Đồ chơi dán nhãn giới tính: Dễ lựa, dễ mua hay dễ sợ? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Đồ chơi dán nhãn giới tính: Dễ lựa, dễ mua hay dễ sợ?

Sẽ ra sao nếu ta trao Barbie cho bé trai và Action Figure cho bé gái?
Đồ chơi dán nhãn giới tính: Dễ lựa, dễ mua hay dễ sợ?

Nguồn: Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera.

Một ngày nọ, bạn dẫn cháu gái đến siêu thị mua đồ chơi nhân dịp sinh nhật của bé. Bé đi thẳng đến quầy đồ chơi dành riêng cho bé gái, chọn món bé yêu thích, nhờ bạn thanh toán và ra về. Quá trình mua sắm diễn ra gọn lẹ khiến bạn và bé vô cùng vui vẻ và hài lòng.

Việc sắp xếp sản phẩm sao cho dễ lựa, dễ mua vốn là thế mạnh của các nhà bán lẻ. Nhưng ngoài rút ngắn thời gian mua sắm, phân chia đồ chơi theo giới tính có thực sự giúp ích cho trẻ em?

Từ quá khứ ít đồ chơi đến hiện tại phân chia giới tính

Trước khi trả lời câu hỏi trên, hãy cùng tìm hiểu về cách đồ chơi bắt đầu được phân chia giới tính.

Không ai biết rõ nguồn gốc và thời điểm đồ chơi ra đời. Bằng chứng xa xưa nhất về đồ chơi được cho là đầu búp bê bằng đá hơn 4000 năm tuổi. Đến trước thế kỷ XX, đồ chơi vẫn còn khan hiếm. Trẻ em cũng không có nhiều thời gian chơi vì phải phụ cha mẹ làm việc nhà và đồng áng.

Đồ chơi chỉ phổ biến hơn vào thời kỳ cách mạng công nghiệp. Quy trình sản xuất hàng loạt giúp đồ chơi tăng theo cấp số nhân, đồng thời giúp xã hội gửi gắm kỳ vọng về nghề nghiệp cho trẻ. Những năm 1920 đến 1960 đánh dấu cột mốc đồ chơi bắt đầu dán nhãn giới tính, phỏng theo vai trò của hai giới: đàn ông làm việc tại công xưởng, đàn bà làm nội trợ.

alt
Nguồn: Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera.

Nghiên cứu từ BanduraGoldstein thừa nhận rằng “truyền thông ảnh hưởng đáng kể đến cách cá nhân nhìn nhận quá trình xã hội hóa, bao gồm xã hội hóa về giới (gender socialization)”. Đó là cách mà Sears - hãng bán lẻ lớn nhất Hoa Kỳ bấy giờ đã định hướng nghề nghiệp cho trẻ em.

Năm 1925, Sears quảng cáo đồ chơi quét nhà như sau: “Every little girl likes to play house, to sweep, and to do mother’s work for her…" (Tạm dịch: Bé gái nào cũng thích chơi trò dọn dẹp, làm việc nhà giống mẹ của mình...).

alt
Quảng cáo đồ chơi làm việc nhà của Sears năm 1925. | Nguồn: The Atlantic

Không chỉ áp đặt sở thích chăm sóc nhà cửa cho bé gái, Sears cũng đóng khung bé trai vào bộ đồ chơi xây dựng: “Every boy likes to tinker around and try to build things..." (Tạm dịch: Bé trai nào cũng thích mày mò và xây dựng mọi thứ…).

đồ chơi daacuten nhatilden giới tiacutenh
Quảng cáo đồ chơi xây dựng của Sears năm 1925. | Nguồn: The Atlantic

Giới truyền thông thậm chí còn tận dụng nhãn dán giới tính để thu lợi nhiều hơn. Năm 1940, các nhà sản xuất nhận thấy bộ đồ chơi theo giới bán chạy hơn với các gia đình giàu có. Vì lẽ đó, đồ chơi ngày càng thương mại hóa theo khuôn mẫu về giới (gender stereotype).

