Kathy N. là người Mỹ đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh cùng chồng là Martin S.
Sau khi đến Đức thăm gia đình, Chủ nhật ngày 15/3, tôi cùng chồng là Martin trở lại Việt Nam, nơi chúng tôi đang sinh sống và làm việc. Chuyến bay của chúng tôi xuất phát từ Frankfurt, quá cảnh tại Dubai và đáp tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 2:30 chiều.
Ngay từ sân bay tại Frankfurt, chúng tôi đã được cảnh báo rằng các hành khách trong các chuyến bay từ châu Âu có thể bị cách ly 14 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi hiểu đây là điều cần chấp nhận nếu không muốn đối mặt với nguy cơ bị cấm nhập cảnh về sau.
Khi di chuyển đến khu vực nhập cảnh, đám đông hàng trăm người đến từ châu Âu và Mỹ dồn vào một khu được đánh dấu là “vùng cách ly”, báo hiệu rằng sẽ tốn khá nhiều thời gian hoàn thành thủ tục.
Khoảng 5:00 chiều, hai vợ chồng được biết một số người đáp xuống sân bay từ lúc 6:00 sáng nhưng vẫn chưa được dẫn đến trung tâm cách ly. Với tốc độ như vậy, chúng tôi cứ tưởng sẽ phải qua đêm tại sân bay. Nhưng sau khi được dẫn tới một khu vực thứ hai để đợi cách ly, cuối cùng chúng tôi đã được chuyển đến khu quân sự Quận 12 vào lúc 9:00 tối.
Chuyển đến trung tâm cách ly
Ngay khi vừa đến nơi, chúng tôi được các nhân viên y tế đo thân nhiệt và dẫn lên phòng. Khu cách ly gồm 2 tòa nhà riêng biệt với 5 tầng, mỗi tầng có 15 phòng và mỗi phòng có 8 giường. Được biết, khu cách ly này có sức chứa tối đa 500 người.
Ban đầu các nhân viên y tế sắp xếp cho tôi và Martin ở 2 phòng riêng, vì theo luật thì nam nữ phải ở riêng. Sau khi tôi và Martin giải thích rằng chúng tôi là vợ chồng và muốn được ở chung phòng, họ nói rằng sẽ xem thử có thể tìm cách khác không.
Khi tôi bắt đầu làm quen với môi trường mới, một nhân viên y tế quay lại báo rằng họ có thể sắp xếp cho chúng tôi ở chung phòng với một cặp đôi khác là Thảo và Vinh, cùng với em bé 12 tháng tuổi của tên Luca. Chúng tôi rất vui khi được ở cùng nhau, và còn chung phòng với một em bé đáng yêu nữa.
Sau đó, một anh quân nhân phát loa thông báo số liệu của cơ sở cách ly. Tính đến 9 giờ tối hôm đó, có khoảng 40 người nước ngoài đang được cách ly tại đây.
Kết bạn
Chúng tôi nhanh chóng làm quen với các “hàng xóm”, gồm 2 người Pháp là Olivier và Jaime, và một người Ireland là Simon. Chúng tôi kể về chuyến đi của mình và đề cập đến việc có mang theo rượu Schnapps của Đức và sôcôla Thụy Sỹ. Thế là Oliver đổi lấy hai món đó và đưa xúc xích Pháp cho chúng tôi. Mọi người ăn nhanh bữa tối và đi ngủ ngay sau đó.
Tính đến nay đã được một tuần. Chúng tôi được xét nghiệm COVID-19 ngay trong ngày thứ 2. Vài ngày sau, một số người có kết quả dương tính được chuyển đến bệnh viện để chữa trị.
Một nửa của quãng thời gian cách ly 14 ngày đã trôi qua, không còn ai bị chuyển ra ngoài khu cách ly nữa (vì những du khách còn lại đều đã âm tính).
Tiếp theo đây, tôi sẽ kể lại hoạt động thường ngày của chúng tôi trong trại cách ly.
Sinh hoạt hàng ngày
Các nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của chúng tôi lúc 9 giờ sáng và phục vụ đủ 3 bữa một ngày. Cả bọn đùa với các nhân viên rằng họ nên tới sớm hơn, vì không ai dám uống cafe nóng khi chưa được kiểm tra thân nhiệt cả.
