Vì sao không nên tin vào "một nửa hoàn hảo"? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
19 Thg 05, 2020
Thương

Vì sao không nên tin vào "một nửa hoàn hảo"?

Ý tưởng tìm kiếm "một nửa hoàn hảo" có thể mang lại nhiều tác hại cho một mối quan hệ hơn là lợi ích. Đây là lý do vì sao.
Vì sao không nên tin vào "một nửa hoàn hảo"?

Vì sao không nên tin vào "một nửa hoàn hảo"?

Triết gia Hy Lạp cổ đại Plato từng phát biểu về khát khao tìm kiếm một nửa kia của nhân loại như sau :

"Theo thần thoại Hy Lạp, thuở ban đầu, con người được tạo ra với bốn tay, bốn chân và một cái đầu với hai khuôn mặt. Lo sợ trước sức mạnh của họ, Zeus đã tách con người ra thành hai phần riêng biệt, trừng phạt họ luôn phải dành cả cuộc đời để tìm kiếm một nửa khác của mình."

Một khảo sát gần đây của Đại Học Monmoth (Hoa Kỳ) cũng cho thấy có đến 2/3 số người tham gia tin rằng có sự tồn tại của một người đặc biệt dành riêng cho họ. Tại Việt Nam, khi chính phủ ra thông tư “giục kết hôn trước 30 tuổi”, có rất nhiều người trẻ chia sẻ vì sao họ chưa sẵn sàng. Trong đó có một nguyên do là họ vẫn đang tìm một mảnh ghép hoàn hảo cho mối quan hệ để tiến đến hôn nhân.

Có rất nhiều định nghĩa và nguồn gốc khác nhau về “một nửa hoàn hảo” (“the one", “the perfect other half", "soulmate"). Trong đó, niềm tin phổ biến nhất là luôn có một người duy nhất được tạo ra chỉ để dành cho mình trong vũ trụ bao la rộng lớn này, một người để hoàn thiện mình, chỉ là họ đang chờ được phát hiện mà thôi. Một khi được tìm thấy, anh ấy hoặc cô ấy sẽ mang đến niềm hân hoan vĩnh cửu.

Thế nhưng, ý tưởng về "nửa kia hoàn hảo", "một mảnh ghép vừa vặn" với tâm hồn có thể gây nhiều tác hại cho một mối quan hệ hơn là lợi ích. Dưới đây là những lý do vì sao chúng ta nên dừng việc tìm kiếm một nửa hoàn hảo trong tình yêu.

"Nửa kia" của bạn đôi khi chỉ là sản phẩm của truyền thông thời đại

Lý thuyết “gieo cấy" (cultivation theory) cho rằng các phương thức truyền thông đại chúng là những công cụ mà một cộng đồng tận dụng để truyền bá các giá trị của họ, dù rằng giá trị đó chưa hẳn là sự thật. “Tình yêu lý tưởng" chính là sản phẩm được “gieo cấy" bởi truyền thông đương đại để giải trí và thỏa mãn người xem. Có rất nhiều bài báo trực tuyến hay gameshow đưa ra các "quy trình" từng bước để tìm kiếm người đàn ông hay phụ nữ hoàn hảo, hay các bài hát và bộ phim ca thán về người bạn tâm giao, về tình yêu hoàn mỹ.

Một câu thoại nổi tiếng trong bộ phim Jerry McGuire khi Tom Cruise cuối cùng cũng xuất hiện và thì thầm với Renée Zellweger trong nước mắt: "Em hoàn thiện tôi" (“You complete me"). Và câu trả lời của cô ấy là: "Em đã mến anh ngay từ lần đầu gặp gỡ." (“You had me at the hello). Những cảnh phim như vậy khơi gợi trong chúng ta khao khát tìm được một nửa hoàn hảo.

Thật không may, điều đó đã nuôi dưỡng những ý tưởng và kỳ vọng “không thật" về các mối quan hệ tình cảm trong thế giới thực. Các bộ phim Hollywood thường kết thúc khi các anh hùng tìm thấy một nửa tâm giao. Những câu chuyện cổ tích thường khép lại khi công chúa về bên hoàng tử. Rất ít những bộ phim cho thấy những va chạm giữa các cặp đôi sau đám cưới, khi những đứa trẻ lớn lên và mâu thuẫn nảy sinh dưới áp lực của hôn nhân – vốn là các thử thách thực sự cho tình yêu.

