Không phải thi SAT/ACT vẫn có thể vào được Harvard | Vietcetera
Billboard banner

Không phải thi SAT/ACT vẫn có thể vào được Harvard

Sự thay đổi này có ảnh hưởng gì tới sinh viên Việt Nam?
Không phải thi SAT/ACT vẫn có thể vào được Harvard

Nguồn: The Hill

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Dưới ảnh hưởng của đại dịch, Harvard đã thông báo sẽ không bắt buộc các thí sinh ứng tuyển phải cung cấp điểm thi SAT/ACT cho tới năm 2026. Đây đều là những kỳ thi chuẩn hóa để đánh giá năng lực của học sinh trung học trước khi xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng của Mỹ.

Tại Mỹ, có hơn 1,000 trường cao đẳng và đại học lớn như Boston, California cũng đã bỏ yêu cầu có điểm SAT/ACT trong kỳ tuyển sinh năm 2021 vừa qua. Nhiều trường đại học cũng đang cân nhắc và áp dụng chính sách này trong tương lai.

2. Bất cập của những hình thức thi này là gì?

Tổ chức FairTest (Trung tâm Kiểm tra mở và công bằng quốc gia của Mỹ) đã nhiều lần kêu gọi các trường áp dụng thử nghiệm việc bỏ điểm thi SAT/ACT. Tổ chức này cùng nhiều chuyên gia cho rằng các hình thức thi này đã lỗi thời.

Các bài kiểm tra tiêu chuẩn này đã vô tình thu hẹp chương trình học, khiến mục đích tới trường chỉ để luyện thi. Giáo sư Linda Darling-Hammond (Đại học Stanford) cũng cho rằng, các kỳ thi tiêu chuẩn là nguyên do dẫn đến sự tụt hạng của giáo dục Mỹ trong 30 năm qua.

Các kỳ thi tiêu chuẩn này cũng bộc lộ khuyết điểm khi tạo ra sự bất bình đẳng. Nhiều học sinh nghèo, học sinh da màu và Mỹ Latin không có đủ điều kiện để học và tham gia kỳ thi. Đa phần những thí sinh điểm cao cũng thuộc những gia đình khá giả và có điều kiện.

Sự phân biệt thứ hạng này còn nằm ở việc một số gia đình bỏ tiền mua điểm và thành tích cho con em. Gần đây nhất là bê bối về đường dây chạy trường xảy ra tại Đại học Yale tại Mỹ.

3. Các sinh viên sẽ bị ảnh hưởng gì từ quyết định này?

FairTest cho rằng đại dịch đã khiến số lượng các trường yêu cầu làm bài kiểm tra SAT/ACT giảm xuống đáng kể.

Theo ông Robert Schaeffer - Giám đốc giáo dục của FairTest, điều này sẽ giúp thay đổi chương trình học của các em học sinh trung học, khi tập trung vào trải nghiệm học thay vì thi cử. Các trường đại học sẽ có nhiều tiêu chí để đánh giá thí sinh hơn, thay vì chỉ coi trọng điểm số.

Các trường đại học áp dụng chính sách mới đã nhận được nhiều đơn nhập học đa dạng từ sinh viên hơn. Với những học sinh và sinh viên tại Việt Nam có ý định du học thì điều này sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng luyện thi, thay vào đó để chuẩn bị những kỹ năng cần thiết khác.

4. Các trường đại học Việt Nam thì sao?

Tuyển sinh bằng điểm ACT/SAT lại đang là xu hướng của nhiều trường đại học tại Việt Nam. Theo báo Thanh Niên, hiện nay có khoảng 20 trường đại học tại Việt Nam sử dụng kết quả thi ACT để tuyển sinh. Ngoài ra các chứng chỉ quốc tế như SAT hay IELTS cũng được ưu ái.

Các trường đại học áp dụng điểm ACT | Nguồn: Thanh Niên

Mỗi trường sẽ có một phương thức áp dụng chứng chỉ quốc tế khác nhau. Một số trường sẽ quy đổi điểm môn tiếng Anh ra từ chứng chỉ như IELTS hay TOEFL. Đại học Bách Khoa lại chia ra nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó ưu tiên tuyển thẳng những thí sinh có chứng chỉ IELTS hay SAT.

