Mơ ước của bố mẹ 40 năm về trước có thành hiện thực? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Mơ ước của bố mẹ 40 năm về trước có thành hiện thực?

Khi bố mẹ còn ở lứa tuổi của con cái họ ngày hôm nay, và ông bà còn là những phụ huynh tần tảo, họ ước những gì ở nhau và ở người khác?
Mơ ước của bố mẹ 40 năm về trước có thành hiện thực?

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Sau mỗi lần nói từ “giá như” trong “giá như bố mẹ đứng ở vị trí của mình để hiểu mình hơn,” tôi tự hỏi, mình có dám đứng ở vị trí của bố mẹ để hiểu họ không? Lần này, tôi sẵn sàng đứng nơi bố mẹ, nhưng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tôi muốn “nhập vai” họ vào ngày họ còn những ước muốn trẻ thơ, những mơ mộng, trăn trở, mong muốn, và thất vọng ở phụ huynh của mình, hay chính là thế hệ ông bà tôi.

“Các em mong ước gì?” là tiêu đề phóng sự của báo Phụ Nữ Việt Nam, đăng ngày 1 tháng 6 năm 1983, tròn 40 năm về trước. Nhóm phóng viên đã phỏng vấn 111 học sinh của một trường cấp 2 ở Hà Nội, với câu hỏi “Nếu có một viên ngọc ước cho phép ước ba điều, em sẽ ước những gì?” Câu trả lời phổ biến lúc đó là:

1 - Trước hết điều em mong muốn là gia đình hạnh phúc;

2 - Em học giỏi và trưởng thành nhanh chóng;

3 - Ước cho cả cuộc đời em sung sướng vui tươi vì không bị bố mẹ chửi mắng, đánh đập và riếc móc làm cho em khổ sở.

Mơ ước về một gia đình hạnh phúc

httpsimgvietceteracomuploadsimages17may2023uocmointext2jpg

Quan niệm về một gia đình hạnh phúc là gì, vào năm 1983?

Theo em, đó là một gia đình con cái học giỏi, lao động tốt, thương yêu bố mẹ.

Là một gia đình biết thương yêu đùm bọc nhau, biết tôn trọng quyền tự do của mỗi người.

"Một gia đình có kinh tế vững chắc để bố mẹ yên tâm không lo lắng và không phải cãi nhau. Một gia đình khoẻ mạnh vì khoẻ mạnh là của cải. Một gia đình hạnh phúc không những yên ổn cho gia đình mình mà cho cả hàng xóm (được hàng xóm yêu mến sẽ rất thích). Nếu bố mẹ đi buôn bán thì sẽ tính toán và có những ý nghĩ không tốt lắm."

"Bố mẹ hiểu công việc của con, chăm lo con cái tốt. Là gia đình biết lao động tạo ra của cải. Cha mẹ không đánh mắng con cái, khuyên bảo con nhẹ nhàng và giúp con học tập."

Ai từng ước những điều trên, có lẽ giờ đã có gia đình của mình, và thậm chí những đứa con của họ đã tới tuổi trưởng thành. Họ tiếp tục ước những điều trên trong bao nhiêu lâu, và có từ bỏ nguyện ước của mình trong quá trình thế hệ sau lớn lên hay không? Câu hỏi này khiến tôi vừa hoang mang, vừa có chút hi vọng.

Tôi hoang mang vì hẳn là nhiều đứa trẻ của ngày ấy đã từ bỏ ước mơ hạnh phúc của mình và cả các con của mình, để rồi nguyện ước của năm 1983 chưa bao giờ là cũ kỹ. Năm nào của hiện tại cũng có những đứa trẻ mơ lại giấc mơ của bố mẹ mình, và cũng có những trận bạo hành khiến dư luận hoang mang và truyền thông tốn nhiều giấy mực.

