Parasocial relationship - Bạn có đang yêu một người không quen? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
08 Thg 10, 2021
Thương

Parasocial relationship - Bạn có đang yêu một người không quen?

Vì sao ta luôn sẵn sàng dành thời gian, tình cảm và công sức cho thần tượng của mình?
Parasocial relationship - Bạn có đang yêu một người không quen?

Nguồn: Anh Thư @immortal_wurst cho Vietcetera

Có một thời kỳ mà cả nguồn sống của bạn bỗng thu bé bằng thần tượng. Bạn dành phần lớn thời gian cày view, cày show và tương tác tất cả bài đăng của thần tượng mình trên mạng xã hội. Nếu là thành viên năng nổ của một fanclub, bạn còn làm 7749 cái project cho những ngày đặc biệt của thần tượng như sinh nhật hay ngày kỉ niệm debut.

Dù chưa từng gặp trực tiếp thần tượng, bạn cảm thấy thấu hiểu người ấy. Bạn luôn sẵn sàng đầu tư thời gian và đôi khi là cả tiền bạc (thông qua việc mua album, xem phim) để người ấy thành công. Đó chính là parasocial relationship, tạm dịch là “quan hệ một chiều”.

Parasocial relationship là gì?

Parasocial relationship là mối quan hệ một chiều mà A dành thời gian, năng lượng và tình cảm cho B, trong khi B không hề biết đến sự tồn tại của A. Văn hóa thần tượng hay waifu/hazubando là những ví dụ phổ biến của dạng quan hệ này.

Cụm từ được đưa ra lần đầu bởi Donald Horton & Richard Wohl năm 1956, miêu tả mối quan hệ tưởng tượng giữa khán giả và các ngôi sao xuất hiện trên truyền thông đại chúng.

Vì sao parasocial relationship xảy ra?

Kết quả của tiếp xúc nhiều lần

Theo Horton & Wohl, parasocial relationship là kết quả của tương tác một chiều (parasocial interaction). Hiện tượng này xảy ra khi khán giả, thính giả hoặc độc giả (gọi chung là media user) hứng thú với một nhân vật nổi tiếng nhờ tiếp xúc qua phương tiện truyền thông. Khi sự tiếp xúc này tái diễn nhiều lần, tương tác này phát triển thành quan hệ một chiều.

Tình bạn cơ bản được hình thành từ việc tiếp xúc thường xuyên. Do đó, media user sẽ cảm thấy thân thuộc với ngôi sao qua tiếp xúc tái diễn, đặc biệt nếu ngôi sao có phong cách giao tiếp gần gũi. Dần dần, họ coi ngôi sao như một người bạn.

Parasocial relationship còn có thể diễn ra giữa người và nhân vật hư cấu (như nhân vật truyện tranh). Một ví dụ điển hình là quan hệ giữa tín đồ và các bậc thánh nhân trong tôn giáo. Họ sùng bái và tôn thờ những vị này dù không có thật hoặc đã qua đời trước khi họ sinh ra.

Sự phát triển của mạng xã hội

Bạn đang xem ảnh bạn mình trên Instagram, và khi lướt xuống bạn thấy ngay ảnh thần tượng mình mới đăng. Mạng xã hội đã tạo ra cảm giác họ đều là bạn của bạn.

Nhờ sự ra đời của mạng xã hội, định nghĩa “tương tác một chiều” không còn chính xác hoàn toàn. Fan có thể tương tác với thần tượng mình một cách thường xuyên và “thật” hơn. Đặc biệt khi một fan được thần tượng hồi âm, có thể xem như thần tượng đã ghi nhận sự tồn tại của người fan này. Tuy nhiên đây vẫn là quan hệ một chiều nếu hai bên không gặp nhau trực tiếp, hoặc sự tương tác hai chiều không diễn ra thường xuyên.

Mạng xã hội cũng tăng cường ảnh hưởng của các fan tới thần tượng hơn trước. Thần tượng có thể sáng tạo nội dung theo gợi ý của fan hoặc tổ chức các hoạt động tương tác với fan của mình (như livestream, Q&A, thậm chí là nhắn tin).

Parasocial relationship thật ra không xấu

Parasocial relationship đối mặt với không ít chỉ trích. Nhiều phụ huynh không ủng hộ con cái theo đuổi thần tượng, và muốn con dành thời gian cho việc học cũng như các mối quan hệ đời thật nhiều hơn.

