Đằng sau sự hào nhoáng của văn hóa “girlboss” | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 07, 2024

Đằng sau sự hào nhoáng của văn hóa “girlboss”

Có phải phụ nữ tham vọng, muốn đạt tới thành công trong sự nghiệp thì mới xứng đáng được hưởng quyền bình đẳng?
Đằng sau sự hào nhoáng của văn hóa “girlboss”

Britt Robertson trong vai Sophia Amoruso - “mẹ đẻ” của thuật ngữ và phong trào girlboss. | Nguồn: Phim Nasty Gal

“Là một ‘bà chủ’ (girlboss), thời gian của chúng ta chỉ dành cho 3 thứ tất yếu: làm việc, ngủ và kiếm tiền.” Không khó để bắt gặp những khẩu hiệu hay tấm ảnh, video ngắn hào nhoáng kiểu này trên mạng xã hội nói về sự tuyệt vời trong cuộc đời các “bà chủ”.

Phong trào girlboss đặt nền móng thúc đẳng bình đẳng giới nơi công sở và chứng minh rằng, nữ giới cũng năng lực và uy quyền không kém cạnh đàn ông. Tuy nhiên ít ai biết rằng, nó cũng ẩn chứa nhiều mặt trái và tác động tiêu cực lên phong trào đấu tranh bình đẳng giới nói chung.

Nguồn gốc của phong trào girlboss

Năm 2014, thuật ngữ “girlboss” lần đầu được nhắc tới và truyền cảm hứng bởi Sophia Amoruso - CEO của Nasty Gal, một nhãn hàng thời trang nổi tiếng toàn cầu. Không chỉ là tác giả của hồi ký nổi tiếng Girlboss, cuộc đời của bà còn được ghi lại qua bộ phim cùng tên trên Netflix.

Theo định nghĩa của Sophia, “girl boss” (bà chủ) là danh từ miêu tả những lãnh đạo nữ thành công trong một thế giới kinh doanh bị thống trị bởi đàn ông. Nó còn trở thành một “khuôn mẫu” lý tưởng để chứng minh rằng, tài năng và quyền lực của nữ giới không kém cạnh bất cứ ai. Càng tự tin, mạnh mẽ và cống hiến hết mình cho công việc, phụ nữ càng khẳng định quyền được lên tiếng và ngang bằng vai vế với nam giới.

Tiếp tục thúc đẩy phong trào trên là Sheryl Sandberg, nữ giám đốc điều hành đầu tiên của Facebook và là tác giả cuốn sách Lean in (Dấn thân). Với thành công đáng kể trong cương vị lãnh đạo cấp cao, đồng thời là một diễn giả truyền cảm hứng, Sheryl đã trở thành một hình mẫu “bà chủ” lý tưởng với cả nữ giới lẫn nam giới, những người mong muốn thúc đẩy bình đẳng giới trong công việc. Bà khẳng định rằng, càng nhiều phụ nữ làm lãnh đạo và nắm giữ quyền lực thì tiếng nói của họ càng mạnh mẽ.

Cùng với đó, hình tượng “girlboss” xuất hiện dày đặc trên phim ảnh, thôi thúc nhiều phụ nữ trẻ nỗ lực cố gắng trở thành một “girlboss” chính hiệu. Tuy nhiên phong trào này cũng ẩn chứa những mặt trái, liên quan đến đặc quyền và phân biệt giới.

“Thúc đẩy bình đẳng” hay gạt bỏ nhóm bị lề hóa?

Phong trào girlboss ra đời với mục đích chính là thúc đẩy bình đẳng và chứng minh năng lực của nữ giới, tuy nhiên lại rơi vào cái bẫy “đặc quyền”. Cụ thể, những lãnh đạo nữ ủng hộ và lan tỏa văn hóa này hầu hết là phụ nữ da trắng, có điều kiện tài chính và có học thức.

Vì vậy, những gì được đề cao và lên tiếng lại không phải là vấn đề của tất cả phụ nữ. Nó là vấn đề của những người sở hữu sẵn đặc quyền để có thể phát triển. Văn hóa “bà chủ” như một sự phân tán tư tưởng “lấp lánh” và hào nhoáng, mà vô tình bỏ quên các vấn đề gốc rễ mà phụ nữ đã và đang phải đối mặt hàng ngày như:

  • Đấu tranh cho quyền sinh sản.
  • Là nạn nhân của quấy rối tình dục và bạo lực gia đình.
  • Chịu hậu quả nặng nề dưới tác động của biến đổi khí hậu.
  • Bị vật hóa và phải đối mặt với khuôn mẫu nơi làm việc.
  • Nạn buôn người.

