Việt Nam, tháng 5 năm 2020 - Cuộc sống dần trở lại bình thường.
Các vùng dịch tại Mỹ, Châu Âu tiếp tục đối phó với đại dịch COVID-19. Tốc độ nhiễm mới đang giảm, thế giới hy vọng nhịp sống diện rộng sẽ dần quay trở lại trong ba tháng tới. Khi đại dịch đang diễn ra, chúng ta được nhắc nhở rằng: hãy quyết định bạn sẽ là ai trong cơn “bạo bệnh” của thế giới.
- Bạn sẽ là người đấu tranh chống tin giả (fake news) và tuyên truyền những kiến thức hữu ích tới cộng đồng?
- Bạn sẽ là người làm tròn vai trò công dân, bảo vệ mình và những người xung quanh?
- Hay bạn sẽ là người đứng tại chiến tuyến, trực tiếp đấu tranh đẩy lùi virus?
Song, một câu hỏi khác được đặt ra bởi hơn 200 nghệ sĩ và nhà khoa học là: chúng ta nên là ai sau đại dịch? Chúng ta có nên quay trở lại như bình thường hay không?
Câu trả lời nằm trong bức thư kêu gọi thế giới suy xét và kiến tạo một sự bình thường mới bền vững và đúng đắn. Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu về hiện trạng của thế giới, tham khảo những con số biết nói trong đại dịch bệnh COVID-19 và gợi mở cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Thế giới trước đại dịch
Mùa Hè Đen là tên gọi của giai đoạn cháy rừng nghiêm trọng diễn ra từ tháng 6 năm 2019 tại Úc. Tính đến tháng 3 năm 2020, cháy rừng đã phá huỷ 18.6 triệu hecta đất, hơn 5,900 nhà ở và công trình, cướp đi sinh mạng của ít nhất 34 người và một tỷ động vật, trong đó bao gồm nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. So với thảm họa Amazon (Brazil) năm ngoái, cháy rừng tại Úc có sức tàn phá lớn hơn đến 46%.
Báo chí đưa tin về Amazon và khiến thế giới khóc thương trong ít lâu. Nhưng đến nay, hầu như chúng ta không còn nhớ và không đề cập đến vấn đề cháy rừng tại Úc nữa.
Đại dịch corona virus đang là tâm điểm của thế giới. Đây là một vấn đề toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người dân các quốc gia, làm đứt gãy chính trị và kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 gián tiếp đưa chúng ta vào một chế độ tư duy rất cơ bản: trước và sau đại dịch.
Chúng ta mong chờ quay trở về với sự bình thường và quên đi rằng trước khi dịch bệnh diễn ra, thế giới rất bất thường. Chủ nghĩa tiêu thụ chịu trách nhiệm cho biến đổi khí hậu, xã hội hiện đại coi trọng năng suất và hiệu suất, dẫn đến việc bỏ rơi những thành phần không hữu ích cho kinh tế tư bản. Đó là sự đa dạng của thảm thực vật, sinh vật và sự phát triển của những người thuộc nhóm thiểu số.
Greta Thunberg được bình chọn là Cá nhân của Năm bởi TIME (2019), nhắc nhở chúng ta về vấn đề lớn nhất con người từng đương đầu, không phải nội trong thế kỷ 21, mà trong toàn bộ hành trình phát triển. Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, tốc độ tuyệt chủng của các loài đang cao hơn 1,000 đến 10,000 lần tốc độ tự nhiên. Khác với những kỳ tuyệt chủng trong lịch sử địa chất, đây là lần đầu tiên vấn đề tuyệt chủng diện rộng được gây ra bởi một loài duy nhất – con người.
Những con số biết nói
Trong đại dịch, các quốc gia chịu ảnh hưởng lần lượt phong tỏa, kinh tế thế giới gián đoạn để tập trung kiểm soát và đẩy lùi virus. Khi du lịch đóng băng, cách ly xã hội diện rộng được áp dụng và các ngành sản xuất không thiết yếu tạm ngừng, chúng ta đã ghi nhận những thay đổi rõ rệt về môi trường. Điều đáng buồn là những thay đổi này sẽ sớm biến mất nếu thế giới quyết tâm trở lại “business as usual” - giao thương như bình thường - khi dịch bệnh chấm dứt.
Một vài thống kê:
- Ở Trung Quốc, khí thải carbon giảm xấp xỉ 18% trong giai đoạn từ tháng 2 đến giữa tháng 3 do sự sụt giảm trong tiêu thụ than và sản xuất công nghiệp. Con số này tương đương với 250 triệu tấn rác thải carbon không bị xả ra môi trường - nhiều hơn một nửa mức thải carbon trung bình năm của toàn bộ Vương quốc Anh.
- Cùng lúc tại EU, sự suy giảm trong nhu cầu năng lượng và sản xuất giúp giảm thải đến 400 triệu tấn carbon, tương đương 9% mức giảm mục tiêu của EU trong năm 2020.
- Tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, dữ liệu chính phủ cho thấy mức độ bụi mịn PM 2.5 giảm 71% trong vòng một tuần từ 20 đến 27 tháng 3. Nitrogen dioxide (NO2 - khí thải chính từ phương tiện giao thông và nhà máy) giảm từ 52 xuống còn 15/mét khối, tương đương 71%.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bầu trời Delhi xanh đến thế”, Jyoti Pande Lavakare, đồng sáng lập tổ chức môi trường Care for Air (Ấn Độ), chia sẻ.
Bầu trời tại New Delhi vào ngày 3/11/2019 (bên trái) và 30/3/2020 (bên phải) | Nguồn: CNN
Tuy nhiên, theo National Geographic, nếu dịch bệnh qua đi và các gói kích cầu kinh tế được tung ra, ô nhiễm sẽ quay trở lại. Khi và chỉ khi các quốc gia chủ động thực hiện các chiến lược thúc đẩy việc chuyển đổi sang năng lượng sạch thì thế giới mới có cơ hội thiết lập một "trạng thái bình thường" mới, bền vững và an toàn.
Câu hỏi về sự thiết yếu
Dịch bệnh khiến chúng ta suy ngẫm lại về sự thiết yếu. Quan điểm này không mới và đã được chia sẻ nhiều trong thời gian gần đây. Song, để không sa đà vào những góc nhìn cực đoan như “trái đất đang tự chữa lành, con người mới là virus”, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách chủ động và tích cực.
Cú tạm dừng quy mô toàn cầu trong thời gian vừa qua gợi mở một lối sống mới, nơi con người phát triển hòa hợp với thiên nhiên thay vì tách khỏi nó. Quyển sách How To Do Nothing của tác giả Jenny Odell luận rằng chúng ta dường như đã quên mất mình là thiên nhiên. Nói cách khác, chúng ta nên ngừng nhìn nhận việc bảo vệ và phát triển môi trường như là một hành động thiện nguyện, bởi nó là bản năng sinh tồn của một loài để gìn giữ môi trường sống của mình.
Đại dịch chắc chắn đều ảnh hưởng tới mỗi người theo một cách nào đó, thôi thúc chúng ta tự đặt ra nhiều câu hỏi. Thay vì trở nên bi quan (tố cáo con người là virus), hay bàng quan (cho rằng thế giới không thể cứu vãn và ta chẳng thể làm được gì), tôi tin rằng chúng ta nên lạc quan và không ngừng cố gắng. Bởi thế giới chắc chắn sẽ bước tiếp, điều chúng ta cần cùng nhau quyết định là bước tiếp như thế nào.