Các chuẩn mực giao tiếp khi nhắn tin trên mạng | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Các chuẩn mực giao tiếp khi nhắn tin trên mạng

Bạn nhắn tin hằng ngày, nhưng lại phân vân không biết nhắn sao để hỏi sự trợ giúp từ một người trên mạng và nhận được hồi đáp? Bài viết sẽ giúp bạn làm rõ.
Các chuẩn mực giao tiếp khi nhắn tin trên mạng

Nguồn: Tim Mossholder/Unsplash

Bản thân mình đơn thuần là một người hay viết lách, chia sẻ trên mạng, không phải ngôi sao hay người của công chúng, nhưng hàng ngày mình vẫn nhận được hàng chục, thậm chí hàng trăm tin nhắn trên mạng xã hội. Mọi người nhận xét, góp ý, hỏi ý kiến tư vấn,... về rất nhiều chủ đề. Mình vẫn trực tiếp trả lời hầu hết các tin nhắn ấy cho tới thời điểm này.

Khi nhận được phản hồi của mình, rất nhiều bạn nói: “Em nhắn cho nhiều người nhưng không hiểu sao không ai trả lời. Chị là người đầu tiên reply em”. Vì có thâm niên dạy học, nên mình tương đối kiên nhẫn và tận tâm trong việc trả lời câu hỏi. Nhưng chân thành mà nói, có nhiều tin nhắn đọc xong mình thực sự không muốn trả lời hoặc không biết nên bắt đầu từ đâu.

Ở vị trí là một người thường xuyên nhận và trả lời tin nhắn trên mạng, dưới đây là một số lời khuyên của mình về văn hoá nhắn tin, đặc biệt là khi nhắn cho người lạ và nhờ giúp đỡ.

1. Không gửi tin nhắn không có nội dung cụ thể

Ví dụ: “Hi anh”, “Chị rảnh chat với em được không?”, “Em hỏi chút được không?”… Nhiều bạn nghĩ rằng nhắn tin hỏi trước như vậy là để đón ý người khác, xem họ có thời gian và nhiệt tình trả lời không, từ đó tránh làm phiền.

Tuy nhiên, ở vị trí người nhận câu hỏi, điều này thường làm tốn thêm thời gian. Bởi bản chất người bạn muốn hỏi ý kiến hoặc xin trợ giúp thường đã rất bận rộn. Họ không dán mắt vào điện thoại để liên tục kiểm tra tin nhắn mới. Thế nên, dù họ có trả lời tin nhắn đầu tiên của bạn, cũng khó nói rằng họ sẽ có thể tiếp tục trả lời lại ngay ở tin nhắn tiếp theo, sau khi bạn đã phản hồi với nội dung chính đầy đủ. Bước "đón ý" vì vậy mà trở nên không cần thiết, làm chậm quá trình trao đổi.

Do đó, nếu bạn có câu hỏi nào thì nên vào đề ngay và nói cụ thể: “Chào anh/chị. Em là… Em biết anh/chị từ… Em có câu hỏi như sau mong anh/chị giúp trả lời…”. Ngay cả khi bạn không có câu hỏi mà chỉ muốn tâm sự cá nhân, cũng hãy viết hết ra, thay vì đợi phản hồi để nhắn tin qua lại như với bạn bè thông thường. Nếu câu chuyện quá dài, bạn có thể email thay vì nhắn tin.

2. Không dùng teen code, từ viết tắt, ký tự khó hiểu

Dù theo dõi xu hướng giới trẻ, nhưng phải thú nhận mình không thể cập nhật liên tục các kiểu quy tắc ngôn ngữ lệch chuẩn thông thường như teen code, hay các từ viết tắt, ký tự lạ. Vì vậy, rất nhiều lần mình mở tin nhắn ra và không thể dịch nổi nội dung.