Họ cũng đùa lại chúng tôi, bảo rằng bữa trưa mọi người chỉ có một lựa chọn là thịt gà. (Chỉ đùa thôi, vì thường chúng tôi sẽ được chọn hai món khác nhau).
Chiều tối khi mặt trời bắt đầu lặn, khu vực cách ly như một trại hè vậy. Mọi người vẫn phải đeo khẩu trang mọi lúc tại các khu vực công cộng, bù lại thời tiết khá dễ chịu để hoạt động ngoài trời.
Vài người chơi bóng rổ, một số khác đá banh hoặc chơi cầu lông. Hai vợ chồng tôi thì thích chạy bộ quanh khu, hoặc lên xuống 5 tầng lầu, những người khác thì nghe podcast hoặc đi bộ nhanh.
Mỗi ngày 3 lần, các anh quân nhân sẽ gọi tên giao hàng được người nhà gửi từ ngoài vào. Tối qua các chiến sĩ còn tổ chức một buổi karaoke ngoài trời, mọi người trong khu hưởng ứng rất nhiệt tình (buổi diễn không chê vào đâu được, có vẻ như họ toàn chọn những giọng ca đỉnh nhất đội thôi).
Sinh hoạt thường ngày vẫn cứ tiếp diễn như thế, mọi người vẫn thường xuyên gọi điện cho người thân, tranh thủ làm việc và xử lý những cuộc gọi từ khách hàng. Riêng chúng tôi thì được ngắm nhìn Luca chập chững những bước đi đầu tiên đến với bố của em.
Còn một số điểm vẫn có thể cải thiện thêm: chúng tôi có thể đặt đồ ăn thức uống vào khu vực cách ly nhưng phải được người gác cổng thông qua, nhạc quân đội phát lúc 5:30 sáng hơi ồn một chút, thỉnh thoảng thiếu nước uống.
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ấn tượng ngay từ những ngày đầu tiên, đó là các nhân viên y tế luôn trong trạng thái khẩn trương và bận rộn. Họ không chỉ đưa thức ăn, kiểm tra thân nhiệt, dọn rác và giải đáp mọi thắc mắc của chúng tôi, mà còn hỏi thăm xem chúng tôi có cần thêm gì không, luôn cố gắng chăm sóc và giúp chúng tôi cảm thấy thoải mái nhất có thể.
Vậy mà lúc nào họ cũng tươi cười và vui đùa với tất cả mọi người.
Sống trong khu cách ly đã thay đổi cách nhìn của chúng tôi. Trước đó mặc dù chúng tôi vẫn liên tục cập nhật tin tức về số liệu thống kê dịch COVID-19 ở cả Việt Nam và thế giới (tại Việt Nam cho đến ngày 23 tháng 3: 116 ca nhiễm, trong đó có 17 ca đã hồi phục và không có ca tử vong), nhưng đến khi vào trong khu cách ly, chúng tôi mới được tận mắt chứng kiến “cuộc chiến”, trải nghiệm người thật việc thật chứ không chỉ thông qua những con số nữa.
Trong cuộc chiến này, những chiến sĩ ở tiền tuyến là các nhân viên y tế. Họ đã và đang làm việc can trường, không ngại mệt mỏi. Với chúng tôi có thể chỉ là 14 ngày dài, nhưng với các nhân viên y tế thì đó là cuộc chiến chống lại dịch bệnh đã kéo dài hàng tháng trời và vẫn còn đang tiếp diễn.
Một nửa thời gian cách ly đã trôi qua. Mọi người đều rất vui vì tuần sau sẽ được về nhà, đồng thời cũng tràn đầy cảm kích đối với các nhân viên y tế, những người đã và đang kiên cường giữ cho chúng ta được an toàn.
Xem thêm:
[Bài viết] Tóm Lại Là: Nhật ký cách ly của Châu Bùi dạy ta điều gì?
[Bài viết] Thực hiện cách ly xã hội (social distancing): Nên và không nên làm gì?