Luật nhân quả không thể được áp dụng như công thức | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Luật nhân quả không thể được áp dụng như công thức

Áp dụng luật máy móc cũng có thể sai triết lý nhà Phật.
Luật nhân quả không thể được áp dụng như công thức

Luật nhân quả là một học thuyết siêu hình học, giải thích về cả sự tồn tại của vũ trụ và con người. | Nguồn: Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera.

Khi luật nhân quả bị hiểu sai và giản lược

Luật nhân quả là một hệ thống triết học vô cùng phức tạp trong Phật Giáo. Song, nó lại hay bị đơn giản hoá thành những công thức, lời đe dọa, phán xét, và cả những trò đùa vô cùng ác ý trên mạng xã hội.

Điển hình như tranh nhân quả - một bộ minh hoạ về quả báo và điềm lành bạn sẽ gặp ở kiếp sau nếu bạn làm việc tốt hay việc xấu ở kiếp này. Về mục đích, có thể nó hướng con người đến một đời sống thiện tâm hơn. Nhưng cách thể hiện có thể khiến chúng ta hiểu sai về Phật giáo.

Nó quy giản luật nhân quả thành một bộ công thức đơn giản, ví dụ:

  • Nếu kiếp này bạn đa tình dâm đãng, kiếp sau bạn đồng tính, gia đình tan vỡ.

  • Nếu kiếp này bạn cất giữ tiền lâu quá mà không làm phúc thiện, kiếp sau bạn hết tiền.

Bộ tranh này vừa được trưng bày ở nhiều chùa chiền, và đôi lúc cũng trở thành meme, bị các bạn trẻ đùa cợt trên mạng xã hội.

Ngoài ra, phiên bản đơn giản của luật nhân quả này còn được sử dụng bởi các nhóm cực đoan, có thể gây hại tới cho xã hội. Đơn cử, trên Facebook gần đây xuất hiện một số group tuyên truyền cấm dục, xem nhu cầu sinh lý của con người là ác quỷ, thay vì tìm hiểu kiến thức giáo dục giới tính.

Cách đây không lâu, bà Phạm Thị Yến, hay “cô Yến” cũng nhân danh luật nhân quả để rao giảng ở chùa Ba Vàng rằng đồng tính là quả báo và nghiệp chướng từ kiếp trước, vì thế cần phải được chữa trị. Mượn bóng tôn giáo để tuyên truyền tư tưởng lỗi thời, “cô Yến” gây ra những luồng dư luận xã hội tiêu cực.

Bên cạnh đó, mặc cho giáo lý của nhà Phật dạy con người phải biết loại bỏ lòng tham sân si, thì những công thức trong tranh nhân quả vẫn được sử dụng như thể sách self-help, với lời quảng cáo “Những người biết sống thiện lương, nhân quả sẽ khéo chỉ đường thành công”, đi kèm với lời dạy “Kiếp trước chơi game lãng phí thời gian kiếp người, kiếp sau khó trở lại đầu thai làm người.”

Luật nhân quả hay bị đơn giản hoá thành những công thức, lời đe dọa, phán xét, và cả những trò đùa vô cùng ác ý trên mạng xã hội.

Vậy luật nhân quả là gì? Có đơn giản như truyền thông nói?

Theo Oxford Bibliographies, luật nhân quả (Buddhist Theories of Causalities) là một học thuyết siêu hình học giải thích về cả sự tồn tại của vũ trụ và con người. Nó bao gồm một hệ thống bốn khái niệm quan trọng: Nghiệp (Karma), Duyên khởi (Pratītyasamutpāda), Căn nguyên (Hetu) và Trợ duyên (Pratyaya).

Từ “nghiệp” thường được chúng ta hiểu với ý nghĩa tiêu cực, rằng nó là hậu quả của việc ta làm những điều không tốt với người khác. Thực tế, khái niệm Nghiệp ám chỉ toàn bộ tất cả các hành động của con người, vốn có thể dẫn đến những kết quả khác nhau.

Nhìn ở cấp độ tổng quát, vũ trụ, vô cùng khó để đánh giá Nghiệp nào là tốt và xấu. Chúng ta chỉ có thể biết, việc gì được làm cũng sẽ tạo ra kết quả, và ta phải suy nghĩ kỹ về những kết quả đó trước khi hành động.

Từ “duyên” thì lại hay được sử dụng để ám chỉ việc ta được gặp người tốt, việc tốt là điều tất yếu của số phận. Những Duyên khởi có nhiều ý nghĩa hơn vậy, nó là một học thuyết về sự hình thành của vũ trụ. Kể từ khởi nguồn, các pháp (dharmas), hay các hiện tượng, đều tồn tại phụ thuộc lẫn nhau. Nếu cái này tồn tại, thì cái kia tồn tại; nếu cái này đoạn diệt, thì cái kia cũng đoạn diệt.

Căn nguyên và Trợ duyên có thể hiểu đơn giản là nguyên nhân và điều kiện xuất hiện của một hiện tượng nào đó. Giả dụ, bạn gieo hạt xuống đất và hạt mọc thành cây, thì căn nhân là chiếc hạt, và trợ duyên là đất, thời tiết và lao động của con người. Khi được ghép thành một cặp từ, hetu-pratyaya (nhân duyên) ám chỉ nguyên nhân dẫn đến việc tái sinh vào lại cõi người trong vòng luân hồi liên tục của vũ trụ.

Tư duy phân cực - Lý do người ta thích đơn giản hoá luật nhân quả

Tư duy phân cực (polarized thinking), hay có thể hiểu là “được ăn cả, ngã về không” là một kiểu biến dạng tư duy. Kiểu tư duy này khiến ta chỉ nghĩ về hai cực cực đoan nhất của một vấn đề: nếu tốt thì tốt hẳn, nếu xấu thì xấu hẳn.

