Marco Casamonti: “Sự sáng tạo tồn tại trong ADN của nước Ý” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Marco Casamonti: “Sự sáng tạo tồn tại trong ADN của nước Ý”

Trò chuyện với kiến trúc sư Marco Casamonti - Đại sứ "Ngày thiết kế Ý" lần thứ 4 tại Việt Nam

Marco Casamonti: “Sự sáng tạo tồn tại trong ADN của nước Ý”

Giáo sư - Kiến trúc sư Marco Casamonti (Nguồn: ARCHEA Associati)

logo

Cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Casamonti kéo dài hơn chúng tôi dự định ban đầu, nhưng dường như không ai muốn kết thúc nó sớm. Những câu chuyện, nhiệt huyết và sự say mê của ông khi nói về kiến trúc, về sự tự hào đối với nước Ý cũng như thành phố quê hương Florence đã lan tỏa một niềm cảm hứng, một ngọn lửa về tinh thần không ngừng sáng tạo và học hỏi – điều được ông mô tả là “luôn tồn tại trong mã ADN” của nước Ý.

Có điều gì về “Florence” mà ông muốn kể cho chúng tôi – những người chỉ có thể đến ngắm nhìn thành phố này như một khách du lịch?

Florence là một thành phố vô cùng đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc. Sau những đêm trường Trung cổ, thành phố này đã hoài thai trong mình một bản sắc văn hóa và đã được khoác trên mình chiếc áo mới bởi bàn tàn tay tài hoa Arnolfo di Cambio – KTS đầu tiên lên bản vẽ Plazzo Vecchio và thiết kế Nhà thờ chánh tòa Florence (Cattedrale di Santa Maria dei Fiore).

Vào thế kỷ 13-14, những kiến trúc sư, nghệ sĩ tái cấu trúc thành phố bằng cách kết nối truyền thống của người La Mã với tinh thần đổi mới. Tư tưởng này được gọi là “Chủ nghĩa nhân văn”.

“Chủ nghĩa nhân văn” là nơi nghệ thuật, khoa học, văn học cùng cộng hưởng để xây dựng diện mạo mới cho Florence. Tất nhiên ai cũng có thể đến đây để học và nghiên cứu, nhưng nếu bạn may mắn sinh ra ở Florence, bạn không cần phải học vì nó chảy trong huyết quản của bạn.

Hồi còn nhỏ, ông là đứa trẻ duy nhất trong nhà hiếu kỳ với những người thợ xây, gạch ngói, vôi vữa… Lúc đó ông có nghĩ mình sẽ trở thành kiến trúc sư không?

Khi còn nhỏ, tôi đã say mê nhìn những người thợ xây làm việc, đó là một thế giới khác hẳn những nơi mà bọn trẻ con chúng tôi thường lui tới, thú vị vô cùng.

Ban đầu tôi không nghĩ mình muốn trở thành kiến trúc sư. Tôi muốn làm về xây dựng để có thể nhìn thấy những vật liệu nên hình nên khối. Đến năm cấp 3, tôi nhận ra mình thích trở thành kiến trúc sư, mỗi trường phái kiến trúc gắn liền với một lý thuyết, chính vì vậy đây là công việc cùng một lúc đòi hỏi lý thuyết, thực tiễn và cả sáng tạo. Sự kết nối này vô cùng quan trọng.

Công trình hầm rượu Cantina Antinori Nguồn ARCHEA Associati
Công trình hầm rượu Cantina Antinori (Nguồn: ARCHEA Associati)

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nghệ thuật và hội họa có ảnh hưởng thế nào đến phong cách thiết kế của ông?

Sự gắn kết giữa tôi và nghệ thuật cũng giống như với Florence, tôi sinh ra và trưởng thành trong đó. Cha tôi là một nhà sưu tầm nghệ thuật, ông thường tổ chức các buổi triển lãm và mời các nghệ sĩ tới nhà. Họ luôn mang theo những ý tưởng làm sao để sắp xếp, bài trí các tác phẩm. Vì thế, sự gắn kết giữa tôi và nghệ thuật là một điều đến rất hiển nhiên...