Mỗi giờ, mỗi ngày trôi qua, phụ nữ đều đối mặt với hàng ngàn vấn đề bất lợi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chính bản thân họ. Tuy nhiên phong trào bà chủ lại chỉ đề cập những khó khăn của một nhóm có đặc quyền, đóng khung các vấn đề mang tính lịch sử và xã hội rồi quy về cá nhân. Trên thực tế, điều này củng cố sự bất bình đẳng thay vì mục đích ban đầu của girlboss.

19jul2024screenshot20240719152207jpg
Văn hóa “bà chủ” vô tình bỏ qua các vấn đề gốc rễ mà phụ nữ vẫn đang phải đối mặt hàng ngày. | Nguồn: CBC

Như trong cuốn Ơn giời, de Beauvoir trả lời, Freya Rose và Tabi Gee đã lý luận: số lượng quyền mà bạn có, và việc cảnh sát hay các tập đoàn toàn cầu thực thi chúng (hay không) phụ thuộc vào nơi bạn sống, số tài sản bạn có, màu da, sức khỏe và niềm tin tôn giáo của bạn. Kể cả trong lĩnh vực bình đẳng giới, những tiến bộ vẫn chỉ chạm đến một nhóm được hưởng đặc quyền.

Cổ vũ văn hóa năng suất độc hại

Trong các phong trào thúc đẩy hình tượng bà chủ, ta thấy hình ảnh người phụ nữ bận rộn, hối hả vì công việc. Đó cũng là châm ngôn chính nhào nặn nên “bà chủ” kinh doanh lý tưởng. Tuy nhiên, nó dễ đi chệch hướng và cổ vũ văn hóa làm việc độc hại.

Cuốn sách Girlboss đã đề cập nhiều khía cạnh của sự bận rộn. Kể cả với Sophia, trở thành bà chủ cũng có nghĩa bạn sẽ thành công trên mọi lĩnh vực mà bạn lựa chọn và cố gắng. Niềm vui lớn nhất của một “bà chủ” là đạt được thành công trong sự nghiệp.

Họ cho rằng việc bị đánh giá thấp năng lực là động lực thúc đẩy sự phấn đấu lâu dài, tiến tới đạt được đỉnh cao của sự nghiệp và quyền lực. Bằng việc nhấn mạnh sự chênh lệch giới ở nơi làm việc dưới cấp độ cá nhân, Sandberg đã giúp phụ nữ có thể tự nhìn nhận họ như những nhà hoạt động xã hội mỗi khi lên tiếng cho bản thân mình.

Theo The Cut, khuôn mẫu “bà chủ” đã thôi thúc các cô gái trẻ dậy sớm đến phòng gym, hoặc tìm cách lấp đầy thời gian trống của mình bằng việc đọc sách hay nghe podcast. Sở thích nào của một “girlboss” cũng phải mang tính phát triển bản thân và quý trọng thời gian. Bởi là một bà chủ, bạn phải biết cách vừa cống hiến hết mình cho công việc, vừa cân bằng cuộc sống qua sở thích và tập luyện.

Tóm lại, văn hóa “bà chủ” đang nói với phụ nữ rằng: để trở nên đáng giá, bạn phải thật bận rộn và “đa nhiệm”. Chúng ta dễ dàng chấp nhận hình ảnh các sếp nam “bụng bia”, phì phèo điếu thuốc hay có những thú vui không lành mạnh. Nhưng với một người sếp nữ, hình tượng đó là một sự thất bại.

Ngoài ra, girlboss còn nhấn mạnh phụ nữ phải luôn có tham vọng, nhưng cũng phải biết khiêm tốn. Nghĩa là phụ nữ hoàn toàn có thể đạt tới thành công họ mong muốn, tuy nhiên cũng phải cảnh giác không được tiết lộ quá nhiều.

