Impostor syndrome là gì? Vì sao hội chứng kẻ giả mạo trở nên phổ biến | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 04, 2020
Cuộc SốngTâm Lý HọcBóc Term

Impostor syndrome là gì? Vì sao hội chứng kẻ giả mạo trở nên phổ biến

Không tự tin vào khả năng thành công của mình? Chào mừng bạn đến với hội chứng tâm lý Imposter Syndrome. Không nó không phải là vai trò trong Among Us đâu
Impostor syndrome là gì? Vì sao hội chứng kẻ giả mạo trở nên phổ biến

Bóc Term: Impostor syndrome là gì?

1. Impostor syndrome là gì?

Impostor syndrome /ɪmˈpɑː.stɚ ˌsɪn.droʊm/ (n) chỉ cảm giác sâu sắc rằng bản thân không xứng đáng với thành công mình đã đạt được, cùng nỗi sợ người khác “phát hiện” ra mình không tài giỏi đến mức đấy.

Imposter syndrome thường được dịch là “hội chứng kẻ giả mạo”.

Dù có từ “syndrome” (hội chứng) trong tên, đây không phải một rối loạn tâm thần như trầm cảm, tự kỷ hay bipolar (rối loạn lưỡng cực). Nhưng impostor syndrome có thể là cánh cổng dẫn đến những rối loạn trên.

2. Nguồn gốc của impostor syndrome?

Impostor syndrome là một hiện tượng được đặt tên bởi hai nhà tâm lý học Pauline Clance và Suzanne Imes năm 1978. Trong nghiên cứu của mình, họ phát hiện ra nhiều phụ nữ thành đạt thực sự tin rằng mình không xứng đáng.

Khi được hỏi tại sao mình thành công, những người này “đổ” cho thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nếu được thăng chức, họ đổ tại công ty thiếu người. Nếu đỗ một kỳ thi, họ đổ tại trúng tủ.

Những nghiên cứu được đăng trên tờ Psychology Today sau đó phát hiện ra impostor syndrome dày vò đàn ông không kém gì phụ nữ.

Đây không phải một sự khiêm tốn thông thường. Impostor syndrome khiến họ nơm nớp lo sợ người khác “vạch mặt” những may mắn đằng sau thành công của mình.

Họ lao mình vào công việc mà không dám nhận đền đáp xứng công lao. Họ bị ám ảnh bởi tiểu tiết, và không bao giờ hài lòng với bản thân.

Các nhà tâm lý học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân đằng sau hội chứng kẻ giả mạo. Tuy nhiên, họ nghi là do tính nhạy cảm cao (high neuroticism), trải nghiệm tuổi thơ, và áp lực thành công.

3. Vì sao hội chứng kẻ giả mạo trở nên phổ biến?

Rất nhiều người nổi tiếng từng chia sẻ mình mắc hội chứng kẻ giả mạo, bao gồm Tom Hanks, Michelle Obama, Emma Watson, Kate Winslet, Meryl Streep, Jennifer Lopez, David Bowie, Sheryl Sandberg, Howard Schultz. (Theo entrepreneur.com)

Trong phóng sự về mình, Lady Gaga nói, “Đôi khi tôi vẫn cảm thấy mình chỉ là một đứa bét lớp hồi cấp ba, run rủi thế nào mới được nổi tiếng.”

Năm 2015, Natalie Portman phát biểu tại trường cũ Harvard, “Lần đầu bước chân vào trường, tôi nghĩ chắc hội đồng tuyển sinh nhầm lẫn chỗ nào rồi. Tôi làm gì đủ thông minh để được ngồi đây. Mỗi lần phát biểu, tôi đều phải gồng mình chứng tỏ bản thân không chỉ là một chiếc bình hoa di động.”

Điều này khiến nhiều người nhận ra mình từng trải nghiệm impostor syndrome. Hàng loạt các forum mọc lên để cư dân mạng trao đổi về tình trạng của mình.

4. Dùng từ impostor syndrome như nào

Tiếng Anh

A: Are you okay?

B: No, I am struggling with impostor syndrome. I’m afraid if I say something wrong, they will discover that I’m a fraud.

A: What’s a problem students from working-class backgrounds often encounter?

B: They often suffer from impostor syndrome, a deep-seated sense that the world of high culture is not for them.

Tiếng Việt

A: Mày ổn không vậy?

B: Không, tao đang bị hội chứng kẻ giả mạo. Tao sợ nếu nói gì sai, người ta sẽ phát hiện ra tao thật sự chẳng tài cán gì.

A: Sinh viên từ giai cấp lao động thường gặp khó khăn gì?

B: Theo kinh nghiệm của tôi, các em ấy thường gặp imposter syndrome, một nỗi tự ti sâu sắc rằng giới trí thức không phải nơi dành cho mình.