Làm thế nào để slackening không cản trở năng suất của bạn? | Vietcetera
Billboard banner

Làm thế nào để slackening không cản trở năng suất của bạn?

Bản thân slackening xuất phát từ bài toán năng suất làm việc - một yếu tố khó cân bằng nơi công sở. 
Làm thế nào để slackening không cản trở năng suất của bạn?

Nguồn: Pexels

1. Slackening là gì?

Slackening miêu tả việc dần trở nên lười biếng hoặc kém hiệu quả hơn. Trong công việc, slackening có nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó là làm việc hời hợt, không hoàn tất công việc được giao, hoặc thường xuyên giải lao trong giờ làm việc.

2. Nguồn gốc của slackening

Slackening bắt nguồn từ slack - một cụm từ chỉ những người lười biếng và cẩu thả từ thế kỷ 13. Đến những năm 1570, slackening được dùng để nói về một việc nào đó bị chậm lại. Sau đó, người ta thường dùng slackening để chỉ sự cứng nhắc và kém năng động.

Dạo gần đây, các nghiên cứu về hiệu suất trong công việc cho thấy slackening nơi công sở đang là một vấn đề đáng lưu tâm.

Năm 2015, một công ty ở Anh đã khảo sát 1989 nhân viên về số giờ làm việc hiệu quả mỗi ngày. Kết quả cho thấy trung bình một người chỉ năng suất trong khoảng 2 tiếng 53 phút trên 8 tiếng làm việc. Thời gian còn lại thường dành cho lướt mạng xã hội, đọc tin tức, hoặc trò chuyện với bạn bè.

3. Vì sao slackening trở nên phổ biến?

Bản thân slackening xuất phát từ bài toán năng suất làm việc - một yếu tố khó cân bằng nơi công sở.

Nếu một người chỉ liên tục làm việc và không cho phép bản thân nghỉ ngơi, đến một ngày họ sẽ kiệt sức. Trái lại, khi trở nên buông thả, cho phép mình thảnh thơi, không có lịch trình cụ thể và cam kết với công việc, bạn cũng không thể đạt hiệu suất cao.

Trong quý đầu năm 2023, Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ công bố năng suất lao động của cả nước giảm tới 2.7%. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 75 năm vừa qua.

Thống kê này củng cố nỗi lo của nhiều doanh nghiệp khi phải đối diện với tình trạng nhân viên trở nên hời hợt và năng suất công việc giảm sút. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng slackening nơi công sở, bao gồm:

  • Các công việc lặp đi lặp lại, không có sự đổi mới và thách thức, khiến nhân viên cảm thấy nhàm chán.
  • Theo nghiên cứu của Gallup, khả năng gắn kết đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu này chỉ ra chỉ hơn 13% nhân viên toàn cầu cảm thấy gắn kết với công việc. Khi không gắn kết, kết quả cuối cùng và sự thành công của công ty không còn là mục tiêu tối quan trọng với nhân viên.
  • Môi trường làm việc có thể ảnh hưởng đến việc hời hợt khi nó trở nên độc hại. Khi công ty thiếu các quyết định khen thưởng hoặc bổ nhiệm, nhân viên cũng cảm thấy mình không được công nhận và đánh giá cao.

Để slackening không còn là một mối đe doạ

Dưới tư cách là một quản lý, bạn có thể xử trí những nhân viên hời hợt và không đạt năng suất cao qua một số phương pháp sau.

  • Gán cho mỗi công việc một ý nghĩa

Một công việc có ý nghĩa không chỉ đem lại động lực mà còn giúp nhân viên nhận ra giá trị trong nỗ lực của bản thân. Khi đó, với một mục tiêu cụ thể, họ cảm thấy gắn kết hơn với công việc và mục tiêu lớn hơn của công ty.

Không chỉ vậy, hãy thường xuyên công nhận nỗ lực của nhân viên để giúp họ nhận ra được giá trị công việc của mình. Điều này giúp họ nhận cảm thấy được tôn trọng và là một phần của công ty.

  • Kiểm tra tiến độ qua các buổi check-in

Phương pháp quản lý vi mô (micromanage) là một cách quản lý nhân sự cực đoan khi chú ý đến các chi tiết nhỏ và giám sát nhân viên quá mức.

Hãy cân nhắc thay thế những buổi đánh giá hiệu suất căng thẳng bằng những buổi check-in đơn giản, có thể vào đầu giờ làm và thường xuyên hơn, để nhanh chóng nắm bắt được tình hình của nhân viên. Từ đó, bạn có thể hỗ trợ khi nhân viên gặp vấn đề và giải quyết chúng sớm nhất có thể.

  • Đảm bảo kiến thức và nguồn tài nguyên cho nhân viên

Khi không có đủ kiến thức và tài liệu cần thiết, nhân viên thường giảm sút năng suất và trở nên hời hợt. Điều này khiến họ hời hợt hơn và phạm nhiều lỗi sai vì không đủ kỹ năng để hoàn thành công việc.

Do đó, trong thời gian đầu của dự án và công việc, đảm bảo việc trang bị kiến thức và kỹ năng cụ thể giúp hạn chế cảm giác chán nản và tăng năng suất công việc.

4. Cách dùng slackening

Tiếng Anh:

A: Is Lam doing alright? He seems to be very tired.

B: I’m not sure. He slackens off at the end of today’s shift. I’ll talk to him later then.

Tiếng Việt:

A: Hôm nay Lam có ổn không nhỉ? Trông nó có vẻ mệt mỏi hơn thường lệ.

B: Tao không chắc nữa. Cuối ngày hôm nay trông nó có vẻ hời hợt và không năng suất lắm. Để tao nói chuyện với nó sau vậy.