Sân khấu Việt hấp dẫn thế sao lại bỏ bê? | Vietcetera
Billboard banner

Sân khấu Việt hấp dẫn thế sao lại bỏ bê?

Tuồng với hát bội (hát bộ) là một; Cải Lương là một cải cách ra đời sau này. Hát xẩm hay chèo thì đều gắn liền với chiếc chiếu cói. Trong khi đó múa rối nước sở hữu một sân khấu trình diễn độc nhất.
Sân khấu Việt hấp dẫn thế sao lại bỏ bê?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Tuồng với hát bội (hay hát bộ) là một; Cải Lương là một cải cách ra đời sau này. Hát xẩm hay chèo thì đều gắn liền với chiếc chiếu cói. Trong khi đó múa rối nước sở hữu một sân khấu trình diễn độc nhất vô nhị.

Bạn bắt đầu thấy thú vị nhưng hơi phức tạp? Bạn nghĩ mình sẽ yêu thích và muốn thưởng thức loại hình sân khấu nghệ thuật độc đáo nào của Việt nam?

Vietcetera hiểu được điều này, và mong muốn giúp cho một thế hệ mới đến gần hơn nữa với nghệ thuật này. Sau đây là 5 trong nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống (với những đặc trưng và gợi ý một số vở diễn độc đáo bạn nên xem.)

Chèo

alt
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Giải thích ngắn gọn

Chèo là một hình thức ca-nhạc kịch phổ biến của người Việt Nam, chủ yếu là ở miền Bắc. Nó được phục vụ trong các lễ lạt có phần quan trọng, từ khởi đầu với việc tang ma, cho đến sau này dần phổ biến hơn, khi cũng được dùng trong lễ tiệc khác.

Trong giai đoạn hình thành, Chèo chủ yếu là loại Chèo sân đình. Không cần phải đến ngày nay mới có sân khấu 360 độ, thời đó điểm diễn chỉ gồm một chiếc chiếu cói được trải giữa sân, do đó khán giả có thể ngồi quanh xem cả bốn mặt. Thời đó chưa có phông cảnh, bài trí; phục trang cũng là y phục hằng ngày. Do đó hóa trang cũng rất đơn giản, chỉ có vai Hề là có vẽ mặt.

Nguồn gốc

Theo Phạm Ðình Hổ trong cuốn Vũ Trung Tùy Bút, thì thời nhà Lý đã có nhiều người Tống ở tận Trung Hoa đi sang nước ta để dạy dân chúng múa hát làm trò. Những người hoạt động trong lĩnh vực này thường được gọi chung là phường chèo bội.

Khoảng năm Cảnh Hưng (1740-1786), các phường chèo bội pha thêm lối tuồng, có thêm vẽ mặt mỗi khi trình diễn. Cũng trong lúc này, hát chèo đã mở rộng hơn nội dung của mình, khi không chỉ gồm những lời ca ngợi công đức vua quan, mà còn có thêm những lời huê tình.

Tại sao ta yêu

Là một loại hình dành cho các giới bình dân, nên chèo thường kể những chuyện cổ tích có lớp có lang, với dàn nhân vật cũng thật sống động sao cho hấp dẫn. Phát triển từ sớm cũng như có một đời sống chứa nhiều biến động, nội dung của Chèo theo đó cũng khá đa dạng, đi từ phản ảnh nông thôn, đả phá cái xấu… cho đến đề cao cái đẹp, tình yêu đôi lứa.,..

Nên xem

Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Phan Trần, Kim Vân Kiều…

Tuồng

alt
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Tên gọi khác

Hát Bội, Hát Bộ. Theo đó Hát Bội được lấy từ chữ “Gia Bội” (倍), nghĩa là gấp hai, gấp ba. Nguyên nhân có cái tên này là các nhân vật trong loại hình này làm gì thì cũng "hơi quá", từ thái độ, vẽ mặt, cử chỉ, ngôn ngữ… cho đến thần thái.

Trông cũng hao hao thế nhưng “Hát Bộ” lại là cách gọi không chính xác. Những tưởng nó là “anh em song sinh” với chữ “Hát Bội”, thế nhưng thật ra nó có nguồn gốc là từ… Cải Lương ra đời sau này.

Trong cuốn Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Văn Khải đã chỉ ra rằng là khi xem tuồng cải lương, người ta thấy loại hình có nét khác với Hát Bội, nghĩa là có lối đi Bộ nhiều hơn, do đó người ta gọi là “Hát Bộ” để dễ phân biệt.

Giải thích ngắn gọn

Tuồng theo đó là một loại hình nghệ thuật tượng trưng (art symbolique) trong mọi yếu tố, từ cách dàn cảnh sân khấu đến các điệu, bộ đều có tính chất tượng trưng, ước lệ… để các khán giả được tối đa hóa trải nghiệm của mình.

