Khi kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình | Vietcetera
Billboard banner
31 Thg 03, 2024
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Khi kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình

Theo Mark Manson, chúng ta cần các kích thích bên ngoài vì không thể đối diện với nội tâm bên trong. Để tự nhận thức lành mạnh, ta cần học cách… ngồi yên và không làm gì cả.
Khi kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình

Nguồn: Milada Vigerova @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “When You Are Your Own Worst Enemy” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Triết gia người Pháp Blaise Pascal từng viết, “mọi vấn đề của nhân loại xuất phát từ việc con người ta không thể ngồi yên trong phòng một mình”. Đó là một ý kiến đơn giản mà sâu sắc về bản chất của sự buồn chán, tự nhận thức và khả năng vô tận của chúng ta trong việc đánh lạc hướng bản thân bằng những điều ngu ngốc.

Bạn cứ thử ngồi một mình trong căn phòng tĩnh lặng - không TV, không điện thoại, không nghe nhạc hay chơi game gì cả. Cũng không được hát, nhảy, chống đẩy hay cắt móng tay. Chỉ được ngồi yên đó và ở một mình với tâm trí của bạn.

Trừ khi bạn đã học thiền một thời gian dài, tôi khá chắc là bạn không qua nổi thử thách này. Hoặc nếu có thì bạn cũng thấy hết sức chán nản và khó chịu. Nhiều chuyên gia tâm lý cũng đã thử làm thí nghiệm này, và có những người tham gia khó chịu đến mức họ… chọn bị điện giật để sớm được ra khỏi căn phòng.

Nỗi sợ ngồi yên trong phòng một mình

Việc này nghe thì rất đơn giản, mà sao lại khó làm (và khó chịu) đến thế?

Theo lý giải của Pascal, con người luôn khao khát các kích thích bên ngoài. Điều này khiến chúng ta làm rất nhiều điều ngu ngốc và nguy hiểm cho chính mình và người khác.

Nhưng có một cách giải thích khác đi sâu hơn vào bản chất con người. Ai trong chúng ta cũng không thích một số điểm nhất định trong suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Vì vậy ta mới cần một thứ gì đó bên ngoài để đánh lạc hướng bản thân, để không phải đối mặt với những góc khuất của chính mình.

26mar2024anthonytranpqivg8mw4uunsplashjpg
Việc ngồi yên đối diện với tâm trí của chính mình là điều không hề dễ dàng. | Nguồn: Unsplash

Càng phủ nhận hoặc bác bỏ thế giới nội tâm của mình, bạn lại càng phải tìm thêm những kích thích bên ngoài để chiếm lấy tâm trí mình. Chính điều này dẫn đến những hành vi “tự hủy” như hút thuốc, nghiện rượu hay đua xe.

Và trong thí nghiệm trên, một số người bất mãn với bản thân đến độ sẵn sàng chịu nỗi đau bị điện giật bên ngoài hơn là đối mặt với nỗi đau bên trong khi phải tự suy ngẫm. Quả là một sự thật gây sốc (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).

Làm sao để việc tự ý thức không đi quá xa?

Có một lằn ranh mong manh giữa việc tự nhận thức lành mạnh (self-awareness) và tự ý thức (self-conscious).

Tự nhận thức đơn giản là khả năng chú ý và ghi nhận những gì đang diễn ra trong não bạn. Bạn nhận ra mình đang tức giận, hoặc không thể tập trung. Hoặc bạn thấy câu chuyện của đồng nghiệp đang kể về cuối tuần của họ thật ngốc nghếch và tự nghĩ rằng, chẳng ai quan tâm cả.

Để dễ hình dung, tự nhận thức giống như bạn ngồi ghế đá công viên và quan sát người khác. Chiếc ghế đá chính là tâm trí bạn, còn dòng người đi qua chính là suy nghĩ và cảm xúc của bạn.

