Bạn có xu hướng thể hiện tình cảm qua việc nhắn tin liên tục với người yêu. Bạn thường đọc tin nhắn cũ rồi tủm tỉm cười hoặc thích chia sẻ những điều nhỏ nhặt qua đoạn chat. Và bạn cũng phần nào hy vọng nửa kia cũng cảm thấy tương tự.
Nhưng đáp lại mong mỏi của bạn là một người có phong cách “ừ” gọn lỏn hoặc “đã seen nhưng hay quên trả lời”.
Nhắn tin hay trò chuyện, mong muốn được kết nối là điều dễ hiểu. Nhưng dù ở hình thức nào, giao tiếp không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một cặp đôi có thể mâu thuẫn do không hợp gu ăn uống, bất đồng trong chi tiêu, và hiểu lầm khi nhắn tin cũng không phải là ngoại lệ. Nếu đã từng cự cãi với nửa kia về thói quen nhắn tin, bạn không phải là người duy nhất.
Điều gì tạo nên khác biệt trong phong cách nhắn tin?
1. Thời gian biểu khác biệt
Dù điều này khá rõ ràng, nhưng theo nhà tâm lý học lâm sàng Kelley Kitley, nhiều người thường áp đặt thói quen nhắn tin lên người khác. Khi bạn là người luôn kiểm tra thông báo điện thoại, bạn sẽ nghĩ người khác giống mình.
Hơn nữa, khi tình yêu mới ở giai đoạn chớm nở, khả năng bạn vẫn chưa phải ưu tiên lớn nhất của họ. Bạn có thể muốn đẩy nhanh quá trình, muốn hiểu hết về nửa kia bằng cách nhắn tin cập nhật đời sống hằng ngày của họ. Còn họ lại muốn từ từ và dành thời gian đầu tư cho công việc, bạn bè, gia đình hay sở thích cá nhân.
2. Mỗi người một ngôn ngữ tình yêu
Chuyên gia tư vấn hẹn hò Diana Dorell cho biết, khi bạn là kiểu người thích duy trì sự thân mật qua tin nhắn, có lẽ ngôn ngữ tình yêu của bạn là lời khẳng định (Words of Affirmation). Bạn thích nghe những câu khẳng định tình cảm, những lời yêu và khích lệ.
Nếu cả hai không thể gặp thường xuyên, việc duy trì lời yêu thông qua tin nhắn, gọi điện hoặc tương tác trên mạng xã hội là lựa chọn tốt nhất bạn có. Vì vậy, không khó hiểu nếu bạn hơi phụ thuộc vào thói quen này. Hiểu về ngôn ngữ tình yêu, bạn sẽ biết vì sao bản thân lại coi trọng việc nhắn tin. Trường hợp người yêu không đáp trả được tương tự, có lẽ ngôn ngữ tình yêu của họ khác bạn.
3. Mức độ lo âu không giống nhau
Dù không phải là một chẩn đoán lâm sàng nhưng theo chuyên gia Leah Aguirre “nhắn tin lo âu” (texting anxiety) là một triệu chứng mà nhiều người gặp phải. Những đoạn tin nhắn chưa hoàn chỉnh, các biểu tượng cảm xúc khó hiểu, hoặc đơn giản là việc trả lời muộn khiến cho người còn lại rất dễ suy diễn. Cũng theo Leah, những ai vốn nhạy cảm với sự bất định (uncertainty) cũng dễ "đứng ngồi không yên" với tin nhắn mập mờ hơn.
Ngoài ra trong giai đoạn mới yêu, mức serotonin (hormone điều hòa tâm trạng) của một người cũng sụt giảm. Điều này cũng phần nào khiến họ nhạy cảm hơn với dòng tin mơ hồ, đặc biệt là khi chưa hiểu rõ người kia.
Không “hợp gu” nhắn tin, biết làm sao?
1. Đừng chơi trò “tung hứng”
Chuyên trang Máy tính với hành vi con người cho biết, tin nhắn ảnh hưởng đến lòng tự tôn nhiều hơn việc trò chuyện trực tiếp hay gọi điện. Vì tin nhắn không thể hiện cảm xúc tốt bằng hình thức khác, ta có xu hướng suy diễn khi không nhận được phản hồi như mong đợi.
