Giang Trần - Giám đốc Tài chính New World Saigon Hotel: “Cơ hội không nằm trong vùng an toàn" | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 07, 2023

Giang Trần - Giám đốc Tài chính New World Saigon Hotel: “Cơ hội không nằm trong vùng an toàn"

Khi nào thì chúng ta biết mình nên đi và điều gì quan trọng để trở về?
Giang Trần - Giám đốc Tài chính New World Saigon Hotel: “Cơ hội không nằm trong vùng an toàn"

Nguồn: Khooa Nguyen

Chị Giang Trần đã có 15 năm lăn lộn trong ngành khách sạn và gắn bó với New World Saigon Hotel đến nay đã 13 năm. Đó là nơi đầu tiên chị công tác, giúp chị lớn lên từ những công việc nhỏ bé nhất là kế toán - thanh toán cho đến ngày hôm nay ở vị trí Giám đốc Tài chính.

Điều đặc biệt hơn, bên cạnh vị trí Giám đốc Tài chính, trong thời điểm đại dịch Covid-19, chị Giang đảm nhận luôn chức vụ Tổng Giám đốc - một vị trí thường do quản lý nam đến từ môi trường quốc tế với độ tuổi từ 45 trở lên đảm nhận trong môi trường khách sạn 5 sao quốc tế.

Tuy có nhiều khó khăn, chị Giang là một trường hợp hiếm hoi đã đảm nhiệm vị trí này với thành công hơn cả mong đợi trong thời điểm ngành khách sạn đang chịu ảnh hưởng nặng nề tự đại dịch.

Từ góc độ một quản lý nữ, hành trình đó đã mang đến cho chị những bài học và trải nghiệm gì? Khi nào thì chúng ta biết mình nên đi và điều gì quan trọng để trở về?

Cùng chúng tôi trò chuyện cùng chị Giang Trần để trả lời những câu hỏi này.

Theo chị, đâu là ba phẩm chất không thể thiếu của một người lãnh đạo?

Một leader đối với tôi là người có tầm nhìn xa trông rộng, có sự sáng tạo, đổi mới trong tư duy. Và trên hết, họ phải là người tự tin.

Có điều gì chị ước mình biết sớm hơn trước khi làm sếp?

Điều đầu tiên, học cách đối diện với thử thách sớm sẽ giúp chúng ta chủ động phát triển bản thân không chỉ về kiến thức, kinh nghiệm xử lý công việc, mà còn xây dựng được sự tự tin ở bản thân.

Điều thứ hai, không nên quá lo lắng và suy nghĩ khi nghe người khác nói điều không tốt về mình. Điều này sẽ luôn luôn xảy ra. Thay vì làm vậy, mình có thể để đầu óc của mình tập trung vào những công việc quan trọng hơn.

alt
Nguồn: Khooa Nguyen

Điều thứ ba, thăng tiến trong công việc cũng là một nghệ thuật đấy. Nếu chỉ có năng lực và sự cố gắng hết mình là không đủ. Bạn cần phải có những bước đi chính xác và những bí quyết của riêng mình. Đồng thời học hỏi, trau dồi kỹ năng mềm tạo sự linh hoạt trong công việc là điều không thể thiếu

Cuối cùng, kết quả công việc không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành nó mà còn nằm ở chất lượng. Vì khi nhìn xa, hơn bạn sẽ thấy kết quả này tạo sự ảnh hưởng tới người khác và cả tương lai gần.

Rời khỏi nơi làm việc đầu tiên đã gắn bó rất lâu, bài học lớn nhất chị nhận được khi bước ra khỏi vùng an toàn là gì?

Khi bước ra, tôi thấy bản thân mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và quyết đoán hơn vì tự thân mình phải giải quyết mọi chuyện. Sức chịu đựng của tôi cũng cao hơn. Suy nghĩ của tôi được mở rộng mỗi khi đối diện với thử thách mới và tôi đã không còn tự ti như trước đây nữa.

Tôi nhận thấy ở ngoài kia có nhiều cơ hội học hỏi, phát triển kỹ năng mới, từ đó mà có khả năng thành công hơn trong tương lai. Đôi khi tôi cảm thấy mình mạnh mẽ và tự tin không thua gì phái mạnh khi đối diện với thách thức mới.

Bước ra khỏi vòng tròn an toàn cũng giúp tôi nhận ra thử thách nào cũng đáng giá. Tôi thích thú vô cùng với những trải nghiệm mới mẻ mà trước đây mình chưa từng trải qua hay nghĩ đến.

