10 năm trước, Lê Hà Nguyên được công chúng biết đến là tác giả của bài hát Chuyện mưa và loạt ca khúc khác. Những tưởng nhạc sĩ trẻ sẽ “thừa thắng xông lên” nhưng anh lại quyết định bỏ đàn xuống và ôm máy quay lên làm phim. 10 năm sau nghe lại hit của mình, Nguyên vừa thấy lạ vừa không nghĩ bản thân đã viết ra ca khúc ấy.
Trong 10 năm qua, Lê Hà Nguyên đã biến đổi rất nhiều. Anh vẫn chọn đi chung “chuyến xe” âm nhạc nhưng ở vai trò khác, đạo diễn các video ca nhạc (music video). Lê Hà Nguyên đã thực hiện trên dưới 30 video ca nhạc cũng như ra mắt phim điện ảnh đầu tay Tháng 5 để dành (2019) dưới vai trò đạo diễn.
“Mục tiêu của tôi là làm được một bộ phim âm nhạc với phần bài hát nhạc phim do chính tôi thực hiện.” – Lê Hà Nguyên chia sẻ trong lần ngồi lại với Vietcetera gần đây.
10 năm sau nghe lại “Chuyện mưa”, bạn thấy thế nào?
Thỉnh thoảng đi hát với bạn bè, mọi người cũng bật Chuyện mưa lên. Nhưng thú thực là vài năm trở lại đây, tôi gần như không nghe sáng tác này của mình nữa. 10 năm sau nghe lại, với tôi, có gì đó vừa quen vừa lạ. Quen là bởi những kỷ niệm của thời gian trước đây ùa về. Còn lạ là bởi, tôi không tin là bản thân đã viết ra ca khúc ấy.
Khởi đầu tốt như vậy, tại sao bạn lại bỏ đàn xuống để cầm máy quay lên?
Những năm đó, ngành học chính của tôi là Đạo diễn điện ảnh tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Những người bạn thân thiết nhất của tôi hầu như ở trong ngành này. Đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được cũng là từ làm phim mà ra. Tóm lại thì, cuộc đời tôi lúc đó đều dính vào chuyện làm phim và làm phim.
Thứ duy nhất khiến tôi gắn bó với âm nhạc là sự đam mê và chương trình Bài Hát Việt trên sóng VTV3. Tôi gắn bó với chương trình 6 năm liền, được gặp những người tài giỏi, được học nhiều điều và có thêm cơ hội phát triển bản thân.
Sáng tác, trình diễn và đoạt một số giải tại chương trình này có thể là thành quả lớn nhất trong những năm học phổ thông. Khi chương trình Bài hát Việt ngừng sản xuất cũng là lúc tôi tốt nghiệp Đại học và quyết định đi theo con đường làm phim chuyên nghiệp. Tôi cũng ngừng hẳn chuyện viết nhạc từ đó.
Và từ ấy, thế giới của bạn chỉ còn những thước phim?
Tôi nhìn nhận rằng mình chỉ nên làm một nghề duy nhất. Các cụ cũng nói rồi, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tôi không thể toàn tâm phát triển bản thân ở một lĩnh vực nếu như không tập trung bỏ toàn bộ công sức, học tập, thực hành, suy nghĩ được.
Với âm nhạc, tôi hoàn toàn không phải là người học hành bài bản. Kỹ thuật viết của tôi hầu như dựa vào sự quan sát, quan trọng vẫn là cảm xúc và ngẫu hứng. Tôi lại càng khó khăn hơn khi phải viết một bài hát theo đơn đặt hàng.
Khi nhận ra cảm xúc thôi là chưa đủ tôi biết mình nên dừng lại. Cảm xúc kết hợp với kiến thức mới có thể đi xa trong nghệ thuật. Tôi đã sống trong môi trường làm phim, đam mê với nó. Tôi được học và thực hành mỗi ngày; điều kiện cũng như cơ hội ở mảng điện ảnh với tôi nhiều hơn là âm nhạc. Vì thế tôi chọn đi đường dài với làm phim.
Âm nhạc là đam mê, là một cuộc dạo chơi không toan tính?
Không hề. Nếu âm nhạc để chơi ở nhà, chơi giữa bè bạn anh em thì đó không là toan tính. Nhưng đã xác định làm nhạc chuyên nghiệp thì phải tính toán rất nhiều. Vậy nên tôi mới bỏ âm nhạc.
