Làm sao để thoát khỏi friendzone? | Vietcetera
Billboard banner

Làm sao để thoát khỏi friendzone?

Làm sao để thoát khỏi friendzone? Nơi mà tình yêu bị hắt hủi và bị xem như là 'tình bạn'.

Làm sao để thoát khỏi friendzone?

An Ho @meaptopia cho Vietcetera

Với những người đang “thầm thương trộm nhớ”’ một ai, “friendzone” là một cụm từ có phần ám ảnh và đáng sợ.

Friendzone là gì?

Cụm từ "friendzone" dùng để chỉ trạng thái của một mối quan hệ bạn bè, khi một bên muốn tiến xa hơn về mặt tình cảm, nhưng bên còn lại không nhận thức được, hoặc không tồn tại nhu cầu này. Kết quả là bên có tình cảm rơi vào vùng tiến thoái lưỡng nan.

Một số mẹo dựa trên các thuyết tâm lý học sau đây sẽ giúp bạn bớt phần khó khăn khi đưa ra quyết định cho mình.

Vì sao bạn bị rơi vào friendzone?

Nền tảng của các mối quan hệ đều dựa trên thuyết trao đổi xã hội. Theo thuyết này, các mối quan hệ được thành lập dựa trên việc ngầm chấp thuận cho-và-nhận các giá trị với nhau.

Friendzone theo tờ Psychology Today về cơ bản là một tình bạn mất cân bằng giữa cho-và-nhận. Bên cho nhiều hơn bình thường nhưng bên nhận (dù biết hay không) lại không phản hồi như bên cho đã kỳ vọng. Kết quả là bên cho đi nhiều hơn bị kẹt trong trạng thái bồn chồn, ức chế và tuyệt vọng.

Cái khó của friendzone ở chỗ: bạn đối xử tốt với đối tượng của mình, nhưng họ xem đó là điều bạn bè thường làm cho nhau. Làm sao để phát tín hiệu rằng điều bạn thực sự mong muốn không chỉ là “làm bạn" với họ?

1. Tiết chế thể hiện mức độ quan tâm của mình

Khi một bên rơi vào friendzone tức là người đó đã để tâm vào mối quan hệ này ở mức độ cao hơn người còn lại. Họ luôn phải phụ thuộc vào những gì bên kia phản hồi – một yếu tố hoàn toàn bất định và không thể kiểm soát được. Vô tình, họ rơi vào thế yếu trong một mối quan hệ.

Đây là một nguyên tắc trong xã hội học, có tên gọi "Nguyên tắc ít hứng thú nhất" (Principle of Least Interest), được khởi xướng bởi nhà xã hội học Willard Waller vào năm 1938. Ông cho rằng trong một mối quan hệ, bên ít quan tâm hơn sẽ nắm nhiều quyền lực hơn. Bởi vì bên quan tâm nhiều hơn sẽ có xu hướng chấp nhận mọi giá để níu giữ bên còn lại.

Chính vì thế, hãy giảm bớt mức độ yêu thích, bắt đầu với những dấu hiệu cho thấy bạn đang thích họ và dần tiết chế lại. Đồng thời, bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý 'quay bước đi' nếu không nhận được tình cảm tương xứng, điều này vô hình trung sẽ cho bạn quyền chủ động. Bởi theo nguyên tắc trên, những người có khả năng bước tiếp cao hơn sẽ có nhiều chủ động trong việc điều khiển mối quan hệ hơn.

2. Giảm bớt sự hiện diện của mình xung quanh đối tượng

Khi toàn bộ sự chú ý đang bị dồn vào người kia, đã đến lúc bạn cần tự cân bằng lại bằng việc dành thêm nhiều thời gian cho bản thân. Nếu đối phương thực sự có tình cảm đáp lại, họ sẽ thấy nhớ và chủ động tìm đến bạn nhiều hơn.

Đây được gọi là "Nguyên lý khan hiếm" – con người trân trọng giá trị của một sự vật nhiều hơn khi họ thiếu hoặc mất đi điều đó, cũng là lời giải cho những tình huống "mất đi mới biết quý trọng". (Nguồn: psychology.iresearchnet.com)

Người ta thường nói “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo” là như vậy. Còn khi bạn đã “chạy tình” nhưng tình vẫn không theo, đây là dấu hiệu hờ hững của bên còn lại mà bạn nên cân nhắc.

3. Tạo sự cạnh tranh để thoát khỏi friendzone

Khi thích một ai, “cả thế giới bỗng chốc thu bé lại vừa bằng một người” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cuộc sống là muôn màu và xung quanh bạn vẫn luôn có nhiều kết nối tuyệt vời khác.

Khi chủ động mở rộng vòng tròn của mình, gặp gỡ nhiều người thú vị và thỉnh thoảng kể lại cho “người bạn” của mình, bạn đang tạo ra một sự cạnh tranh ngầm. Cạnh tranh sẽ kích thích sự khan hiếm, từ đó nâng cao khả năng bạn thoát khỏi friendzone thành công.