Tuy nhiên, bản thân parasocial relationship không hề xấu. Con người vốn là động vật xã hội, nên việc bạn tiếp xúc với người nổi tiếng qua màn hình rồi nảy sinh tình cảm với họ là rất bình thường. Trên thực tế, những mối quan hệ này có thể mang lại không ít lợi ích.

Nghiên cứu cho thấy parasocial relationship có tác động lớn đến nhóm tuổi mới lớn (10-19 tuổi). Đây là độ tuổi chuyển hóa giữa giai đoạn thơ ấu và trưởng thành, vì vậy ý niệm về danh tính và mong muốn độc lập từ cha mẹ trở nên mạnh mẽ.

Sự tiếp xúc với thần tượng mở ra một thế giới khác ngoài gia đình và trường học, giúp người mới lớn khám phá nhu cầu về danh tính của mình. Nhờ thần tượng, họ hiểu bản thân mình nhiều hơn, có ý niệm rõ ràng hơn về hình mẫu họ muốn hướng tới trong tương lai.

titlekham pha nhu cau ve danh tinh 06oct2021parasocialintext1jpg
Nhờ có thần tượng, người mới lớn có ý niệm rõ ràng hơn về hình mẫu họ muốn hướng tới trong tương lai.

Parasocial relationship có nhiều điểm tương đồng với các mối quan hệ xã hội khác. Tuy vậy điểm khác biệt ở chỗ, fan vẫn là người lạ với thần tượng sau thời gian dài theo đuổi. Trong khi ở quan hệ hai chiều, hai người sẽ từ lạ thành quen sau khi tiếp xúc nhau đủ lâu.

Chính vì vậy, sự từ chối là điều hiếm gặp trong parasocial relationship. Fan có thể yên tâm yêu thương và ủng hộ mà không sợ bị thần tượng từ chối. Với một số người, parasocial relationship còn trở thành lối thoát khi các quan hệ hai chiều trong cuộc sống của họ trở nên căng thẳng.

“Đu” thần tượng sao cho lành mạnh?

Ở tuổi nào cũng vậy, nếu biết thần tượng người khác đúng mực, họ sẽ trở thành tấm gương để ta phấn đấu và noi theo. “Parasocial relationship đôi khi quan trọng không kém các mối quan hệ đời thật, bởi những người không quen vẫn có thể ảnh hưởng lớn đến đời ta. Họ có thể là cảm hứng giúp ta vững chắc trong cuộc đời”, tiến sĩ tâm lý David Giles khẳng định.

Tuy nhiên, những tình huống rắc rối có thể xảy ra nếu fan dành tình yêu thái quá cho thần tượng. Những fan này dành hầu hết thời gian cho việc theo đuổi thần tượng mà sao nhãng những khía cạnh khác của cuộc sống. Họ cũng có xu hướng can thiệp sâu vào đời sống riêng của thần tượng, mà biểu hiện điển hình là công kích khi thần tượng công bố hẹn hò hoặc kết hôn.

titledung de than tuong chiem nhieu thoi gian 06oct2021parasocialintext2jpg
"Đu" thần tượng không có gì xấu, tuy nhiên rắc rối có thể xảy ra nếu fan dành tình yêu thái quá cho thần tượng.

Để giữ gìn parasocial relationship lành mạnh với thần tượng, fan cần lưu ý:

  • Đừng để thần tượng chiếm quá nhiều thời gian của bạn. Cày view hay xem phim ủng hộ thần tượng không có gì sai, nhưng bạn không nên dành cả ngày làm những việc đó mà quên mất những nhiệm vụ khác. Bạn vẫn cần học tập, làm việc và dành thời gian cho những mối quan hệ đời thật.
  • Hiểu rằng thần tượng cũng là con người, không phải thần thánh. Họ cũng có những khuyết điểm cá nhân và có cuộc sống riêng mà bạn không thể can thiệp. Khi hiểu được điều này, bạn sẽ không quá thất vọng khi thần tượng mắc lỗi hoặc hành xử khác với mong muốn của bản thân.
  • Tối ưu hóa việc “đu” thần tượng. Nếu thần tượng nói một ngôn ngữ bạn đang muốn học thì nên tận dụng cơ hội này. Bạn có thể rèn luyện kỹ năng nghe, để ý cách dùng từ của thần tượng trên show cũng như giao lưu với fanclub của họ ở nước sở tại. Bạn sẽ nhanh chóng tiến bộ trong việc học ngoại ngữ.