Viết như vậy không chỉ gây khó hiểu, mà phần nào còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người đọc, dù người viết có thể không cố ý. Mình có thể khá bảo thủ trong vấn đề này vì mình là người viết. Nhưng sự thật là nếu không hiểu tin nhắn, thì người nhận dù có muốn trả lời đến mấy cũng không biết phải bắt đầu từ đâu.

3. Tìm hiểu kỹ trước khi hỏi

Trước khi nhắn hỏi ai điều gì, bạn có thể thực hiện vài thao tác tìm kiếm nhanh xem họ đã nói về chủ đề này ở đâu chưa, mình có thể tự tìm thông tin ở đâu thay vì hỏi hay không...

titleTigravem hiểu kỹ trước khi hỏi Tigravem hiểu kỹ trước khi hỏi giuacutep bạn đặt cacircu hỏi đuacuteng trọng tacircm nacircng khả năng nhận được phản hồi  Nguồn Zen ChungPexels
Tìm hiểu kỹ trước khi hỏi giúp bạn đặt câu hỏi đúng trọng tâm, nâng khả năng nhận được phản hồi. | Nguồn: Zen Chung/Pexels

Bản thân mình làm nhiều nội dung ở nhiều nền tảng và mình cũng đã làm khá lâu, nên mình hiểu tìm kiếm thông tin tổng hợp không phải dễ. Tuy nhiên, nếu mình mới đăng một video chia sẻ cách viết tiếng Anh hôm qua, mà hôm nay bạn nhắn hỏi mình: “Chị chỉ em cách viết tiếng Anh tốt đi ạ” thì thực sự mình không thể trả lời chi tiết một lần nữa.

Thay vào đó, mình đánh giá cao các tin nhắn như:

  • “Em đã đọc bài của chị về chủ đề xyz nhưng ý nhỏ này em muốn hỏi lại để nhờ chị làm rõ…”
  • “Em có tìm kiếm trên trang của chị, nhưng hình như chưa thấy chị làm về đề tài này, chị có thể trả lời giúp em…”
  • “Em đã tìm kiếm Google nhưng thông tin chung chung quá, chị giải thích giúp em phần này…”

Điều này chứng tỏ bạn đã đầu tư thời gian tìm hiểu trước, không phải hỏi xin ý kiến vì lười suy nghĩ.

4. Đề nghị có chừng mực

Mình cũng từng nhận rất nhiều tin nhắn nhờ làm hộ bài tập về nhà tiếng Anh, gợi ý hộ đề tài viết bài trên lớp… Những đề nghị này không chỉ trái với đạo đức giáo dục của người làm nghề như mình, mà còn khiến mình cảm thấy khó hiểu về việc dễ dàng hỏi người khác “làm hộ” của một số bạn.

Ngoài ra, còn có những lời đề nghị vượt qua giới hạn có thể trả lời của mình như chia sẻ thông tin cá nhân (tuổi tác, cân nặng, tình trạng hôn nhân…).

Giới hạn của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nhìn chung có-chừng-mực nghĩa là không lấn sâu vào đời tư của người khác, và không yêu cầu người khác làm những việc thuộc trách nhiệm của mình, nhất là ở những tin nhắn đầu tiên.

5. Tôn trọng và cảm ơn vì thời gian người khác dành cho mình

Nếu ai đó dành thời gian bận rộn trong ngày của họ để trả lời tin nhắn, hỗ trợ bạn điều gì đó, đừng quên cảm ơn họ, kể cả khi chia sẻ của họ có giúp được bạn hay không. Đó là phép lịch sự tối thiểu trong mọi giao tiếp xã hội, cả trên mạng hay ngoài đời thực.

Kết

Mình hy vọng những chia sẻ ngắn này giúp bạn hiểu hơn về một số quy tắc, chuẩn mực giao tiếp (netiquette) khi nhắn tin trên mạng. Tuy chúng không phải là các quy định bắt buộc, nhưng nếu cố gắng thực hiện theo, mình tin bạn sẽ nhận được nhiều phản hồi hơn từ những người mình hỏi nhờ trợ giúp.