Khi bắt đầu một dự án, nhiều khách hàng sẽ gửi ảnh về nơi bạn sẽ thực hiện dự án. Nhưng riêng tôi thì không thể thực hiện dự án từ những bức ảnh, từ Google Map hay từ bản vẽ. Tôi cần phải đến đó, ngắm nhìn cảnh vật, biết mặt trời mọc và lặn ở đâu, gió thổi hướng nào... Chỉ khi tự mình cảm nhận, kết nối và có những trải nghiệm ở nơi chốn ấy... tôi mới có thể bắt đầu dự án.

Nếu có thể miêu tả về phong cách thiết kế của mình bằng 3 từ, ông sẽ chọn những phẩm chất nào?

“Tradizione - Truyền thống”: luôn cần phải biết về lịch sử, về văn hóa, truyền thống.

“Traduzione - Diễn dịch”: cần phải truyền tải, diễn dịch những giá trị ấy sang cuộc sống hiện tại.

“Tradimento - Phản bội”: luôn rất cần “phản bội” những giá trị ấy để không ngừng cải tiến. Nếu không chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong những hoài niệm.

Và tất cả những từ trên có gốc từ Latinh “Tradere” có nghĩa là “Vượt qua, băng qua”

Con tem in hình Moto Guzzi Galletto Nguồn Shutterstock
Con tem in hình Moto Guzzi Galletto (Nguồn: Shutterstock)

Thế giới ngưỡng mộ những thiết kế của Ý với rất nhiều biểu tượng kinh điển. Ông nghĩ rằng lý do gì khiến cho những thiết kế của Ý có thể truyền cảm hứng bền lâu đến vậy?

Đất nước chúng tôi có lịch sử rất đặc biệt, phải hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh và cả sự chia cắt từ xa xưa khi chúng tôi phân chia thành các thành bang. Điều đó hình thành nên sự ganh đua với nhau, đồng thời thúc đẩy tinh thần sáng tạo và ham học hỏi. Yếu tố này luôn tồn tại trong mã “ADN” của nước Ý.

Gần đây tôi hứng thú sưu tập những thiết kế cổ của Ý như xe Vespa 1950, Lambretta 1955, thậm chí Moto Guzzi Galletto - là một thương hiệu nổi tiếng của Ý đã phát minh xe scooter (xe máy) bánh cao những năm 1950s. Đó là tiền thân cho những xe máy chúng ta dùng sau này.

70 năm trước ở Ý đã có những chiếc xe như thế với tên gọi Moto Guzzi Galletto. Thật thú vị khi tưởng tượng những năm 50s, 60s, 70s đã có những thiết kế đang được ứng dụng bây giờ. Moto Guzzi Galletto gắn với một câu chuyện rất đáng yêu.

Hồi bé chúng tôi gọi nó là “xe thầy tu” bởi vì thời ấy các thầy tu hay lái xe này. Các thầy tu ở Ý mặc áo tu hành rất dài (tonaca) nên họ không đi những xe máy thông thường và họ cũng không đủ điều kiện để có xe hơi riêng. Vì vậy, Moto Guzzi Galletto đã phát minh ra chiếc xe máy bánh cao, không có bình xăng phía trước để các thầy tu tiện để vạt áo.

Đó chính là điêu tôi muốn chia sẻ, sự thông minh của các thiết kế Ý là nằm ở việc đáp ứng những nhu cầu hàng ngày của con người với cái nhìn sáng tạo. Đó chính là đóng góp quan trọng của thiết kế Ý, văn hóa Ý đến thế giới. 

Một chi tiết rất thú vị là khi còn trẻ, điều gì thôi thúc ông dành hầu hết thời gian ở New York để hàng ngày chỉ đến tham quan các bảo tàng mà không phải những nơi khác?