Ngoài ra, tiêu chuẩn xét tuyển học sinh giỏi của nhiều trường cũng yêu cầu thí sinh có điểm thi IELTS 6.0 trở lên. Vậy nên mặc dù nhiều trường tại Mỹ đang dần bãi bỏ các kỳ thi lâu đời thì tại Việt Nam, phương thức tuyển sinh dựa trên các chứng chỉ quốc tế vẫn rất sôi nổi.

Bảng quy đổi diểm của một số trường đại học | Nguồn: Vietnamnet

5. Tại sao Việt Nam vẫn ưu ái những hình thức thi này?

Hệ thống giáo dục Việt Nam đã chủ động áp dụng các chứng chỉ quốc tế để có thể hội nhập với nền giáo dục toàn cầu. Tại Mỹ, một số trường đại học chọn không thay đổi cho rằng, họ cần một thước đo để có thể so sánh trình độ sinh viên ở các khu vực.

Việc thay đổi cũng ảnh hưởng tới cả một quá trình tuyển sinh. Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu cho rằng, so với kết quả trung học, điểm SAT/ACT giúp dự đoán tốt hơn về tương lai của sinh viên trong những năm đầu. (New York Times)

Ngoài ra, nhiều trường đại học Việt Nam nhấn mạnh các kỳ thi này sẽ giúp trang bị vốn tiếng Anh cho nhiều tân sinh viên. Giảng viên tại trường Đại học Quốc gia (Hà Nội) cũng cho rằng việc trang bị tư duy và khả năng ngoại ngữ từ các chứng chỉ quốc tế giúp nhiều sinh viên thay đổi cách học. Cơ bản nhất là khả năng học và đọc tài liệu quốc tế. Đó là chưa kể các bằng cấp này cũng tăng cơ hội tìm việc làm cho sinh viên sau ra trường.

6. Các kỳ thi ở Việt Nam có gặp vấn đề tương tự SAT/ACT?

Standardized test (khảo thí tiêu chuẩn) là quá trình thi và cấp bằng, cho phép các trường đánh giá khả năng chung của học sinh. Ví dụ tại Việt Nam có thi tốt nghiệp THPT được tổ chức và cấp bằng bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ năm 2015, Việt Nam đã tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Tuy nhiên sau 7 năm tổ chức với nhiều thay đổi, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng còn nhiều bất cập trong hình thức này.

Nổi bật trong những năm vừa qua chính là vụ gian lận nâng điểm thi tại Sơn La. Kỳ thi năm nay cũng gây tranh cãi khi khi đề cương ôn thi và đề thi có sự tương đồng tới 92,5%.

Bên cạnh đó còn một vấn đề qua nhiều năm vẫn chưa được giải quyết chính là trương trình học cốt chỉ để phục vụ cho mục đích thi cử. Có thể thấy đây là những vấn đề chung mà hình thức khảo thi tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới gặp phải.

7. Kết quả môn tiếng Anh của kỳ thi vừa qua nói lên điều gì?

Sự bất bình đẳng trong giáo dục thể hiện rõ trong kết quả điểm thi môn tiếng Anh năm 2021. Biểu đồ này nổi bật với 2 đỉnh: đỉnh thứ nhất nằm ở 4-5 điểm và đỉnh thứ hai ở 7-8 điểm, đại diện cho 2 nhóm không đầu tư và đầu tư tiếng Anh (Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Phổ điểm môn tiếng Anh có 2 điểm

Khác với đa phần những môn học khác, có nhiều điểm tạo ra sự khác biệt trong trình độ môn tiếng Anh, xoáy sâu vào điều kiện kinh tế của học sinh. Các khu vực như thành phố lớn với kinh tế khá thì có điểm tiếng Anh cao còn đối với vùng núi, vùng sâu vùng xa thì điểm tiếng Anh lại thấp.

Ngoài ra, sự khác biệt trong giáo dục giữa trường quốc tế và trường công cũng tạo ra nhiều khoảng cách trong trình độ ngoại ngữ của học sinh. Đơn cử như việc được học trực tiếp với giáo viên nước ngoài, học thêm ở trung tâm cũng tạo ra nhiều lợi thế khác biệt.

Trong các cuộc thi chuẩn Mỹ như SAT/ACT, vốn được nhiều trường đại học Việt Nam ưu tiên tuyển thẳng thì tiếng Anh vẫn là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận bộ môn này đã tạo ra nhiều bất lợi cho những học sinh, khi mà tất cả đều được đánh giá qua cùng một tiêu chí chung.