Nếu vẫn chưa biết nên xem gì trong chuỗi ngày nhàn rỗi này, editor nhà Vietcetera sẽ gợi ý cho bạn 8 bộ phim và chương trình thực tế chất lượng trên Netflix.
1. Designated Survivor: 60 Days
“Designated Survivor: 60 Days” (tên Việt: Tổng thống 60 Ngày) là phiên bản remake của bộ phim nổi tiếng cùng tên của Mỹ. Sau một vụ khủng bố bom nghiêm trọng tại hội nghị cấp cao, hàng loạt nhân vật chính trị quan trọng thiệt mạng. Park Mu Jin (Ji Jin Hee) vốn là một giáo sư ngành Hoá học, bấy giờ là Bộ trưởng Môi trường, là người có chức vụ cao nhất còn sống sót. Vì thế, anh đành trở thành tổng thống lâm thời và điều tra về kẻ đứng sau vụ tấn công này.
Tuy là bản làm lại nhưng phim mang tới sắc thái hoàn toàn khác lạ, vì các biên kịch xứ Hàn đã thay đổi nhiều chi tiết để nội dung phim phù hợp với các khán giả Châu Á hơn. Chỉ với 12 tập phim nhưng bộ phim này đã mang đến cho người xem những plot twist vô cùng chất lượng, những cuộc đấu trí chính trị đầy căng thẳng và những bài học cuộc đời đắt giá.
2. Kingdom
Kingdom (tên Việt: Vương triều Xác sống) là một TV series nhưng bộ phim này được đánh giá là mãn nhãn như một bộ phim điện ảnh. Bộ phim gồm hai phần, nội dung xoay quanh cuộc đấu chính trị của Thái tử Lee Chang, kết hợp thành công hai yếu tố đại dịch zombie ghê rợn và cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa nhiều phe phái.
Khác với những bộ phim danh tiếng về zombie thường thấy, Kingdom còn đưa yếu tố cổ trang vào nội dung. Điều này giúp Kingdom vừa có nét uy quyền, huyền bí của văn hoá châu Á, vừa giữ được sự hấp dẫn, kịch tính và ghê sợ của dòng phim zombie. Hai chất liệu được khai thác mượt mà, kết hợp với dàn diễn viên thực lực giúp bộ phim trở thành tác phẩm kinh dị xuất sắc trong năm qua của điện ảnh xứ Hàn.
3. Black Mirror
Black Mirror (tên Việt: Gương Đen) là phim dài kỳ của Anh, được biên kịch bởi Charlie Brooker. Kể từ khi ra mắt vào năm 2011, bộ phim đã dấy lên làn sóng tranh luận về những vấn đề gai góc và tăm tối mà nó đặt ra, khi công nghệ đạt tới đỉnh cao.
Black Mirror, hay “gương đen”, ám chỉ màn hình của những sản phẩm công nghệ mà chúng ta sở hữu: điện thoại, TV, laptop, máy tính bảng… Khi tắt chúng đi, thứ còn lại là một tấm gương đen để ta soi chiếu chính mình. Mỗi tập phim của Black Mirror là một bối cảnh mới, câu chuyện mới, nhân vật mới, song đều thống nhất một chủ đề: Mặt tối của công nghệ hiện đại khi con người lạm dụng và để mình bị chi phối bởi chúng.
Dù không nhiều cảnh hù dọa hay máu me, Black Mirror vẫn khiến người xem rùng mình bởi cảm giác chân thực quá lớn, như thể có một ngày sẽ biến thành sự thật. Từ những thực tế đang hàng ngày diễn ra trong thế giới hiện đại, có thể thấy nếu con người không cẩn thận, những mặt tăm tối của công nghệ mà Black Mirror nói đến sẽ dần thành sự thật.
4. Hi Bye, Mama
Nếu như bạn không có hứng thú với những thể loại phim kinh dị, ám ảnh phía trên mà muốn tìm kiếm một món ăn tinh thần nhẹ nhàng, tình cảm thì “Hi Bye, Mama” chính là bộ phim hoàn hảo dành cho bạn.
Nội dung xoay quanh Cha Yoo Ri (Kim Tae Hee), một người phụ nữ gặp tai nạn và qua đời đã 5 năm trước. Khi có cơ hội tái sinh trong 49 ngày, cô trở về mái nhà thân thương, bất ngờ xuất hiện trước chồng và cô con gái, khi mà cả hai đang bắt đầu cuộc sống mới để vượt qua nỗi đau mất mát này.
