Mình học được gì khi làm bạn với trẻ em khuyết tật? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Mình học được gì khi làm bạn với trẻ em khuyết tật?

Nếu có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với họ, mong bạn cũng cùng chia sẻ năng lượng yêu thương.
Mình học được gì khi làm bạn với trẻ em khuyết tật?

Nguồn: Quỳnh Anh

Mình gặp Đức Minh khi đang học lớp 12. Cậu nhỏ hơn mình khoảng 5 tuổi nhưng thú thật lần đầu gặp, mình đã nghĩ khoảng cách giữa hai người nhiều hơn thế. Cậu ngồi ở góc phòng, chơi một mình. Đôi mắt nhìn ở đâu thật xa. Mình lại gần cố bắt chuyện bao nhiêu cũng không được đáp lại. Với một đứa hướng ngoại như mình, đó quả là một thất bại lớn.

Minh chỉ bắt đầu chấp nhận sự tồn tại của mình sau vài ngày. Cậu cho phép mình chơi cùng và trả lời những câu hỏi đơn giản như “Minh ăn tối chưa? Hôm nay Minh làm gì?” Mọi thứ dường như diễn ra thật chậm rãi trong thế giới của Minh. Nhưng mình biết thế giới của người mắc hội chứng Down không phải lúc nào cũng lặng yên.

Có mẹ là giáo viên ở Trung tâm giáo dục đặc biệt, mình có nhiều cơ hội đến các lớp học của các bạn bị rối loạn phổ tự kỷ, hội chứng Down và các khiếm khuyết cơ thể khác. Một lần nọ mình đã chứng kiến cảnh một bạn học sinh mất khả năng kiểm soát hành vi. Bạn liên tục cho màu sáp vào mồm nhai, một việc mà lần đầu tiên mình biết có thể xảy ra trên đời. Khỏi phải nói, mình đã vô cùng hoảng.

Trải nghiệm đó đã thay đổi định nghĩa của mình về sự “bình thường.” Điều bất thường với mình có thể là điều đang xảy ra hàng ngày đối với ai đó khác. Việc của mình không phải là phán xét, mà là làm quen với sự tồn tại đó. Cái duyên gặp gỡ Đức Minh và làm bạn với cậu trong một thời gian càng giúp mình thấm thía hơn điều đó. Và mình bắt đầu tìm thấy đam mê của bản thân đối với giáo dục hòa nhập dành cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt là đối với giáo dục giới tính toàn diện.

Dù nhận thức của những bạn như Minh có thể dừng lại ở một thời điểm nào đó, nhưng cơ thể họ vẫn lớn. Họ vẫn cần tự vệ sinh cá nhân ở một mức độ nào đó và nhận biết tuổi dậy thì. Đó là chưa kể có những bạn không khiếm khuyết về tâm thần, mà khuyết tật về cơ thể như khiếm thị, khiếm thính. Họ hoàn toàn nên được tiếp cận toàn diện với những kiến thức phổ thông ngoài kia.

Hiện tại mình đang là sinh viên năm nhất của ngành Công tác xã hội. Với con đường còn dài phía trước, mình hy vọng có thể góp phần vào sự thay đổi về cách tiếp cận sớm với giáo dục giới tính, giảng dạy về nhận thức về việc tự bảo vệ bản thân và kiến thức khoa học về các giai đoạn phát triển dành cho người khuyết tật.

Chia sẻ với UNICEF trong chiến dịch khởi động Ngày Trẻ Em Thế Giới 2022, mình có một ước muốn rằng mọi trẻ em đều được học tập trong một tương lai tốt đẹp hơn.

Nếu có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với người khuyết tật, mong bạn cũng cùng chia sẻ năng lượng yêu thương, cùng chung tay xây dựng một mái nhà thực thụ, một môi trường an toàn, lành mạnh với sự tôn trọng và hòa nhập dành cho tất cả mọi người. Với mình, khuyết tật là một lớp ngụy trang thử thách khả năng công nhận sự đa dạng của con người.

Không ai thực sự “khuyết" đi điều gì, chỉ là mỗi người có một năng lực riêng.

(Bài viết được chấp bút từ chia sẻ của bạn Quỳnh Anh)

Quỳnh Anh là một trong những bạn trẻ nổi bật được UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) vinh danh trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng ngày Trẻ em Thế giới năm 2022 vì có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Ngày Trẻ em thế giới (World Children’s Day) 20/11 được tổ chức mỗi năm để đánh dấu sự kiện Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em được thông qua vào năm 1989. Đây là ngày UNICEF kêu gọi các Chính Phủ và toàn xã hội cùng chung tay để nâng cao nhận thức và thực hiện các công việc thiết thực để bảo vệ quyền trẻ em.

Tìm hiểu thêm thông tin tại UNICEF website.