Không chỉ người lớn, trẻ nhỏ cũng cần kỹ năng self-care | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 09, 2024
Chất Lượng Sống

Không chỉ người lớn, trẻ nhỏ cũng cần kỹ năng self-care

…và bố mẹ là người đồng hành với trẻ trên hành trình này.
Không chỉ người lớn, trẻ nhỏ cũng cần kỹ năng self-care

Nguồn: Shutterstock

Càng lớn, chúng ta ngày càng có ý thức ‘self-care' - chăm sóc bản thân hơn. Khắp nơi trên mạng xã hội tràn ngập những lời nhắc nhở phải ‘ăn uống healthy,' ‘uống đủ 2 lít nước để da dẻ hồng hào,’ ‘ngủ đủ giấc để tinh thần minh mẫn,’ phải ‘tập thể dục để khỏe mạnh,'...

Đây đều là những thói quen hoàn toàn có thể hình thành khi còn nhỏ nhưng lại dễ bỏ qua, và chỉ đến khi bước vào tuổi trưởng thành mới chật vật theo đuổi khi sức khoẻ có dấu hiệu báo động.

Không có cỗ máy thời gian thần kỳ nào giúp chúng ta quay lại quá khứ để rèn luyện self-care từ nhỏ. Nhưng với tư cách là người đi trước, các bậc cha mẹ có thể đồng hành cùng con - những ‘người lớn tương lai' - trên hành trình xây dựng một lối sống khỏe mạnh và học cách chăm sóc bản thân.

1. Bố mẹ trở thành người bạn gương mẫu cho trẻ

Trẻ em là tấm gương phản chiếu của người lớn vì trẻ dễ bắt chước những gì trẻ thấy và nghe từ môi trường xung quanh. Vì vậy, để xây dựng cho trẻ kỹ năng self-care tốt thì bố mẹ, những người lớn gần gũi nhất, phải cho trẻ thấy hình dung về một lối sống lành mạnh về thể chất, tinh thần.

Bố mẹ có thể đi từ những bước cơ bản nhất, từ…

Hướng dẫn con chăm sóc thân thể

Trẻ em rất hiếu động, nên những quy trình vệ sinh cá nhân hằng ngày như đánh răng và rửa tay trước bữa ăn có thể gây buồn chán và khiến trẻ dễ bỏ cuộc. Những lúc này, bố mẹ cần kiên nhẫn cùng trẻ thực hành và giải thích tầm quan trọng của việc vệ sinh thân thể đúng cách.

alt
Bố mẹ cần kiên nhẫn cùng trẻ thực hành và giải thích tầm quan trọng của việc vệ sinh thân thể đúng cách. | Nguồn: Shutterstock

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần trò chuyện và dạy trẻ về cách bảo vệ và chăm sóc bộ phận sinh dục từ nhỏ, với ngôn ngữ phù hợp cho từng độ tuổi. Điều này giúp trẻ có ý thức về tính riêng tư và không được xâm phạm của mình (và của người khác), đồng thời giúp trẻ thoải mái hơn khi trao đổi với bố mẹ về những thay đổi về cơ thể sau này.

Cùng con xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh

Theo một nghiên cứu của WHO (1), chỉ có 42,5% trẻ tham gia khảo sát ăn trái cây tươi hằng ngày và 22,6%thì ăn rau củ mỗi ngày. Theo đó, WHO khuyến khích việc hình thành thói quen ăn uống cân bằng chất cho trẻ ngay từ nhỏ, đặc biệt là ở độ tuổi đi học. Những thói quen quen nhỏ này là cơ sở giúp trẻ có được một cơ thể khoẻ mạnh, cân đối và sức đề kháng tốt trong tương lai.

Tất nhiên, thức ăn lành mạnh như rau củ quả, trái cây thường kém hấp dẫn hơn đồ ăn nhanh, món ăn vặt hay những thức uống nhiều đường. Vậy nên cha mẹ sẽ cần vài mẹo nhỏ để “dụ” con ăn đủ chất.

alt
Kết hợp giáo dục dinh dưỡng vào những "tiết học thực hành" ở bếp cùng con trẻ. | Nguồn: Shutterstock

Đầu tiên, bố mẹ có thể để trẻ cùng tham gia vào quá trình chuẩn bị một bữa ăn. Việc được góp sức làm nên một mâm cơm sẽ giúp trẻ thấy được tầm quan trọng của bản thân và trân trọng mỗi bữa ăn hơn.

Trong quá trình chuẩn bị, bố mẹ nên lồng ghép thêm những bài học về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm đơn giản như rau xanh thì giàu chất xơ, trái cây màu đỏ/cam thì giàu vitamin A để kiến thức sống động hơn.

Cùng chơi và thi đua với trẻ

Bố mẹ có thể thêm một chút “gia vị” cạnh tranh để thúc đẩy trẻ tham gia vào lối sống lành mạnh. Ví dụ như tạo ra các thử thách 21 ngày như 21 ngày đọc sách, 21 ngày đi ngủ lúc 10 giờ hay các thử thách trong ngày như 24 giờ không dùng thiết bị điện tử và có những phần thưởng nhất định.