Nếu việc này không tạo nên cảm xúc gì khác biệt cho đối phương, việc bước tiếp của bạn cũng sẽ dễ dàng hơn trước. Giờ đây, bạn đã có mạng lưới những mối quan hệ tiềm năng khác để phát triển và duy trì rồi.

Khi gặp gỡ những người khaacutec bạn đang tạo ra một sự cạnh tranh ngầm
Khi gặp gỡ những người khác, bạn đang tạo ra một sự 'cạnh tranh ngầm'.

4. Thử mời họ bước vào 'vùng tình bạn'

Tình cảm không chỉ đến từ một phía, hãy tạo điều kiện để họ có thể tham gia phát triển 'tình bạn' này với bạn. Đây cũng là một cách để đánh giá liệu người đó có sẵn lòng cân bằng mối quan hệ cho-và-nhận, hay nói cách khác là có tình cảm gì với bạn không.

Nhờ họ đặt xe, đồ ăn, nước, hoặc hướng dẫn bạn làm điều gì đó,… là những cách có thể thử. Vừa không quá lộ liễu, vừa thử được phản ứng của họ trước lời nhờ vả của bạn.

Trái ngược với mọi người hay nghĩ, Hiệu ứng Ben Franklin cho rằng người khác sẽ thích bạn hơn khi họ chăm sóc bạn, thay vì là bạn chăm sóc họ. Điều này có tác dụng cho cả những mối quan hệ oan gia và người lạ, nên càng không phải nghi ngờ hiệu quả giữa bạn bè với nhau.

Lý do giải thích sự thành công của hiệu ứng này đó là:

  • Giảm mức độ bất hòa nhận thức: Khi được nhờ một việc chắc chắn làm được, để tránh bị xem là nhỏ mọn, đa số chọn nhận lời. Lúc này, họ sẽ tự thuyết phục rằng mình thích đối phương đủ để người đó nhận sự giúp đỡ từ mình. Từ đó, họ bắt đầu mở lòng hơn.
  • Thuyết tự nhận thức: Khi chưa xác định cảm xúc cho một người, ta thường hình thành thái độ bằng cách quan sát hành vi của mình đối với họ. Như vậy, giúp đỡ họ (hành động tích cực) sẽ hình thành cảm xúc tích cực của mình với đối phương.
  • Cảm giác được đề cao và tôn trọng: Nhờ đó cũng tự nhiên giúp một người phát sinh thiện cảm với người nhờ cậy mình.

5. Nhưng hãy rời đi ngay khi cần thiết

Nếu bạn để ý, những phương pháp trên không phải là một điều kì diệu nào giúp bạn suôn sẻ tiến đến với người bạn thích. Có chăng, đó chỉ là một 'cú hích' để họ nhận ra tình cảm với bạn, thúc đẩy quá trình tiến triển, hoặc một phép thử để bạn quyết định xem nên tiếp tục dành thời gian hay rời đi.

Một mối quan hệ đáng đầu tư là khi cả hai bên đều mong muốn và đóng góp trong việc giúp đỡ nhau trở nên tốt hơn. Khi bạn nhận thấy người mình thích đã để ý đối tượng khác (thậm chí cũng đang mắc kẹt trong friendzone), hay không nhận được giá trị tích cực gì, đó là lúc bạn nên rời đi.

Nhận thức và thoát khỏi friendzone sớm sẽ giúp bạn trở thành một người hấp dẫn hơn, vì việc này cho thấy bạn dành sự tôn trọng cho chính mình.

Dugrave lagrave phương phaacutep nagraveo hatildey luocircn để yacute caacutec dấu hiệu vagrave sẵn sagraveng bước ra khỏi friendzone vagraveo đuacuteng thời điểm ndash khi bạn nhận ra người đoacute khocircng coacute yacute định dagravenh tigravenh cảm cho migravenh
Dù là phương pháp nào, hãy luôn để ý các dấu hiệu và sẵn sàng bước ra khỏi friendzone vào đúng thời điểm – khi bạn nhận ra người đó không có ý định dành tình cảm cho mình.

Kết

Sau khi đã thực hiện những cách trên, đảm bảo rằng bạn đã xác định rõ phương hướng cho mối quan hệ của bạn trong tương lai. Đây mới là điều quan trọng nhất.

Việc thoát ra vùng friendzone là điều hoàn toàn có thể, miễn là bạn tập trung vào giá trị của bản thân, đừng tuyệt vọng và sẵn sàng rời đi khi cần.

Nếu người kia thực sự coi trọng bạn trong cuộc sống của họ, người đó sẽ chủ động cùng bạn phát triển 'tình bạn' này. Còn đã xác định họ hoàn toàn không có tình cảm gì với mình, bạn vẫn dễ dàng 'rút lui trong vinh quang' với những người bạn mới, lẫn lòng tự tôn được củng cố và nhận thức về chính mình làm hành trang.

httpsvietceteracomvnbosuutapletotnghiepfriendzone