4 Tư duy giúp bạn tránh các quyết định "đi vào lòng đất" | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 08, 2022
Tâm Lý Học

4 Tư duy giúp bạn tránh các quyết định "đi vào lòng đất"

Theo Mark Manson, sự kiên nhẫn là yếu tố quan trọng để hạn chế những quyết định sai lầm. Ngoài ra, ta cũng cần xem xét khả năng phản pháo của từng lựa chọn.
4 Tư duy giúp bạn tránh các quyết định "đi vào lòng đất"

Nguồn: Anthony Tran @ Unsplash

Tiếp nối bài viết “Khi giải pháp tức thời dẫn đến một tương lai chơi vơi”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “The Law of Unintended Consequences”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Cuộc sống vốn có nhiều tình huống trái ngang. Vì vậy, chúng ta không thể hoàn toàn tránh khỏi định luật hệ quả ngoài ý muốn và những thiên kiến nhận thức dẫn tới nó. Nhưng trong quá trình cân nhắc trước khi quyết định, các câu hỏi sau sẽ phần nào giúp ta tránh bẫy tầm nhìn ngắn hạn:

1. “Nếu mình không làm gì thì mọi việc có tự tốt lên không?”

Nhiều quyết định “đi vào lòng đất” của chúng ta chỉ đơn giản là kết quả của sự thiếu kiên nhẫn. Điều này nghĩa là nhiều lúc ta chỉ cần chờ đợi, tình hình sẽ tự cải thiện. Ví dụ đơn giản nhất là khi bị kẹt xe, cứ kiên nhẫn chờ đợi, đường sẽ tự thông. Khi bạn thấy tội lỗi vì chia tay người yêu cũ, cứ kiên nhẫn chờ cảm xúc ấy qua đi, bạn sẽ không còn muốn quay lại với họ.

Chúng ta thường đánh giá quá cao mức độ kiểm soát của bản thân trong mỗi tình huống mà quên mất tầm quan trọng của việc ngồi xuống và chờ đợi. Nó sẽ không giúp ta thắng cuộc thi nào, nhưng đôi khi nó chính là quyết định tốt nhất (và khó thực hiện nhất) trong cuộc đời.

2. “Tình huống tệ nhất có thể xảy ra là gì?”

Khi đánh giá các ý tưởng của chính mình, chúng ta thường tập trung những vào các lợi ích chúng mang lại thay vì những rủi ro chúng có thể gây ra. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì ta đã mất rất nhiều nơron thần kinh mới có thể nghĩ ra chúng.

03aug2022aminafilkins2jpg
Việc tính toán những kết quả tốt nhất và xấu nhất giúp bạn cân nhắc kỹ hơn trước khi ra quyết định. | Nguồn: Pexels

Rất khó để tự chỉ trích những gì bạn cảm thấy đúng. Để “tập dượt” việc này, bạn có thể tự vấn bản thân mình với các câu hỏi như “tình huống tệ nhất có thể xảy ra là gì?”, “quyết định này có thể sai lầm theo những cách nào?”.

Rồi bạn viết ra một kết quả tốt nhất và một kết quả xấu nhất, sau đó nhẩm tính xác suất cho từng trường hợp. Cuối cùng, bạn lấy xác suất xảy ra tình huống xấu nhất nhân lên bốn lần. Bạn có còn cảm thấy quyết định này đáng thực hiện hay không?

3. “Liệu lựa chọn của mình có thể phản pháo không? Nếu có, thì bằng cách nào?”

Vào thế kỷ 17, quốc hội Anh cho rằng các ngân hàng đang trừng phạt tầng lớp nghèo và trung lưu bằng lãi suất cắt cổ. Vì vậy họ thông qua đặt trần lãi suất vĩnh viễn ở mức 4%. Mọi thành viên quốc hội đều nghĩ đây là ý tưởng tuyệt vời, ngoại trừ John Locke. Ông cho rằng việc này sẽ buộc các ngân hàng phải lén lút tìm cách “lách luật” để cho giới thượng lưu vay tiền với hạn mức lãi suất cao hơn.