Tôi đam mê nhiều thứ, không riêng điện ảnh hay âm nhạc. Nhưng tôi muốn mang đam mê của mình ra kiếm tiền để nuôi những đam mê khác. Tôi nghĩ làm được điều đó là vô cùng tuyệt vời.
Tôi luôn muốn làm gì cũng phải nghiêm túc. Cảm xúc không thể đặt bừa được; cảm xúc phải được đặt vào một hệ thống có tính toán để vận hành một cách hoàn hảo mới là thứ mà tôi muốn hướng tới.
Bạn vẫn viết nhạc mà không công bố hay là “bỏ” hẳn không còn sáng tác nữa?
Khi còn học trong trường sân khấu điện ảnh, thầy giáo gọi tôi là “nhạc sỹ”. Điều đó khiến tôi hơi buồn một tí. Tôi chưa từng nhận mình là nhạc sĩ. Khi Bài hát Việt kết thúc, tôi không tìm thấy đầu ra cho những sáng tác của mình nữa. Bên cạnh đó, tôi cũng tự gọi vui là mình “hết vốn”. Lý do cho việc này là do thiếu kiến thức.
Việc viết nhạc khiến cho chúng ta hiểu và khám phá bản thân mình như thế nào, nhưng cuộc sống mà, chúng ta phải bước tiếp.
Mặc dù vậy, đam mê thì vẫn ở đó. Thi thoảng tôi lại lôi đàn ra viết linh tinh, hầu như chỉ để thỏa mãn đam mê của bản thân. Tôi vẫn âm thầm viết nhạc và giao lưu với anh em khác trong nghề. Nhưng những bài hát tôi viết sau này gần như chưa bao giờ hoàn thiện hẳn, chỉ là từng đoạn nhỏ khi ngẫu hứng và có cảm xúc.
Sở thích và đam mê là một trong những thứ khó bỏ nhất, bạn nghĩ thế nào về điều này?
Với tôi, đam mê là thứ khó bỏ nhất, sở thích có thể thay đổi tùy giai đoạn.
Bạn còn bỏ điều gì nữa trong những năm gần đây?
Đôi lúc tôi nghĩ rằng tôi nên dừng lại việc làm làm thương mại, quảng cáo, MV để tập trung hơn cho một cái kịch bản dài. Tuy nhiên hiện tại tôi vẫn chưa làm được điều đó.
Từ trải nghiệm cá nhân, khi nào bạn sẽ tiếp tục và khi nào sẽ dứt khoát từ bỏ?
Phải dùng lý trí thôi dù tôi không phải là người quyết đoán. Đối với tôi, khi nhìn thấy mình không thể tiếp tục được nữa thì nên dừng lại. Nếu như tôi vẫn nhìn thấy được cơ hội, dù có nhỏ xíu, tôi vẫn muốn thử đến khi cụt đường.
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, giữ hay bỏ không dễ để quyết định. Tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất là lý trí của bản thân. Mình phải tỉnh táo nhìn ra được bản thân đang ở đâu, bản thân mình là ai thì mới có thể đưa ra quyết định.
Vậy thì, điều gì có thể bỏ và điều gì phải nhất quyết giữ lại?
Điều này tùy vào việc bản thân mỗi người xác định điều gì là quan trọng với cuộc đời họ. Điều quan trọng nhất đối với tôi là gia đình và bạn bè. Ngoài ra, có lẽ mọi thứ đều có thể đánh đổi được.
Hiện bạn là đạo diễn cho các music video, có vẻ như bạn đang đi cùng âm nhạc nhưng trên một con đường khác?
Chính xác là vậy. Dù gì thì giữa phim ảnh và âm nhạc luôn đi cùng và gắn bó theo nhiều cách khác nhau. Âm nhạc giúp tôi rất nhiều khi làm phim; cho tôi cảm hứng sáng tạo; khiến tôi hiểu hơn về cấu trúc; nhịp điệu trong điện ảnh. Âm nhạc còn cho tôi những mối quan hệ để cùng phát triển nghề nghiệp.
Tôi vẫn không thể xa khỏi âm nhạc, chỉ là tôi đang lựa chọn âm nhạc để giúp mình trong con đường làm phim.
