Liệu chủ nghĩa hoàn hảo có khiến bạn “hoàn hảo”? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
25 Thg 06, 2023
Chất Lượng Sống

Liệu chủ nghĩa hoàn hảo có khiến bạn “hoàn hảo”?

Theo Mark Manson, việc đặt tiêu chuẩn cao trong cuộc sống là điều nên làm. Nhưng viễn tưởng về một kết quả không tì vết lại khiến bạn chẳng đạt được điều gì.
Liệu chủ nghĩa hoàn hảo có khiến bạn “hoàn hảo”?

Nguồn: Allan Mas @ Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to get over perfectionism” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Tôi có một người bạn tranh thủ mọi lúc có thể để tuyên bố anh là người cầu toàn, và anh tự hào về việc đó.

Nếu có điều gì xung quanh mà anh cảm thấy không “đúng”, anh sẽ “sửa” nó theo phản xạ gần như ngay lập tức. Anh có những tiêu chuẩn cực kỳ cao với những gì anh coi là chấp nhận được, cho cả bản thân anh và người khác. Điều này có thể tốt cho những gì anh làm, nhưng cũng vô tình khiến anh nhiều lúc trở nên khó ưa.

Anh biết có thể anh đã quá khắt khe với bản thân, nhưng anh luôn nói là vì anh muốn trở nên tốt hơn. Và nếu anh khắt khe với người khác, thì là vì anh muốn tốt cho họ.

Nhưng với việc luôn đặt ra những tiêu chuẩn cao ngất ngưởng và mong muốn đạt kết quả xuất sắc, anh gặp một vấn đề: anh thực sự không đạt được nhiều điều anh muốn.

Anh có thể làm những dự án tới vài tháng trời mà không nói với ai, chỉ vì nó chưa “hoàn thiện” - hay nói cách khác là chưa hoàn hảo. Và rồi anh lại từ bỏ hầu hết các dự án này. Tôi nhìn ra lý do anh bỏ cuộc, là vì anh nhận thấy chúng không bao giờ có thể đáp ứng những điều kiện hoàn hảo mà anh đã hình dung trong đầu.

Rồi anh tự dằn vặt bản thân hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm trời vì đã không kiên trì được với chúng, hoặc vì đã khởi xướng một thứ vốn không thể “thành công” ngay từ đầu. Cứ như thế, nhiều năm cuộc đời anh trôi qua trong những dự định, kế hoạch và tiến triển mà không đi đến một kết quả nào. Đó là lúc chủ nghĩa hoàn hảo đã phản tác dụng với anh.

Nghịch lý của chủ nghĩa hoàn hảo

Để giải thích rõ ràng, tôi không khuyên các bạn hạ thấp các tiêu chuẩn của mình. Thực tế tôi cũng cho rằng, chủ nghĩa hoàn hảo đóng một vai trò nhất định trong cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân của chúng ta.

Nhưng nó buồn cười ở chỗ, người theo chủ nghĩa hoàn hảo dường như luôn dè chừng những ai tìm cách chỉ ra sự vô lý trong hành vi của họ. Đó là bởi họ thường cho rằng ai cũng tệ ở một khía cạnh nào đó, nên việc gì họ phải nghe lời khuyên từ người khác?

Đây là tác dụng phụ của những tiêu chuẩn “bình thường” của họ: chẳng ai đáng để nghe theo cả. Thế nên họ chỉ có thể một mình bước đi và khổ sở trong những vấn đề của mình.

18apr2023aliabiyarb6k1cpwgqcgunsplashjpg
Với những người hoàn hảo cực đoan, chẳng ai đáng để họ nghe theo. | Nguồn: Unsplash

Ví dụ điển hình là anh bạn cầu toàn của tôi. Mỗi khi anh than với tôi về một khó khăn nào đó anh gặp và tôi đề xuất giải pháp, anh sẽ trình bày đủ loại lý do tại sao nó không áp dụng được, và tại sao anh không thể “thỏa hiệp” với sự không hoàn hảo trong tình huống ấy. Rồi 6 tháng trôi qua và chẳng có tiến triển gì cả.

Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos từng chia sẻ trong một lá thư gửi các cổ đông rằng, ông tin các quyết định tối ưu được đưa ra khi một người có 70% lượng thông tin cần thiết. Nếu có ít hơn 70% thông tin, bạn dễ ra một quyết định tồi tệ; nhưng nếu có nhiều hơn số này mà chưa ra quyết định, bạn có thể đang lãng phí thời gian vào điều gì đó không thể thay đổi kết quả.

