Cứ sáng nào bạn thức dậy với trạng thái uể oải và cảm thấy hôm nay sẽ là một ngày tồi tệ, nó chắc chắn sẽ như thế. Bạn chịu đựng những tiếng bấm còi gắt gỏng trên đường, đến văn phòng thì đồng nghiệp có vẻ không hoà nhã cho lắm, và cuối ngày thì suýt nữa bạn cãi nhau to vì một vấn đề không đáng. Chẳng lẽ bạn có khả năng tiên tri?
Bạn có từng thắc mắc vì sao những lời khuyên “Hãy đặt lòng tin vào mình, rồi bạn sẽ làm được", “Cứ giả vờ tới khi bạn làm được" trong các cuốn sách self-help lại thật sự có tác dụng? Điều kì diệu đằng sau là gì?
Những ví dụ trên đều là các hình thái khác nhau của một hiện tượng tâm lý có khả năng biến những suy nghĩ sai lầm của bạn thành sự thật, đó là self-fulfilling prophecy.
1. Self-fulfilling prophecy là gì?
“Lời tiên tri tự ứng nghiệm”, hay “lời tiên tri tự hoàn thành”, là hiện tượng khi một người tin tưởng vào một điều chưa diễn ra, cuối cùng điều đó sẽ trở thành sự thật.
Nhà xã hội học người Mỹ William Isaac Thomas (1863–1967) là người đầu tiên phát hiện và gọi tên hiện tượng này qua Định lý Thomas (1928): “Nếu ta định nghĩa một tình huống là thật, cuối cùng nó sẽ thành sự thật.”
Dựa trên ý tưởng đó, vào năm 1948, nhà xã hội học người Mỹ Robert K. Merton tạo ra thuật ngữ ‘self-fulfilling prophecy’.
2. Làm thế nào mà lời tiên tri lại ứng nghiệm?
Theo Robert, đôi khi một niềm tin là không đúng thực tế, nhưng lại kích hoạt những suy nghĩ hoặc hành vi mới, cuối cùng tạo ra những kết quả trùng khớp với niềm tin sai lầm ban đầu. Nói cách khác, những niềm tin đó trở thành sự thật là do phản ứng tâm lý của con người trước những dự đoán, nỗi sợ và lo lắng về tương lai.
Một ví dụ rõ rệt nhất là câu chuyện về Oedipus trong Thần thoại Hy Lạp. Một lời tiên tri phán rằng ông sẽ là người giết vua cha và kết hôn với mẹ. Cha ông vì tin theo nên đã tìm mọi cách né tránh, nhưng tất cả nỗ lực đều dẫn tới kết quả hệt như lời sấm trước kia.
Tóm lại, cả quá trình sẽ là:
- Bạn tạo ra kỳ vọng về một kết quả cụ thể.
- Bạn thể hiện những kỳ vọng đó qua lời nói hoặc hành vi.
- Những người khác vô tình tự điều chỉnh để phù hợp với những gì bạn thể hiện.
- Kỳ vọng của bạn trở thành hiện thực.
- Bạn nhận được những lời xác nhận và củng cố cho sự thật đó.
3. Hiện tượng này xuất hiện trong đời sống dưới các hình thức:
Lời tiên tri tự ứng nghiệm có 2 loại:
- Lời tiên tri tự tạo (Self-imposed prophecy): Mong đợi của bạn ảnh hưởng lên hành vi của chính bạn.
- Lời tiên tri từ người khác (Other-imposed prophecy): Mong đợi của người khác ảnh hưởng lên hành vi của bạn.
Một số trường hợp thường gặp trong đời sống:
- Hiệu ứng Placebo: hay còn gọi là hiệu ứng “giả dược" trong y tế. Đôi khi các phương pháp chữa bệnh không có tác động gì đến bệnh nhân, nhưng họ vẫn có những biến đổi thể chất nhờ “niềm tin khỏi bệnh".
- Hiệu ứng Pygmalion: Là một dạng của lời tiên tri từ người khác. Có thể thấy rõ tác động của hiệu ứng này trong giáo dục và phát triển kỹ năng. Chẳng hạn, mong đợi của giáo viên vào khả năng của học sinh sẽ tác động tới kết quả thật sự của các em.
- Vấn đề định kiến và kỳ thị: Những người cho rằng chủng tộc khác thấp kém hơn mình sẽ hành xử với những người đó hệt như vậy. Họ từ chối trao cho đối tượng bị coi thường cơ hội học hỏi để chứng minh điều ngược lại. Đây là một phần của systemic racism – tình trạng phân biệt chủng tộc ở nhiều cấp độ và hệ thống trong xã hội.
4. Ứng dụng thế nào để có lợi cho bạn?
Con người luôn có thiên kiến tiêu cực. Chính vì thế mà 'lời tiên tri' thường xuất hiện dưới dạng một viễn cảnh tồi tệ, khiến bạn càng thêm lo lắng, sợ hãi và cuối cùng là cho nó cơ hội trở thành sự thật.
Tuy nhiên, lời tiên tri tự ứng nghiệm không phải lúc nào cũng xấu. Nếu bạn nhận thức được và chủ động rèn luyện, nó có thể biến thành một công cụ hỗ trợ bạn xây dựng sự tự tin.
Lời khuyên "Cứ giả vờ tới khi bạn làm được" (Fake it till you make it) không hoàn toàn là lời khuyên nhảm nhí. Lấy ví dụ về việc tham gia một bữa tiệc toàn người lạ.
Nếu bạn tin rằng mình không thể tạo ấn tượng tốt với người khác, bạn sẽ bước vào bữa tiệc với tâm trạng lo lắng, hành vi lúng túng hoặc thu mình. Điều này vô tình giảm cơ hội để mọi người tiếp cận bạn, vậy là niềm tin “tôi không giỏi xã giao" càng được củng cố.
Ngược lại, nếu bạn bước vào bữa tiệc với suy nghĩ “những người xa lạ sẽ đánh giá mình cao hơn mình nghĩ", bạn sẽ thoải mái bắt chuyện với người khác và trông dễ gần hơn. Kết quả là bạn nhận được lời khen về sự thân thiện của mình và càng có lòng tin.
Tuy nhiên, vẫn cần phân biệt sự tự tin và kiêu căng. Vừa tự tin, vừa khiêm tốn và sẵn sàng học hỏi sẽ giúp bạn tiến xa hơn.