Tính đến nay, bạn đã thực hiện được bao nhiêu MV. Đâu là sản phẩm mà bạn ấn tượng và nhớ nhất?
Trong thời gian qua, tôi đã thực hiện khoảng 30 "chiếc" MV. Sản phẩm ấn tượng nhất là Xe anh đến đâu, em theo đến đó của ca sĩ Dương Hoàng Yến; còn thích và ưng ý nhất là Em một mình quen rồi cũng của Dương Hoàng Yến luôn.
Phim "Tháng 5 để dành" được đánh giá là "sự trong trẻo của phim Indie Việt", bạn đã dồn tâm huyết và làm việc trong bao lâu để làm nó?
Tính từ lúc bắt đầu dự án tới khi ra rạp, Tháng 5 để dành mất gần 3 năm. Ban đầu chúng tôi định triển khai dự án thành một web-series với tên Ranh giới, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Hoàng Trung Hiếu.
Những cơ hội tình cờ đến trong quá trình thực hiện khiến chúng tôi quyết định biến nó thành một phim điện ảnh độc lập. Cái hay của làm phim độc lập là chúng tôi tự túc mọi thứ, từ quay, tìm nhà tài trợ, tìm đối tác phát hành…
Nhiều khi chúng tôi cũng muốn bỏ cuộc vì làm phim độc lập ở Việt Nam giống như đi trong một đường hầm, mê cung. Nếu không đủ sự tập trung, chuyện lạc đường, mất phương hướng là hiển nhiên. Tuy nhiên, may mắn là chúng tôi đã đi được hết con đường và học được nhiều bài học quý giá.
Lựa chọn làm phim độc lập, bạn thấy đây là cơ hội cho nhà làm phim trẻ tại Việt Nam?
Tôi nghĩ, chưa bao giờ cơ hội làm phim đối với những nhà làm phim trẻ ở Việt Nam lại lớn tới vậy. Những năm gần đây, việc một đạo diễn trẻ được làm phim không còn là một điều khó khăn như trước nữa. Thị trường phim Việt ngày càng mở rộng và phim Việt đang dần chứng tỏ khả năng cạnh tranh không thua kém gì các phim nước ngoài.
Tuy vẫn có những thất bại, vẫn có những bộ phim lỗ nhưng chúng ta đã bắt đầu có liên tiếp những kỷ lục phòng vé “made in Viet Nam” vượt mặt cả phim bom tấn Hollywood. Không chỉ riêng phim chiếu rạp, sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng chiếu phim online cũng đem tới rất nhiều nhu cầu đa dạng về nguồn phim.
Tôi quan sát thấy, tuy là phim độc lập nhưng nhiều dự án lại có cách thực hiện vô cùng chuyên nghiệp, chỉn chu trong các khâu, có khả năng bán vé, kiếm tiền. Phim Việt sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong vài năm tới, thậm chí còn sẽ phát triển ở thị trường nước ngoài ví dụ như Đông Nam Á.
Sự hứng khởi trong công việc giữa hai mảng này có giống nhau?
Sự hứng khởi trong công việc giữa hai mảng này có sự khác nhau. Đối với tôi, âm nhạc mang tính thời điểm vì tôi sáng tác độc lập, dựa trên cảm xúc nhất thời.
Khi làm phim, tôi phải duy trì sự hứng khởi hay sự tập trung trong một khoảng thời gian rất dài. Bản chất của làm phim là teamwork với rất nhiều con người, nhiều khâu (từ tiền kỳ đến hậu kỳ)… Vì thế, tôi phải duy trì năng lượng và sự tập trung, cũng như đưa ra quyết định một cách vô cùng chính xác nếu không muốn làm hỏng sản phẩm của chính mình.
Áp lực thì sao?
Về phần áp lực, tôi nghĩ là sẽ giống nhau. Khi làm bất cứ điều gì bạn cũng muốn trở thành người giỏi nhất; không thì chí ít cũng phải top 10 (cười).
Mục tiêu trong tương lai của bạn sẽ là...
Tôi đặt mục tiêu là sau này sẽ làm một bộ phim âm nhạc cho tự tay mình viết nhạc phim. Vậy nên là nếu không có điều kiện để phát triển âm nhạc thì mình cứ âm thầm nuôi dưỡng, biết đâu một ngày lại có cơ hội.