Mình từng từ chối cơ hội tốt vì nghĩ người khác xứng đáng hơn | Vietcetera
Billboard banner

Mình từng từ chối cơ hội tốt vì nghĩ người khác xứng đáng hơn

Nhưng may mắn, giáo sư đã giúp mình nhìn ra những tiềm năng của bản thân.
Mình từng từ chối cơ hội tốt vì nghĩ người khác xứng đáng hơn

Nguồn: Trần Thị Thùy Trang

Kỳ trước, mình đăng ký môn Learning Analytics & Data Science (tạm dịch: Phân tích dữ liệu học tập & Khoa học dữ liệu) vì muốn hiểu thêm một ngôn ngữ thú vị và đang thịnh hành trong thời đại công nghệ.

Tuy háo hức, nhưng thực ra mình có cảm giác tự ti không nhỏ khi các bạn cùng lớp đều có nhiều năm xử lý, phân tích dữ liệu cũng như lập trình tốt hơn. Được cái mình có tinh thần “vượt dốt” tiến lên, có những ngày vật vã trong dòng code, hoa mắt nhìn dữ liệu mà vẫn trụ được.

Cho đến một ngày, điều kỳ lạ xảy đến. Do đi hội thảo nên bị mất một tuần học, mình phải hẹn giáo sư kèm thêm để theo kịp các bạn. Trong lúc đang ngơ ngác giữa biển kiến thức, giáo sư hỏi:

- Này Trang, có một dự án Phân tích dữ liệu học tập (Learning Analytics) rất hay hè này. Đó là xây dựng bộ dữ liệu giúp học viên thảo luận hiệu quả hơn. Về sau sẽ mở rộng thành công cụ cho khoá online khác. Em muốn tham gia không?

Phân tích dữ liệu học tập không chỉ dừng lại ở thời gian xem bài giảng online, hay kết quả bài kiểm tra, mà còn cho phép bạn biết buổi thảo luận đang diễn ra mức độ nông sâu ra sao.

Dự án khá tiềm năng, nhưng đầu mình lúc đấy chỉ có một câu hỏi: “Tại sao lại là em?” Vì trong lớp nhiều bạn xuất sắc, mình tự thấy mình chỉ đang ở giai đoạn xoá mù chữ trong mảng Phân tích dữ liệu học. Giáo sư có nhìn nhầm người không?

Về nhà, mình email giáo sư vì không muốn người khác đánh giá mình quá cao. Mình biết mình là ai và đang ở đâu trong lĩnh vực này. Chắc hẳn có người xứng đáng với cơ hội này hơn.

Giáo sư trả lời:

- Cô nghĩ em đang không đánh giá đúng năng lực bản thân. Em có nhiều hơn những gì mình nghĩ. Em phù hợp vì em có nền tảng thiết kế trải nghiệm học và am hiểu dữ liệu. Cô còn thấy được góc nhìn chuyên sâu của em trong những buổi học trên lớp và cả trong bài tập về nhà. Em rất trách nhiệm và dám nêu tiếng nói nếu có gì đó không rõ ràng, 2 tính cách quan trọng của một người mà bên cô muốn mời vào làm dự án.

Câu chuyện này giúp mình nhận ra vài điều quan trọng:

  1. Việc thiếu kinh nghiệm trong một lĩnh vực mới không đồng nghĩa với việc mình tạo được ít giá trị hơn người khác. Kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức từ các mảng khác sẽ tạo cho mình thế mạnh riêng trong sân chơi mới.
  2. Sau khi tham gia nhiều hội thảo kỹ năng, mình hiểu được tầm ảnh hưởng của những kỹ năng lai (hybrid skill): sự kết hợp của năng lực chuyên môn, kỹ năng công nghệ và kỹ năng xã hội. Những tố chất như “trách nhiệm”, “dám nêu lên tiếng nói”, “tự định hướng”, “chủ động tìm ra sáng kiến”… nhiều khi còn quan trọng hơn những kiến thức mình đang có.
  3. Con người thường hà khắc với bản thân nên đôi khi chỉ nhìn ra điểm mình còn yếu. Khi làm giáo dục, hãy tạo cơ hội để học trò mình biết về thế mạnh và tiềm năng của họ. Điểm sáng tiềm ẩn sẽ giúp họ bay cao và xa hơn.

(Chia sẻ từ chị Trần Thị Thùy Trang)

Nhật Ký là series kể lại những trải nghiệm khó quên. Bạn cũng có câu chuyện khó quên? Hãy kể cho chúng tôi tại tanchay@vietcetera.com.