"Lửa hận thù đốt cháy ký ức hai ta" và sức sống của nhạc chế | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
02 Thg 08, 2023
Âm Nhạc

"Lửa hận thù đốt cháy ký ức hai ta" và sức sống của nhạc chế

Từ sự lan tỏa của Lửa hận thù, cùng tìm hiểu lịch sử và sức sống của thể loại nhạc chế trong lịch sử âm nhạc Việt và đời sống của chúng ta.
"Lửa hận thù đốt cháy ký ức hai ta" và sức sống của nhạc chế

Nguồn: Facebook K Crush

Hai đêm diễn của BlackPink tại Hà Nội đã kết thúc, để lại nhiều cảm xúc với khán giả. Đã lâu rồi mới có một sự kiện âm nhạc lớn như vậy ở trong nước, nhờ đó mà những bạn trẻ đã có những quãng thời gian vui vẻ với âm nhạc.

Một trong những điều khiến khán giả thích thú là bản vietsub điệp khúc bài hát Flower của Jisoo khán giả đã đồng thanh trong phần trình diễn. Với tên gọi Lửa hận thù, khúc hát ngắn này làm những fan quốc tế phải tò mò, còn những người hâm mộ trong nước thì hào hứng và phấn khích trước dấu ấn rất riêng mà chỉ concert Born Pink tại Hà Nội mới có.

Những khúc ca theo kiểu “nhạc người, lời ta” như vậy không xa lạ gì với chúng ta. Khi còn bé, ai cũng đã từng nghêu ngao một vài ca khúc nước ngoài với những bản lời Việt rất chi là “củ chuối” (“tào phớ cho thêm thịt bò…”). Gần tương tự là những bài nhạc chế, những ca khúc đặt lại lời mà ta thường thấy trên Táo quân, hay là trên những kênh YouTube như Vanh Leg.

Ít người biết rằng chính “thể loại” âm nhạc này đánh dấu sự khởi đầu của âm nhạc Việt Nam hiện đại vào thế kỷ trước. Cũng chính việc đặt lời ta cho những bài hát Tây đã khiến những thanh âm mới, những giai điệu mới tràn vào văn hóa Việt Nam mà không tàn phá những cảm thức âm nhạc truyền thống. Nhưng thứ còn thú vị hơn lịch sử ra đời của nhạc chế tại Việt Nam chính là cách mà nó biến đổi qua từng giai đoạn, với từng vị thế văn hóa.

Nhạc quốc ca Pháp, lời tỏ chí làm trai đất Việt

Vâng, bạn không đọc nhầm đâu: một trong những bài nhạc được “chế” sớm nhất trong lịch sử nhạc chế Việt Nam là quốc ca Pháp. Việc này diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 19 trong bối cảnh Pháp dần dần áp đặt chế độ cai trị, mang theo đó là những ngành nghề mới và các thành tố văn hóa Pháp.

Sự xâm lược của Pháp khiến cho La Marseillaise - quốc ca Pháp - liên tục vang lên trên xứ sở Đông Dương. Người dân nghe nhiều thành quen, nhưng ngoài nhịp điệu nhanh và sự hào hùng của một khúc quân hành, thì chẳng mấy ai biết (và có nhu cầu biết) một bài hát ngoại lai có ý nghĩa gì.

Người dân chỉ quan tâm hơn tới nhạc Tây khi nó được phổ lời Việt trên những sân khấu cải lương. Khi ấy, một hội diễn sẽ có một đoàn nhạc công tài tử chơi những làn điệu ngũ cung với các nhạc cụ truyền thống, và một ban nhạc với những nhạc cụ quân nhạc, chơi những bài nhạc Tây phụ trợ cho nhóm truyền thống.

01aug2023amnhac2903061jpg
Một khuông nhạc có lời chuyển thể bài hát Quand Madelon của Pháp. | Nguồn: Jason Gibbs/Nguyễn Trương Quý

Cách làm cải lương theo kiểu “dung hòa” này đã giới thiệu những giai điệu phương Tây mà không biến cải lương thành một sự kết hợp thô kệch giữa Tây và ta. Theo nhà nghiên cứu Jason Gibbs, điều khiến cho người Việt cảm thấy thích thú với những giai điệu như La Marseillaise là “sự tươi mới và tự nhiên sinh động của chúng.”