Nhưng tôi cũng hi vọng vì tôi biết rất nhiều bố mẹ cũng đã thành công trong việc hiện thực hoá mơ ước nhỏ bé của họ từ năm 1983…

Điều gì làm nên một gia đình hạnh phúc?

httpsimgvietceteracomuploadsimages17may2023uocmointext1jpg

Thành tích học tập của trẻ nhỏ vừa gián tiếp, vừa trực tiếp duy trì hạnh phúc gia đình. Vì thế, “học giỏi” là câu chuyện gây ám ảnh trẻ con nhiều thế hệ, với 100% số trẻ làm khảo sát mong ước điều này. Có nhiều lý do để ước ao về thành tích học tập. Một đứa trẻ học giỏi ở thời điểm đó, với người làm cha mẹ, là một đứa trẻ ngoan.

Theo nhận định của nhóm thực hiện, dường như vào năm 1983, nhiều đứa trẻ bị chê, đồng thời cũng sợ việc bị chê là “học dốt”, “lười học.” Nhưng khác với giả định của các phụ huynh, trẻ con thực sự mong muốn “học giỏi, được lên thẳng cấp 3 (nhưng không bao giờ trở thành sự thật!).”

Vào thời điểm Phụ Nữ Việt Nam thực hiện khảo sát, cô ruột tôi đang học một trường phổ thông cơ sở ở Hà Nội, còn bà nội tôi là một phụ huynh. Cô là một học sinh năng khiếu, từng tham dự nhiều kỳ thi học sinh giỏi, nên được mẹ “đầu tư” các loại thực phẩm tăng cường năng lực trí óc, dù cuộc sống ngày đó nhiều khó khăn. Bà tôi kể, ngày ấy bà thường tìm cá biển, băm nhỏ cả xương và viên thành từng viên nhỏ, sau đó đặt vào chiếc bát sứ được ngâm trong nước lạnh để bảo quản đồ ăn. “Bố con và các cô học giỏi vì ăn nhiều cá, trong cá có nhiều canxi” - bà giải thích.

Khoản “đầu tư” này của các gia đình thực ra là “có lãi.” Nếu trẻ con gặt hái giải thưởng, gia đình sẽ được tặng gạo đủ dùng cho cả tháng.

httpsimgvietceteracomuploadsimages17may2023img2810jpeg

Nhưng hạnh phúc trên có được khi các em ngoan. Còn khi các em mắc lỗi sai, hình phạt của bố mẹ khiến các em sợ hãi. 6 hình phạt phổ biến được liệt kê bao gồm:

  • Mắng mỏ thậm tệ và dai dẳng;
  • Bêu xấu trước bạn bè và làng xóm;
  • Thưa thầy, cô giáo;
  • Bố mẹ giận, lạnh nhạt, không hỏi chuyện thân mật như mọi khi;
  • Không cho em thứ mà em thích (xem phim, mua sách vở…);
  • Đánh.

72% số học sinh xếp độ đáng sợ của đánh đập xuống cuối cùng, trong khi đó, phần lớn các em cho rằng hình phạt đáng sợ nhất là bị bố mẹ đối xử lạnh nhạt. Kết quả này khiến các nhà quản lý giáo dục bất ngờ. Cơn đau thể chất của những trận đòn đến và đi nhanh hơn so với cơn đau tinh thần khi người lớn làm tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ nhỏ. Với tâm lý sợ sệt như vậy, ước mơ hạnh phúc gia đình của trẻ nhỏ mãi mãi chỉ là ước mơ.

Dẫu nhiều cải cách giáo dục và công cụ pháp lý bảo vệ trẻ em được biên soạn trong 40 năm vừa qua, không ít những đứa trẻ của ngày ấy vẫn lớn lên cùng hình phạt, để rồi những hình phạt ấy tiếp tục in hằn vào đời sống tinh thần của thế hệ tôi ngày nay. Ở vị trí của bậc làm cha mẹ, họ phản ứng sao trước mong ước của con trẻ, và vì sao họ không thể hiện thực hoá mong ước đó?

