Làm cách nào để rèn luyện tính tự kỷ luật hiệu quả? | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 01, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Làm cách nào để rèn luyện tính tự kỷ luật hiệu quả?

Bạn cố ngăn bản thân khỏi cám dỗ bằng ý chí nhưng không thành, rồi tự thấy mình tệ hại vô cùng. Và tự kỷ luật cũng vì thế mà thất bại.

Làm cách nào để rèn luyện tính tự kỷ luật hiệu quả?

Nguồn: CHUTTERSNAP/Unsplash

Tiếp nối "Trong việc tự kỷ luật, dựa vào ý chí thôi thì chưa đủ", dưới đây là phần tiếp theo của loạt bài viết về chủ đề tự kỷ luật được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Giả sử, bạn đang trong quá trình giảm cân, và trở ngại lớn nhất chính là tuần nào cũng ăn đến 3 hộp kem lớn. Bạn cố ngăn bản thân bằng ý chí, thậm chí đổ lỗi cho người rủ rê hoặc mua kem cho bạn. Nhưng áp dụng cách nào cũng không hiệu quả. Ngày nào bạn cũng bị những vị kem thơm ngon cám dỗ, rồi lại tự thấy chán ghét bản thân vô cùng.

Tuy nhiên, để tự kỷ luật hiệu quả, đầu tiên bạn cần nhận thức rằng sai lầm cá nhân khác với sai trái về đạo đức. Sự thật là bản thân bạn, cũng như bao người khác, đều có những nhu cầu cá nhân cần được thỏa mãn, đều biết xấu hổ, đều có những khoảnh khắc bồng bột. Và tất cả những điều đó không biến bạn trở thành một người tồi tệ.

Tự phán xét không giúp bạn nhận ra và giải quyết vấn đề

Tự chấp nhận bản thân phức tạp hơn bạn nghĩ. Chúng ta khó nhận thức được hết những lời tự phán xét về thất bại của chính mình. Chúng ta nghĩ đến mọi lý do, rồi cuối cùng vô thức tự kết luận rằng "bản thân mình thật tồi tệ".

alt
Chúng ta vô thức tự kết luận rằng "bản thân thật tồi tệ" để phán xét về thất bại của chính mình. | Nguồn: Mark Manson

Tự phán xét bản thân đôi khi giống như một cách “tự an ủi”, bởi nó khiến chúng ta cảm thấy trách nhiệm của bản thân đã giảm đi phần nào, và thấy nhẹ nhõm hơn. Nếu đã nhận định vì mình là người tệ hại nên mới không thể ngừng ăn kem – thì chính "bản chất con người tệ hại" ấy mới là thứ cản trở bạn thay đổi và phát triển sau này. Bạn đâu được nắm quyền kiểm soát, vậy thì cần gì phải cố?

Nếu không tự kết luận rằng bản thân thật tồi tệ, chúng ta lại thấy bồn chồn. Chúng ta ra sức chối bỏ con người thật của mình, bởi chấp nhận bản thân thường đi kèm với trách nhiệm nặng nề. Chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng chỉ có bản thân mới có thể thay đổi tương lai (trong khi không phải ai cũng sẵn sàng thay đổi), và cũng chính bản thân đã lãng phí phần lớn thời gian trong quá khứ.

Những điều này chẳng đem lại cảm giác dễ chịu gì. Lúc con người nhận thức được rằng mình không hẳn quá tồi tệ thì họ lại tự thất vọng về bản thân "tại sao trước đây mình không nhận ra điều này!"

Tuy nhiên, một khi chúng ta ngừng phán xét đạo đức dựa trên cảm xúc cá nhân, khi nhận thức được thất bại của bản thân không biến chúng ta thành những người tệ hại, thì chúng ta sẽ có những quan điểm khác về cuộc sống.

alt
Thất bại của bản thân không biến chúng ta thành những người tệ hại. | Nguồn: Pexels

Cảm xúc đôi khi chỉ là những cơ chế điều khiển hành vi từ suy nghĩ bên trong (internal behavioral mechanisms), và cũng rất dễ dàng bị chi phối. Khi ngừng tự phán xét, bạn sẽ thấy rằng thất vọng về bản thân vì không thể từ bỏ một cám dỗ nào đó cũng chỉ là cách tự nhắc nhở, hoặc là động lực để bạn tự nhìn ra vấn đề.

Chúng ta phải tự tìm ra và đối mặt với những cảm xúc mà bản thân đang cố che giấu. Sở dĩ bạn không thể ngừng ăn kem là bởi việc ăn uống, đặc biệt là đồ ngọt và các món ăn không tốt cho sức khỏe, chính là một cách trốn tránh cảm xúc.

