Nghe nhạc đúng cách để bảo vệ đôi tai | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
06 Thg 06, 2021
Chất Lượng Sống

Nghe nhạc đúng cách để bảo vệ đôi tai

Nếu bạn là người yêu thích âm nhạc và dành nhiều giờ trong ngày để nghe nhạc. Làm thế nào để bạn có thể bảo vệ đôi tai của mình?

Nghe nhạc đúng cách để bảo vệ đôi tai

Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera

Với những nhân viên văn phòng hay học sinh ôn thi căng thẳng, âm nhạcpodcast là một phần không thể thiếu để xua tan căng thẳng. Nhưng sử dụng tai nghe quá lâu liệu có an toàn?

Theo Tổ chức Y tế (WHO), 1,1 triệu thanh thiếu niên toàn cầu có nguy cơ bị suy giảm thính lực do sử dụng thiết bị âm thanh không đúng cách. Nắm rõ nghe nhạc bao lâu và nghe như thế nào cho an toàn sẽ giúp bạn bảo vệ đôi tai của mình. 

Âm thanh như thế nào sẽ gây hại?

Âm lượng càng cao, ngưỡng thời gian trước khi gây tổn hại đến tai càng ngắn. Theo khuyến cáo của WHO, nghe âm thanh trên 85 decibels (dB) trong thời gian dài có thể dẫn tới tổn thương thính lực lâu dài. Cụ thể:

  • 85 dB ~ Tiếng giao thông giờ cao điểm (tai bạn chịu được 8 tiếng/ngày)
  • 94 dB ~ Âm lượng nghe nhạc trung bình (tai bạn chịu được 1 tiếng/ngày)
  • 105 dB ~ Âm lượng cao nhất ở hầu hết thiết bị nghe nhạc cá nhân (tai bạn chỉ chịu được 4 phút/ngày)

Bạn có đang nghe quá lớn và quá lâu? 

Nếu không chú ý, bạn có thể hình thành thói quen nghe nhạc ở âm lượng cao và trong khoảng thời gian dài hơn được khuyến khích. Khi đeo tai nghe, bạn cần giảm âm lượng nếu: 

  • Đặt tai nghe cách bạn 1 cánh tay mà vẫn nghe thấy
  • Nếu người bên cạnh có thể nghe thấy tiếng nhạc của bạn
  • Khi đang nghe nhạc mà phải nói chuyện với người khác và bạn cảm thấy phải nói to hơn bình thường

Nếu lo rằng bạn đang gặp khó khăn trong việc nghe, bạn có thể kiểm tra thính lực online miễn phí trong 3 phút của Học viện Hoàng gia cho người khiếm thính, UK (RNID) tại đây.

nghe nhạc
Nếu đặt tai nghe cách một cánh tay mà bạn vẫn nghe thấy, nghĩa là bạn đang nghe với âm lượng quá lớn.

Bạn nên thay đổi thói quen tiêu thụ âm thanh và tìm đến chuyên gia y tế để được chẩn đoán nếu gặp các hiện tượng như:

  • Nghe thấy tiếng rung hay tiếng click, có cảm giác ù trong tai
  • Gặp khó khăn để nghe ở những nơi đông người
  • Âm thanh bị ù, không rõ
  • Liên tục cảm thấy phải tăng âm lượng

Nghe nhạc hay nhưng vẫn bảo vệ đôi tai

Xem phim, nghe nhạc hay podcasts… đều có thể sống động và an toàn hơn nếu sử dụng loa ngoài. Ở không gian cá nhân, hãy tận dụng loa ngoài và nên để âm lượng dưới 70 dB. Bạn có thể sử dụng các app như Sound Level Analyzer Lite hoặc Sound Meter Pro để kiểm tra âm lượng loa ngoài của mình. 

Bạn có thể bảo vệ đôi tai của mình bằng nhiều cách. 