Phân biệt giới ngầm

Trước hết, phong trào bà chủ và các khuôn mẫu, khẩu hiệu mà nó đề cao đang ám chỉ rằng: phụ nữ chỉ có quyền lên tiếng khi họ trở thành lãnh đạo. Bởi khi đó họ mới được coi là có giá trị, uy quyền và xứng đáng được trả lương ngang bằng nam giới.

Văn hóa “bà chủ” vô hình chung đã đi ngược lại tinh thần giao thoa và bao hàm của nữ quyền. Tưởng chừng kêu gọi và thúc đẩy sự bình đẳng, nó thực chất lại hạ thấp những phụ nữ không có tham vọng sự nghiệp hay muốn ở nhà nội trợ. Điều này tạo ra nhận định ngầm rằng, phụ nữ truyền thống không có năng lực, và cũng không có quyền được bình đẳng với nam giới.

Tư tưởng nữ quyền của “bà chủ” (girlboss feminism) được cho là tương đồng với lý thuyết nữ quyền lựa chọn (choice feminism): tập trung vào quyền tự quyết của phụ nữ, và cho rằng bất cứ điều gì cô ấy làm đều là nữ quyền, là lựa chọn riêng.

Nỗ lực của Sandberg khi giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống bằng cách quy về cá nhân và cho rằng “thành công là một lựa chọn” đã củng cố thêm một hình thức phân biệt: tự kỳ thị nữ giới (internalized misogyny).

Ta có thể thấy rõ điều này qua các khẩu hiệu phổ biến trên mạng xã hội như “tôi phải thành công”, “tôi phải kiếm được nhiều tiền”... Và nếu không tuân thủ hay không đạt được nó, phụ nữ cho rằng mình “chưa đủ” để được hưởng quyền bình đẳng. Họ coi ai không có tham vọng sự nghiệp hay lựa chọn nội trợ là thiếu ý chí phấn đấu, không mong muốn thúc đẩy bình đẳng giới.

19jul2024pexelssarahchai7262349jpg
Trong văn hóa “bà chủ”, phụ nữ truyền thống bị coi là thiếu ý chí phấn đấu, không muốn thúc đẩy bình đẳng giới. | Nguồn: Pexels

Nhưng kỳ thực, lựa chọn không đơn giản là cái ta có thể tự quyết định. Trái lại, nó thuộc về quá trình xã hội hóa. Lựa chọn cạo lông, lựa chọn trang phục hằng ngày hay lựa chọn cuộc sống “giỏi việc nước - đảm việc nhà” chưa bao giờ thực sự đến từ bản thân mình. Như tiểu thuyết gia Virginia Woolf từng nói, “phụ nữ chỉ cần là bản thân mình thôi. Ừm, nhưng bản thân mình là gì?” - đó mới là câu hỏi thực sự.

Sự phân biệt giới cực đoan của văn hóa “bà chủ” còn thể hiện ở sự thù ghét nam giới, khi cho rằng đàn ông cẩu thả và thiếu trách nhiệm trong công việc. Theo Breast Preneur, trao quyền cho phụ nữ không nên thể hiện bằng việc hạ thấp giá trị đàn ông. Hơn hết, nó phải đề cao và đẩy mạnh bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Alexandrea Solomon, một giáo sư chuyên nghiên cứu về giới và vai trò giới nhận định: “Khi nhìn kỹ từ “girlboss”, bạn sẽ nhận ra vấn đề nội hóa kì thị giới (internalized sexism). Nhiều nghiên cứu cho thấy khi phụ nữ lớn tuổi và trở nên quyền lực, họ bị coi là ít khả ái hơn. Việc dùng thuật ngữ này thể hiện mong muốn trở nên uy quyền hơn, mà không mất đi dáng vẻ thân thiện, khả ái”.

Theo giáo sư Solomon, ở khía cạnh nào đó, gán mác “girlboss” cho phép người nữ thể hiện uy lực mà không tỏ ra đe dọa hay xa lánh những người xung quanh.

Mánh khóe của tư bản

Theo phong trào định nghĩa, trở thành một “bà chủ” chính hiệu đồng nghĩa với việc sở hữu những thứ được coi là giá trị, theo đuổi sở thích “có học thức” và phát triển bản thân. Nó cũng nhấn mạnh với phụ nữ rằng, họ chỉ thực sự hạnh phúc khi đạt được một số thứ nhất định. Vì vậy các sản phẩm liên quan đến girlboss như sách self-help, mỹ phẩm hay trang phục có thể biến phụ nữ trẻ thành “bà chủ” được ủng hộ hơn bao giờ hết.