Suy nghĩ về "một nửa hoàn hảo" có thể làm tổn thương bạn

Đóng khung tình yêu bằng một công thức thống nhất hoàn hảo có thể tác động xấu đến mức độ hài lòng mối quan hệ. Theo một nghiên cứu của Đại học Toronto, những người tham gia tin vào "một nửa hoàn hảo" ban đầu rất hạnh phúc trong mối quan hệ của họ. Nhưng sau đó, khi có vấn đề phát sinh, họ sẽ dễ rơi vào cái bẫy kỳ vọng và đi tìm "một mảnh ghép vừa vặn" khác, thay vì cố gắng giải quyết vấn đề cùng nhau.

Ngược lại, những người không tin vào "một nửa hoàn hảo" lại có mối quan hệ lâu bền và gắn kết hơn. Những người tin vào sự phát triển lãng mạn (romantic growth) sẽ tích cực tìm kiếm một người xây đắp, phát triển mối quan hệ và sẵn sàng giải quyết xung đột cùng nhau. Ban đầu, họ thường không có quá nhiều đam mê và hài lòng với bạn đời. Tuy nhiên, khi có vấn đề phát sinh, họ có động lực để giải quyết chúng và luôn cam kết đồng hành với người bạn đời. Do đó, các mối quan hệ này có xu hướng dài hơn và thỏa mãn hơn theo thời gian.

Một nửa hoàn hảo không khiến chúng ta trở nên hoàn hảo

Tình yêu không phải là giải pháp cho các vấn đề trong cuộc sống. Khi một vài khía cạnh trong cuộc sống không được như ý, chúng ta có xu hướng tự gây xao lãng bằng các mối quan hệ để né tránh vấn đề cần giải quyết. Trong tình huống này, "một nửa hoàn hảo" không phải là một ý tưởng lành mạnh. Nó không khuyến khích chúng ta phát triển bản thân hoặc rèn luyện các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho một mối quan hệ.

Ý tưởng về một người hoàn thiện chúng ta còn tạo nên sự lệ thuộc. Thay vì phát triển và học hỏi, chúng ta lại dựa vào nửa kia để hoàn thiện những điều mà bản thân thiếu sót và thỏa mãn những nhu cầu của riêng mình. Một mối quan hệ lành mạnh là khi anh ấy hay cô ấy tạo cho bạn một sự độc lập cần thiết, khi cả hai cởi mở và cùng nhau phát triển.

Đánh mất những cơ hội tuyệt vời khác

Theo chuyên gia cố vấn về mối quan hệ Raffi Bilek, LCSW-C, giám đốc Trung tâm trị liệu Baltimore: "Những người tin vào việc tìm kiếm một nửa hoàn hảo có thể bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tốt đang chờ đợi họ." Nếu đã có sẵn ý tưởng về một nửa còn lại, chúng ta sẽ lý tưởng hóa người đó thành một hình ảnh cụ thể trong đầu, gán cho người đó một công việc, ngoại hình, tính cách hoặc sở thích như chúng ta mong đợi. Điều này khiến chúng ta giới hạn lựa chọn của mình thay vì cởi mở với các đối tượng tiềm năng khác.

Cũng theo ông Raffi Bilek thì: "Các mối quan hệ tốt thường không phải là kết quả của việc tìm đúng người, mà là xây dựng mối quan hệ cùng với một người sẵn sàng nỗ lực vì nó". Một khi đã xóa bỏ niềm tin về “người bạn tâm giao", bạn sẽ đứng trước nhiều cơ hội để tiến gần đến việc xây dựng tình yêu dựa trên nỗ lực và cam kết.

Thay vì tìm kiếm, hãy học cách để trở thành một đối tác hoàn hảo

Từ bỏ tìm kiếm một nửa hoàn hảo không có nghĩa là bạn phải từ bỏ ý tưởng về tình yêu thật sự. Bí quyết cho một mối quan hệ lành mạnh và gắn kết đó là học hỏi thêm để lắng nghe và thấu hiểu đối phương.

Shauna H. Springer, một nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu về mối quan hệ và lối sống cho rằng: "Tôi không tin vào việc tìm kiếm người bạn tâm giao hoàn hảo, nhưng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp hai người trở thành bạn tâm giao của nhau sau mối quan hệ yêu đương lâu dài và sâu sắc".

Alain de Botton – một tác gia và diễn giả nổi tiếng đã đưa ra luận cứ rằng khả năng tương thích là một thành tựu của tình yêu. Qua thời gian, mối quan hệ có thể dần trở nên gắn kết và thấu hiểu, nếu hai cá thể chịu học hỏi để trở thành người bạn đời hoàn hảo bằng cách lắng nghe nửa kia, cư xử với họ bằng tất cả sự rộng lượng và lòng trắc ẩn.