Thế tiến thoái lưỡng nan của người lớn

httpsimgvietceteracomuploadsimages17may2023uocmointext3jpg

Thế hệ phụ huynh của năm 1983, nay đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm,” ít nhớ rằng họ đã đánh đòn con mình như thế nào và từng bị cha mẹ họ đánh ra sao. Họ chỉ khẳng định, chuyện đó có xảy ra. Đòn roi ở Việt Nam ngày trước không phải chuyện hiếm, và ít khi trở thành vấn đề được bàn thảo công khai trên mặt báo.

Vào thập niên 80, lối “giáo dục” này mới được khai thác, phê phán, và khuyên nhủ không nên được lạm dụng trong gia đình. Khi ấy, “thế khó” của bố mẹ mới được giải thích ngọn ngành. Một phần vì đòn roi và quát tháo là điều bố mẹ họ từng làm với họ, phần khác là vì cuộc sống khó khăn và những áp lực cuộc sống khổng lồ của thời hậu chiến.

Gia đình thời hậu chiến

Lời tâm sự của một đứa trẻ thời điểm đó có lẽ sẽ làm rõ bức tranh tâm lý gia đình của thập niên 80:

"Hôm ấy mẹ em khác hẳn mọi hôm: khi đi làm về, mẹ em vui vẻ, không kể tội em như những ngày khác. Ăn cơm xong, mẹ em nhẹ nhàng bảo em rửa bát chứ không mắng như mọi ngày. Buổi tối, khi em học bài xong, mẹ em ngồi kể chuyện cho em nghe. Hôm ấy em thấy người thanh thản, thoải mái. Mọi người xung quanh em vui vẻ. Bố em rất vui khi thấy mẹ em không gắt gỏng như mọi khi."

Áp lực thường nhật của các cặp vợ chồng những năm 80 liên quan đến phân công lao động trong gia đình. Ngày ấy, sau khi ra trường, người lao động sẽ được nhà nước giao việc. Nhiều người được phân đi các tỉnh xa, khiến có gia đình phải xa cố hương, phải liên tục chuyển chỗ ở, hoặc người vợ ở lại thành phố chăm sóc con một mình còn người chồng công tác xa nhà. Áp lực lúc đó là phải phấn đấu để được cơ quan “điều về Hà Nội.”

Với các gia đình đã được “về chung một mái ấm,” hiện tượng được mô tả phổ biến trên mặt báo lúc đó là sẽ chỉ còn một người đến công sở, người còn lại lo chuyện gia đình. Sau đó phát sinh chuyện “cơm không lành, canh không ngọt.” Hiện tượng này được mô tả qua các chuyên mục tâm sự phụ nữ như sau:

"Ông Bảo nhà tôi bây giờ đốc chứng, yêu một cô cùng cơ quan, 32 tuổi chưa chồng. Ông ấy hay về muộn. Tôi bảo ông có giỏi thì ông đi hết đêm. Thế là ông ý không ngủ ở nhà. Tôi bảo tôi không làm vú già cho nhà ông ấy. Thế là ông ấy đòi tem phiếu ăn riêng. Tôi đi Sài Gòn một tháng ở nhà ông ấy bán cái ti-vi trên chục ngàn của tôi. Thằng con tôi tức quá lấy gạch ném ông ấy. Thế là ông ấy làm đơn đề nghị cho nó đi cải tạo. Ông ấy báo cáo cơ quan rằng tôi buôn bán. Tôi chả thấy người nào cạn tình cạn nghĩa đến như thế…"

Tình cảnh xã hội bấp bênh

Những tâm sự về đời sống gia đình thiếu hạnh phúc như trên có thể tìm thấy ở mọi số báo năm 1983. Một tự sự phổ biến tôi được nghe kể lại từ người lớn, nhưng hiếm khi tìm thấy trên báo chí thời kỳ này, đó là năm 1983 là một trong những năm “đói há mồm” của đêm trường bao cấp. Đó là năm trẻ con phải dũa khung xe đạp và khung cửa sổ để lấy cái ăn, còn người lớn lén lút buôn rượu và thuốc lá với giá “thị trường.”

