Love, Death + Robots 2: 90 phút cho những câu hỏi của đời người | Vietcetera
Billboard banner
21 Thg 05, 2021
Sáng TạoTruyền Thông

Love, Death + Robots 2: 90 phút cho những câu hỏi của đời người

Một kịch bản phim ngắn hay chỉ cần đặt được những câu hỏi hay, không nhất thiết phải trả lời được những câu hỏi nó đặt ra.
Love, Death + Robots 2: 90 phút cho những câu hỏi của đời người

Nguồn: Netflix

Love, Death + Robots phần 2 là chuỗi những phim hoạt hình ngắn đã gây được tiếng vang với phần 1 trên Netflix. Với thể loại giả tưởng/kinh dị về bối cảnh tương lai kiểu “phản địa đàng” (dystopia), mỗi tập đều có nội dung và phong cách nghệ thuật độc lập do được tạo ra bởi nhiều nhà làm phim khác nhau.

Love, Death + Robots 2: Câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi quá trình tự vấn của người xem bắt đầu

Dù chỉ có 8 tập, ít hơn 10 tập so với phần 1, nhưng Love, Death + Robots 2 vẫn mang đậm tinh thần thuyết hư vô (nihilism) của phần đầu. Và cũng như phần 1, Love, Death + Robots 2 vẫn ném những quả “thụi” vào tâm lý người xem bằng những hoang mang đầy tính hiện sinh, khiến người ta phải tự vấn lối sống và tư duy của mình trong khoảng thời gian hữu hạn của đời người.

Love, Death + Robots 2 không chỉ tận dụng được tính đa dạng của thể loại anthology. Series này còn khai thác khả năng truyền tải concept vô giới hạn của phong cách hoạt hình, cũng như bản chất khai phá của khoa học giả tưởng và kinh dị.

Series có tổng thời lượng chỉ khoảng 90 phút. Với khoảng 15 phút mỗi tập, các nhà làm phim đã chứng minh rằng phim ngắn không cần phải bày hết mọi thứ lên khung hình. Điều quan trọng là phải khiến khán giả suy nghĩ về những thứ CÓ THỂ xuất hiện.

Với tôi, một kịch bản ngắn đã thành công khi nó “gài” được vào tâm trí người xem những câu hỏi hay, rồi cho những câu hỏi đó ngữ cảnh cần thiết. Làm như vậy, là đã kích hoạt được quá trình phản biện, phân tích và tự vấn của người xem.

Vì thế, bài viết này sẽ không review độ hay dở của những tập phim, mà chỉ nhóm các tập phim theo ba câu hỏi mà chúng dấy lên trong lòng người viết.

1. Chúng ta có thực sự muốn sự bất tử?

Tập phim: Pop Squad (đạo diễn: Jennifer Yuh Nelson) và Snow In The Desert (đạo diễn: Leon Berelle, Dominique Boidin, Remi Kozyra, Maxime Luere)

Pop SquadSnow In the Desert là hai tập phim mang phong cách hiện thực, sử dụng công nghệ CG (đồ họa máy tính) để tái hiện nhân loại một cách chân thật và sinh động.

Pop Squad đem chúng ta tới một Trái Đất nơi sự quá tải dân số vượt tầm kiểm soát. Tại đây công nghệ cho phép con người sống mãi mãi, miễn là chúng ta ngừng sinh sản.

Người xem theo chân một cảnh sát được giao nhiệm vụ tiêu diệt những đứa trẻ được sinh ra ngoài vòng pháp luật, cùng anh trải qua cơn giằng xé giữa sự ích kỷ và bản năng dưỡng dục nòi giống.

pop
Cảnh phim "Pop Squad". | Nguồn: Netflix.

Snow In The Desert có nhân vật chính là Snow, một người đàn ông bị săn đuổi khắp thiên hà vì khả năng tái tạo tế bào. Khả năng này giúp Snow bất tử và hồi phục nhanh chóng sau mọi thương tổn. Thế nhưng nó cũng làm anh cô đơn bởi những người anh yêu thương không thể sống mãi.

snow
Cảnh phim "Snow in The Desert". | Nguồn: Netflix.

