Mình xin gia đình cho ra ở riêng với người yêu | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 09, 2023
Cuộc SốngGia Đình Nhật Ký

Mình xin gia đình cho ra ở riêng với người yêu

"Khi mình thông báo rằng bản thân có kế hoạch sống chung cùng người yêu tại Sài Gòn, bố chỉ chậm rãi hỏi mình là, đã chắc chưa?"
Mình xin gia đình cho ra ở riêng với người yêu

Nguồn: Ảnh do nhân vật cung cấp

Mình và người yêu đã bước vào mối quan hệ được hơn hai năm. Chúng mình khởi đầu với hai đầu cầu là Hà Nội và Berlin, tính ra một năm thấy mặt nhau không tới 10 ngày. Vì thế, khi thời gian học của người ấy chuẩn bị tới hồi kết, chúng mình ấp ủ một kế hoạch: ở riêng cùng nhau.

Tụi mình chọn Sài Gòn làm thành phố chung đôi để thuận tiện cho công việc của hai đứa, dù cả hai đều không phải người ở đó. Người yêu của mình đã có kinh nghiệm ở Sài Gòn, và gia đình bạn cũng rất ủng hộ việc tới một thành phố lớn để làm việc.

Về phía mình lại là câu chuyện khác. Mặc dù tự tin rằng có thể nhanh chóng ổn định và làm quen với nhịp sống mới, mình lo gia đình sẽ không nghĩ vậy.

Dù đã hơn 20 tuổi, mình cảm thấy những người trong gia đình - bố, mẹ, và bà nội - luôn nghĩ mình là một đứa trẻ. Mình cũng sợ gia đình sẽ bất bình với lối sống mới của mình mà ngăn cản. Trên hết, mình lo rằng cả nhà sẽ yêu cầu mình ở lại vì trách nhiệm với gia đình của người con trai cả.

Tuy vậy, mình tin rằng mọi người sẽ hiểu và ủng hộ khi nhận thấy mong muốn chân thành của mình: được trưởng thành và phát triển bên ngoài sự bao bọc của gia đình. Vì thế, mình quyết tâm thực hiện kế hoạch.

Đoán trước bố mẹ sẽ yêu cầu giải trình, mình cùng người yêu chuẩn bị hẳn một bản powerpoint, trong đó nêu rõ khả năng tài chính, kế hoạch ăn, ở, đi lại, và công việc của hai đứa. Thậm chí, còn có hẳn một slide cam kết sẽ không làm “gia tăng dân số,” không làm gì để “được” lên phường, lên báo, hay lên TV.

19sep2023screenshot20230919152607png
Chiếc slide pitch ý tưởng cho bố mẹ. | Nguồn: Ảnh nhân vật cung cấp

Khi mình thông báo rằng bản thân có kế hoạch sống chung cùng người yêu tại Sài Gòn, bố chỉ chậm rãi hỏi mình là, “đã chắc chưa?” Nhìn thấy và nghe được sự cương quyết trong mình, bố lẳng lặng bỏ ra đầu nhà châm thuốc.

Tới mấy ngày sau, bố chủ động… nói chuyện với mẹ và bà trước khi mình lên tiếng. Điều này vượt quá khả năng tưởng tượng của mình, bởi mình không nghĩ rằng bố sẽ hậu thuẫn mình nhiều tới vậy. Nhờ đó, công việc “xin xỏ” của mình nhẹ đi rất nhiều.

Mẹ gặng hỏi một số thứ khi mình xin phép, sau đó chuyển thẳng sang phần dặn dò và chuẩn bị. Với bà nội, mình thậm chí không phải xin, mà bà chủ động gợi chuyện rồi nói rằng bà rất ủng hộ.

Càng sát ngày đi, mình càng thấy sự tin tưởng và hậu thuẫn của mọi người. Mẹ phụ mình lên danh sách đồ đạc, còn định mua hai chục chiếc bánh cốm để mình tặng đồng nghiệp ở nơi làm mới.

Bố liên tục hỏi mình chuẩn bị tới đâu rồi, và cũng chính ông cùng mình lên sân bay phòng khi hành lý quá cân phải bỏ thừa ra. Ông chỉ chịu rời đi khi đã nhìn mình vào cửa lên tàu bay.

Tới thời điểm này, mình đã ở Sài Gòn được gần một tháng. Mọi thứ diễn ra thuận lợi cả về vật chất lẫn tinh thần, một phần lớn bởi gia đình đã giúp mình cởi bỏ gánh nặng tâm lý trước khi đi.

19sep2023z4707319387449eae0f5ec86e58e831e9dedcda36d2040jpg
Bữa ăn tự nấu đầu tiên tại Sài Gòn. Chưa kịp mua bát đĩa nên có gì dùng nấy... | Nguồn: Ảnh nhân vật cung cấp

Mình hiểu bản thân không phải đang chạy trốn gia đình và trách nhiệm, cũng không phải dọn ra chỉ để thỏa mãn cảm giác yêu đương kiểu trẻ con. Qua chuyến đi này, mình muốn lớn, muốn trải nghiệm một cuộc sống nơi mình buộc phải chủ động hơn. Mình cũng muốn tìm hiểu thật kỹ người mình yêu, để chắc rằng đây đúng là người mình muốn gắn bó tới hết đời.

Từ trải nghiệm này, mình nhận ra rằng - trái với nỗi sợ của mình - chẳng ai trong gia đình nghĩ mình còn bé bỏng. Bà có thể nhắc mình những điều mà mình cho là thừa thãi, bố mẹ có thể bày tỏ thái độ về nhiều việc mình làm - vì họ thương mình, không phải vì họ nghĩ mình không biết đúng sai hay không làm được.

Những nỗi lo về khoảng cách với người lớn cũng tan biến, bởi mình đã chứng minh được rằng bản thân có mong muốn trưởng thành dù còn nhiều khiếm khuyết. Vì thế gia đình đã lắng nghe mình, dùng tình thương, sự thấu hiểu và sự ủng hộ để gạt bỏ những rào cản thế hệ. Và họ sẵn sàng để mình tung cánh bay sau khi đã nhắc nhở: hãy thỏa chí, có cả nhà phía sau.

Câu chuyện do bạn H. chia sẻ