Nguồn gốc

Theo nhiều sử liệu, Tuồng đã có mặt ở tại nước ta từ thời Lý - Trần (thế kỷ XII, XIII). Lúc đó có nhiều hình thức ca - diễn đơn lẻ trên một sân khấu thô sơ, nên được gọi là “Cảnh Tượng”. Các tiết mục này thường gồm có các màn múa, hát, đánh võ, xiếc… do các diễn viên có vẽ mặt biểu diễn.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Trần Văn Khải thì cũng có cách lý giải rõ hơn, khi ông cho rằng đương lúc quân Nguyên bị Hưng Đạo Vương đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, thì chốn triều đình cũng đã thu nhặt được một vài kép hát của giặc ngoại bang. Và những người này cũng là nguồn gốc Hát Bội ra đời.

Dù vậy ông cũng nhấn mạnh rằng cha ông ta chỉ học những cách múa may, vẽ mặt cũng như trang phục… còn về nội dung, thì đều là do dân ta có sẵn từ trước. Dưới thời Lê Sơ, trong những buổi yến tiệc, tế lễ hay thiết triều, thì Tuồng đều được đem trình diễn cho vua quan xem.

Tại sao ta yêu

Như đã nói trên, tuy được “du nhập” từ phía ngoại bang, nhưng Tuồng vẫn giữ được chất nguyên bản của dân tộc mình. Cha ông ta đã dung hòa được hình thức, điệu bộ từ phía nước ngoài, cùng với nội dung, âm điệu hoàn toàn truyền thống, từ đó tạo ra lối viết hoàn toàn Việt Nam.

Xét về nội dung, Tuồng cũng phần nhiều nói về các gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, mang theo âm hưởng hùng tráng, là thứ mà người Việt Nam luôn luôn tự hào. Ngoài ra cũng là bài học về cách ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và tổ quốc…

Nên xem

Các vở Sơn Hậu (sáng tác nguyên bản của cha ông ta) hoặc được trích từ bộ sách Tam Quốc (Triệu Tử đoạt ấu Chúa, Phụng nghi Đình…), Đông Chu Liệt Quốc (Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Xử án Bàng Quý Phi, Mộc Quế Anh dâng cây…).

Cải lương

alt
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Giải thích ngắn gọn

“Cải Lương” nghĩa là “sửa đổi sao cho tốt hơn;” Nói theo cách khác, cải lương là một sự cải cách của nghệ thuật sân khấu trước đó. Đây là loại hình nghệ thuật theo hướng tả chân, cũng như tả thực trong mọi khía cạnh, từ cách dàn cảnh, trang trí cho đến điệu bộ…

Nguồn gốc

Trong khi hát chèo, hát tuồng vẫn đang thịnh hành ở phía miền Bắc, thì trong miền Nam, các ban nhạc đờn ca tài tử cũng được hình thành một cách rải rác. Họ thường trình diễn tại một nhóm nhỏ, trong các dịp lễ tụ họp, như ăn tân gia hay chuyện kết hôn…

Tác giả Trần Văn Khải đã ghi lại rằng vào năm 1910, tại Mỹ Tho, ban nhạc của ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều), sau khi trình diễn tại cuộc đấu xảo ở Pháp, muốn đưa loại hình này lên trên sân khấu một cách chuyên nghiệp, từ đó các điệu cải lương nhanh chóng lan sang các tỉnh miền Nam, và không còn dành chỉ cho tầng lớp giàu có.

Tại sao ta yêu

Sau khi đã “bình dân hóa”, cải lương có phổ khán giả vô cùng rộng lớn. Không còn diễn cho những người chỉ biết thưởng thức như là Hát Bội, bằng lời văn giản dị, trong sáng cũng như điệu bộ hợp lý, Cải lương đã chiếm trọn được tình cảm của các khán giả ở mọi giai tầng vào thời điểm đó.

Nó cũng phong phú về mặt đề tài, khi đi từ luân lý và tình cảm gia đình, xã hội, đạo hạnh, nhân vật lịch sử Việt Nam, các sự tích xưa… cho đến tái hiện rất nhiều câu chuyện từ các nước khác, như Trung Quốc, Mông Cổ, Pháp và cả phương Tây.

Cải Lương cũng được đánh giá là có đủ các yếu tố “Cầm ca thi họa”, từ đó khán giả có thể thưởng thức được một loại hình mang tính tổng hợp. Bằng cách xây dựng cảnh quan, sử dụng ánh sáng, đơn giản nội dung… Cải lương đã chiếm được nhiều tình cảm của khán giả.

Nên xem

Các vở xã hội như Tô Ánh Nguyệt, Đoạn tuyệt, Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Vó ngựa truy phong, Lỡ bước sang ngang, Nửa đời hương phấn, Phu tử tòng tử, …

Các vở dã sử như Hận nước thù chồng (Trưng Vương), Giọt máu chung tình (Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà), Võ Tánh tử tiết

Các vở được lấy cảm hứng từ tích Trung Hoa: Khói sóng Tiêu Tương, Võ Tắc Thiên, Dương Quý Phi, Người đẹp Bạch Hoa Thôn, Hoa Mộc Lan, Một trang tình sử…

Hát Xẩm

alt
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Giải thích ngắn gọn

Hát xẩm là một bộ môn nghệ thuật dân gian gắn bó lâu đời với người Việt Nam, đặc biệt là tại đồng bằng Bắc Bộ.