Cái chết luôn ám ảnh con người: chúng ta vừa sợ nó, vừa tò mò về nó. Đó là lý do chúng ta thích xem phim kinh dị, và mưu cầu cuộc đời vĩnh hằng.

Dù không có yếu tố kinh dị, cả hai tập phim trên đều đem đến cho người xem một cái hé nhìn về sự bất tử. Song song đó là nỗi đau của những nhân vật tưởng như đã có được thứ mà ai cũng mong muốn.

2. Máy móc có thực sự tốt hơn con người?

Tập phim: Ice (đạo diễn: Robert Valley), Automated Customer Service (đạo diễn: nhóm Meat Dept), Life Hutch (đạo diễn: Alex Beaty)

Phát triển về khoa học, công nghệ đã là thước đo cho sự phát triển của nhân loại kể từ khi con người tạo ra được những công cụ đầu tiên từ thuở hồng hoang. Thế nhưng, liệu chúng có thực sự hoàn thiện chúng ta?

Ice kể về hai anh em “đũa lệch” Sedgewick và Fletcher trong một viễn cảnh nơi con người không còn sống trên Trái Đất, mà ở một vùng đất quanh năm tối tăm và lạnh giá. Trong điều kiện khắc nghiệt này, phần lớn cư dân được nâng cấp thành những sinh vật “cơ khí hóa” cyborg với sức khỏe siêu nhiên. Fletcher là một cyborg, trong khi Sedgewick là con người thuần túy và được xem là thua kém người em.

ice
Cảnh phim "Ice". | Nguồn: Netflix.

Life HutchAutomated Customer Service lại khắc họa tình huống khi những con robot bỗng trở nên biến chất và tiêu diệt con người. Hai tập phim đều nâng cao những giá trị vượt trội của con người mà máy móc không thể có được. Trong khi Life Hutch mang màu sắc khá tối tăm, thì Automated Customer Service lại hài hước và có phong cách gợi nhớ phim hoạt hình Pixar.

acs
Cảnh phim "Life Hutch" và "Automated Customer Service". | Nguồn: Netflix.

3. Chúng ta tới từ đâu và tồn tại để làm gì?

Tập phim: The Drowned Giant (đạo diễn: Tim Miller)

drowned
Cảnh phim "The Drowned Giant". | Nguồn: Netflix.

The Drowned Giant là tập phim được dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn J.G. Ballard, xuất bản năm 1964. Có lẽ đây là lý do mà tập phim này mang nhiều suy ngẫm đầy thông thái của một trí thức cổ điển.

Qua sự kiện một xác người khổng lồ dạt vào bờ biển rồi trở thành điểm thu hút của những cư dân nhỏ bé và hiếu kỳ, chúng ta được ngắm nhìn sự ám ảnh của con người về cái chết. Sự ám ảnh này khiến họ muốn lưu lại dấu vết của mình ở bất kỳ nơi nào mà mình đi qua, như để kéo dài sự hiện diện của mình.

Tập phim được dẫn dắt bởi những dòng lưu bút của một nhà nghiên cứu già. Qua đó, The Drowned Giant mở ra triết lý về tính hữu hạn cuộc đời với những hoang mang về mục đích sống và điểm đến sau khi chúng ta rời bỏ thế gian.

Tall Grass (đạo diễn Elliot Dear) và All through the House (đạo diễn Simon Otto)

it5
Cảnh phim "Tall Grass" và "All through the House". | Nguồn: Netflix.

Hai tập này có cốt truyện khá đơn giản, đóng vai trò như một khoảng nghỉ giữa những tập phim với thông điệp lớn lao. Đây là hai tập không khiến tôi đặt câu hỏi nào cả, nhưng vẫn nên xem cho vui.