Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng: Sân khấu - Cuộc đời không hề khác nhau | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng: Sân khấu - Cuộc đời không hề khác nhau

Cải lương phải có sân khấu; nó không mất đi mà sẽ còn hoài, dù là âm ỉ.
Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng: Sân khấu - Cuộc đời không hề khác nhau

Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

Đối với nghệ sĩ, có được một “hit” lớn để đời là không hề dễ dàng. Thế nhưng với nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, trong suốt sự nghiệp gắn với cải lương, bà có tận 3 dấu ấn làm nên tên tuổi. Tuy hoạt động không thật lâu dài, thế nhưng “quái kiệt” của sân khấu cải lương vẫn được nhớ đến với sự trân trọng.

Trong tập podcast Trăm năm sân khấu lần này, khán giả có dịp nhìn lại hành trình từ một em bé Bo Bo nở giữa hoa sen cho đến thăng trầm qua bao dâu bể sân khấu và cuộc đời. Cũng từ đó, có một Bo Bo Hoàng giờ đây biết ơn cuộc sống một cách nhẹ nhàng nhất.

7 thập kỷ "tắm mình" trong không khí cải lương

Sinh năm 1947 trong một gia đình có bố và mẹ đều cùng hoạt động nghệ thuật, chỉ mới 4 tuổi, bà đã bắt đầu bước lên sân khấu với nghệ danh Thanh Hoàng, ở đoàn Hoa Sen. Đến nay, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng đã gắn bó với nghệ thuật cải lương gần 7 thập kỷ, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Tên Hoàng của bà được lấy từ biệt danh của cha, ông Lê Thành Cát. Ngoài là ông bầu và là một kép hát, ông cũng được biết đến với biệt danh “Phượng Hoàng” trong làng đạp xe. Đến năm 6 tuổi, trong vở Tiếng trống sang canh, khi đóng cặp cùng nghệ sĩ Ba Vân, bà đã gây được tiếng vang rất lớn, từ đó nghệ danh Bo Bo Hoàng ra đời.

Năm 1960, nghệ sĩ Minh Tơ mời bà cùng các nghệ sĩ Thanh Tòng, Xuân Yến và Thanh Thế thành lập nhóm riêng: Đồng Ấu Minh Tơ. Sở dĩ có cơ duyên này vì ba của bà thấy rằng cho trẻ con diễn vai người lớn thì không phù hợp. Do đó, đây là nhóm nhỏ vẫn thường hay diễn những vai trẻ em, cũng như phù hợp với độ tuổi mình.

Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

Tuy giã từ nghiệp diễn tương đối sớm, thế nhưng khán giả vẫn luôn coi bà là một “quái kiệt”, bởi sự đa dạng trong các vai diễn. Bà làm rất tốt không chỉ những vai đào con, đào lẳng, đào thương mà đào độc, đào mụ… cũng đã để lại rất nhiều ấn tượng.

Năm 1965, bà đạt được giải Thanh Tâm với vai diễn Đào trong vở Tiếng súng một giờ khuya của cố soạn giả Thu An. Đây là đỉnh cao thứ hai của cuộc đời bà, là sự ghi nhận cũng như công nhận tại tài năng của nữ nghệ sĩ. Bà cũng kể rằng bởi nhân vật này mà về sau này bà cũng bị “nghiện” hút thuốc. Sau đó bà cũng có nhiều vai diễn gây dấu ấn lớn, một trong số đó là Cám trong vở Tấm Cám.

Sau khi giã từ nghiệp diễn, bà cũng là một soạn giả và người thiết kế phục trang sân khấu vô cùng tài năng. Sở dĩ có cơ duyên này là vào giai đoạn trước năm 1975, bà đã nhìn thấy khá nhiều đoàn diễn đến từ Đài Loan, Hồng Kông với nhiều phục trang đẹp mắt… Từ đó bà tự mày mò và sáng tạo nên phiên bản của mình.

Cải lương chưa từng "chết" để mà "quay lại"

Giữa nhiều tranh luận về nhịp sống mới của riêng cải lương, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng đã khẳng định rằng nó chưa từng “chết” để mà “quay lại”. Cải lương vẫn mãi trường tồn trong mạch chảy ngầm, cũng thăng trầm như một kiếp người. Sau thời hoàng kim, nó sẽ lẳng lặng men theo dòng chảy để “chờ thời.”

Nguồn: Bobby Vũ/ Trăm Năm Sân Khấu.

Bà cũng nói rằng sở dĩ môn nghệ thuật này nhận được tình cảm rất lớn từ phía khán giả là bởi nó luôn luôn mới cho đến bây giờ. Bà kể lại rằng, khi mình vẫn còn rất nhỏ, thì ông Bảy Cao – trưởng đoàn Hoa Sen, đã rất tân tiến khi phối hợp được sân khấu cùng với biểu diễn, từ đó tạo ra các hiệu ứng đẹp trong vở Đoàn chim sắt Mộng hòa bình.