Tất nhiên, một bài hát Tây trên sân khấu Việt sẽ phải mang lời Việt sao cho phù hợp với vở diễn. Do đó, có nhiều phiên bản khác lời khác nhau của một làn điệu Tây, tùy thuộc vào việc đó là vở diễn nào hay gánh diễn nào thực hiện. Ta hãy cùng xem một phiên bản lời Việt của quốc ca Pháp trong vở diễn Châu Trần tiết nghĩa của Nguyễn Văn Tệ vào năm 1925:

“Đã đành nặng ân, ngọn rau tấc đất/ Nỗi riêng ơn nước nợ nhà, phải toan đền xong/ Sanh làm trai đứng trong võ trụ nì/ Phải lo sao non sông cho rõ phận/ Mới khỏi hổ con cùng cháu giống Lạc Hồng/ Giắt dìu nhau trong lối sĩ, nông, công, thương/…”

Nhạc người nhưng lời ta, điệu người nhưng ý ta - đây chính là cách mà âm nhạc phương Tây đã xâm nhập vào Việt Nam. Qua đó, người Việt thấy được những cảm thức âm nhạc mới trên nền những tư tưởng và đạo lý có tính truyền thống.

01aug2023image20230801183031742png
Quảng cáo một gánh hát cải lương trên Công luận báo số 585, 30/3/1927. | Nguồn: Thư viện Quốc gia

Càng ngày, các bài hát thời thượng của Pháp càng phổ biến tại Đông Dương, và việc đặt lời Việt cho chúng cũng mang một tầm quan trọng mới. Theo Jason Gibbs và Nguyễn Trương Quý thì một gánh diễn cải lương khi đó, muốn thành công, gần như bắt buộc phải biết chơi nhạc Tây và hát nhạc Tây phổ lại lời.

Tới những năm 30, các nữ diễn viên cải lương như Kim Thoa và Ái Liên còn thu âm những bài nhạc đó làm đĩa nhạc, và phát đều đặn trên Đài phát thanh Sài Gòn trong những năm 40. Ở miền Bắc, ngay cả những người không phải ca sĩ, nhạc sĩ, cũng bắt đầu chế lời Việt cho nhạc Tây “như một phương thức chính thống để thể hiện năng khiếu văn chương của mình.”

Ai rồi cũng hát nhạc chế thôi

Trong bối cảnh Pháp thuộc, việc chế lời Việt cho nhạc nước ngoài là để phục vụ mục đích biểu diễn và tập quen dần với giai điệu nước ngoài. Còn sau đó, người ta chế lời để mang lại một ý nghĩa mới, một sự biểu đạt mới mang tính dân dã và thường nhật hơn trên nền những giai điệu bắt tai.

Sau này, có cả những ca khúc chế hoặc chuyển ngữ nhạc phim Trung Quốc, Hồng Kông, và Đài Loan. Điều này cho thấy sự thay đổi trong giao thoa văn hóa, đồng thời báo trước sự phát triển của thị trường văn hóa tại Việt Nam với phim ảnh, âm nhạc mới.

Rất nhiều bài hát nổi tiếng, quen thuộc với thế hệ 8x và đầu 9x là những bài nhạc Hoa lời Việt. Gần như tất cả những ngôi sao Vpop thời đầu đều đã từng hát qua thể loại này: từ Đan Trường tới Ưng Hoàng Phúc tới Uyên Linh, thậm chí một số ca sĩ như Khánh Phương và Jimmi Nguyễn nổi tiếng dựa trên việc làm lại lời cho những ca khúc nhạc Hoa.

Các sân khấu hải ngoại có công rất lớn trong việc đặt lại lời cho các bài hát nước ngoài và trình diễn những khúc ca ấy vào thập niên 90 - không chỉ nhạc Hoa ngữ, Anh ngữ mà còn cả Pháp ngữ và Tây Ban Nha. Trong đó, có một số bài hát mà bản gốc là biểu tượng âm nhạc thế giới, và bản chuyển ngữ có chỗ đứng vững chắc với cộng đồng hải ngoại như Không cần nói (Je Suis Malade) hay Những ngày nắng đẹp (Seasons in the Sun).

