Bạn muốn thăng tiến: Chăm chỉ rồi làm gì nữa? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
14 Thg 05, 2024

Bạn muốn thăng tiến: Chăm chỉ rồi làm gì nữa?

Giỏi chuyên môn nhưng chưa được thăng chức, có thể đây là những yếu tố bạn còn thiếu.
Bạn muốn thăng tiến: Chăm chỉ rồi làm gì nữa?

Nguồn: Minh Thu @hazysoda21 cho Vietcetera.

Nếu bạn đang cho rằng mức độ chăm chỉ, hiệu suất làm việc hay kết quả đạt được là những tiêu chí quan trọng ảnh hưởng tới việc thăng tiến của bạn. Vậy thì bạn đã trả lời đúng nhưng còn chưa đủ.

Những tiêu chí kể trên thực sự là yếu tố mang tính quyết định, tuy nhiên chỉ ở giai đoạn đầu của sự nghiệp. Còn một khi bạn muốn phát triển và thăng tiến xa hơn thì những tiêu chí đòi hỏi cũng cao hơn.

Nếu vẫn còn đang mặc kẹt với suy nghĩ sao mình giỏi chuyên môn mà mãi vẫn chưa được thăng chức. Bài viết này sẽ giúp bạn nhìn ra điều mình còn đang thiếu.

Làm tốt công việc không phải là tất cả

Trong cuốn sách Empowering Yourself (Trao quyền cho bản thân), Harvey Coleman, người sở hữu công ty cố vấn riêng và từng làm việc với các công ty lớn như IBM, Xerox, đã đúc kết ra mô hình P.I.E bao gồm 3 yếu tố chính tác động đến quá trình thăng tiến trong sự nghiệp:

  • Thành quả công việc (Performance): Bạn làm tốt công việc của mình như thế nào?
  • Hình ảnh (Image): Hình ảnh của bạn trong mắt mọi người như thế nào? Hay sử dụng một thuật ngữ được ưa chuộng hiện nay là mọi người nhìn nhận “thương hiệu cá nhân” của bạn ra sao?
  • Mức độ danh tiếng (Exposure): Mức độ mọi người biết về những gì bạn làm. Chỉ có người quản lý trực tiếp biết về bạn, hay cả (những) cấp trên nữa cũng đánh giá cao bạn, thậm chí giám đốc ở công ty đối tác cũng nghe danh về bạn?

Sự chăm chỉ, năng lực chuyên môn vẫn là một yếu tố nền tảng và cần có trước hết. Nhưng nếu bạn làm việc tốt mà không được ghi nhận và không ai biết tới thì rõ ràng là mọi công sức đã đổ sông đổ bể một cách lãng phí.

alt
Nguồn: Minh Thu @hazysoda21 cho Vietcetera.

Cộng thêm, nhiều khi người hiểu rõ năng lực của bạn nhất là quản lý trực tiếp nhưng người đưa ra quyết định thăng chức cho bạn lại là người sếp chẳng mấy khi được tiếp xúc. Đó là lý do tại sao, cần có hình ảnh và tạo dựng danh tiếng để mọi người biết tới năng lực của bạn.

Chia sẻ trên HBR, tác giả Anand Tamboli đã kể lại trải nghiệm đáng nhớ khi chuyển sang công ty HSBC với vai trò quản lý dự án. Anh đã làm việc không ngừng nghỉ để đáp ứng yêu cầu của công việc, đồng thời lưu tâm cả việc phát triển quan hệ với mọi người trong công ty. Anand rất tự tin về cơ hội thăng tiến của mình.

Vậy nhưng anh bị từ chối, sếp của anh nói rằng: “Tôi không nghi ngờ gì về năng lực của anh. Nhưng để được cân nhắc nghiêm túc cho một vị trí cao hơn, anh cần nhận được sự ủng hộ của nhiều người hơn trong công ty. Đó phải là những người có đủ tầm ảnh hưởng, biết về năng lực của anh và sẵn sàng lên tiếng bảo vệ cho anh khi anh vắng mặt.

Có năng lực chuyên môn rồi làm gì tiếp theo?

Sau câu chuyện vấp ngã kể trên, trong nhiều năm phát triển sự nghiệp sau đó, Anand Tamboli đã xây dựng lên một công cụ giúp mọi người dễ dàng xác định mình đang ở đâu và điều mình nên làm để tiến lên vị trí cao hơn.

