Đầu tiên, chúng ta hãy thử đi đến với câu hỏi vì sao làn da lại có mụn? Trong vô vàn lý do từ thiếu ngủ, ăn nhiều đường, vệ sinh da không kĩ, chúng ta sẽ thấy rằng mụn còn là câu chuyện của hormone, tâm lý cá nhân và những niềm tin trong cuộc sống.
Khi làn da phản ứng nghĩa là có điều gì đó đã thật sự xảy ra bên trong cơ thể, chứ chẳng phải do “tâm linh” chi cả. Bạn có bao giờ thắc mắc một lời khen khi ta nghe được sẽ tác động đến cơ thể ra sao? Lời khen rõ ràng không có lỗi, lỗi là ở cách chúng ta “hồi đáp” lại điều này.
Bạn tin điều gì, chuyện đó sẽ xảy ra
Có một khái niệm tâm lý mang tên self-fulfilling prophecy - hiện tượng khi một người tin vào một việc chưa diễn ra, cuối cùng điều đó trở thành sự thật.
Nhà xã hội học người Mỹ Robert K. Merton cho biết đôi khi một niềm tin là không đúng thực tế, nhưng lại kích hoạt những suy nghĩ hoặc hành vi mới, cuối cùng tạo ra những kết quả trùng khớp với niềm tin sai lầm ban đầu.
Nói cách khác, những niềm tin đó trở thành sự thật là do phản ứng tâm lý của con người trước những dự đoán, nỗi sợ và lo lắng về tương lai. Thực tế, "khi được khen thì da sẽ nổi mụn" là một niềm tin phổ biến mà bạn có thể nghe từ nhiều người xung quanh.
Niềm tin này tạo sẵn cho bạn một tâm lý tiêu cực với lời khen da đẹp, thậm chí sống trong trạng thái “chờ” mụn lên. Một số người vì muốn phòng ngừa nên lao vào skincare quá độ, mạo hiểm với các hoạt chất làm đẹp mới… Khi nhìn lại bạn sẽ thấy mình đã có một quy trình chăm da khác với ngày thường.
Tất cả những hành động trên đều có tác động không nhỏ đến da. Và cuối cùng là mụn (và nhiều vấn đề khác như mẩn đỏ, da đổ dầu, da kém mịn màng… ) sẽ thực sự xuất hiện.
Thói quen “hư hỏng” của đôi bàn tay
Một lý do khác khiến mặt nổi mụn là do tay không sạch và thường hay sờ lên mặt. Vậy nó có liên quan gì đến lời khen?
Điều thú vị là cũng có những lý do tâm lý khiến bạn chạm vào khuôn mặt của mình. Các nghiên cứu cho thấy rằng chạm vào mặt là một thủ thuật tự làm dịu cảm xúc.
Chạm vào khuôn mặt của bạn có thể là một cách không lời để truyền đạt suy nghĩ hoặc cảm xúc, ví dụ khi cảm thấy khó xử, ngượng ngùng hoặc không thoải mái. Việc đột nhiên nhận một lời khen da đẹp cũng có thể là một tình huống khiến ta bối rối.
Tôi từng thấy nhiều bạn đang livestream mà được khen da đẹp là ngay lập tức chạm tay vào da, vuốt má…
Ngoài ra, việc nhận lời khen khiến bạn chuyển sự chú ý đến làn da của mình. Từ đó, bạn sẽ tăng khả năng săm soi, đụng chạm gương mặt nhiều hơn trước. Việc chạm tay lên da thường xuyên sẽ mang theo vi khuẩn từ đó gây ra mụn.
Áp lực từ việc tự nhìn nhận bản thân
Đôi khi lời khen không thật sự tạo ra sự thoải mái nơi người nhận. Trường hợp đầu tiên, một số người sẽ cảm thấy khó chịu khi nghe những lời khen không “khớp” với những gì họ tự nghĩ về mình. Chẳng hạn bạn khen làn da ai đó đẹp nhưng họ không thấy vậy và luôn chất vấn bản thân.
Trường hợp thứ hai là những lời khen làm tăng áp lực phải trở nên xứng đáng hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người gặp vấn đề về giá trị bản thân thường đặt ra những mục tiêu thấp.
Một lời khen ngụ ý bạn được đặt kỳ vọng sẽ xuất sắc hơn khiến không ít người gặp nhiều áp lực. Khi cảm thấy người khác quá coi trọng mình, bạn có thể nghĩ rằng chuyện làm ai đó thất vọng chỉ là vấn đề thời gian.
Cả hai trường hợp này đều dẫn đến việc bạn thấy khó chịu và bị stress. Và chính những cảm xúc tiêu cực sau khi nhận lời khen sẽ kích hoạt một cơ chế phản ứng, vô tình khiến da nổi mụn, viêm nhiễm.
Căng thẳng có thể làm cho da trở nên nhờn hơn. Điều này xảy ra khi một lượng lớn cortisol được giải phóng vào máu do căng thẳng, báo động cơ thể tiết nhiều dầu hơn từ các tuyến bã nhờn. Từ đó dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và mụn xuất hiện.
Hi vọng qua một số lời giải thích này, bạn có thể để ý đến cảm xúc và phản ứng của cơ thể sau khi nhận lời khen để chuẩn bị sẵn một tâm thế bình thản, thoải mái hơn. Biết đâu, "lời nguyền" nổi mụn sẽ được hóa giải thì sao.