Ngày nay, nhạc chế sống len lỏi và âm thầm trong đời sống của chúng ta. Sự hiện diện huy hoàng nhất của nó là vào đêm giao thừa với chương trình Táo quân - chắc hẳn nhiều người còn nhớ bài hát “lụt từ ngã tư đường phố” hay là “một năm kinh tế buồn.” Các nghệ sĩ đã “xào nấu” lại nhiều bản hit nổi tiếng trong và ngoài nước để “hề hóa” những vấn đề nghiêm trọng của thực tại, đặt vấn đề một cách đủ hài hước và nhẹ nhàng để tất cả có thể hiểu.

Ở một cấp độ thấp hơn, nhạc chế với tên gọi thể loại chính thức là parody là nguồn sống của nhiều kênh YouTube, nhiều nhà sản xuất nội dung. Với sự giúp đỡ của mạng xã hội và auto-tune, giờ đây ai cũng có thể hát lại những giai điệu bắt tai để phục vụ cho mục đích của mình. Đó có thể là phản biện xã hội, có thể là nêu ra một số thực trạng theo cách không quá nghiêm túc, hay đôi khi chỉ là những tiểu phẩm dựng để gây cười.

Và ở cấp độ bình dân nhất, gần gũi nhất là những bài nhạc chế cho vui. Không cần lý do gì cả, chỉ cần ca từ "chuối nguyên một nải" là được. Đó là sức hút của những “em yêu ảo lòi” hay “giờ này em đã ăn sáng chưa” mà nhiều 9x chắc hẳn vẫn nhớ - đi kèm với đó là sự càn quét của Kpop trong giai đoạn đầu tại Việt Nam.

Chế, chế nữa, chế mãi

Mỗi người sẽ có cách lý giải khác nhau về việc tại sao chúng ta lại thích nhạc chế, và thích chế nhạc. Những ai lớn lên với những ca khúc nhạc Hoa lời Việt sẽ cho rằng đó là sức mạnh của âm nhạc, của một giai điệu hay đã đặt ra yêu cầu phải chuyển ngữ. Những ai ấn tượng mạnh với Táo quân sẽ coi nhạc chế là một công cụ biểu đạt, ở đó âm nhạc là nền tảng truyền tải những ý tưởng một cách sáng tạo và có khả năng gây ấn tượng mạnh.

Còn với những người lớn lên với những thể loại “nhạc chế đường phố” hay “nhạc chế YouTube,” lý do có lẽ đơn thuần chỉ là niềm vui. Họ tìm thấy niềm vui ở hành động bắt chước, ở nét nghĩa giễu nhại nằm trong chính thao tác chế nhạc. Niềm vui của sự giễu nhại vô tình là thứ đã có sức sống khá lâu bền trong văn thơ của các nhà nho tài tử, tới nay lại thoát thai trong hình bóng của những “tune thủ” trên mạng xã hội.

Trông vậy chứ thực ra chế nhạc không phải là một công việc dễ dàng. Cần có những sự nhạy cảm nhất định về mặt giai điệu và ngôn ngữ để có thể làm ra một bài nhạc chế hay chuyển ngữ một bài hát thật hiệu quả và ấn tượng.

Đó là chưa kể tới những sự khác biệt về ngôn ngữ cũng như đặc điểm của tiếng Việt làm cho người sáng tác lời phải thật khéo léo để lời ca vừa có cái hay của thi ca, nhưng không đơn thuần trở thành một trò chơi ráp từ, nối vần, ghép chữ.

Chính vì thế, ta nên trân trọng Lửa hận thù, trước tiên bởi sự chính xác về mặt ngữ nghĩa so với bản gốc, và sau là bởi ca từ mượt mà và rất có sức gợi - đặc biệt là hai câu “ngày đẹp trời áng mây kia trôi đi xa/ Nhưng hương hoa lưu luyến vẫn còn vương bên ta.” Bên cạnh đó, Lửa hận thù gần như đã trở thành một "đại sứ văn hóa," bởi nó kích thích sự tò mò của cộng đồng người hâm mộ BlackPink trên toàn thế giới.