Nguồn gốc

Tuy rất “sóng gió vương triều” nhưng hóa ra là… “Tấm Cám”. Chuyện xưa kể rằng đời Trần Thánh Tông (1258-1278) có hai con trai là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Trong lần đi sâu vào rừng, người anh là Trần Quốc Toán hãm hại em mình hỏng 2 con mắt, và rồi bỏ lại chốn rừng sâu, hòng cướp mất công trong chuyến đi săn.

Quốc Đĩnh trong cơn bĩ cực, nhặt được những mảnh tre khô rải rác gần đó và gõ vào nhau, từ đó hát lên “nhật ký đời mình” với lòng ai oán. Dân lành nghe những điệu ấy nhiều rồi thành quen, từ đó hát xẩm bắt đầu xuất hiện. Quốc Đĩnh là một người mù, và được suy tôn trở thành ông tổ của ngành hát xẩm, sau này nhiều người khiếm thị cũng hát lại loại hình này.

Tuy vậy theo các sử sách đã ghi chép lại, thì Trần Thánh Tông chỉ có 3 người con là Thụy Thiên công chúa, Trần Khâm (tức vua Trần Nhân Tông) và Trần Đức Việp, do đó Quốc Đĩnh hoàn toàn là một hư cấu mà ông cha ta mong muốn “thượng vàng” loại nghệ thuật này. Vậy có thể nói, gốc gác của xẩm là nghề đàn hát của những người khiếm thị có nhiều năng khiếu.

Tại sao ta yêu

Cũng như huyễn tưởng mà cha ông ta đã hư cấu hóa, hát xẩm là một “món ăn thuộc về tinh thần” của chính quần chúng lao động. Nếu thời hiện tại ta phải nghe Rap để biết ai đang “diss” ai, thì thời xa xưa, ông bà đã làm rất tốt chỉ bằng… Hát xẩm.

Theo đó xẩm mang được tính tự sự, thời sự và cả đại chúng. Nó đề cập đến rất nhiều khía cạnh, từ những bài học ngũ thường, phê phán thói hư - tật xấu, truyền tải tình yêu quê hương - đất nước… cho đến phục vụ trong các lễ lớn, như là cưới hỏi, ma chay…

Những người hát xẩm cũng từng “chạy show” theo mùa, và thường là theo thời vụ của các cộng đồng hoạt động nông nghiệp. 3 tháng mùa xuân sẽ đi theo các hội làng; tháng 5, tháng 10 hát trên bến xe, cổng chợ… Vào mùa thu hoạch cho đến cuối năm, thì hát trên các đò dọc, xe chạy đường dài… mang theo nhiều không khí Tết.

Nên xem

Ngãi mẹ sinh thành, Tứ hải giao tình, Tống trân cúc hoa… là những bài xẩm rất đỗi quen thuộc.

Múa rối nước

alt
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Giải thích ngắn gọn

Là một trong những bộ môn nghệ thuật xuất hiện từ sớm ở đất nước ta, chủ yếu ở vùng châu thổ sông Hồng. Nó thường diễn ra vào các dịp lễ, hội đình, ngày vui… Và thường dùng những con rối phía trên mặt nước để truyền tải thêm bài học ý nghĩa.

Nguồn gốc

Có nhiều quan điểm về bộ môn này, trong đó ý kiến của nhà nghiên cứu Tô Sanh là được nhiều người đồng tình nhiều nhất. Theo ông, múa rối nước ra đời từ nền văn minh lúa nước và đến thời Lý (thế kỷ XI) là phát triển mạnh.

Sang đến các thời tiếp theo, nó vẫn duy trì cũng như tiếp thu các luồng văn hóa để phong phú thêm vốn diễn của mình, từ đó trở thành thú chơi tao nhã của người dân Việt.

Tại sao ta yêu

Cũng như các loại hình khác, múa rối nước phản ánh một sách sinh động và đầy thực tế cuộc sống thường nhật của những người dân trong nền văn minh lúa nước, từ đó quan hệ giữa người với người, giữa người cùng với tự nhiên… đã được thể hiện một cách sáng rõ.

Rối nước cũng đã phản ánh khát khao và những mong muốn hướng đến cuộc sống ấm no và đầy hạnh phúc của người nông dân. Nó cũng đồng thời mang tính gắn kết cộng đồng, vun đắp thêm sự đoàn kết, cũng như tinh thần một người luôn vì mọi người.

Sản sinh trong thời phong kiến, thế giới nghệ thuật Rối nước tạo ra cũng khiến đối tượng của nó quên đi sưu cao, thuế nặng cũng như quyền lực của vị vua chúa. Ngoài ra Chú Tễu, thủy đình… và các cảnh trí cũng tạo ra được những sự quen thuộc về mặt bối cảnh, không những đảm bảo được tính thẩm mỹ mà còn là một biểu tượng đẹp của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.