Làm gì để việc tặng quà không còn là gánh nặng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Làm gì để việc tặng quà không còn là gánh nặng?

Thời điểm sinh nhật bạn bè hoặc dịp cuối năm, bạn có đau đầu với việc lựa chọn quà cáp không?
Làm gì để việc tặng quà không còn là gánh nặng?

Tặng quà dịp đặc biệt

Vào mỗi dịp đặc biệt như lễ hội, sinh nhật, bạn đã bao giờ phải lo lắng đến việc tặng quà cho người khác chưa? Ở Việt Nam, không thiếu những câu chuyện về áp lực tặng quà: tặng quà cho người yêu, quà cho giáo viên, thậm chí quà sinh nhật cho mẹ chồng.

Tặng quà, một phương thức thể hiện tình cảm từ xưa đến nay, giờ đây lại trở thành một nỗi lo. Nỗi lo tặng quà (gift-giving anxiety) là trạng thái căng thẳng, bồn chồn khi phải lựa chọn món quà phù hợp với bản thân và tạo được năng lượng tích cực cho người nhận. Vậy liệu có cách nào để giảm bớt sự căng thẳng này không?

Vì sao tặng quà lại tạo thành nỗi lo?

Nhiều người có thể tận hưởng việc tặng quà, nhưng một số người lại nhìn nhận nó như một hành trình gian nan. Với họ, tìm được món đồ “thuận người tặng, vừa người nhận” không phải điều dễ dàng. Có nhiều lý do biến việc mua quà trở thành một nhiệm vụ khó khăn, trong đó 3 lý do thường gặp nhất là:

Người tặng chưa cân đối được tài chính, thời gian

Một số người tin rằng giá cả tỉ lệ thuận với mức độ hài lòng của người nhận quà. Điều này khiến nhiều người đặt gánh nặng phải mua được quà đắt đỏ, trong khi ngân sách lại hạn chế.

Tác nhân quan trọng khác là lịch trình bận rộn. Vào mùa lễ, đầu năm hay cuối năm, mỗi người đều sẽ bận rộn với rất nhiều deadline của riêng mình. Việc kiếm tìm, chuẩn bị quà tặng chất lượng đôi khi bị coi như một deadline khác phải trả.

Áp lực “trả nợ” quà

Theo nhà tâm lý học trị liệu Jenn Berman, một số người nhận quà đắt tiền thường có cảm giác muốn tặng lại người kia thứ có giá trị tương đương. Nhiều người Việt Nam cũng quan niệm việc trao đổi tình cảm, vật chất cần ở mức “có qua có lại” - Tức là nếu họ tặng quà, làm điều tốt cho ta, ta cũng cần đáp lại đầy đủ, thậm chí nhiều hơn.

Sợ món quà không được đón nhận

Trong một số trường hợp, người tặng quà còn phải cân nhắc nhiều yếu tố. Chẳng hạn giữa các cặp đôi, món quà còn mang dụng ý giảng hòa, bù đắp, hoặc chiều chuộng. Trong môi trường công sở, quà tặng đôi khi được coi là hình thức đầu tư cho mối quan hệ.

Một trong những nỗi lo thường trực của người tặng là sợ đối phương không thích món quà của mình, hoặc món quà không thực hiện được nhiệm vụ của nó. Ví dụ, bạn và người yêu cãi nhau, bạn tặng quà làm hòa, nhưng món quà được gửi trả ngay sau đó. Bạn dễ cảm thấy tổn thương vì công sức mình bỏ ra không được đáp lại.

titleCoacute nhiều lyacute do để khiến một người phải đau đầu với chuyện quagrave caacutep Nguồn Pexels
Có nhiều lý do để khiến một người phải đau đầu với chuyện quà cáp | Nguồn: Pexels

Làm sao bớt căng thẳng chuyện quà cáp đây?

Hiểu rõ nguyên nhân nỗi lo âu

Đầu tiên, hãy hiểu điều gì làm bạn lo lắng. Bạn sợ không đủ thời gian mua quà? Không muốn chi tiêu quá mức? Hay sợ món quà không đúng ý người nhận? Câu trả lời nên dựa trên một số khía cạnh như tài chính, thời gian, mối quan hệ, chất lượng món quà, kỳ vọng của bản thân hoặc đối phương.

Gọi tên được vấn đề là bước đầu tiên để xác định nguyên nhân nỗi lo âu. Sau khi liệt kê đầy đủ, đã đến lúc bắt đầu giải quyết từng vấn đề một.

