Impostor syndrome trong tình yêu: Làm gì khi thấy mình không đủ tốt? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
26 Thg 06, 2021
Thương

Impostor syndrome trong tình yêu: Làm gì khi thấy mình không đủ tốt?

Trong tình yêu, hội chứng kẻ giả mạo (imposter syndrome) có gì khác không? Chúng ta nên làm gì khi có suy nghĩ "mình không xứng đáng" với một mối quan hệ?
Impostor syndrome trong tình yêu: Làm gì khi thấy mình không đủ tốt?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

"Hội chứng kẻ giả mạo" (impostor syndrome) thường được nhắc đến nhiều khi bàn về thành tựu công việc nên ít ai ngờ rằng nó cũng hiện diện trong các mối quan hệ. Tự ti vì trình độ học vấn của mình không đủ cao, hay lo sợ rằng ngoại hình của mình không đủ thu hút – suy nghĩ "mình không đủ tốt" với người còn lại như hai ví dụ này chính là biểu hiện của hội chứng kẻ giả mạo.

Hội chứng kẻ giả mạo là gì?

Impostor syndrome, hay “hội chứng kẻ giả mạo", là hiện tượng được đặt tên bởi hai nhà tâm lý học Suzanna Imes và Pauline Clance vào những năm 1970s. Hội chứng này xảy ra khi một ai đó nghĩ mình không xứng đáng với những gì mình đạt được, cùng với nỗi sợ thường trực rằng người khác sẽ phát hiện ra mình không “giỏi” đến thế.

Nói cách khác, hội chứng này là cảm giác bản thân không đủ tốt như người khác nghĩ.

Hội chứng này hiện diện trong tình yêu như thế nào?

Hội chứng kẻ giả mạo thường được nhắc đến trong môi trường học đường hoặc trong công việc, vì đây là nơi ta thường đánh giá mỗi người dựa trên thành tựu họ đạt được. Tuy vậy trong tình yêu, hội chứng kẻ mạo danh cũng có thể xảy ra khi xuất hiện những so sánh về học vấn, ngoại hình, hay tính cách giữa hai người.

titleHội chứng kẻ giả mạo trong tigravenh yecircu Hội chứng kẻ giả mạo trong tigravenh yecircu
trong tình yêu, hội chứng kẻ mạo danh cũng có thể xảy ra khi xuất hiện những so sánh về học vấn, ngoại hình, hay tính cách giữa hai người.

Bạn có thể gặp phải impostor syndrome trong mối quan hệ của mình, nếu như thường xuyên:

  • Thấy bản thân không đủ tốt với người còn lại.
  • Cảm thấy mối quan hệ hiện tại như “trong mơ”, đến mức cảm thấy mình không xứng đáng với nó.
  • Không dám thể hiện bản thân vì sợ người kia phát hiện ra bạn không "xứng" với họ.
  • So sánh mình với người yêu cũ của người kia.
  • Nghi ngờ những lời khen đến từ người còn lại.
  • Kiếm chuyện với người kia như một cách để “thử thách tình yêu" của hai người.

Nguyên nhân và hậu quả

Impostor syndrome thường bắt nguồn từ sự thiếu tự tin. Đó có thể là hậu quả của quá khứ, chẳng hạn do môi trường lớn lên mang nặng sự đánh giá. Hoặc do họ đã từng bị phủ nhận trong mối quan hệ cũ bằng các hình thức thao túng, như bị gaslight để hạ thấp họ.

Ngoài ra, hội chứng này còn có thể phản ánh sự khác biệt quá lớn của các cặp đôi, chẳng hạn như về hoàn cảnh và quan điểm sống. Trong trường hợp này, suy nghĩ “mình không đủ tốt" không chỉ đơn thuần là cảm giác.

Người gặp impostor syndrome từ đó thường trở nên tự ti, không dám thể hiện bản thân, có xu hướng tự cô lập bản thân mình và đẩy người còn lại ra xa. Nếu hội chứng này trở nên nặng hơn, nó có thể dẫn đến lo âu hoặc trầm cảm.

Nên làm gì khi thấy mình không xứng đáng?

Tách biệt “cảm giác" và sự thật

Valerie Young, tiến sĩ nghiên cứu về impostor syndrome cho rằng “Cách duy nhất để không cảm thấy mình như một kẻ giả mạo là dừng suy nghĩ như một kẻ giả mạo". Vì vậy, hãy phân biệt rõ ràng giữa cảm giác chủ quan của bản thân và sự thật có minh chứng.

Ví dụ, nếu bạn sợ rằng càng đi sâu vào mối quan hệ thì đối phương sẽ càng thấy mình nhàm chán, điều đó chưa chắc là sự thật. Thử tìm ra nguyên nhân vì sao mình cảm thấy như thế. Đó có phải là do bạn đang gặp phải vấn đề cá nhân nào khác, hay do người kia thường xuyên cố tình hạ thấp bạn?

