Bài viết này được truyền cảm hứng bởi một sự kiện, đó là chồng mình lập ra một kênh YouTube mới, hoàn toàn khác hẳn về mặt nội dung và cách làm của mình trên The Present Writer.
Trong quá trình chồng mình xây dựng kênh YouTube này, mình nhận ra một nghịch lý khá thú vị.
Chồng mình là một người rất tự tin ở bên ngoài xã hội. Mình chưa bao giờ thấy anh ấy nhút nhát hay ngại nói chuyện với người lạ. Thế nhưng, khi lập ra kênh YouTube này, anh lại rất lo lắng, thậm chí mất ăn mất ngủ.
Không biết chủ đề này có hữu ích với người xem hay không? Mình không phải là chuyên gia, lỡ nói sai điều gì thì người ta nghĩ thế nào? “Người ta” ở đây là những người không quen biết anh trên mạng xã hội. Đây là lần đầu mình thấy anh để ý nhiều đến việc người khác nghĩ gì về anh như thế.
Điều này gần như hoàn toàn trái ngược với mình. Mình là người có thiên hướng sống nội tâm. Khi bắt đầu The Present Writer, mình không quá lo lắng những người lần đầu biết đến mình sẽ nghĩ gì. Thứ khiến mình lo lắng hơn là những người thân quen với mình sẽ nghĩ gì, vì trên kênh mình dùng chính đời sống cá nhân để làm chất liệu sản xuất nội dung.
Nếu bạn không phải làm công việc sản xuất nội dung thì có lẽ bạn cũng từng trải qua cảm giác lo lắng, phải dòm trước ngó sau trước khi muốn làm một điều gì đó.
Do vậy, trong bài viết này mình muốn chia sẻ với các bạn 3 điều đã giúp mình, chồng mình và cả các bạn học viên trong khoá học làm blog miễn phí của mình tự tin hơn.
1. Người khác không quan tâm bạn nhiều đến thế
Đây là điều mình nhận ra trong suốt 5 năm liền làm nội dung trên mạng. Mọi người có thể thể hiện ra là họ quan tâm đến bạn bằng cách viết bình luận ủng hộ, hỏi han hay thậm chí là phê bình, mỉa mai. Nhưng sự quan tâm đó đôi khi không hẳn là dành cho bạn. Họ thể hiện ra những điều này vì những chia sẻ của bạn khiến họ có đối chiếu riêng với thực tế riêng của bản thân.
Nếu bạn đã nghe tập podcast “Cú sốc và bước ngoặt đầu đời của tôi” thì có lẽ bạn cũng biết rằng ban đầu mình không có ý định thi đại học. Mong muốn của mình là được tuyển thẳng đại học bằng con đường đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Văn. Giải học sinh giỏi thì mình đã đạt được, nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra.
Chỉ vài tháng trước kỳ thi đại học diễn ra quy trình tuyển sinh thay đổi, mình phải thi đại học như bình thường và buộc phải ôn lại từ đầu nhiều môn học mà bản thân đã bỏ bê suốt những năm cấp 3 như Toán Lý Hoá. Hay trong khoảng thời gian mình đang học ở Mỹ, có thời điểm mình phải thi 5 môn cùng một lúc, mình thức trắng suốt 2, 3 ngày, và cuối cùng đã hoàn thành kỳ học với điểm GPA tuyệt đối 4.0.
Khi mình chia sẻ những câu chuyện này, đã có rất nhiều bình luận nói rằng “Sao mà Chi có thể làm như thế được?”. Hay nói cách khác là mọi người nghĩ mình nói dối.
Nhưng thực sự mình không có lý do gì để nói dối. Mình có công việc ổn định và cuộc sống riêng bên ngoài việc làm nội dung. Mình không cần phải đánh bóng bản thân để mang lại lợi nhuận riêng gì nữa. Nếu bạn chưa từng có trải nghiệm tương tự với mình, hoặc thấy những người thân cận làm điều đó thì mình hiểu rất khó để các bạn tin vào hiện thực của mình.
Từ những lời bình luận đó, mình nhận ra rằng chúng ta có thể thể hiện sự quan tâm, theo cả hướng ủng hộ lẫn phê bình, dù là không biết nhiều về cuộc sống của nhau.
Người khác không quan tâm bạn nhiều đến thế. Và điều này dẫn mình đến với ý tiếp theo.
2. Đừng quy mọi việc về mình
Hay trong tiếng Anh nó là “Don’t take it personal”.
Ví dụ như nếu có ai đó khen podcast của mình thì không có nghĩa là mình hay. Hoặc nếu họ chê thì cũng không có nghĩa là mình dở. Mình có thể sử dụng lời khen chê đó làm dữ liệu để lần sau làm tốt hơn. Còn với những bình luận có tính công kích cá nhân thì không nên cân nhắc quá nhiều.
Có một thời gian mình đã làm công việc chuyên viên phân tích dữ liệu. Nó giúp mình nhìn mọi thứ trong cuộc sống dưới dạng dữ liệu. Chẳng hạn, hãy xem cách một người đối xử với bạn bè, người thân, đồng nghiệp, hàng xóm là dữ liệu, để mình có thể hiểu ai đó toàn diện hơn. Đừng vội đánh giá một người vì một hành động nhất thời nào đó của họ.
Khi chúng ta có “dữ liệu” và nhìn mọi thứ với góc nhìn mở, cuộc sống nhờ vậy cũng trở nên đơn giản hơn, bớt muộn phiền hơn.
3. Bỏ bớt đi những kỳ vọng (cả tốt lẫn xấu)
Mình đã từng làm một tập podcast có tên là “Đối diện với kỳ vọng”. Ở đó mình có phân tích nhiều loại kỳ vọng và làm sao để có thể bỏ bớt đi những kỳ vọng thái quá. Còn trong khuôn khổ bài viết này, mình nói chủ yếu nói đến kỳ vọng rằng “người khác sẽ không phàn nàn về mình”.
Về cơ bản đây là một kỳ vọng tốt, vì nó khiến cho mình có động lực hoàn thiện công việc, hay hành xử tốt hơn. Nhưng một khi chúng ta chạy theo kỳ vọng đó, chăm chăm sợ người khác phật ý thì chúng ta sẽ thất vọng với chính mình trước khi làm ai đó thất vọng.
Mình vẫn sẽ cố gắng hết sức để làm tốt mọi thứ trong khả năng cho phép, nhưng mình không mang theo kỳ vọng rằng tất cả mọi người đều sẽ vỗ tay hoan hô khi mình làm điều gì đó. Mình không thể nào đoán chắc được 100% phản ứng của mọi người. Nhận thức được điều này đặc biệt quan trọng đối với những người làm công việc viết lách hay sáng tạo online như mình.
Mình không có quyền kiểm soát khán giả của mình. Mình không có quyền kiểm soát đồng nghiệp của mình, sếp của mình, hay bố mẹ, người thân của mình. Mình không thể kiểm soát được tất cả mọi thứ. Vì vậy, điều mình có thể làm là giảm bớt kỳ vọng của bản thân mà thôi.