Lật thẻ bài - Khi fan vinh hạnh được thần tượng “chiếu cố” | Vietcetera
Billboard banner

Lật thẻ bài - Khi fan vinh hạnh được thần tượng “chiếu cố”

Giữa hàng ngàn bình luận của các fan, bạn đã từng được thần tượng “lật thẻ bài” bao giờ chưa?
Lật thẻ bài - Khi fan vinh hạnh được thần tượng “chiếu cố”

Nguồn: Koreaboo

1. Lật thẻ bài là gì?

"Lật thẻ bài (翻牌, âm Hán Việt là “phiên bài”) chỉ việc người hâm mộ (fan) sau một thời gian có "parasocial relationship" được thần tượng tương tác trên mạng xã hội. Các tương tác này bao gồm nhấn “like,” trả lời hoặc chia sẻ lại một bình luận, hoặc một bài đăng của fan.

2. Nguồn gốc của lật thẻ bài?

“Lật thẻ bài” vốn xuất phát từ cách các hoàng đế Trung Hoa xưa chọn phi tần để thị tẩm mỗi đêm. Trước mỗi bữa tối, quan thái giám sẽ chuẩn bị các thẻ bài có ghi tên từng phi tần. Hoàng đế chọn ai thì sẽ lật úp thẻ bài của người đó, và phi tần được chọn sẽ được gọi vào hầu hạ vua suốt bữa tối và buổi đêm.

Cụm từ này trở nên phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc từ năm 2011, thời điểm phim Bộ bộ kinh tâm “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ nước này. Trong phim, nam diễn viên Ngô Kỳ Long đóng vai hoàng đế Ung Chính. Vì vậy khi bình luận trên trang Weibo của anh, các fan nữ thường dùng từ này mong được anh chú ý.

04may20224e5b502989a4d66682050d7fc5c55008c22120b3jpg
Nam diễn viên Ngô Kỳ Long vai hoàng đế Ung Chính trong “Bộ bộ kinh tâm.” | Nguồn: Bilibili

Tương tự như một phi tần được vua chọn ân sủng, việc được thần tượng “điểm danh” là một vinh hạnh lớn của các fan. Dần dần, “lật thẻ bài” trở thành cách các fan Cbiz kêu gọi sự tương tác từ thần tượng của mình.

3. Vì sao lật thẻ bài lại phổ biến?

Các fan Cbiz tại Việt Nam vốn không còn xa lạ với việc dùng những từ gốc tiếng Trung liên quan đến thần tượng. Một số từ mượn phổ biến khác bao gồm “siêu thoại” (hashtag), “nhiệt sưu” (hot search/top search) và “quần chúng ăn dưa” (chỉ việc nghe ngóng các tin đồn về nghệ sĩ).

“Lật thẻ bài” vốn không phải từ mới xuất hiện, nhưng đã trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao những ngày gần đây.

Nguyên nhân là từ ngày 28/4, mạng xã hội Weibo chính thức mở tính năng hiển thị địa chỉ truy cập của người dùng ở phần bình luận. Động thái này được cho là nhằm ngăn các cư dân mạng giả làm người địa phương lan truyền tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng đến công tác chống dịch tại Trung Quốc. Người dùng không thể tắt tính năng này.

Chức năng mới này vô tình làm lộ ra việc một số bình luận “lật thẻ bài” thực chất do nhân viên của nghệ sĩ thực hiện. Chẳng hạn nghệ sĩ đang quay phim ở một nơi, song địa chỉ hiển thị ở bình luận trả lời fan lại là một nơi khác.

Nhiều fan đã tỏ ra thất vọng khi phát hiện việc này. Họ cho rằng nhân viên cầm tài khoản nghệ sĩ là bình thường, nhưng chỉ nên cập nhật trạng thái hoặc trả lời các thương hiệu đang hợp tác, chứ không nên trả lời các bình luận của fan. Họ có cảm giác như bị lừa dối khi nhận ra người “lật thẻ bài” mình bấy lâu hóa ra lại không phải thần tượng mình.

4. Sử dụng lật thẻ bài như thế nào?

A: Mừng quá bà ơi, tui vừa được thần tượng trả lời bình luận nè. Cảm giác như được trò chuyện trực tiếp cùng ảnh vậy!

B: Chưa chắc đâu bà ơi, có khi người vừa lật thẻ bài của bà là nhân viên của ảnh đó.