Chỉ bằng những diễn biến hết sức đời thường, không cần đến những tình tiết quá bi kịch, thậm chí chẳng có nhân vật phản diện quá đáng ghét gây hấn xuyên suốt, bộ phim vẫn đủ sức lấy nước mắt của khán giả qua những bài học về tình người, tình yêu, tình bạn và gia đình nhẹ nhàng.
5. Sex Education
Bộ phim xoay quanh nhân vật chính là Otis (Asa Butterfield) – một thiếu niên 16 tuổi sống nội tâm, nhút nhát. Tại trường trung học Moordale, Otis kết thân Maeve (Emma Mackey), một cô gái thông minh, sắc sảo nhưng bị tẩy chay bởi những tin đồn liên quan đời sống tình dục phức tạp. Họ cùng nhau kiếm tiền từ việc nhận tư vấn sức khỏe tình dục cho các bạn học.
Mỗi nhân vật trong phim đều có câu chuyện riêng về gia đình, những ám ảnh trong tuổi thơ, nhưng may mắn đều được giải quyết nhẹ nhàng và hiệu quả nhờ giao tiếp ở cuối mỗi tập.
Sex Education tiếp cận chủ đề vừa mới lạ vừa quen thuộc nhưng thường bị lãng quên hoặc né tránh vì bị cho là nhạy cảm, đó là chủ đề về tình dục tuổi mới lớn, giáo dục giới tính và các mối quan hệ học đường. Bên cạnh bài học về giới tính, Sex Education nhấn mạnh vai trò của gia đình và bạn bè trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý của mỗi thiếu niên.
6. Modern Family
Modern Family là series phim thuộc thể loại sitcom, nội dung xoay quanh 3 gia đình có mối liên hệ với nhau. Từ đó, bộ phim đưa đến những câu chuyện cuộc sống, những mâu thuẫn và xung đột thường gặp trong mỗi gia đình và giữa các gia đình với nhau. Mỗi câu chuyện là một bài học được khai thác dưới góc độ nhẹ nhàng và hài hước nhưng vẫn thâm thúy và sâu sắc.
Bộ phim đã đoạt 3 giải thưởng tại lễ trao giải Emmy Award 2010, trong đó có giải dành cho hạng mục “Phim hài gia đình xuất sắc nhất”, “Diễn viên phụ xuất sắc nhất” và “Kịch bản dành cho phim hài xuất sắc nhất”.
7. Next In Fashion
Nếu yêu thích thời trang thì bạn đừng nên bỏ qua chương trình này. Next In Fashion là một chương trình thực tế về thiết kế thời trang ra mắt trên Netflix vào tháng 1 năm 2020. Mục tiêu của Next In Fashion sau 10 tập là tìm kiếm một nhà thiết kế tài giỏi nhất từ những thí sinh đã có kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực thiết kế.
Next In Fashion dễ khiến bạn liên tưởng đến chương trình thực tế Project Runway đình đám một thời, tuy nhiên, tại Next In Fashion, bạn sẽ không tìm thấy những tình huống “drama” không cần thiết. Thay vào đó, chương trình tập trung đề cao tính đa dạng trong thời trang, tôn vinh nét đẹp lao động và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của nhà thiết kế, cũng như những bài học đắt giá về sự nghiệp và tình bạn.
8. The Chief Show
The Chef Show là một chương trình ẩm thực và nấu ăn với sự kết hợp giữa đầu bếp người Mỹ gốc Hàn Roy Choi và nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên kiêm nhà viết kịch bản Jon Favreau (đã quen thuộc với khán giả qua vai diễn Happy Hogan trong loạt phim Marvel). Thỉnh thoảng, chương trình còn có sự góp mặt của một số người nổi tiếng, như các diễn viên trong các phim Marvel chẳng hạn.
Đôi bạn này cùng đi du lịch đến những vùng đất, trải nghiệm văn hoá và ẩm thực tại đó rồi thử nấu lại những món ăn yêu thích. Chương trình không kể lể dài dòng các câu chuyện bên lề, không thêm thắt những vấn đề, những chi tiết hài hước gượng ép, hoặc dựa dẫm vào việc chỉnh sửa để cho ra món ăn ngon. Thay vào đó, The Chef Show tập trung vào các chi tiết chế biến, vào ẩm thực và niềm vui kết nối với mọi người.