Lần đầu mình đi miền Tây là đi… trồng rừng | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Lần đầu mình đi miền Tây là đi… trồng rừng

“Hai điểm trồng rừng khó nhất cả nước là Ninh Thuận và Sóc Trăng, Sống Foundation đã chọn để làm”.
Lần đầu mình đi miền Tây là đi… trồng rừng

Nguồn: Linh Trần

Nói về việc trồng rừng, mình nhận thấy có hai luồng suy nghĩ. Có người nghĩ trồng rừng dễ, cắm cái cây xuống đất thôi mà. Có người nghĩ việc này khó lắm, to tát lắm, mỗi cái cây mình trồng thì thay đổi được gì.

Thực tế là, trồng rừng vừa dễ, vừa khó. Dễ vì mình, hay tất cả mọi người đều có thể trồng được. Khó vì tất cả những khâu chuẩn bị, sitecheck, lên kế hoạch… cho một dự án trồng rừng đòi hỏi rất nhiều sức lực của một tập thể.

Gần đây mình có may mắn được đi trải nghiệm trồng rừng hai ngày một đêm ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cùng Sống Foundation. Là một trong các tỉnh ven biển chịu tác hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, 43.7% diện tích tỉnh Sóc Trăng sẽ ngập mặn nếu mực nước biển dâng cao thêm 1 mét vào năm 2100 (theo kịch bản Biến đổi khí hậu năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Đây cũng là nơi đã và đang đối diện với hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn và đặc biệt là tình trạng sụt lún đồng bằng. Không chỉ cần một “hàng rào xanh" để chắn sóng và chống sạt lở, đồng bằng sông Cửu Long còn cần giải pháp cho một tương lai bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Và trồng rừng ngập mặt chính là một đáp án cho những câu hỏi khó nhằn này.

Đường vào bãi trồng với đất sét ướt trơn trượt | Nguồn: Linh Trần

Chuyến đi đến bãi trồng rừng của mình bắt đầu từ 6:30 sáng, đi bộ qua những đoạn đường đất sét mềm và những đoạn bùn nhão, ngập nước. Trên đầu là nắng gay gắt, dưới chân là bùn nhão, có đoạn lún sâu đến gần thắt lưng, sau khoảng 2 tiếng mình cũng đến được bãi trồng. Tại đây, mình đã thấy những cán bộ trồng rừng đang sục làm mềm đất, phun chế phẩm sinh học Nolasub kích thích cây con ra rễ và trồng những cây bần trắng, mấm trắng xuống đất.

Rừng ngập mặn có khả năng bảo vệ bờ biển tốt hơn 5 lần so với các công trình bê tông đê điều và có khả năng lọc nước thải, giảm ô nhiễm môi trường. Không chỉ vậy, rừng ngập mặn còn có thể cân bằng khí hậu và tăng cường đa dạng sinh thái.

Quá trình trồng cây bắt đầu với việc bóc bầu, đặt cây con vào hố và lấp hố. Tiếp đó là cắm 3 cọc tre để bảo vệ cây và kết thúc bằng việc buộc dây giữ cọc và cây. Khi kết thúc quá trình trồng mình mới biết những anh chị cán bộ tại địa phương đã vận chuyển cây và cọc tre ra bãi từ 2:00 sáng để chờ nước rút (tầm 5:00) là có thể chuyển cây con đến các điểm căng dây và đánh dấu.

Tại bãi trồng khi những cây mấm non mới được cắm xuống đất và buộc dây giữ | Nguồn: Linh Trần

Khi kết thúc quá trình trồng cây, nước bắt đầu lên lại và con đường ra khỏi rừng trở nên lún hơn, trơn trượt hơn. Đây là lúc mình nhận ra trồng rừng thật khó, đường đi, thời tiết có thể gây ra biết bao cản trở. Vậy mà những con người nhỏ bé ở Sống và ở Sóc Trăng, họ vẫn quyết tâm thức khuya dậy sớm đi trồng rừng. Và họ thực sự hạnh phúc với việc đó, bằng chứng là những nụ cười mãn nguyện của họ khi ra khỏi rừng.

“Hai điểm trồng rừng khó nhất là Ninh Thuận và Sóc Trăng, Sống Foundation đã chọn để làm”.

Khi trồng xuống, cây của mình chỉ là một cành cây nhỏ mong manh. Nhưng khi được ghé thăm khu rừng mà Sống đã trồng từ năm 2022, cao lớn và phủ xanh một vùng đất rộng, mình đã thực sự tin rằng nỗ lực của một người có thể nhỏ, nhưng sẽ góp phần vào một thay đổi lớn.