Lấy bối cảnh Thế chiến thứ Hai, ở tác phẩm này, những đoàn máy bay, cảnh trí thôn làng và đoàn tù nhân… đã được bày trí cũng như thiết kế vô cùng kỹ càng. Trong một thời đại còn nhiều hạn chế mà người nghệ sĩ đã đạt được thành tựu ấy, thì càng chứng minh cho việc cải lương là sự tiếp nhận cũng như chuyển biến vô cùng độc đáo đối với sân khấu ở thời điểm này.

Bà cũng nói rằng cải lương tuy chậm đổi mới suốt bao năm qua, thế nhưng dài theo năm tháng, loại hình này có những bước ngoặt lớn. Từ đó mỗi ngày là mỗi thay đổi của cải lương.

Chặng hạn ngay từ ban đầu khi mới ra mắt, khán giả của những vở kịch chỉ toàn là người trang nhã với “nam áo vest”, “nữ áo dài”, từ đó mà các tác phẩm không thể chứa đựng từ ngữ “giang hồ”…

Nguồn: Bobby Vũ/ Trăm Năm Sân Khấu.

Thế nhưng khi đóng vai Đào trong Tiếng súng một giờ sáng, bà đã quan sát cũng như theo dõi cuộc sống của những cô gái làng chơi, từ đó có sự bám vai sao cho phù hợp. Từ chính thực tế có phần sống động, mà các vở diễn giờ đây buộc phải có những từ ngữ “đời” hơn một chút. Cũng từ đó, nghệ thuật cải lương đã có thể thể hiện rõ cá tính nhân vật. Đây cũng là một bước thay đổi của nghệ thuật này.

Ngoài ra, “tính động” của cải lương cũng được thể hiện trong chính quá trình vận động của nó. Từ kết hợp với hát bội, tân nhạc, dựng cảnh ngoài trời mang tính điện ảnh cho đến hòa hợp vào với hát Quảng và nhạc Đài Loan. Có thể thấy rằng cải lương luôn hướng về phía trước, và là loại hình riêng biệt của riêng Việt Nam, mang theo văn hóa cũng như hồn cốt dân tộc.

Uớc mơ được sống một lần nữa nhiều “kiếp người”

Bà cũng nói rằng điều mình học được nhiều nhất ở nghệ thuật này chính là cách sống và cách cư xử. Bà ví học từ nghệ thuật như học tại trường, mà bản thân mình “học hoài không hết." Từ đó, theo nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, tấm bằng cuối cùng chỉ có thể là một tấm cáo phó của cuộc đời mình.

Cũng qua nghệ thuật này, nhân – lễ - nghĩa – trí – tín đã truyền lại một cách rõ ràng. Với nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, đó chính là bài học làm người không thể nào quên.

Từ nhỏ đã được tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ gạo cội như Ba Vân, Út Trà Ôn… bà nói mình được dạy cho cách sống còn nhiều hơn là dạy nghề. Những nghệ sĩ lớn luôn nói với bà cuộc đời và trên sân khấu không hề khác nhau. Nếu ta biết cách cư xử cũng như lắng nghe, thì ra sân khấu nhất định thành công.

Đứng dưới tư cách của một nghệ sĩ, bà nói tuy từng bị gọi dưới danh xưng chung “xướng ca vô loài”, thế nhưng nghệ sĩ cũng chính là những “sứ giả” truyền đi thông điệp tốt đẹp, nhắc nhở bài học nhân văn, từ đó làm cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa và tươi đẹp hơn.

Nguồn: Bobby Vũ/ Trăm Năm Sân Khấu.

Nói về tôn chỉ của bản thân mình, bà cũng cho rằng cải lương phải “đúng” là “nó”, phải gồm những thứ mà nó “thuộc về”, thì đó mới là cải lương. Theo đó cải lương bắt buộc phải có sân khấu, để khán giả thấy được cái thần và sự sống động của các nhân vật. Các hình thức khác như thu băng đĩa hay video… chỉ là một sự mô phỏng và không được thật.

Ở tuổi 75, hiện tại, bà vẫn tiếp tục làm các phục trang, thiết kế mũ miện… cho các vở diễn. Bà nói đây cũng là cách tiếp tục với nghề, khi trao đi những “ngọn lửa” cho thế hệ sau, từ đó như nhìn thấy mình ở trên sân khấu, gần với khán giả, và được sống một lần nữa nhiều “kiếp người”.

Bởi lẽ khi yêu sân khấu, thì nghề sẽ yêu lại ta.