3 nấc thang trong mô hình lộ trình thăng tiến sự nghiệp của Anand Tamboli sẽ có sự tương ứng với 3 yếu tố trong mô hình P.I.E của Harvey Coleman. Tuy nhiên chúng được đặt vào các cấp độ của từng giai đoạn, giúp hình dung trực quan hơn và lên được kế hoạch phát triển sự nghiệp một cách tối ưu hơn.

alt
Nguồn: Anand Tamboli

Ở giai đoạn 1, trong một vài năm đầu tiên đi làm, điều bạn biết (what you know) là quan trọng nhất. Bạn sẽ đi qua các cấp độ thực tập sinh đến vị trí chính thức junior. Quãng thời gian này hãy dành phần lớn thời gian chăm chỉ trau dồi kiến thức và kỹ năng, xây dựng cho mình một nền tảng chuyên môn thật vững chắc. Hay nói cách khác có được ‘performance’ tốt.

Tiến vào giai đoạn 2, khi bạn cần nhắm tới vị trí senior hay một chuyên gia (functional expert) bạn phải có năng lực chuyên môn cực kỳ vững vàng. Đồng thời, trong một cuộc họp cùng các phòng ban khác, bạn sẽ là người đứng ra trả lời các câu hỏi hoặc đưa ra được giải pháp khắc phục sự cố liên quan đến chuyên môn của mình.

Vì vậy, người bạn biết (who you know) cũng trở nên quan trọng như hình ảnh (image) của bạn vậy. Bạn sẽ cần mở rộng mạng lưới của mình, phải làm việc cùng nhiều người ở các cấp độ vị trí khác nhau và ở các nhóm khác nhau.

Do đó, bạn cần tạo dựng thương hiệu cá nhân, phát triển được mối quan hệ tốt và làm việc hiệu quả cùng mọi người. Và hơn nữa cần phải nắm được cách thức hoạt động chung của cả tổ chức và cách các bộ phận nhỏ bên dưới phối hợp với nhau.

Sau 2 nấc thang đầu tiên, lúc này bạn đã có sự am hiểu sâu sắc trong lĩnh vực của mình và có một số kinh nghiệm quản lý nhân sự. Giai đoạn 3 là thời điểm thích hợp để bạn có bước tiến lớn hơn bắt đầu lãnh đạo một nhóm lớn hơn và hướng tới trở thành một nhà lãnh đạo tư tưởng (thought leader).

Ở vị trí này bạn sẽ thường xuyên đưa ra hướng dẫn cho những người xung quanh. Danh tiếng của bạn sẽ được nhớ đến bằng một hình ảnh tích cực, được mọi người tin tưởng tìm đến để nhận sự tư vấn, lắng nghe ý kiến giúp đỡ .

Thế nên, có ai biết đến bạn (who knows you) hay mức độ danh tiếng (exposure) của bạn là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu. Bởi nó phản ánh được tầm ảnh hưởng của bạn trong công ty rằng bạn có khả năng dẫn dắt cấp dưới và được lãnh đạo cấp cao tin tưởng hay không? Nếu có, bạn mới đủ khả năng để được giao cho những vị trí như quản lý, giám đốc hay cao hơn nữa.

Cụ thể, cần làm như thế nào?

Việc cố gắng chăm chỉ, cải thiện hiệu suất công việc đã có không ít những nội dung đề cập. Vì thế phần sau của bài viết sẽ tập trung vào hai yếu tố chưa được dành sự quan tâm đúng mực. Làm thế nào để bạn xây dựng hình ảnh và nâng cao mức độ danh tiếng? Từ đó, có những bước tiến trên con đường phát triển sự nghiệp.

Ghi chép lại hành trình và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm

Để tạo dựng hình ảnh có độ tin cậy với những người có ảnh hưởng, bạn cần thể hiện nhất quán thông qua cả hành vi và lời nói. Nếu bạn thực sự có năng lực nhưng ít khi chịu nói tới cách bạn đã dẫn dắt các thành viên trong nhóm. Vậy thì lãnh đạo cấp trên sẽ không thể chắc chắn về năng lực lãnh đạo của bạn. Sếp sẽ đặt ra câu hỏi phải chăng chính bạn cũng chưa đủ tự tin vào khả năng dẫn dắt đội nhóm của bản thân nên mới tránh nói về nó.

Tất cả những gì ấp ủ trong đầu bạn từ suy nghĩ, ý tưởng, đam mê đến khiến thức, quan điểm, mục tiêu cho tương lai… sẽ chỉ có bạn biết thôi. Nếu bạn muốn những điều này được biết đến, bạn cần phải tìm cách “xuất bản” chúng, để chúng được “hiển thị” một cách rõ ràng.

Bạn có thể viết và chia sẻ ý tưởng của mình trên các nền tảng truyền thông xã hội như LinkedIn, Facebook, Threads… Thậm chí, đơn giản hơn có thể là giơ tay phát biểu nhiều hơn trong các cuộc họp. Hãy chọn bất cứ điều gì mà bạn cảm thấy phù hợp với mức độ thoải mái và đối tượng mục tiêu bạn nhắm đến.