Tôi đã từng lo lắng, suy nghĩ một chút tiêu cực trước những thách thức trong công việc. Giờ nhìn lại tôi cảm thấy bình thản đến lạ kỳ và những khó khăn ngày đó đã trở thành “trái ngọt” trong sự nghiệp của tôi.

Khi nào thì mình biết bản thân không còn phù hợp với một công việc nữa?

Bạn đi làm để học hỏi, phát triển vậy nên dấu hiệu đầu tiên và đáng chú ý nhất là kiến thức đang bị bão hoà. Nói cách khác, nếu cảm thấy công việc hiện tại chỉ đang lặp đi lặp lại, không có gì mới mẻ và bạn không còn hứng thú mỗi sáng thức dậy đi làm thì bạn có thể cân nhắc về khả năng công việc không còn phù hợp với mình nữa.

Bên cạnh đó, việc không phù hợp với văn hoá công ty, môi trường làm việc khiến bạn bị cô lập và khó hoà nhập cũng là một yếu tố để xem xét.

​​Có khi nào chị thấy công việc choán hết quỹ thời gian cho cuộc sống riêng của mình?

Hiện nay, “deadline”, “overtime” hay “OT" dần trở thành những cụm từ quen thuộc và tôi cũng không tránh khỏi những lúc như vậy. Đôi lúc tôi cũng quá tải, lo lắng, mệt mỏi. Nhưng thật sự có mấy ai thành công mà không phải trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống?

alt
Nguồn: Khooa Nguyen

Bản thân tôi lập gia đình muộn, vào năm tôi 34 tuổi nên trước đó, công việc là ưu tiên hàng đầu của tôi. Sau khi có gia đình, thực sự có nhiều lúc tôi bị mất cân bằng. Ở vị trí lãnh đạo, tôi thường xuyên có những buổi họp, gặp gỡ khách hàng. Đỉnh điểm là khi con nhỏ đau ốm nhưng deadline thì đến gần.

Để đối diện và lấy lại sự cân bằng, việc đầu tiên tôi nhìn nhận trách nhiệm đang gánh vác với góc nhìn khách quan nhất. Tôi có thể làm gì, tôi chưa thể làm gì, là các câu hỏi quen thuộc để tôi xác định năng lực và giới hạn bản thân. Nhận thức được chính mình là điều quan trọng để chuẩn bị đối sách cho mỗi giai đoạn trong cuộc sống.

Đồng thời, tôi đã đặt ra một vài quy tắc cho bản thân như luôn giữ sức khỏe bằng việc ăn uống điều độ và hạn chế thức khuya. Tôi cũng nghỉ giải lao ngắn giữa giờ để tinh thần bớt căng thẳng. Bước đi đúng lúc, tạm nghỉ đúng thời điểm là điều tôi tin tưởng từ trước đến nay mà không phải ai cũng nhận thức được điều này.

Vào những lúc khó khăn nhất, đừng ngại nhờ sự trợ giúp từ đồng nghiệp và gia đình. Cuối cùng, sau mỗi dự án hoàn thành, tôi sẽ đi du lịch và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Trụ vững qua giai đoạn đại dịch, chị đã gặp phải những thử thách nào?

Khó khăn chung của mọi ngành trong thời điểm đại dịch là thu nhập bị giảm đi đáng kể. Khách sạn New World Saigon không phải là ngoại lệ. Nhưng tôi cảm thấy may mắn vì vào thời điểm cắt giảm nhân sự toàn cầu ấy, đồng nghiệp và tôi vẫn có công việc để làm.

Giữa cơn bão, tôi được lên thay quyền tổng quản lý để lãnh đạo khách sạn trong vòng 8 tháng và gần như là người phụ nữ đầu tiên trong ngành khách sạn đối mặt với thách thức đại dịch.

Đó là khoảng thời gian vô cùng quý báu vì tôi có cơ hội được hiểu thêm về hoạt động của các phòng ban, khó khăn mà các đồng nghiệp phải đối diện mỗi ngày cũng như thách thức khi giải quyết các vấn đề liên quan đến con người. Mỗi người có tư duy, suy nghĩ khác nhau, làm sao để cùng thống nhất được một giải pháp chung thực sự không hề dễ dàng.