“Định luật 70%” của Bezos có thể áp dụng với khá nhiều thứ trên đời. Chẳng hạn, đôi khi bạn nên gửi đi một dự án khi hoàn thành nó được 70%.

Trong chuyện viết lách, tôi gửi bản nháp cho biên tập viên khi viết được 70% những gì tôi muốn. Bạn luôn có thể hoàn thành nốt 30% còn lại sau khi gửi dự án đi. Vì nếu đợi nó đạt 100%, bạn sẽ không bao giờ đi tới kết quả.

Chủ nghĩa hoàn hảo: thích nghi hay độc hại?

Điều quan trọng chúng ta cần nắm được là không phải kiểu hoàn hảo nào cũng giống nhau.

Không có gì sai khi đặt ra các tiêu chuẩn cao và mục tiêu lớn. Làm việc chăm chỉ để đạt được những điều mong muốn trong cuộc sống luôn là điều nên làm. Nhưng có sự khác biệt giữa chủ nghĩa hoàn hảo thích nghi (adaptive perfectionism) và chủ nghĩa hoàn hảo độc hại (toxic perfectionism).

Ở kiểu thứ nhất, người ta cố gắng đạt tới kết quả tốt nhất, song vẫn hiểu được rằng không có cái gì hoàn hảo 100%. Còn ở kiểu thứ hai, người ta chỉ tập trung đạt tới sự hoàn hảo mà không chấp nhận kết quả ở mức thấp hơn.

Do đó, chủ nghĩa hoàn hảo thực ra cũng có nhiều kiểu khác nhau:

Chủ nghĩa hoàn hảo tự định hướng

Một số người cầu toàn tự đặt ra cho họ những tiêu chuẩn cao tới không tưởng. Điều này không có gì sai trái, nếu họ biết cách hành xử phù hợp khi mọi việc không đi theo ý muốn. Và có lẽ bạn cũng đoán được rồi, họ không làm như vậy.

Họ sụp đổ nhanh chóng, và không thể buông bỏ những sai lầm đáng xấu hổ dù nó đã xảy ra hàng năm, thậm chí hàng chục năm về trước. Họ luôn chỉ trích mọi thứ họ làm mỗi khi độc thoại với bản thân. Những người này theo chủ nghĩa hoàn hảo tự định hướng (self-oriented perfectionists).

Chủ nghĩa hoàn hảo kỳ vọng người khác

Một số người kỳ vọng những người xung quanh họ phải tuân theo những tiêu chuẩn cực kỳ cao. Một lần nữa, điều này sẽ không có gì sai nếu họ chỉ sử dụng các tiêu chuẩn ấy để động viên mọi người làm tốt hơn, và chỉ cần như vậy là đủ.

Nhưng thực tế thì họ không như vậy. Những người này có hệ tiêu chuẩn cao đến mức không tưởng, mà không ai có thể đáp ứng được. Vậy là họ trở thành kẻ khó ưa.

Ví dụ điển hình của trường hợp này là ông sếp quản lý vi mô luôn chì chiết bạn vì làm hỏng mọi việc; là bà mẹ không ngừng xét nét về cân nặng của bạn, hoặc anh bạn trai bắt bạn kể về mọi lần “làm chuyện ấy” trước đó chỉ để anh có thể “tin tưởng” bạn. Kiểu tư duy này có thể được gọi là “chủ nghĩa hoàn hảo kỳ vọng người khác” (other-oriented perfectionism).

21jun2023sepmang2jpg
Có những người kỳ vọng mọi người xung quanh tuân theo những tiêu chuẩn không tưởng của họ. | Nguồn: VNW

Chủ nghĩa hoàn hảo định hướng xã hội

Ngược lại với 2 kiểu trên là những người luôn nghĩ rằng, người khác áp đặt cho họ những tiêu chuẩn cao ngoài sức tưởng tượng.

Những người này thường rất bất ổn. Họ không thể tự ra quyết định cho bản thân, vì họ không biết người khác sẽ nghĩ gì nếu họ quyết định sai lầm. Giọng nói trong đầu họ không phán xét bản thân, mà nói với họ rằng ai cũng đang đánh giá họ, vì họ không đáp ứng được những điều mà xã hội kỳ vọng.

Hệ quả là họ cảm thấy bất lực. Bởi nếu họ chẳng bao giờ đủ “tốt” trong mắt người khác, thì phấn đấu làm gì nữa chứ? Họ chính là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo định hướng xã hội (socially-oriented perfectionism).

Còn tiếp…