Và quan trọng nhất là phải chấp nhận chúng. Hãy nhận thức những góc tối sâu thẳm nhất của mình, để mình cảm nhận mọi cảm xúc khó chịu và bức bối sau khi đối mặt với những điều đó. Và hãy chấp nhận rằng đó là một phần không thể chối bỏ của con người bạn. Và điều đó cũng ổn thôi. Bạn nên đối mặt với chúng, thay vì cố chống lại chúng.

Khi không còn cảm thấy bản thân là một người tệ hại, bạn sẽ nhận ra hai điều kỳ diệu, rằng:

  • Bạn không phải cố gạt bỏ cảm xúc nào nữa. Bỗng dưng, bạn không còn cần dựa vào những món ăn vặt không mấy có lợi cho sức khỏe để "an ủi" bản thân.
  • Bạn không còn lý do gì để tự trừng phạt bản thân. Ngược lại, bạn cảm thấy yêu bản thân và muốn chăm sóc chính mình nhiều hơn. Và quan trọng nhất, việc chăm sóc bản thân đem lại cảm giác tuyệt vời cho bạn.

Tầm quan trọng của các cảm xúc cá nhân

Tuy nhiên, tự kỷ luật không nhất thiết phải hoàn toàn dựa vào các biện pháp trị liệu tâm lý như trên. Bạn chỉ cần hiểu và chấp nhận để sống chung với cảm xúc, thay vì cố gắng gạt bỏ chúng ra khỏi cuộc đời mình.

Bạn có thể thử một mẹo đơn giản khác như: Giao kèo với đứa bạn thân, rằng nếu bạn còn tiếp tục ăn kem khi đang trong quá trình giảm cân thì bạn sẽ phải mua cho đứa bạn chiếc iPhone đời mới nhất.

Và việc ăn kem lúc này bỗng trở thành một gánh nặng, thay vì đóng vai trò giải quyết những phiền muộn của bạn. Tự động ngăn bản thân phụ thuộc vào món kem bỗng đem lại cảm giác tuyệt vời.

alt
Hiểu và chấp nhận để sống chung với cảm xúc, thay vì cố gắng gạt bỏ chúng ra khỏi cuộc đời mình. | Nguồn: Pexels

Mẹo này cũng tương tự như trách nhiệm xã hội (social accountability). Ví dụ như ngồi thiền, cùng làm với nhiều người sẽ dễ hơn khi phải làm một mình. Khi cùng thiền với người khác, bạn không thể chỉ sau 3 phút đã tự động đứng lên và bỏ cuộc như khi ở nhà. Áp lực xã hội biến việc không tập trung ngồi thiền thành thử thách cho bạn, chứ không còn là việc phải cố gắng ngồi thiền trong một thời gian nhất định nữa.

Bạn cũng có thể tự kỷ luật bằng cách tự động viên. Nghiên cứu chỉ ra rằng đó cũng chính là cách tạo ra thói quen mới: hành động đúng đắn như mong muốn rồi tự thưởng cho mình.

Tóm lại: Ý chí không phải yếu tố tiên quyết trong việc tự kỷ luật

Một khi không còn hổ thẹn về mình, và khi đã tự tạo ra được những tình huống giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm vì làm được những việc nên làm, thì bạn đã đạt được khả năng tự kỷ luật mà không cần dùng đến ý chí để gượng ép bản thân.

Bạn có thể tự giác dậy sớm vì không khí buổi sớm mang lại cảm giác thoải mái. Bạn ngừng nói dối, bởi nói dối khiến bạn thấy tệ hơn là nói ra những sự thật quan trọng. Và bạn tập thể dục bởi hoạt động thể chất giúp bạn thấy cơ thể nhẹ nhàng hơn là ngồi không thưởng thức đồ ăn vặt.

alt
Những nhọc nhằn trở nên có ý nghĩa hơn, giúp bạn trở nên khác biệt. Bạn tình nguyện theo đuổi khó khăn thay vì trốn tránh chúng. | Nguồn: Unsplash

Nhận thức được những điều này không đồng nghĩa với việc khổ đau cũng theo đó biến mất. Những nhọc nhằn vẫn luôn hiện diện, nhưng có ý nghĩa hơn, và giúp bạn trở nên khác biệt. Bạn sẵn sàng chấp nhận khó nhọc thay vì gạt bỏ chúng, tình nguyện theo đuổi thay vì trốn tránh chúng. Và sau mỗi gian khổ, bạn trở nên mạnh mẽ hơn, khỏe khoắn và hạnh phúc hơn.

Đến cuối cùng, người khác có thể sẽ thấy bạn đã bỏ ra một công sức vĩ đại, một ý chí quyết tâm to lớn để rèn luyện tính tự kỷ luật. Nhưng đối với bạn, chúng cũng thường thôi.