Lối tư duy này rất tiện lợi đối với những người lười phản biện, vì nó quá đơn giản so với vô vàn các quy luật đánh giá tốt-xấu-đúng-sai mà giới đạo đức học trên toàn thế giới vẫn đang phải đau đầu nghiên cứu về.

Lợi dụng luật nhân quả, ta sẽ thấy những hành động như “giúp đỡ người khác”, “chơi game”, “lười nhác”, “từ thiện”, “cúng dường”, “đồng tính” bị tách ra khỏi văn cảnh của chúng và đặt vào một trong hai cực: nhận phước lành hoặc bị báo ứng.

Thực tế, biến dạng tư duy kiểu này xuất hiện mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta. Nó cho ta dễ dàng quy chụp rằng “Nếu bạn không từ thiện tức là bạn ích kỷ”, “Nếu bạn không ủng hộ Trump thì tức là bạn mến mộ Biden”, “Nếu bạn không theo phe cánh tả tức là bạn theo phe cánh hữu”,...

Tư duy phân cực kiểu này đơn giản một cách phi lý so với thực tiễn của thế giới này. Cũng giống như triết học Phật giáo phức tạp hơn rất nhiều so với tranh nhân quả vậy. Song nhờ núp bóng tôn giáo, tư duy phân cực dễ dàng được lan truyền trong công chúng.

Tư duy phân cực tư duy này khiến ta chỉ nghĩ về hai cực cực đoan nhất của một vấn đề: nếu tốt thì tốt hẳn, nếu xấu thì xấu hẳn.

Hệ quả của việc giản lược hoá luật nhân quả là gì?

Tấn công các nhóm yếu thế

Nếu để ý, bạn sẽ thấy “quả báo” của những người kiếp trước làm điều sai trái trong tranh nhân quả đều là kiếp này trở thành một phần của nhóm yếu thế. Nó khẳng định rằng nếu kiếp trước bạn sống lỗi, kiếp này bạn trở thành người nghèo, người thuộc cộng đồng LGBTQ+, người khuyết tật, người ốm yếu,...

Quan điểm này vô cùng nguy hiểm, vì nó miễn trừ trách nhiệm của xã hội trong việc giúp đỡ những kẻ yếu bị bỏ lại phía sau. Giống sự việc “cô Yến” chùa Ba Vàng nói về người đồng tính nữ và bi kịch nữ sinh giao gà bị giết hại, nếu ta tin vào phiên bản giản lược của luật nhân quả, ta sẽ không mảy may đồng cảm với người rơi vào tình cảnh bần cùng. Vì đó là nghiệp chướng kiếp trước của họ mà kiếp này họ phải tự chịu đựng.

Tuyên truyền mê tín dị đoan và tư duy định kiến

Định kiến vẫn luôn tồn tại trong xã hội. Và dù chúng ta đấu tranh chống lại định kiến, không có nghĩa là chúng ta lên án những con người cụ thể. Thời thế thay đổi và lớp người đi trước phải thích nghi từ từ với hoàn cảnh.

Song mượn lời tôn giáo và xuyên tạc tôn giáo để tuyên truyền định kiến là hoàn toàn sai trái. Trong công chúng, tôn giáo luôn là thứ gì đó đúng đắn, hướng về lẽ phải. Điều đó chỉ đúng, nếu người ta thực sự nghiên cứu về các giáo lý cổ xưa và giữ tinh thần phê bình thiện chí để kế thừa vẻ đẹp của tư tưởng.

Còn nếu đơn giản hoá luật nhân quả để phục vụ lợi ích của một nhóm người nhỏ, những vấn đề tiêu cực sẽ nảy sinh như “giải nghiệp” bằng cách đuổi vong, xua vong mê tín dị đoan.

Sùng bái vật chất

Trong khi Phật pháp dạy con người buông bỏ, nhiều tình tiết trong các phiên bản luật nhân quả rút gọn lại chỉ ra các “mánh” giúp con người thành công về tiền bạc và địa vị hơn trong cuộc sống.

Đơn cử như chi tiết “Kiếp này tôn kính cúng dường Bậc Thành, kiếp sau đắc đạo cao siêu”, ta sẽ thấy luật nhân quả rút gọn gợi ý một công thức tu tập thành công không thể nào đơn giản hơn: cúng dường. Tương tự với “Kiếp trước đố kỵ người giỏi hơn mình, kiếp sau trở thành bất tài” hoặc “Trong hoàn cảnh khó khăn vẫn giúp đỡ người nghèo khổ thì sẽ thoát kiếp nghèo”.

Sống trong một xã hội văn minh, chúng ta cũng sẽ có quyền đòi hỏi số tiền cúng dường phải được minh bạch. Đồng thời nhận thức được rằng cúi đầu trước thánh thần và sống chỉ bằng niềm tin không phải nguyên cớ của sự thành công.

Tôn giáo chỉ đúng khi ta thực sự nghiên cứu về các giáo lý cổ xưa và giữ tinh thần phê bình thiện chí để kế thừa vẻ đẹp của tư tưởng.

Kết

Bản chất của tôn giáo là hướng thiện. Nhưng để thực sự chạm đến cái thiện lành ấy, chúng ta cần cất công tìm hiểu về giáo lý, cũng như biết phê bình, giữ khoảng cách đối với những phiên bản biến tướng của tôn giáo.

Trên tất cả, Phật giáo đẹp không chỉ vì những lời răn dạy đạo đức, mà còn vì tính chất hệ thống, tường minh và triết học trong giáo lý của mình.