Invented Traditions - Truyền thống không "truyền thống" như ta tưởng | Vietcetera
Billboard banner

Invented Traditions - Truyền thống không "truyền thống" như ta tưởng

Nhiều tập tục và hình tượng tưởng như rất lâu đời, nhưng thực ra mới được tạo ra gần đây.
Invented Traditions - Truyền thống không "truyền thống" như ta tưởng

Minh họa cho truyện "Phù Đổng Thiên Vương" trong Lĩnh Nam Chích Quái

Sau khi MV Đôi mi em đang u sầu của Đông Nhi và Wowy ra mắt, một cuộc tranh luận về việc sử dụng các yếu tố lịch sử trong văn hóa đại chúng nảy sinh. Trong cuộc thảo luận này, cụm từ "invented traditions" được hiểu như một phương thức để làm mới các giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện đại. Đây là một lầm tưởng về khái niệm của hai sử gia Eric Hobsbawm và Terrence Ranger.

Hãy cùng Vietcetera bóc tách ý nghĩa của cụm từ này, và vai trò của nó trong bối cảnh văn hóa hiện nay.

1. Invented traditions là gì?

Invented traditions là các tập tục được sáng chế gần đây, nhưng lại được tạo dựng như một truyền thống đã có từ rất lâu đời, có tác dụng phổ biến một giá trị hay niềm tin nào đó.

Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, có rất nhiều “truyền thống” thực ra là những invented traditions ra đời cách đây không lâu, với ví dụ nổi bật là hình tượng áo dài và hình tượng bánh mì.

Hình ảnh áo dài trong đời sống và trên truyền thông trong và ngoài nước khiến ta có cảm giác rằng ông cha ta đã mặc áo dài từ ngàn đời nay. Trên thực tế, áo dài hiện đại mới chỉ ra đời từ thập niên 30 của thế kỷ trước.

Điều kỳ lạ là khi mới ra đời, chiếc áo dài bị nhiều người thời đó coi là “lai căng.” Tới nay, áo dài trở thành biểu tượng truyền thống và là quốc phục của nước ta.

Bánh mì cũng là một invented tradition nổi bật trong văn hóa đại chúng. Dù có xuất phát điểm là một di sản thực dân, qua thời gian, chiếc bánh mì bỗng trở thành món ăn truyền thống của người Việt. Quá trình “truyền thống hóa” bắt đầu từ khi người dân biến tấu chiếc baguette của Pháp và phổ cập món ăn này trong dân chúng. Ngày nay, ta có thể bắt gặp hình ảnh bánh mỳ được truyền bá rộng rãi như một biểu tượng "kết tinh" của Việt Nam trên nhiều diễn đàn du lịch.

2. Nguồn gốc của Invented traditions?

Khái niệm này gắn với cuốn sách Sự sáng chế truyền thống (The Invention of Tradition) của Eric Hobsbawm và Terence Ranger vào năm 1983. Theo đó, invented traditions có thể có thời điểm ra đời rõ ràng cùng với danh tính của người sáng chế.

Hobsbawm và Ranger viết: "Truyền thống mới được sáng chế không nhất thiết phải thuộc về một quá khứ xa xưa nào đó. Ngay cả những cuộc cách mạng hay những "phong trào cấp tiến" nhằm thoát khỏi truyền thống cũ cũng có một lịch sử, dù lịch sử ấy có thể bị ngắt quãng tại một thời điểm nhất định..." (tr. 2)

27apr2022hobsbawmcopyjpg
Sử gia, nhà nghiên cứu Eric Hobsbawm. | Nguồn: Jacobin Magazine

Trong trường hợp của áo dài, người sáng chế là họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Ông đã đề xuất mẫu áo dài tân thời trên báo Phong Hoá của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trong một bối cảnh lịch sử hiện đại.

Nhiều người lầm tưởng rằng invented traditions là "sáng tạo truyền thống." Nói cách khác, họ nghĩ mình đang cải tạo những giá trị truyền thống cũ cho phù hợp với thời điểm hiện tại, và cho rằng đây là một cách bảo tồn văn hóa.

Đây là một cách hiểu không chính xác. Theo quan điểm của Hobsbawm và Ranger, invented traditions sinh ra để định hướng công chúng tin vào hệ giá trị của một tầng lớp thiểu số tinh hoa. Nó thuyết phục chúng ta rằng lối sống của tầng lớp tinh hoa là một truyền thống cần giữ gìn và tiếp nối, từ đó lôi kéo ta ủng hộ và tin theo lối sống ấy.

Việc các trường trung học bắt nữ sinh phải mặc áo dài là ví dụ minh họa cho tác dụng định hướng của invented traditions. Một mặt, việc mặc áo dài được coi là giữ gìn truyền thống, nhưng nó cũng là một loại pink tax xâm hại tới quyền lợi và túi tiền của phụ huynh và học sinh.

3. Tại sao invented traditions lại phổ biến?

Con người cần những giá trị có tính bền vững và được chia sẻ bởi nhiều người để có cảm giác mình thuộc về một cộng đồng, một nền văn hóa nào đó. Cảm thức thuộc về là yếu tố giúp ta xác định mình là ai và vị trí của bản thân trong cộng đồng. Invented traditions không chỉ cung cấp cho họ những giá trị đó, mà còn khắc sâu niềm tin của mọi người về chúng.

Trong ví dụ áo dài, Nguyễn Cát Tường và Tự Lực Văn Đoàn đề xuất mẫu áo dài tân thời nhằm phổ biến những giá trị về tính cá nhân và tính hiện đại trong thế kỷ trước. Những giá trị này gắn chặt với giai cấp tư sản mà họ thuộc về.

27apr202231555645454jfif
Áo dài tại tuần lễ thời trang. | Nguồn: Thanh Niên Việt

Sở dĩ chúng ta dễ chấp nhận các invented traditions mà không nghi ngờ gì về tính “lâu đời” của chúng là bởi chúng tạo ra cảm giác nối kết liên tục với quá khứ. Đối với người Việt Nam, hình tượng bánh mì và áo dài khẳng định niềm tin về hình ảnh một Việt Nam đại đồng và định hình cách chúng ta suy nghĩ về quá khứ.

Invented traditions không những không mới mà còn rất phổ biến. Bản thân thực hành “sáng chế truyền thống” này cũng rất lâu đời và có thể truy vết trong các tư liệu lịch sử nước ta.

4. Cách dùng invented traditions

Tiếng Anh:

A: Hey, I heard that bánh mì is a traditional feature of the Vietnamese culture, right?

B: That's what they say. It's actually an invented tradition.

Tiếng Việt:

A: Này, tớ nghe nói bánh mì là một thành tố văn hóa truyền thống trong nền văn hóa của người Việt, có phải vậy không?

A: Người ta nói vậy thôi. Thực ra nó là một truyền thống được sáng chế.