26mar2024koushikchowdavarapuvfdfo2ukqaiunsplashjpg
Nếu chiếc ghế là tâm trí, thì dòng người đi qua là suy nghĩ và cảm xúc của bạn. | Nguồn: Unsplash

Đôi khi bạn sẽ gặp những cảnh tồi tệ trong “công viên tâm hồn” của bạn: rác rưởi khắp nơi, trẻ con la hét hay một tên nghiện đi lục thùng rác. Đây chính là lúc bạn bắt đầu tự ý thức - nó là sự phán xét điều đang xảy ra trong tâm trí chúng ta. Chẳng hạn việc nhận ra mình dễ cáu kỉnh vào sáng thứ Hai là tự nhận thức, nhưng nghĩ rằng bạn là kẻ khốn nạn vì cáu kỉnh thì là tự ý thức.

Nếu tự nhận thức chỉ đơn giản là ngồi trên ghế chứng kiến những cảnh tồi tệ trong “công viên tâm hồn” diễn ra, thì tự ý thức là bạn chạy ra cố sức ngăn chúng lại. Vô hình trung, tự ý thức khiến ta bất an và lo lắng hơn. Bởi nó cố kiềm chế cuộc sống bên trong của ta theo một vài tiêu chuẩn nào đó được tạo ra bởi cuộc sống bên ngoài.

Ta phán xét sự tức giận của mình vì thế giới kỳ vọng ta hạnh phúc. Ta phán xét sự hấp tấp của mình vì thế giới kỳ vọng ta phải kiên nhẫn. Ta cũng phán xét cả sự bất an của mình, vì ta tin thế giới muốn ta phải tự tin.

Đức Phật từng dạy rằng, lòng căm hận giống như uống thuốc độc mà mong đối phương chết. Sự tự ý thức ở mức độ thái quá cũng giống như bạn tự đâm mình vài nhát dao, và nghĩ rằng những vết thương đó khiến bạn dễ mến hơn trong mắt người khác.

Và để khắc chế sự tự ý thức, ta cần tự nhận thức nhiều hơn. Quay lại câu chuyện buổi sáng thứ Hai, một khi nhận ra suy nghĩ mình là kẻ khốn nạn, bạn “ngồi” lại ngay xuống ghế đá tâm trí và không làm gì cả, chỉ nhìn đến khi nó tự trôi qua thôi. Cứ như vậy, bạn dần học cách không phán xét suy nghĩ hay cảm xúc của mình nữa.

Sự nhàm chán lại dẫn đến… sáng tạo?

Đây chính là một điểm cộng khác của việc… ngồi yên và không làm gì cả.

Sáng tạo vốn là lĩnh vực nơi những giả định của con người và nghiên cứu thực tế không thể khác nhau hơn. Chúng ta thường cho rằng người sáng tạo thường hoang dại, ngẫu hứng và có chút điên rồ. Nhưng thực tế, những người sáng tạo nhất trong lịch sử nhân loại đều làm việc khá nguyên tắc, thậm chí có chút “cuồng” việc.

Chúng ta cũng thường cho rằng, một cuộc sống thú vị, đầy khó khăn và thử thách mới mang lại khả năng sáng tạo. Trên thực tế, sáng tạo lại xuất phát từ việc dành nhiều thời gian suy nghĩ và… buồn chán.

30mar2023pexelsthieuquanvovu5147194jpg
Khả năng sáng tạo thực tế lại đến từ việc… buồn chán. | Nguồn: Pexels

Vì vậy nếu muốn sáng tạo tốt hơn, bạn chỉ cần trở nên năng suất hơn một chút. Điều này đúng với hầu hết những tấm gương sáng tạo trong lịch sử loài người (tham khảo bài viết này để hiểu rõ điều tôi vừa nói). Khi nghiên cứu kỹ, bạn sẽ thấy họ vượt xa những người cùng thời về số lượng cũng như công sức họ bỏ ra cho mỗi sản phẩm.

Nói theo kiểu bóng rổ, thì những người sáng tạo không ném một phát mà trúng rổ liền. Chỉ đơn giản là họ ném nhiều hơn người khác, nhưng lịch sử đã bỏ qua những cú ném trượt của họ.