Ngoài ra, sử dụng các câu khẳng định bản thân (self-affirmation phrases) cũng có thể giúp xoa dịu những luồng suy nghĩ quá tiêu cực, ví dụ như “Mình xứng đáng nhận được sự yêu thương trong mối quan hệ này”.

Còn nếu cảm giác và sự thật dường như đang hoà làm một, nghĩa là khi thật sự có chênh lệch quá lớn giữa hoàn cảnh và quan điểm sống, đã đến lúc hai bạn nên trò chuyện với nhau về vấn đề này và cùng tìm giải pháp.

Thẳng thắn trao đổi với người còn lại

Cảm giác mình không xứng với người kia xuất phát từ trong chính suy nghĩ của bạn, không phải của người kia, và điều này chỉ được tìm ra khi hai bạn nói chuyện với nhau. Thẳng thắn chia sẻ về điều này có thể giúp tháo gỡ nỗi lo, hiểu nhau hơn và cùng tìm ra giải pháp.

titleTrao đổi thẳng thắn trong mối quan hệ Trao đổi thẳng thắn trong mối quan hệ
Trao đổi thẳng thắn và thể hiện tình cảm phù hợp cũng là cách để vượt qua nỗi sợ bản thân không xứng đáng trong mối quan hệ.

Thể hiện tình cảm một cách phù hợp cũng là một cách để vượt qua nỗi sợ bản thân không xứng đáng với người còn lại, bởi vì mình biết họ vẫn dành tình cảm cho mình. Bác sĩ Gary Chapman đã nghiên cứu và kết luận ra 5 loại ngôn ngữ tình yêu: thời gian bên nhau, quà tặng, sự chu đáo, lời yêu, và những cái chạm. Hãy tham khảo 5 loại ngôn ngữ tình yêu này và tìm ra loại của đối phương để hiểu được nhu cầu của nhau, từ đó đáp ứng và được đáp ứng theo cách phù hợp nhất.

Ngược lại, theo Mark Manson, một trong những dấu hiệu của mối quan hệ độc hại là “mối quan hệ hơn thua". Nếu sau khi trao đổi với người kia, bạn nhận ra họ liên tục tìm cách đổ lỗi cho bạn và luôn phân định ai “tồi tệ" hơn, đã đến lúc cân nhắc lại tình cảm của hai người một cách kĩ càng.

Nhận ra rằng so sánh có thể tạo ấn tượng sai lệch

Phần lớn các so sánh trong tiềm thức của bạn đều không khái quát, mà chỉ giới hạn trong một khía cạnh nào đó. Điều đó đã được nhà tâm lý học Thorndike đã nghiên cứu và gọi là “‘hiệu ứng hào quang” (The Halo Effect). Hiện tượng này xảy ra khi ta đưa ra cái nhìn tổng thể về một ai đó chỉ dựa trên một đặc điểm không hề liên quan.

Bạn đã bao giờ thấy bạn bè của đối phương có ngoại hình thật thu hút và rồi cảm giác mình không đủ thú vị bằng họ? Vì ngoại hình đâu thể định nghĩa được tính cách của từng người, nên đây chính là ví dụ điển hình của “hiệu ứng hào quang".

Điều này nhắc chúng ta rằng, khiếm khuyết ở một mặt không có nghĩa là bạn mất hết tất cả các giá trị của bản thân. Hãy nhớ rằng ai cũng có những mặt mạnh và mặt yếu riêng, nên hãy thả lỏng và tự tin với điểm mạnh của chính mình.

Thay đổi cái nhìn về impostor syndrome

Vì tự ti là cảm giác không mấy dễ chịu, nên ta thường hay mặc định rằng gặp phải impostor syndrome là một điều xấu. Thật ra, dù có từ “syndrome” (hội chứng) trong tên nhưng đây không phải là một dạng rối loạn tâm thần mà chỉ là một trong các dấu hiệu dẫn đến điều đó.

Cảm thấy không đủ tốt có thể là tín hiệu cho thấy bạn quan tâm đến chất lượng của mối quan hệ giữa hai người. Đó có thể là động lực giúp cả hai hoàn thiện bản thân, nếu như điều này được nhìn nhận một cách lành mạnh. Đừng quá tập trung vào việc ai hơn - ai kém, mà thay vào đó là điều mình có thể làm tốt hơn trong mối quan hệ này.

Cũng vì thế nên vượt qua impostor syndrome không có nghĩa là bắt ép bản thân phải trở nên hoàn hảo. Hãy nhớ rằng ai cũng có thể mắc sai lầm, hãy tha thứ cho bản thân và rút kinh nghiệm cho lần sau.