhiều người “vỡ mộng".
Thành thực với người bạn đời về những lo sợ và tự ti của bản thân sẽ giúp cả hai chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc hôn nhân lâu dài. Không ai là không có khuyết điểm, vì vậy chúng ta cũng không cần phải giả vờ hoàn hảo trước mặt người mà mình sẽ ở bên cả cuộc đời.
5. Hôn nhân khiến tình yêu trở thành “điều hiển nhiên"
Khác với chuyện cổ tích, hôn nhân không phải là “một kết thúc hạnh phúc” (happy ending). Nếu bạn cho rằng kết hôn là đã “neo” tình yêu của mình vào một bến đỗ an toàn thì rất dễ khiến mối quan hệ chết dần.
Ghi tên mình vào giấy chứng nhận kết hôn đưa mối quan hệ vào một mức độ an toàn khác, khiến nhiều người cho rằng sự hiện diện của người bạn đời giờ đã là hiển nhiên. Suy nghĩ như vậy khiến nhiều cặp đôi nảy sinh tâm lý thả lỏng. Họ dần ngừng nỗ lực bồi đắp và hoàn thiện mình cũng như mối quan hệ của cả hai.
Không chỉ riêng đối với mối quan hệ vợ chồng, một cặp đôi lâu năm cũng gặp những vấn đề tương tự. “Các cặp đôi chỉ cần tâm sự một cách chân thành, nêu ra lý do đằng sau những kỳ vọng của mình, như vậy sẽ giúp mối quan hệ của họ bền lâu hơn.” – Nhà tâm lý học Ryan Howes chia sẻ.
Kết
Hôn nhân là sự lựa chọn của cả một đời người, luôn ở trạng thái chuyển động và thay đổi. Việc xây dựng một gia đình của riêng mình là một hành trình dài cần nỗ lực để vun đắp.
Mỗi chúng ta đều có khả năng bị ảnh hưởng hoặc e ngại việc kết hôn bởi những lý do kể trên. Tuy nhiên, khi gặp đúng người và vào đúng thời điểm, nếu bạn biết nhìn nhận những rào cản cá nhân và trao đổi vấn đề một cách chân thành với người bạn muốn đồng hành cả đời, hôn nhân sẽ không còn là “nấm mồ tình yêu" như quan niệm của nhiều người nữa.