Mọi người đều cho rằng Locke bị điên, bởi đó chính xác là tác động ngược lại với những gì họ đang hướng tới. Nhưng ông đã đúng - điều luật đã khiến người nghèo bị dồn vào đường cùng, còn người giàu thì ngày một giàu lên. Giờ đây John Locke là cái tên được giảng dạy ở hầu hết các trường đại học nước Anh, trong khi những thành viên quốc hội kia thì vẫn mãi vô danh.

4. “Mình có thể thu hồi quyết định này giữa chừng hay không?”

Một yếu tố chúng ta thường bỏ qua khi cân nhắc quyết định là khả năng dừng hoặc thu hồi nó giữa chừng. Chẳng hạn nếu bạn không thích cái ô tô đã mua, bạn có thể bán nó và thu lại một khoản tiền đáng kể. Nhưng nếu bạn sinh một đứa con và rồi không nuôi nổi nó, thì bạn không thể nhét nó lại vào bụng được nữa. Dù vậy, người ta vẫn thường tốn nhiều thời gian suy nghĩ cho việc mua ô tô hơn là việc có con.

Ta thường mất nhiều thời gian cân nhắc các quyết định có thể dễ dàng hoàn tác, trong khi đi quá nhanh với những quyết định không thể “làm lại”. Để tránh mất thời gian sai chỗ, bạn có thể áp dụng nguyên tắc chung: nếu quyết định không dẫn tới một kết quả vĩnh viễn, thì tiến hành nhanh cũng không sao. Còn nếu nó khiến bạn không thể thu hồi, thì nên dành thời gian cân nhắc cho kỹ trước khi làm.

Vài dòng lưu ý

Câu hỏi 1 và 4 đã giải thích nguyên nhân nhiều chính sách cấp chính phủ lại không hiệu quả. Khi một vấn đề xảy ra, họ phải chịu đựng áp lực khổng lồ từ công chúng. Vì vậy họ ra một quyết sách để đối mặt vấn đề, trong khi thực tế cách phản ứng đúng là không phải làm gì cả.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nhiều chính sách dạng này rất khó thu hồi. Điều đó khiến các bộ máy chính phủ này trở nên cồng kềnh và kém hiệu quả hơn theo thời gian.

Trong khi đó, câu hỏi 2 và 3 phản ánh những vấn đề ta gặp trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thường rất tệ trong việc xem xét các lỗ hổng trong ý tưởng của bản thân, thách thức những cảm xúc nhất thời cũng như nhận ra những tình huống có thể phản pháo. Tất cả những điều này dẫn đến chính vấn đề mà ta đang tìm cách giải quyết.

Tiếp tục làm công việc ta ghét khiến ta giàu hơn về tiền bạc, nhưng lại nghèo đi về thời gian. Cố gắng hàn gắn một mối quan hệ tan vỡ chỉ làm nó vỡ vụn thêm chứ không lành được chỗ nào.

03aug2022zeropamungkasjpg
Việc cố gắng hàn gắn một mối quan hệ tan vỡ chỉ khiến nó vỡ vụn thêm. | Nguồn: Pexels

Sau cùng, định luật hệ quả ngoài ý muốn ghi nhận những điểm mù chúng ta khó tránh khỏi khi đưa ra quyết định. Nhiều khi ta chỉ có thể dự đoán, chứ không thể biết trước kết quả của những gì mình chọn. Và trong quá trình mở rộng phạm vi nhận thức một cách có chủ đích, ta chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những thất bại về tầm nhìn xa và sự cẩn thận.

Chừng nào ta còn có thể suy nghĩ và hít thở, ta sẽ tiếp tục mắc sai lầm theo cách này hay cách khác. Nhưng chúng ta không nên vì vậy mà tránh né việc thử nghiệm, sai sót và rút ra được những bài học bổ ích.