Đôi khi có vài người bạn thân và cả bạn đọc The Present Writer gửi tin nhắn chia sẻ với mình về chuyện tình cảm.
Có người đang đau khổ vì tình yêu và không biết có nên chấm dứt hay không. Có người đã từng đau khổ vì tình yêu nên chưa muốn bắt đầu với tình yêu mới. Có người mặc dù chưa từng đau khổ vì tình yêu nhưng cũng vì sợ khổ mà không muốn bắt đầu. Chà, quả thực là rất khó…
Đôi khi nghe những câu chuyện này, mình cảm thấy mình may mắn vì đã kết hôn và ổn định cuộc sống. Mặc dù không ai biết trước ngày mai sẽ như thế nào nhưng ít nhất ở hiện tại, mình đã đi qua giai đoạn “đau đầu, đau tim” của thời yêu đương mộng mơ, lãng mạn, kỳ cục, ngượng ngùng, bất ổn ngày trước (quá nhiều tính từ để miêu tả giai đoạn này!).
Nhưng cũng vì đã ổn định, mình cảm thấy đau lòng hơn khi thấy những cặp đôi ở bên nhau nhiều năm mà vẫn chia tay; đôi khi mình và Joe vẫn nhìn nhau và đùa rằng: “Nếu bọn mình không thành vợ chồng thì dành cả tuổi thanh xuân quen nhau để làm gì?”
Nhưng nhìn lại, yêu đương có lẽ cũng là một cuộc hành trình hơn là đích đến, và dù có sống bên nhau mãi hay không đi chăng nữa, chúng ta cũng học được ít nhiều khi yêu. Vì thế, hôm nay, mình muốn viết đôi điều tản mạn về tình yêu…
Nhưng trước khi nói về tình yêu, hãy nói về chia tay trước vì dường như đây là điều ai cũng sợ hãi khi nghĩ về tình yêu.
Chia tay tất nhiên là rất chán
Dù cho bạn có là người chủ động chia tay hay người bị động khi chia tay, trải nghiệm này đều đưa đến những cảm xúc không hay ho gì.
Trước hết là buồn, buồn vì mình mất đi một người (dù tốt hay xấu) đã luôn ở bên mình và chia sẻ với mình. Sau đến là trống vắng vì giờ nhìn những nơi từng đến, những chỗ từng đi, những món ăn quen thuộc, những bộ quần áo cũ… nhưng người xưa lại không còn.
Có thể còn cả dằn vặt, tội lỗi, và day dứt nữa khi bản thân và những người xung quanh liên tục đặt ra câu hỏi: Tại sao lại chia tay? “Lỗi” là ở ai? Bắt đầu từ bao giờ? Có khả năng quay lại không? Cuộc sống tiếp theo sẽ như thế nào?…
Đôi khi sẽ lại có cả tiếc nuối, thất vọng, mất niềm tin vào tình yêu, hay thậm chí, vào con người nói chung. Trong mớ cảm xúc hỗn độn đó, chia tay còn có thể khiến ta ghen tức không ngừng tìm hiểu người kia đang sống thế nào, đang ở ở bên ai; đồng thời cảm giác muốn phô bày, thể hiện với người đó rằng cuộc sống của mình đang tốt lên như thế nào.
Ở một mức độ nào đó, có những người còn gắng gượng để giữ cho cả hai một mối quan hệ “bạn bè” vô tư… Vì có quá nhiều chiều cảm xúc, mà cung bậc nào cũng rối ren nên ta khó có thể dứt ra khỏi suy nghĩ tiêu cực sau khi chia tay.
Người ta hay nói có “bad breakups” (chia tay xấu) và “good breakups” (chia tay tốt) nhưng đối với mình, “breakups suck!” – chia tay nào cũng tệ cả, chỉ khác nhau là khi ra khỏi cảm giác mình tệ ban đầu này, ta có cảm thấy tốt hơn hay không mà thôi.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chia tay giúp ta học được nhiều điều
“Điều gì? Rằng không nên tin vào tình yêu chân chính? Rằng dù có cố gắng đến thế nào mình cũng thất bại? Rằng chẳng có ai có thể tin tưởng được trừ chính mình?” – Một cô bạn của mình từng gào lên như vậy trong một buổi chiều buồn thê lương, sau khi phát hiện ra anh người yêu hơn 2 năm “bắt cá hai tay” với một cô gái khác.
Tất nhiên, ngay khi mới chia tay, khi trái tim còn nhỏ máu, đó là tất cả những gì bạn cảm thấy mình “học” được từ chia tay. Nhưng nếu để qua một thời gian, khi bạn có thể dừng lại và suy nghĩ kỹ về chuyện tình cảm của mình dưới một con mắt khách quan hơn, bạn sẽ thấy rằng: Mọi cuộc chia ly đều có lý do của nó.