Đặc biệt, đừng chờ sếp chú ý đến sự chăm chỉ của mình. Hãy chủ động tự ghi lại thành tựu của bản thân. Chia sẻ với Business Insider, Avni Barman đã có một hành trình thăng tiến ấn tượng từ vị trí thực tập sinh tại LinkedIn, đến giám đốc sản phẩm tại Atlassian và nay là Giám đốc điều hành của Generation She. Tất cả nhờ vào một tư duy quan trọng là Loud work (làm việc ồn ào).

Mỗi ngày, Avni Barman đều chụp ảnh màn hình lại một điều có tác động lớn nhất mà cô đã làm trong ngày. Đó có thể là bất cứ điều gì từ một tin nhắn cảm ơn của đồng nghiệp vì đã giúp họ xử lý công việc cho đến một cột mốc quan trọng trong dự án. Cứ như vậy, đến dịp đánh giá của công ty, Avni Barman đã có đầy đủ cơ sở vững chắc để thuyết phục được thăng chức.

Mở rộng hợp tác

Việc tăng cường “hợp tác” với mọi người sẽ giúp bạn xây dựng được các mối quan hệ lâu bền và có ý nghĩa hơn. Bởi khi cộng tác làm việc với nhau, bạn có thể trực tiếp đóng góp kiến thức và thể hiện năng lực của mình cũng như gắn kết hơn với đồng nghiệp.

Rõ ràng, thay vì những cuộc nói chuyện chóng qua thì việc cùng kề vai sát cánh “chinh chiến” một dự án khó và đạt được thành công sẽ lưu lại ấn tượng đậm nét về nhau hơn nhiều. Tuy nhiên, những cơ hội hợp tác thường không nhiều và cũng không có sẵn. Vì vậy, bạn nên là người chủ động tạo ra cơ hội.

alt
Nguồn: Minh Thu @hazysoda21 cho Vietcetera.

Ví dụ bằng một lời đề nghị như: “Tôi thấy bộ phận A sắp có một dự án thú vị, tôi cũng từng có vài dự án tương đồng, liệu tôi có thể thử tham gia vào một vài cuộc họp của nhóm không?”

Hoặc là chủ động lên tiếng chính trong nhóm của mình: “Đây là dự án em có nhiều sự quan tâm, em nghĩ mình có thể đảm nhiệm phần việc này và có thể đưa ra vài lời hướng dẫn cho mọi người vì đây là lĩnh vực em thường xuyên nghiên cứu”.

Xây dựng mạng lưới để lan tỏa giá trị

Mở rộng hợp tác giúp bạn xây dựng được các mối quan hệ rồi. Vậy thì lưu tâm thêm một chút, hãy cố gắng phát triển đủ những kiểu mối quan hệ sau để bạn có được một mạng lưới ủng hộ toàn diện nhất:

  • Người ủng hộ: Người đã chứng kiến cách bạn làm việc và biết được điểm mạnh của bạn, họ sẽ là người đề bạt tên bạn cho một vai trò cụ thể, gợi ý bạn là người phù hợp cho một dự án hoặc khen ngợi phần thể hiện của bạn trong một công việc gần đây.
  • Người truyền tin: Người cho bạn biết điều gì đang xảy ra trong công ty, đó có thể là những thông tin ngầm hay luật bất thành văn. Lưu ý nội dung ở đây xoay quanh công việc, không nên nhầm lẫn và vướng vào sâu những câu chuyện phiếm, tin đồn bàn tán về đời tư.
  • Người hỗ trợ: Những người đồng nghiệp nhiệt tình, kề vai sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ khi bạn cần.
  • Người cố vấn: Những người có kinh nghiệm, kiến ​​thức chuyên môn sâu về lĩnh vực mà bạn gặp khó khăn và có thể giúp bạn vượt qua thử thách.
  • Nhà tài trợ: Thường là cấp trên, đối tác lớn - những người sở hữu tiếng nói có trọng lượng, họ sẽ có những tác động cụ thể và trực diện tới quyết định giúp bạn thăng chức.

Kết

Đừng chỉ nghĩ chăm chỉ hoàn thành công việc của mình là được rồi. Đã làm tốt rồi thì phải xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân của mình, không ngừng tạo lập ảnh hưởng, giúp đỡ nhiều người xung quanh hơn và nhận được sự tin tưởng từ nhiều người hơn.

Suy cho cùng, thăng tiến là một hành trình trước khi được người khác công nhận thì bạn phải là người công nhận chính mình trước tiên, có đủ tự tin để nói về mình và thể hiện năng lực của mình ra với những người xung quanh.