Phương châm của một kiến trúc sư được gói gọn trong từ: SÁNG TẠO.

Sáng tạo còn mang nghĩa là không ngừng học hỏi. Trước khi đăng kí đại học, tôi có 4 tháng nghỉ ngơi và dành toàn bộ thời gian ở New York. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ không rời khỏi New York nếu không thăm hết tất cả bảo tàng tại thành phố này. Nhưng cuối cùng tôi hết tiền và đành phải trở về nhà dù vẫn chưa thăm quan hết.

Câu chuyện đó muốn nhắc tôi rằng việc học là mãi mãi, chúng ta phải luôn không ngừng tìm tòi và học hỏi. Kiến trúc sư có một đặc ân, đó là để làm việc chúng ta phải luôn học, học suốt cả cuộc đời.

Chủ đề của “Ngày thiết kế Ý” năm nay là “Vẽ nên tương lai. Phát triển, Đổi mới, Bền vững, Vẻ đẹp”. “Bền vững” có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh thế giới có rất nhiều thay đổi như hiện nay?

“Phát triển, đổi mới, bền vững, sáng tạo” đều là những nhu cầu của con người. Cần phải không ngừng phát triển, đổi mới để cập nhật những gì đang xảy ra xung quanh và dự đoán những gì sẽ xảy ra để hoàn thiện tương lai. Kiến trúc sư, nhà thiết kế và mọi người nói chung cần làm việc với mục đích cuối cùng là hướng về cộng đồng và con người. 

“Bền vững” không phải là một khái niệm trừu tượng mà là một vấn đề cấp thiết, nếu không hành tinh của chúng ta sẽ không thể trụ thêm nữa, 100 năm trước dân số thế giới là 2 tỷ, bây giờ là hơn 8 tỷ. Những vấn đề này đòi hỏi chúng ta có trách nhiệm hơn khi sử dụng nguồn năng lượng.

Công trình Liling World Ceremic Art City Nguồn ARCHEA Associati
Công trình Liling World Ceremic Art City (Nguồn: ARCHEA Associati)

Một trong những công trình ấn tượng của ông là “Liling World Ceramic Art City” ở Liling (Trung Quốc) đã thể hiện cảm hứng và sự trân trọng với một di sản của Trung Hoa: gốm sứ. Nếu có cơ hội thiết kế một công trình ở Việt Nam, ông sẽ chọn biểu tượng nào?

Tôi thích nhất NÓN LÁ của người nông dân Việt Nam. Nó có hình khối tuyệt vời: hình nón, thuần khiết và đẹp đẽ. Tôi thật sự rất thích nó.

Ngoài ra, tôi cũng rất thích gốm sứ Việt Nam: khả năng sử dụng đất sét và biến nó thành những vật liệu. Điều khiến tôi ấn tượng với Việt Nam là những truyền thống văn hóa đặc sắc, tay nghề thủ công, là khả năng tạo nên mọi hình dạng từ những vật liệu thô sơ bằng chính đôi bàn tay, biến vật liệu thô thành vật liệu xây dựng và sau đó là đồ vật. Điều đó thật tuyệt vời. Cả Việt Nam và Ý đều có điểm chung này.

Giáo sư, Kiến trúc sư Marco Casamonti – đồng sáng lập ARCHEA Associati, một trong những công ty thiết kế kiến trúc hàng đầu Ý và thế giới, cũng là “Đại sứ” của ngày Thiết kế Ý tại Việt Nam 2020. Buổi chiều ngày 5.11.2020, từ Florence, ông sẽ trao đổi về chủ đề “Vẽ nên tương lai. Phát triển, Sáng tạo, Bền vững, Vẻ đẹp” cùng các học giả, kiến trúc sư và sinh viên tại các trường Đại học lớn của Ý và Việt Nam. Buổi tọa đàm sẽ diễn ra trực tuyến tại Italian Design Day webinar.

webinar