Đồ chơi được “mặc định” sẽ giúp bé trai phát triển khả năng thể chất và tư duy về không gian. Trong khi đó, bé gái sẽ học được cách làm đẹp và chăm sóc.

Xu hướng trên phần nào lý giải sự ra đời của Action Figure, một loại búp bê dành cho con trai, thay vì Barbie phiên bản nam. Nhờ có khớp di chuyển và các phụ kiện súng đạn, áo giáp đi kèm, Action Figure được cho là “nam tính”, phù hợp hơn với bé trai.

Đồ chơi dán nhãn giới tính: Lợi hay hại với trẻ em?

Nếu đồ chơi chỉ là công cụ giải trí của loài người, thì việc phân loại chúng theo giới chẳng có gì để bàn cãi. Tuy nhiên, một số nghiên cứu từ năm 2003 đến 2006 đã chỉ ra “việc chơi với đồ chơi dán nhãn giới tính sẽ giới hạn khả năng phát triển nhận thức của trẻ em theo một chiều”.

Khi trẻ em bước vào gian đồ chơi theo giới tính, các em sẽ đánh mất cơ hội khám phá đồ chơi dành cho giới tính còn lại. Điều này khiến sở thích và trí tưởng tượng của trẻ bị giới hạn. Chẳng hạn, đồ chơi STEM - đồ chơi giáo dục Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học, thường được tiếp thị cho bé trai, vì thế bé gái có ít cơ hội rèn luyện tư duy logic và tư duy đa chiều.

Hạn chế này thậm chí gây ra mất cân bằng giới trong nghề nghiệp. Theo một thống kê năm 2019, tại Anh, số lượng lao động nữ làm việc trong lĩnh vực STEM chỉ chiếm 24%, một con số báo động so với tỷ lệ nữ giới trong dân số.

Các món đồ chơi tiếp thị theo khuôn mẫu nghề nghiệp truyền thống, như y tá cho con gái, phi công cho con trai, cũng góp phần làm tăng định kiến giới. Bethan Haley, một nữ phi công tiết lộ với tờ BBC rằng cô từng bị hành khách từ chối chỉ vì là phụ nữ.

Dù vô tình, đồ chơi phân chia giới tính có thể gây ra khủng hoảng tinh thần cho người trẻ muốn thử sức ở công việc không phổ biến cho giới tính của họ.

đồ chơi daacuten nhatilden giới tiacutenh
Nguồn: Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera.

Mặc khác, không phải trẻ em nào cũng nhìn nhận giới tính của mình theo hệ nhị nguyên giới (gender binary), tức hoặc nam, hoặc nữ. Đồ chơi dán nhãn giới tính sẽ khiến các bé cảm thấy lạc lõng, hoặc gượng ép chọn đồ chơi theo giới tính sinh học của mình.

Ai sẽ phải thay đổi?

Đặt mục tiêu thực hiện bình đẳng giới, một số bên đã tiên phong phá bỏ khuôn mẫu giới ở đồ chơi. Lego, hãng đồ chơi lắp ráp nổi tiếng toàn cầu, đã dừng phân loại đồ chơi cho bé trai/bé gái từ năm 2021. Thay vào đó, trẻ em sẽ được lựa chọn đồ chơi theo độ tuổi và chủ đề yêu thích.

Đầu năm nay, bang California, Mỹ, cũng ban hành luật cấm phân loại đồ chơi theo giới tính. Theo quy định, các hãng bán lẻ phải sắp xếp khu vực đồ chơi, đồ gia dụng, quần áo trung tính cho trẻ em. Quyết định này sẽ giúp các em có không gian an toàn để khám phá và nhìn nhận cá tính của bản thân.

Tuy nhiên, sự cố gắng của vài doanh nghiệp, bộ máy là chưa đủ để thay đổi ngành công nghiệp đồ chơi vốn đã rập khuôn theo giới. Bên cạnh nhà cung cấp, phụ huynh cũng cần ủng hộ đón nhận đồ chơi trung tính và tránh áp đặt quan điểm giới tính lên trẻ em.