Tôi vẫn nhớ những ngày tháng ấy như mới vừa hôm qua. Nhiều khi nghĩ lại tôi vẫn hồi bồi vì sao mình có thể gánh vác được trọng trách to lớn như thế. Tôi tự nhủ mình cố gắng và có thể làm nhiều hơn, cáng đáng nhiều vai trò hơn như quản lý những phòng ban mà trước giờ không phải là thế mạnh của mình như marketing, kinh doanh, nhân sự,… bên cạnh việc duy trì sự ổn định cho đội ngũ tài chính, kế toán.

Tôi và các bạn đồng nghiệp cùng động viên, thúc đẩy tinh thần lẫn nhau mỗi khi có thể. Tôi nhận thức được rằng mình có trách nhiệm dẫn dắt “gia đình” với gần 500 thành viên vượt qua giai đoạn khó khăn ấy. Tôi rất cảm ơn những người bạn đồng hành từ lễ tân, tiền sảnh, phục vụ nhà hàng, bảo vệ,... tại khách sạn New World Saigon đã tin tưởng tôi, giúp tôi vận hành mọi thứ thật trơn tru bằng sự phối hợp nhịp nhàng của các bạn.

Tuy khó khăn là vậy, tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ của đồng nghiệp, sự tôn trọng và hợp tác của các phòng ban, sự khích lệ và hỗ trợ của các sếp vùng, chủ đầu tư. Chính vì vậy, doanh thu và lợi nhuận đã vượt xa kế hoạch đề ra ban đầu. Đó thực sự là thành tựu tôi không bao giờ nghĩ có thể đạt được.

Chị muốn gửi lời khuyên gì tới phiên bản trẻ của mình cách đây 15 năm, và các bạn trẻ bắt đầu sự nghiệp bây giờ?

Nếu quay lại 15 năm trước, tôi vẫn sẽ chọn con đường như mình đã chọn. Nhưng nếu tôi có thể tự tin vào bản thân và chấp nhận thách thức sớm hơn, tôi có thể đã thành công hơn. Vì khi đối mặt trực diện với thách thức, chúng ta mới có thể vận dụng tất cả suy nghĩ, cảm xúc và hành động vào mục tiêu chinh phục thử thách này.

Tôi suy nghĩ rằng mình quay lưng và né tránh khó khăn thì lựa chọn của tôi chỉ có một đó là từ bỏ. Nhưng khi tôi lựa chọn tiến lên và chấp nhận thử thách thì tôi sẽ thu về cho mình “không chùn bước”, “kinh nghiệm”, “sự công nhận” và đôi khi là “thành quả”. Cho nên tôi có cho mình một lý do đủ lớn để lựa chọn hành trình này.

Các bạn trẻ bây giờ rõ ràng rất tự tin, có khả năng ngôn ngữ tốt và điều kiện học hành cũng tốt hơn. Tôi chỉ chia sẻ ngắn gọn như thế này: Công việc nào cũng yêu cầu một khoảng thời gian để chứng minh năng lực của bạn nên bạn sẽ cần một chút sự kiên nhẫn, tận tâm, đam mê, và cả sự cam kết.

alt
Nguồn: Khooa Nguyen

Các bạn cẩn chuẩn bị tâm lý là đi làm đương nhiên sẽ vất vả hơn đi học, sẽ có nhiều khó khăn mà có thể bạn chưa chuẩn bị hay sẵn sàng để đối diện, sẽ có những người bạn thích và không thích. Trong công việc sẽ có những áp lực đòi hỏi bạn phải thay đổi những kế hoạch cá nhân để hoàn thành.

Trên hành trình phát triển sẽ luôn có người giúp đỡ bạn khi khó khăn như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nhưng mấu chốt vẫn nằm ở sự cố gắng của bản thân bạn.

Nếu thực sự cảm thấy mình không phù hợp, bạn nên thay đổi. Chúc các bạn tìm được công việc phù hợp và thành công trong tương lai.

First, Lady là nơi chúng ta gặp gỡ các nữ lãnh đạo, nữ doanh nhân, những người phụ nữ có sức ảnh hưởng, để cùng tìm hiểu về những “lần đầu tiên” của họ trong sự nghiệp, trong cuộc sống bộn bề, trong hành trình làm mẹ, trong cách cân bằng nhiều vai trò cùng một lúc.

Bạn có thể xem nghe podcast First, Lady tại đây, và đón chờ các tập tiếp theo vào mỗi tối thứ 4 hàng tuần trên kênh YouTube của Vietcetera, Spotify và Apple Podcast.