Tuy nhiên, trong môi trường công sở hoặc lúc di chuyển phải lựa chọn tai nghe, bạn vẫn có thể bảo vệ thính lực bằng cách:

Áp dụng quy tắc 60/60

Không dễ để xác định âm lượng của tai nghe ở mức decibels, nên các tổ chức y tế khuyến nghị bạn sử dụng quy tắc 60-60: nghe nhạc 60 phút/ngày, ở âm lượng 60% của thiết bị. Nếu 1 tiếng mỗi ngày là quá ít, giảm âm lượng sẽ cho bạn nhiều thời gian hơn.

Dùng tai nghe chụp tai thay vì tai nghe nhét trong 

So với tai nghe chụp tai (over-ear headphones), tai nghe nhét trong (earbuds) truyền âm trực tiếp đến màng nhĩ và lọc tiếng ồn không gian kém hiệu quả. Tai nhét trong cũng đẩy ráy tai sâu hơn vào trong tai, tăng nguy cơ tắc nghẽn ống tai. 

Đồng thời, hãy đầu tư một đôi tai nghe có chức năng giảm tạp âm (noise cancelling feature). Khi giảm tạp âm, bạn không cần nghe ở âm lượng cao để át đi tiếng ồn trong không gian. 

Để cho đôi tai nghỉ ngơi

nghe nhạc
Để đôi tai nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút.

Khi bắt đầu nghe, bạn nên giảm âm lượng xuống 0, dần chỉnh cao hơn tới mức bạn thấy vừa, rồi cho nhỏ hơn 1-2 nấc. Phương pháp này áp dụng với cả tai nghe hay loa ngoài, giúp bạn chỉnh âm lượng có chủ ý hơn. Dù lúc đầu âm lượng có nhỏ, sau một thời gian lắng nghe bạn sẽ quen dần và cảm nhận đầy đủ âm thanh.

Trong thời gian sử dụng, sau mỗi 30 phút dùng tai nghe hãy nghỉ 5 phút.

Theo dõi với điện thoại thông minh

Với Android, khi chỉnh âm lượng cao hơn mức an toàn, thanh âm lượng sẽ chuyển màu đỏ. 

nghe nhạc an toàn
Âm lượng ở mức an toàn (trái), vượt mức an toàn (phải).

Với iOS, bạn có thể kiểm tra An toàn tai nghe (Headphone Safety) trong phần cài đặt. iPhone của bạn có thể tự động giảm tiếng sau 15 phút nếu âm lượng quá lớn và không cho phép bạn tăng lên. Đồng thời, Headphone Safety theo dõi thói quen sử dụng trong một tuần và sẽ thông báo nhắc nhở nếu âm lượng và thời gian sử dụng cao hơn được khuyến nghị.

bảo vệ đôi tai
Điều chỉnh An toàn tai nghe trong Cài đặt (trái) và Theo dõi Mức âm thanh môi trường và mục Nghe trong ứng dụng Sức khỏe (giữa, phải).

Bảo vệ đôi tai khỏi tiếng ồn đô thị

Quá quen với cuộc sống đô thị ồn ào, bạn sẽ bất ngờ khi biết âm lượng ở không gian chung như quán cà phê có thể lên đến 90 dB. Các app kiểm tra độ ồn trong không gian có thể giúp bạn chủ động. Bạn có thể đeo tai nghe có chức năng giảm tạp âm (mà không chơi nhạc) để giảm tiếng ồn. 

Động cơ xe máy phát ra tiếng ồn ở ngưỡng 80-110 dB, vì vậy bạn nên sử dụng mũ bảo hiểm ¾ đầu để phần nào che chắn đôi tai khi tham gia giao thông. 

nghe nhạc
Những chiếc mũ bảo hiểm ¾ cũng giúp bảo vệ đôi tai của bạn.

Nếu bạn tham gia các lễ hội âm nhạc, quán bar hay club, điểm bắn pháo hoa, sân vận động,... hãy tránh đứng gần loa và có thể chuẩn bị nút bịt tai (ear plugs) để giảm âm lượng.

Sau đó, hãy dành thời gian nghỉ ngơi, không tiêu thụ âm thanh. Nghiên cứu cho thấy tai bạn cần trung bình 16 tiếng yên tĩnh để hồi phục sau một buổi nghe âm thanh lớn.