Tập trung vào thứ bạn có thể kiểm soát

Chìm đắm vào những suy nghĩ giả định về người nhận không thực sự giải quyết vấn đề. Điều bạn nên làm là tập trung vào những thứ bạn kiểm soát được như cảm nhận cá nhân, thời gian và nguồn tài chính của bản thân.

Đối diện với vấn đề tài chính, bạn có thể lập ngân sách cố định và cố gắng không chi tiêu vượt quá ngân sách. Sau đó lập danh sách những người bạn muốn tặng quà. Với người mà bạn không quá thân và không hiểu rõ về họ, bạn có thể lựa chọn những món quà an toàn như hoa, đồ trang trí, sách, nến thơm.

Một cách khác để tiết kiệm ngân sách là chọn mua quà số lượng lớn vào những ngày sale. Đến ngày cần tặng quà, hãy lấy một món quà có sẵn từ trong “kho”.

Tìm hiểu mong muốn của người nhận

Một trong những cách “nghiên cứu” quà tặng phổ biến là suy luận từ sở thích của đối phương. Để tìm quà được “cá nhân hóa”, hãy thử trả lời một số câu hỏi sau:

  • Họ thường làm gì trong thời gian rảnh?

  • Khi bàn luận về mua sắm, họ thường thu hút bởi sản phẩm nào?

  • Họ thích quà thực tế, dùng được hay quà trang trí, mang tính tượng trưng?

  • Họ có thích trải nghiệm, đi đây đi đó không?

  • Họ đang gặp vấn đề gì trong cuộc sống? Sản phẩm nào để giúp họ giải quyết vấn đề? (Ví dụ: họ đang mất ngủ, bạn có thể tặng trà giúp ngủ ngon)

  • Họ đang tò mò và muốn học hỏi về lĩnh vực nào? (Ví dụ: họ đang muốn tìm hiểu về tâm lý học, thử chọn sách về tâm lý học để tặng)

titleLập kế hoạch trước cũng lagrave một caacutech để thoaacutet khỏi cảm giaacutec quotlạc lốiquot Nguồn Pexels
Lập kế hoạch trước cũng là một cách để thoát khỏi cảm giác "lạc lối" | Nguồn: Pexels

Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc với phương án “thẳng mà thật”: hỏi trực tiếp đối phương. Tuy nhiên, cách thức hỏi trực tiếp sẽ linh hoạt tùy vào mức độ thân thiết và tính cách người nhận. Trước hết, bạn có thể áp dụng cách này người nhà hoặc bạn thân.

Nghĩ đến món quà sáng tạo hơn

Thay vì chọn một hộp quà được bọc đẹp đẽ, hãy nghĩ tới những hình thức quà tặng khác sáng tạo hơn, như đầu tư cho trải nghiệm. Ví dụ, bạn mua vé tham quan công viên cho con, vé tham dự buổi hòa nhạc cho bố mẹ. Bạn cũng có thể mua nguyên liệu làm bánh về để cả nhà cùng nhau nấu nướng.

Quà “kỹ thuật số” cũng đang trở thành xu hướng nhờ tính tiện lợi. Thử cân nhắc thẻ quà tặng, phiếu giảm giá hoặc sách eBook. Nếu hiểu biết một chút về làm video, hãy tự làm một chiếc video kỷ niệm tình cảm giữa bạn và người kia.

Tặng quà theo 5 ngôn ngữ tình yêu

Có nhiều cách để thể hiện yêu thương, và quà tặng chỉ là một trong số đó. Nhiều người thể hiện và đón nhận tình yêu bằng thời gian bên đối phương, có người lại thích nói (và nghe) những lời yêu chân thành. Ta gọi những cử chỉ yêu thương này là “ngôn ngữ tình yêu”.

Theo bác sỹ Gary Chapman, có 5 cách “cho và nhận tình yêu” (hay “ngôn ngữ tình yêu”) khác nhau, đó là:

  • Thời gian bên nhau (Quality time)

  • Quà tặng (Gifts)

  • Sự chu đáo (Acts of Service)

  • Lời yêu (Words of Affirmation)

  • Những cái chạm (Physical touch)

Mỗi người đều có “ngôn ngữ tình yêu” của riêng mình, vì vậy bạn có thể tặng quà dựa theo ngôn ngữ của họ. Ví dụ, nếu mẹ bạn là người đề cao sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, hãy đăng ký cho hai mẹ con cùng tham gia một khóa học làm nến thơm. Nếu người yêu bạn là người trân trọng những lời yêu thương, thử viết một lá thư tay gửi họ. Biết đâu, đây lại là thứ có giá trị nhiều hơn bất kỳ món quà nào.

Bạn có thể cùng họ làm bài test về ngôn ngữ tình yêu để tìm được phương pháp bày tỏ tình cảm phù hợp nhất.