6 Dấu hiệu bạn đang tốn thời gian cho sai người | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 10, 2020
Thương

6 Dấu hiệu bạn đang tốn thời gian cho sai người

Không phải lúc nào những dấu hiệu mà bạn đang tốn thời gian cho sai người cũng hiện hữu. Vậy chúng là gì và chúng đang cảnh báo bạn như thế nào về mối quan hệ?
6 Dấu hiệu bạn đang tốn thời gian cho sai người

Tất Sỹ @tatsy.wip cho Vietcetera

Trong tình cảm, mấy ai gặp được một người đúng với mình ngay lần đầu. Chúng ta học yêu qua một quá trình bao gồm nhiều lần sai lầm, học hỏi rồi sửa chữa. Mà quá trình thì cần thời gian.

Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên cho đi thời gian của mình vô tội vạ. Nhận biết được khi nào thì mối quan hệ xuất hiện nguy cơ hoặc đang gặp gỡ sai người sẽ giúp bạn sớm nhìn nhận lại và đưa ra quyết định đúng lúc.

Có thể đây là 6 dấu hiệu đang cố gắng cảnh báo cho bạn.

1. Bạn rơi vào những khoảng im lặng không thoải mái

Tuy thường được nghe rằng giao tiếp là chìa khoá cho mọi mối quan hệ, nhưng cũng sẽ có lúc không cần nói gì. Theo nhà tâm lý học Richard B. Joelson, có sự khác nhau giữa sự im lặng thân mật với sự im lặng bối rối trong mối quan hệ đã tiềm ẩn nguy cơ.

Như chị Nguyễn Phi Vân từng nói, "Nếu bạn có thể cùng một người, ngồi xuống ngắm hoàng hôn mà không phải nói gì cả, thì đấy là người yêu của bạn!"

Một sự kết nối thực sự là khi bạn thấy thoải mái ở bên người đó mà không cần đắn đo nên làm gì, nói gì. Ngược lại, sự im lặng có thể là một hình thức né tránh vấn đề, hoặc là sự bình yên trước giông bão.

2. Bạn phải hy sinh nhiều vì người kia

'Hy sinh' là một “đức tính” được đề cao từ ngàn xưa, đặc biệt thường gán cho người phụ nữ. Nhưng ngày nay, dù là ai hy sinh thì đều có thể là dấu hiệu báo động cho một mối quan hệ không cân bằng.

Đôi khi tình yêu cũng cần sự hy sinh. Nhưng có những điều chúng ta vẫn phải lưu giữ, chẳng hạn như bản thân mình, sự tự do, bình an trong tâm hồn, ước mơ và sở thích, giá trị và lòng tự hào, niềm tin cốt lõi, gia đình và bạn bè,...

Hy sinh coacute thể lagrave một dấu hiệu đaacuteng baacuteo động cho một mối quan hệ thiếu cacircn bằng vagrave xu hướng đaacutenh mất bản thacircn
Hy sinh có thể là một dấu hiệu đáng báo động cho một mối quan hệ thiếu cân bằng và xu hướng đánh mất bản thân.

Nhà tâm lý học xã hội Amie M. Gordon cho rằng, hy sinh cũng cần phải đúng. Nếu bạn hy sinh với động lực tiếp cận (approach-motivated), chẳng hạn để giúp bạn đời hạnh phúc hơn, kết quả đạt được sẽ là sự thoả mãn và bền vững trong mối quan hệ. Nhưng nếu chỉ để né tránh (avoidance-motivated) những thứ như tranh cãi, bạn sẽ chỉ thêm dồn nén và kém hạnh phúc.

3. Bạn không dám bộc lộ mình

Người đó thường xuyên chỉ trích, khiến bạn mất niềm tin vào mình. Bạn e ngại bộc lộ bản thân vì không biết người đó có chấp nhận phiên bản chân thật của bạn hay không.

Một mối quan hệ không thể bền vững được khi luôn bị những phán xét tiêu cực sắc nhọn tấn công. Chỉ trích, chê bai bản chất là để hạ thấp người nghe, thể hiện mình "trên cơ". Đây là một kiểu bạo hành cảm xúc mà ít ai nhận thức được. Một người yêu bạn thật sự sẽ không tỏ thái độ gay gắt khi bạn làm điều gì đó không đúng ý mình.

4. Bạn đánh mất bản thân

Theo chuyên gia về tình cảm Elizabeth Stone, đánh mất bản thân mình là khi bạn quên đi các mục tiêu trong đời, những ước mơ, những điều bạn muốn thực hiện. Bạn quá xem trọng những gì người kia muốn và quên đi những gì bạn muốn, rồi dần giảm đi thời gian dành cho riêng mình.

Bạn coacute đang bỏ qua caacutec mục tiecircu ước mơ vagrave bỏ becirc migravenh khi bước vagraveo mối quan hệ hiện tại
Bạn có đang bỏ qua các mục tiêu, ước mơ và bỏ bê mình khi bước vào mối quan hệ hiện tại?

Đôi lúc bạn phải gồng mình lên để đạt được những tiêu chuẩn về người yêu lý tưởng mà người đó vẽ ra. Bạn thấy mình không xứng đáng và trở nên lệ thuộc, thậm chí rơi vào bẫy thao túng tâm lý.

Madison Moore, tác giả bài viết “Bạn nên tận hưởng tình trạng độc thân trước khi bước vào một mối quan hệ” khuyên, “đừng nên đặt toàn bộ lòng tự tin và giá trị của mình vào tay người khác, bởi vì yêu bản thân mình mới là thứ tình yêu khó có được nhất.” Thay vì cố biến thành một phiên bản không còn là chính mình, hãy chấp nhận rằng đó không phải là người dành cho bạn.

5. Bạn thường bất đồng với người kia

Theo Lovetopivot, một chương trình giảng dạy về các mối quan hệ, bất đồng có thể đến từ giao tiếp sai lệch, ích kỷ, kỳ vọng quá mức và chỉ trích.

Đôi khi những bất đồng là tiền đề để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau. Thông qua chia sẻ và thỏa hiệp, hai người sẽ tìm được tiếng nói chung.

Tuy nhiên, một mối quan hệ hạnh phúc thường có tỉ lệ giữa các yếu tố tích cực và tiêu cực là 5:1. Nếu đến một thời điểm mà những cuộc tranh cãi không đi đến đâu dù đã thử nhiều cách thì bạn không nên xem nhẹ.

6. Cả hai không cảm nhận được sự hiện diện của nhau

Như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết: “Khi yêu một người, điều tốt nhất bạn có thể trao đi chính là sự hiện diện của mình.”

Một người đáng tin cậy sẽ không lờ đi tin nhắn hay cuộc gọi của bạn, từ chối những cuộc hẹn, hoặc thoái thác khi bạn cần. Thậm chí khi ngồi bên nhau, họ thờ ơ với tình trạng, cuộc sống, công việc của bạn, và cũng không muốn chia sẻ gì về mình.

Nếu bạn cảm thấy thời gian bên nhau trôi qua vô nghĩa, hoặc thậm chí bạn còn không thể chủ động liên lạc với họ, đây có thể là 'reg flag' cho mối quan hệ của bạn.