Mặt trái của những thông điệp cổ vũ phụ nữ tại nơi làm việc? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Mặt trái của những thông điệp cổ vũ phụ nữ tại nơi làm việc?

Những thông điệp tưởng chừng truyền cảm hứng cho phụ nữ lại đang quy kết và đổ dồn mọi trách nhiệm lên họ.
Mặt trái của những thông điệp cổ vũ phụ nữ tại nơi làm việc?

Nguồn: Pexels

Phụ nữ đang đánh giá thấp khả năng của chính họ. Họ không biết thương lượng để có được lợi ích trong công việc. Họ không dám đàm phán lương, không công nhận nỗ lực bản thân và thậm chí không dám lên tiếng trong các cuộc họp. Đó là những nhận định mà Sheryl Sandberg - cựu giám đốc điều hành của Facebook, trình bày trong bài diễn thuyết nổi tiếng “Tại sao chúng ta có quá ít lãnh đạo nữ?”

Để giải quyết tình trạng này, Sheryl Sandberg, cùng rất nhiều phụ nữ có tầm ảnh hưởng như Michelle Obama, Kathleen Murphy nhấn mạnh rằng nữ giới hãy đặt niềm tin vào bản thân. Họ cần phải “tự khẳng định và khiến chính mình trở nên thật nổi bật,” bằng cách thay đổi tư duy, lên tiếng trong những cuộc họp hay công nhận thành tích của chính mình.

Các nhân vật và thông điệp tưởng chừng rất tích cực này đang vấp phải một vấn đề nghiêm trọng. Họ đổ dồn mọi trách nhiệm cho người phụ nữ, dù cho đó là những vấn đề tới từ xã hội. Nói cách khác, bản thân người phụ nữ bị quy kết trở thành rào cản cho sự thành công của họ.

Tự tin hơn không phải chìa khóa cho mọi vấn đề

Trong cuốn sách Confidence Culture, hai nhà nghiên cứu Rosalind Gill và Shani Orgad chỉ ra rằng những thông điệp cổ vũ sự tự tin đang khiến cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, chỉ tập trung vào thay đổi tâm lý cá nhân mà phớt lờ vấn đề mang tính xã hội như nạn phân biệt giới tính, định kiến xã hội.

Những lời khuyên này hàm ý rằng tâm lý thiếu tự tin chính là nguyên nhân ngăn phụ nữ đạt được thành công và hạnh phúc. Bất kể vấn đề mà nữ giới phải đối mặt tại nơi làm việc là gì, cũng đều là do họ “chưa tin tưởng chính mình” hay “chưa dám khẳng định bản thân.” Các cuốn self-help cho phụ nữ như Lean In, The Confidence Code nhấn mạnh rằng phụ nữ phải tự nỗ lực giải quyết các khó khăn, thông qua việc xây dựng sự tự tin và tư duy tích cực.

Theo The Conversation, khi đại dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng tàn khốc tới nền kinh tế, phụ nữ thuộc nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Họ phải đối mặt với các vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, lương thưởng bị cắt giảm, dẫn tới tình trạng nới rộng chênh lệch thu nhập với nam giới. Đáp lại những điều này là hàng loạt các chương trình kêu gọi phụ nữ hãy “nâng cao sự tự tin” và “thể hiện sự kiên cường.”

Đồng thời, những thông điệp này cũng bị chỉ trích vì đang “bình thường hóa” những bất công và định kiến mà phụ nữ đang phải đối mặt. Thay vì giúp đỡ nữ giới đấu tranh với tình trạng phân biệt đối xử, những cuốn sách như Lean In lại kêu gọi họ điều chỉnh bản thân để thích nghi với các chuẩn mực không công bằng.

Cẩn trọng với những lời khuyên

Tầm quan trọng của sự tự tin hay tư duy tích cực là không thể phủ nhận. Đó chính là các yếu tố đã giúp những phụ nữ như Sheryl Sandberg hay Michelle Obama gặt hái được những thành công to lớn trong sự nghiệp. Tuy nhiên, lời khuyên của những cá nhân nổi bật ấy không phải công thức thành công cho tất cả phụ nữ.

Ngược lại, những thông điệp này có nguy cơ hằn sâu định kiến với nữ giới, khiến họ trở nên bất an và dễ bị tổn thương hơn. Khi thay đổi tâm lý cá nhân trở thành giải pháp cho mọi vấn đề, thì dẫn tới lối suy nghĩ rằng nếu một phụ nữ gặp khó khăn trong sự nghiệp, đó là vì bản thân họ chưa cố gắng thay đổi bản thân. Tới đây, phụ nữ không những phải đối mặt với những bất công tại nơi làm việc, họ còn bị quy kết là nguyên nhân của toàn bộ vấn đề ấy.

Theo Tổ chức lao động quốc tế, phụ nữ Việt Nam phần lớn vẫn làm việc trong các ngành nghề có thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương. Họ dễ trở thành nạn nhân của tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp, và có điều kiện việc làm bấp bênh hơn nam giới. Để có thể vươn mình gặt hái được thành công, nhiều nhóm phụ nữ cần sự hỗ trợ từ các chính sách mang tính hệ thống, thay vì đơn thuần thay đổi tư duy bản thân.

Hướng tới môi trường làm việc bình đẳng, thay vì đổ lỗi cho cá nhân

“Thành công sẽ được quyết định bởi chính sự tự tin và lòng dũng cảm của các bạn” - đó là những lời Michelle Obama nói với các học sinh nữ tại một trường trung học. Đó thực sự là một viễn cảnh đáng để chúng ta hướng tới, nơi tất cả những gì ta cần làm là tin tưởng và yêu thương bản thân.

Nhưng trước hết, chúng ta sẽ cần những thay đổi mang tính xã hội, như các chính sách, luật lệ hướng tới sự bình đẳng. Phụ nữ sẽ tự tin hơn, nếu họ được bình đẳng tiếp cận các nguồn lực sản xuất, giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm. Họ cũng sẽ dám khẳng định bản thân nhiều hơn, nếu xã hội ngừng áp đặt các khuôn mẫu về địa vị và công việc của phái nữ.

Theo Tổ chức kinh tế thế giới, Iceland là quốc gia thành công nhất trong việc đảm bảo bình đẳng thu nhập giữa nam giới và nữ giới trong suốt nhiều năm liên tiếp. Để đạt được thành công ấy, Iceland đã đưa ra chính sách đầu tiên trên thế giới yêu cầu các công ty phải chứng minh họ trả lương bình đẳng cho nam và nữ cho một công việc có giá trị tương đương nhau.

Tại Việt Nam, rất nhiều các cơ quan, tổ chức đã hợp tác với Tổ chức Lao động Quốc tế nhằm nỗ lực mang tới các cơ hội phát triển cho phụ nữ trong các tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời ngăn chặn tình trạng bóc lột và tăng cường mức độ bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Đối với từng cá nhân, mỗi người trong chúng ta cần nhận thức rõ các vấn đề bản thân đang gặp phải tại nơi làm việc. Thay vì đổ lỗi cho nạn nhân, hãy hỗ trợ và ủng hộ những môi trường làm việc an toàn và tôn trọng sự bình đẳng.