Khi yêu, bạn có thể chỉ tập trung vào mặt tốt của một mối quan hệ, bạn dễ bỏ qua những dấu hiệu bất ổn, bạn tự tin vào hành xử của mình và đối phương.
Khi chia tay, nếu bạn còn tình cảm lưu luyến, những gì bạn nhớ – hay đúng hơn là những gì bạn chọn để nhớ – có thể chỉ là những kỷ niệm đẹp mà thôi, giống như anh chàng Tom trong bộ phim tình cảm nổi tiếng “500 Days of Summer”.
Nửa đầu phim, Tom chỉ mãi thao thức nhớ về những gì đẹp nhất về anh và cô bạn gái cũ, Summer, khiến cho người xem có cảm giác về một chuyện tình đẹp. Người xem dễ đứng về phía Tom và ghét Summer.
Nhưng đến nửa cuối phim, khi Tom từ từ “vỡ” ra và chắp nối mảnh ký ức thật của mình dưới cái nhìn của cả Summer thì người xem mới thấy rõ hơn những vấn đề ẩn sâu trong mối quan hệ mà Tom không ngừng phủ nhận trong tư tưởng và trí nhớ của mình.
Nếu bạn dành thời gian nghỉ ngơi và suy nghĩ kỹ hơn về mối quan hệ của mình, bạn cũng sẽ nhận ra lý do thực sự của cuộc chia tay đã được báo trước, chỉ là bạn có nhận ra ở ngay thời điểm đó được hay không mà thôi. Nếu hiểu được điều này, bạn không chỉ học được thêm về mình, về người mình từng hẹn hò, mà còn có cái nhìn rõ nét hơn về hạnh phúc và những gì mình mong đợi ở mối quan hệ tiếp theo.
Thật vậy, chia tay sẽ giúp con người trưởng thành hơn – về cả nhân cách cá nhân lẫn cách mình quan tâm đến người khác.
Và trên thực tế, có những người cần cần trải qua ít nhất một cuộc chia tay để trưởng thành. Bởi thế, mặc dù chia tay rất chán, nhưng cũng như mọi thứ chán ngắt trên đời, nó đôi khi vẫn cần thiết để chúng ta tồn tại và trở nên mạnh mẽ hơn.
Nhưng viết ra những điều này, mình không có ý cổ xúy cho chia tay
Trong một thế giới hoàn hảo, chẳng có ai muốn phải chia tay ai cả. Mình từng viết rằng sau khi đã dành hết những năm tuổi 20 để chứng kiến bạn bè tan rồi lại hợp, yêu rồi cưới, cưới rồi lại chia tay, rồi lại cưới… mình nhận ra rằng may mắn lớn nhất trên đời của mỗi người có lẽ là lấy được mối tình đầu của mình. Để mọi giận hờn, yêu ghét, nước mắt, nụ cười đều dành cho người đó mà thôi.
Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng có được may mắn đó. Nếu bạn cảm thấy mình không thể tiếp tục vì những lý do về nhân cách, đạo đức, nền tảng văn hóa, cách nhìn về cuộc sống, về gia đình… của cả hai quá khác nhau và không thể thay đổi, bạn nên dũng cảm dứt ra.
NHƯNG, nếu bạn nhận ra những xung đột của cả hai chỉ xuất phát từ khác biệt về đường nét tính cách nhỏ, những thói quen có từ quá khứ (khi chưa quen nhau) mà có thể chấp nhận, dung hòa, và cùng thay đổi cho tốt hơn, bạn nên cân nhắc cho mình thêm một cơ hội. Bởi vì yêu một người là chấp nhận cả điểm tốt và chưa tốt của người đó, khi bản thân ta không hoàn hảo thì cũng không thể yêu cầu đối tượng của mình hoàn hảo được.
Thay vì tìm một người hoàn hảo để yêu (và biến bản thân hoàn hảo để phù hợp với người đó), ta nên chấp nhận một người có thể chưa hoàn hảo (trong con mắt của mình) nhưng có tư duy rộng mở để thay đổi cho cả hai cùng phát triển tốt hơn.
Hãy chỉ chia tay, khi đó là giải pháp cuối cùng.
Nhưng giả sử nếu phải chia tay, chúng ta sẽ nói về tình yêu như thế nào?
Vì tình yêu bây giờ phần nào đã không còn lung linh, trong trẻo, tròn trịa nữa, mà có thể đã bị bọc qua mấy lớp bông gạc, gắn chằng chịt urgo với salonpas rồi…
>>> Phần tiếp theo: “Nếu bọn mình không thành vợ chồng thì dành cả thanh xuân quen nhau để làm gì?”