Intrapreneurship là gì? Vì sao nên trải qua "bước đệm" này trước khi khởi nghiệp? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
11 Thg 06, 2020

Intrapreneurship là gì? Vì sao nên trải qua "bước đệm" này trước khi khởi nghiệp?

Khởi nghiệp ngay trong nội bộ công ty? Bạn đã được trải nghiệm qua Intrapreneurship ngay tại công việc hiện tại của bạn?
Intrapreneurship là gì? Vì sao nên trải qua "bước đệm" này trước khi khởi nghiệp?

Nguồn: Gettyimages

1. Intrapreneurship là gì?

Thuật ngữ Intrapreneurship dùng để chỉ một hệ thống cho phép các nhân viên (gọi là intrapreneur) được khởi nghiệp trong chính công ty họ đang làm việc, nhằm phát kiến hoặc cải thiện một sản phẩm hay dịch vụ.

Cùng mang tinh thần khởi nghiệp nhưng intrapreneurship và entrepreneurship là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt:

  • Intrapreneurship được hình thành trong một doanh nghiệp, tổ chức có sẵn, nhận được sự hậu thuẫn về tài nguyên từ phía công ty.
  • Entrepreneurship là khi cá nhân/nhóm tự thành lập doanh nghiệp, tổ chức mới và tự tìm kiếm tài nguyên để hiện thực hóa ý tưởng.

2. Nguồn gốc

Người đặt nền móng cho ‘intrapreneurship’ phải kể đến doanh nhân khởi nghiệp người Mỹ Gifford Pinchot. Năm 1978, trong một cuốn sách do ông và vợ chắp bút, Pinchot lần đầu tiên nhắc tới định nghĩa Intra-Corporate Entrepreneurship (dịch nghĩa: Tinh thần khởi nghiệp trong nội bộ doanh nghiệp), khi phân tích các lợi ích của sự tự do sáng tạo cá nhân trong thời đại của các doanh nghiệp lớn.

Tới năm 1985, tờ TIME góp phần phổ biến thuật ngữ này thông qua bài báo “Here come the intrapreneurs”. Năm 1992, ‘intrapreneur’ chính thức được bổ sung vào từ điển The American Heritage Dictionary.

3. Đặc điểm của intrapreneurship

Sự kiện Google IO Innovation in Open tổ chức thường niecircn với mục điacutech giới thiệu caacutec sản phẩm mới từ những nhagrave phaacutet triển của Google
Sự kiện Google I/O (Innovation in Open) tổ chức thường niên với mục đích giới thiệu các sản phẩm mới từ những nhà phát triển của Google.

Intrapreneurship hình thành ngay trong nội bộ doanh nghiệp, tổ chức.

Intrapreneur được tự chủ sáng tạo để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới như một nhà khởi nghiệp thực thụ hoặc cũng có thể cải thiện những thứ hiện hữu (quy trình, văn hóa, sản phẩm…) để tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp.

Thành viên tham gia intrapreneurship không phải chịu bất kỳ rủi ro liên quan đến khởi nghiệp hay tổn hại tài chính cá nhân nào.

Khá nhiều trường hợp, các dự án intrapreneurship sẽ được thoả thuận chia sẻ lợi nhuận công bằng giữa thành viên tham gia và công ty chủ quản.

4. Vì sao intrapreneurship trở nên phổ biến?

Những công ty lớn, đặc biệt là những nơi có tuổi đời tương đối trẻ và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như Amazon, Google, Netflix… luôn khuyến khích các ý tưởng và thử nghiệm mới để phát huy tối đa tiềm lực cùng gia tăng sức cạnh tranh.

Đặc biệt khi những đại dịch như COVID-19 xuất hiện, việc liên tục cải tiến và sáng tạo trở thành vũ khí sống còn của công ty.

Ngoài ra, với những ưu thế về tối ưu nguồn nhân lực và kết nối giá trị của nhân viên với tổ chức, intrapreneurship dần trở thành một phần tất yếu trong các chính sách nội bộ của doanh nghiệp.

5. Những sản phẩm của intrapreneurship

Intrapreneurship thường phổ biến trong các “ông lớn” ngành công nghệ, nơi sự sáng tạo được coi trọng hơn bất cứ đâu.

  • Macintosh: Một trong những sản phẩm nổi bật (tiền thân của máy tính Mac) đã đặt nền móng cho Apple. Steve Jobs gọi đội ngũ sáng tạo nên siêu phẩm này là intrapreneur trong một bài phỏng vấn năm 1985, tác động không nhỏ tới sự phổ biến của thuật ngữ này.
  • Play Station: Máy chơi game này được tạo nên bởi Ken Kutaragi cùng đội phát triển của Nintendo. Sau khi Nintendo và Sony ngừng hợp tác, dự án này của Ken tiếp tục được phát triển và trở thành chiếc máy Sony PlayStation huyền thoại.
  • Gmail: Tại Google, nhân viên được khuyến khích sử dụng 20% quỹ thời gian của mình để sáng tạo. Và Gmail đã ra đời từ 20% này.
Macintosh của thương hiệu Apple lagrave một sản phẩm từ intrapreneurship
Macintosh của thương hiệu Apple là một sản phẩm từ intrapreneurship.

6. Các thuật ngữ liên quan

Entrepreneurship: tinh thần làm chủ hay khởi nghiệp tự thân.

Entrepreneur: một cá nhân tự tạo ra công việc kinh doanh mới, chấp nhận gánh chịu mọi rủi ro và tận hưởng tất cả thành quả.

7. Có thể bạn muốn biết

Chưa có thuật ngữ nào trong tiếng Việt tương đồng với intrapreneurship và intrapreneur. Các tên gọi “nhà lãnh đạo tương lai”, “khởi sự doanh nghiệp” chỉ mang ý nghĩa tương đối và có phần hạn chế.

Tại Việt Nam, một trong những doanh nghiệp chú trọng phát triển đội ngũ intrapreneur là FPT Software. Một số dự án và sản phẩm có thể kể đến như Codelearn, AkaDev, AkaDoc, Deep Clinics.