Nếu họ thường mất một lúc mới đáp lại tin nhắn, nội dung tin lại hời hợt, bạn sẽ ngầm đánh giá tình cảm của họ. Bạn có thể bắt đầu chơi trò “Ai chịu đựng tốt hơn”. Họ mất 4 tiếng trả lời, bạn sẽ phớt lờ tin nhắn nửa ngày. Họ trả lời sau nửa ngày, bạn “bơ” đủ 24 tiếng.
Sau đó, thời gian cứ tăng lên. Sự xa cách “có tính toán” trở thành điều bình thường mới và vấn đề sẽ khó lòng được giải quyết.
2. Nói chuyện với họ nếu vấn đề đi xa hơn
Nếu thói quen của nửa kia ảnh hưởng đến bạn, chẳng hạn bạn không thể tập trung làm việc nếu họ phản hồi muộn, hãy nhẹ nhàng ngồi xuống cùng họ. Cởi mở với vấn đề tưởng chừng như nhỏ bé là tiền đề để bạn giải quyết vấn đề lớn hơn về sau. Cả hai có thể thảo luận về:
- Thời điểm nhắn tin hợp lý?
- Bạn cảm thấy thế nào khi người kia: trả lời muộn, mập mờ, quên mất, nhắn tin quá ít (hoặc quá nhiều)?
- Giải pháp nào khả thi cho vấn đề đang hiện hữu? (Ví dụ, nếu đang bận, họ nên báo trước thay vì "bơ" bạn).
3. Nếu một vấn đề không thể giải quyết bằng lời nói, nhắn tin cũng sẽ tương tự
Hãy cố gắng hạn chế việc cãi vã qua tin nhắn. Ít nhất 70% giao tiếp diễn ra theo hình thức phi ngôn ngữ. Chúng ta dựa rất nhiều vào tông giọng, cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể để hiểu (và cảm) được người kia. Việc thiếu đi những yếu tố này khi nhắn tin rất dễ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.
Cuối cùng, tin nhắn nên được nhìn nhận thế nào?
Mọi người nhắn tin vì nhiều mục đích khác nhau. Theo tờ Forbes, nhiều người thích nhắn tin bởi phương tiện này giúp tạo ra một “khoảng thở” giữa họ và người nhận. Nói cách khác, tin nhắn tạo điều kiện để ta dễ thể hiện những vấn đề khó nói khi gặp mặt trực tiếp.
Chính nhờ tính năng này, một số nhà tâm thần học, như Tiến sĩ Alan Manevitz của Trung tâm Y Tế Weill Cornell, đã kết hợp nhắn tin vào các phương pháp trị liệu tâm lý. Một trong những cách của Alan là yêu cầu bệnh nhân nhắn tin, cập nhật với mình về những sự kiện xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của họ. Theo Alan, tin nhắn giúp bệnh nhân mở lòng và sẵn sàng nói về những suy nghĩ của mình hơn.
Nhờ “khoảng thở” mà tin nhắn tạo ra, những cặp đôi yêu nhau cũng dễ mở lòng để nói về những chủ đề sâu hơn trong mối quan hệ. Nhiều người cảm thấy họ thể hiện bản thân tốt hơn khi nhắn tin, thay vì nói chuyện điện thoại hoặc gọi điện trực tiếp.
Ngoài ra, tờ Verywell Mind còn kết luận rằng, tần suất nhắn tin không đánh giá được độ hài lòng trong mối quan hệ, mà sự tương hợp trong cách nhắn tin mới là yếu tố quyết định. Sự tương hợp này được thể hiện qua vài dấu hiệu như: Hai người biết điều chỉnh chủ đề trò chuyện, thời điểm, mật độ tin nhắn cho phù hợp với đối phương và sự chủ động lần lượt đến từ hai phía.
Sau cùng thì tin nhắn chỉ là phương tiện, nó không nên là thứ ảnh hưởng đến tình cảm. Điều quan trọng là dù ít hay nhiều, dù nhắn tin hay gặp gỡ, bạn đều cảm thấy được kết nối với nửa kia.