Thêm vào đó, việc cổ vũ thông điệp “bạn chưa thành công vì chưa đủ cố gắng” vô tình ám chỉ rằng, thành công hay sự bình đẳng là một lựa chọn. Nó hoàn toàn bỏ qua các vấn đề mang tính lịch sử về đặc quyền, chủng tộc, điều kiện kinh tế hay phân biệt giới. Khẩu hiệu trên, cùng với sự quảng bá từ các thương hiệu hay người nổi tiếng thuộc phong trào “girlboss” đã thúc đẩy sự phát triển thị trường tư bản - một hình thức bóc lột lao động ngầm.

Ngoài ra, việc kinh doanh hình ảnh cá nhân (selling the self) phổ biến của các CEO nữ cũng đẩy mạnh tiêu thụ cho công ty, đặc biệt với nhóm khách muốn ủng hộ quyền bình đẳng và hình mẫu tự quyết của phụ nữ.

Điều này tương tự việc quy đổi quyền lực và tiền bạc thành thước đo sự bình đẳng, hay việc nắm quyền trong hệ thống tư bản trở thành chiến thắng quan trọng nhất của nữ quyền. Tuy nhiên, đó là sự lợi dụng thông điệp bình đẳng để tạo ra lợi nhuận.

Theo Vox, mô hình kinh doanh “girlboss” đóng khung sự tốt đẹp của việc kiếm nhiều tiền và chủ nghĩa tiêu dùng. Lời hứa ngầm ở đây là, nếu khách hàng ủng hộ những phụ nữ này thành công, họ sẽ thúc đẩy điều kiện làm việc tốt hơn cho phụ nữ, đồng thời trao quyền cho mọi người.

Tuy nhiên nhiều công ty “girlboss” thực tế lại đối xử bất công và có môi trường làm việc độc hại. Điển hình chính là Nasty Gal - công ty của “mẹ đẻ” thuật ngữ girlboss Sophia Amoruso, đã bị tố sa thải nhân viên có thai bất hợp pháp. Sau khi vụ việc vỡ lở, nhiều nhân viên cũng đồng loạt “tố” Nasty Gal là một môi trường độc hại thế nào.

Năm 2018, bê bối của Facebook trong xử lý can thiệp bầu cử ở Nga, rò rỉ dữ liệu người dùng và hành vi bắt nạt của Sandberg được nhắc đến trong báo cáo của New York Times. Năm 2019, The Verge cũng đưa tin Steph Korey - CEO và đồng sáng lập công ty du lịch Away đã bắt nạt nhân viên, và công ty cũng không tôn trọng sự đa dạng như cách họ thể hiện với truyền thông.

19jul2024stephaniekoreyawayreturncontent2020jpg
Steph Korey, CEO và đồng sáng lập của Away từng bị tố bắt nạt nhân viên. | Nguồn: Adweek

Tóm lại là

Trước những mặt trái bị phơi bày, phong trào girlboss đối diện việc bị mỉa mai và “meme hóa” thành “Gaslight, Gatekeep, Girlboss” - các đặc tính mà giới trẻ không có thiện cảm. Tuy nhiên không thể phủ nhận sức lan tỏa của phong trào này trong suốt thời gian dài, cũng như các tác động của nó lên nhận thức, tâm lý và hành vi của nhiều phụ nữ trẻ.

Phong trào cũng đồng thời đặt ra một vấn đề cần thảo luận: sự lựa chọn. Lịch sử của nữ quyền luôn đấu tranh cho quyền tự do lựa chọn của phụ nữ nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Nó nỗ lực giành quyền bình đẳng để phụ nữ có thể ra quyết định cho chính mình, chứ không phải vì hệ thống xã hội hay văn hóa bảo họ làm vậy.

Phụ nữ không cần phải tham vọng, quyết đoán và có sự nghiệp lớn mới được lên tiếng và được đối xử ngang bằng nam giới. Dù lựa chọn của họ là gì, mục đích sống ra sao, họ hành động thế nào thì đều xứng đáng được quyền bình đẳng và tôn trọng.