Ngoài việc thi đua, cả gia đình cũng cần có những hoạt động tập thể như ngày thể thao, ngày picnic, ngày tổng vệ sinh nhà cửa, cùng làm DIY, làm bánh,... để trẻ học được cách chăm sóc bản thân, xử lý tình huống và đồng thời giúp bố mẹ và con cái thêm phần gắn kết.

alt
Thi đua cùng trẻ để thêm chút "gia vị" cạnh tranh, kích thích trẻ hào hứng tham gia lối sống khoẻ. | Nguồn: Shutterstock

Tạo không gian để trẻ thoải mái đối thoại

Khi càng trưởng thành, trẻ sẽ càng có xu hướng ít bộc lộ cảm xúc và mối lo của mình với bố mẹ nếu trẻ cảm thấy không an toàn, thiếu thoải mái và thiếu cảm thông. Vì vậy, bố mẹ nên tập lắng nghe những câu hỏi, câu chuyện của trẻ từ khi còn nhỏ cũng như công nhận mọi cảm xúc của trẻ.

Ví dụ như, thay vì bảo trẻ ‘đừng khóc' khi bị lạc mất đồ chơi, bố mẹ có thể giúp trẻ hiểu việc buồn bã do mất mát là hoàn toàn bình thường và cho thấy rằng trẻ trân trọng món đồ đó.

alt
Trân trọng những cảm xúc của trẻ. | Nguồn: Shutterstock

Đôi khi, trẻ muốn giãi bày với bố mẹ nhưng không biết cách diễn đạt nỗi niềm ấy bằng lời nói nên thể hiện qua hành động bộc phát như tức giận, không nói chuyện,... Trong trường hợp này, phụ huynh có thể khuyến khích con viết nhật ký hằng ngày để trẻ có nơi gửi gắm tâm tình cũng như dần thoải mái hơn với việc trao đổi vấn đề của bản thân qua câu chữ.

2. Bố mẹ học gì để trở thành tấm gương self-care?

Tham gia các khóa học tâm sinh lý trẻ

Bố mẹ có thể tìm kiếm những khóa học uy tín về tâm sinh lý trẻ ở những độ tuổi khác nhau để hiểu rõ hơn về các giai đoạn phát triển, nhu cầu của trẻ cũng như cách tiếp cận trẻ như thế nào để giáo dục hiệu quả

Học cách giáo dục giới tính cho trẻ ở từng độ tuổi

Mọi độ tuổi đều cần được giáo dục giới tính ở những cấp độ khác nhau, đặc biệt là khi trẻ em ngày nay dễ tiếp cận với các thông tin này hơn ngày xưa rất nhiều và cũng dậy thì sớm hơn vì nhiều lý do. Việc bố mẹ tỏ thái độ né tránh hoặc ngó lơ khi trẻ tò mò về bộ phận sinh dục có thể khiến trẻ hiểu lầm rằng đây là những vấn đề sai trái và không còn dám chia sẻ với bố mẹ sau này.

alt
Nguồn: Shutterstock

Ngoài việc học cách giao tiếp với trẻ về vấn đề giới tình, bố mẹ cũng cần chủ động trang bị kiến thức về y học để đảm bảo sức khỏe cho trẻ về sau. Một trong những vấn đề chưa được quan tâm xác đáng cho trẻ là dự phòng HPV - một trong những nguyên nhân chính (2) gây ra nhiều ung thư nguy hiểm ở nam và nữ.

Dưới đây là một số lưu ý về dự phòng HPV mà bố mẹ có thể tham khảo:

  • Dù chưa quan hệ tình dục, trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm HPV (3).
  • Không chỉ nữ giới mà nam giới vẫn có nguy cơ nhiễm HPV
  • Theo CDC khuyến cáo, thời điểm tốt nhất để dự phòng HPV cho con là trước khi con tiếp xúc với tác nhân gây HPV. Tất cả trẻ trước tuổi teen (11-12 tuổi) nên được dự phòng HPV (4).

Tham gia cộng đồng hỗ trợ

Để hành trình làm bố mẹ bớt gian nan và cô đơn, các phụ huynh có thể cùng tạo ra một cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm và nhận sự hỗ trợ từ những người có cùng mối quan tâm.

Tuy nhiên, mỗi nhà mỗi cảnh, hãy biết chọn lọc lời khuyên để phù hợp với hoàn cảnh gia đình cũng như tính cách con trẻ nhé!

HPV là tác nhân gây bệnh phổ biến, có thể xuất hiện ở trẻ vị thành niên, với 49% ca nhiễm HPV xảy ra ở độ tuổi 15 - 24.

Theo CDC, thời điểm tốt nhất để dự phòng HPV là khi con chưa tiếp xúc với mầm bệnh. Do đó, ba mẹ nên chủ động dự phòng HPV cho con ngay từ độ tuổi dậy thì để con có tương lai khỏe mạnh.

Dự phòng HPV sớm với 2 bước:
- Tham khảo thông tin chi tiết tại hpv.vn.
- Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.

(Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục). VN-GSL-01125 14082026


Nguồn tham khảo:

  1. World Health Organization. (2021, March 3). How healthy are children's eating habits? WHO Europe surveillance results. WHO. https://www.who.int/azerbaijan/news/item/03-03-2021-how-healthy-are-children-s-eating-habits-who-europe-surveillance-results
  2. World Health Organization. (n.d.). Cervical cancer. WHO. Available at https://www.who.int/health-topics/cervical-cancer#tab=tab_1
  3. DermNet NZ. (n.d.). Non-sexually acquired human papillomavirus infection. DermNet NZ. Available at https://dermnetnz.org/topics/non-sexually-acquired-human-papillomavirus-infection
  4. Centers for Disease Control and Prevention. (n.d.). Human Papillomavirus (HPV). Available at: https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/hpv/public/index.html