Năm 1983 chứng kiến sự thiếu hiệu quả rõ rệt của nền kinh tế quan liêu bao cấp. Xung đột giữa giá cả mặt hàng do nhà nước chỉ đạo và do thị trường quyết định khiến công tác quản lý thị trường của nhà nước gặp nhiều bất lợi. Trong 6 tháng đầu năm 1983, ước tính ngân sách nhà nước bội chi khá lớn, bằng 2/3 mức bội chi mà Quốc hội đã phê chuẩn cho cả năm.

Theo Báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình phân phối lưu thông 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trong thời gian tới (trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VII, ngày 25-6-1983), giá thị trường tự do tăng từ 5-6% khiến nhà nước khó có thể bình ổn giá trong nước một cách vững chắc. Đời sống của công nhân viên chức ngày một khó khăn.

httpsimgvietceteracomuploadsimages17may2023img28102jpeg
Năm 1983, thế giới đứng trước thảm hoạ hạt nhân | Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam, số 22, 01-07/06/1983

1983 cũng là một năm đen tối trên bình diện quan hệ quốc tế. Ba tháng trước ngày quốc tế thiếu nhi, tổng thống Mỹ Ronald Reagan đưa ra định nghĩa về Chương trình phòng thủ “Chiến tranh giữa các vì sao.” Đó là việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm bảo vệ nước Mỹ khỏi những cuộc tấn công của vũ khí chiến lược mang đầu đạn hạt nhân. Nước đi này khiến quan hệ giữa khối tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa xấu hơn bao giờ hết. Cuộc tập trận Able Archer 83 của NATO đẩy thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân cục bộ.

Đại hội thế giới vì hoà bình và sự sống, chống chiến tranh hạt nhân diễn ra trong 5 ngày tháng 6 năm 1983, tại Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc. Tài liệu giải thích về mục đích đại hội được phát hành bởi Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế và 131 tổ chức phụ nữ thuộc liên đoàn trên 116 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều cơ quan đoàn thể cũng tổ chức mít tinh để chào mừng sự kiện này.

Chúng tôi cần việc làm và bánh mỳ, chứ không cần bom

- là một trong số nhiều khẩu hiệu nổi bật mà những phụ nữ tham gia biểu tình chống chương trình của Reagan dán lên xe nôi của trẻ em. Tinh thần chiến đấu ấy dĩ nhiên không khoả lấp được nỗi thất vọng về một cuộc sống bấp bênh đã lan toả đi toàn cầu.

Với những áp lực liên tầng phía trên, mơ ước về hạnh phúc gia đình của những đứa trẻ và những bậc cha mẹ, tưởng là dễ thực hiện hơn so với “hoà bình thế giới,” song hoá ra lại xa vời không tưởng.

Kết

Năm 2023, cuộc chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ lâu và không có phe nào huỷ diệt thế giới bằng bom hạt nhân, nhưng những lời hứa lớn lao về niềm hạnh phúc tập thể gắn liền với hạnh phúc cá nhân và gia đình đều đã không thành hiện thực. Trong 40 năm đó, hàng trăm cuộc chiến tranh và 2 trên 5 cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người đã diễn ra, nhưng vẫn có những đứa trẻ không chịu từ bỏ ước mơ của mình.

Có lẽ nhiều đứa trẻ thuộc thế hệ tôi không tưởng tượng được ra cảnh bố mẹ mình từng phải học làm con, và sau đó học làm bố mẹ để nuôi nấng thế hệ tôi như thế nào. Phóng sự của báo Phụ Nữ Việt Nam năm 1983 khiến tôi xúc động vì nhận thấy, hoá ra thế hệ bố mẹ cũng từng ước giống mình, và không ngừng gắng hiện thực hoá mơ ước đó.

Xuất phát từ cá nhân tôi, tôi thấy mình may mắn khi được sống trong ước mơ đã thành hiện thực của bố mẹ mình. Trong thời đại này, tôi ước mình duy trì được niềm hạnh phúc mà bố mẹ đã mất tới gần 40 năm lịch sử/cuộc đời để vun vén và dựng xây.