Ngộ độc Self-help: Lý do bạn biết mình phải thay đổi, nhưng lại chưa thể thay đổi | Vietcetera
Billboard banner

Ngộ độc Self-help: Lý do bạn biết mình phải thay đổi, nhưng lại chưa thể thay đổi

Khi bạn nhận ra “Mình không thể cứ sống thế này mãi” - rồi sao nữa?
Ngộ độc Self-help: Lý do bạn biết mình phải thay đổi, nhưng lại chưa thể thay đổi

Xem nhiều self-help có giúp cuộc sống bạn hạnh phúc hơn? | Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera.

Ngót nghét đã nửa năm trôi qua và bạn đang nhìn lại những mục tiêu mình đã vạch ra từ đầu năm.

Bạn biết mình cần tập gym tăng cơ giảm mỡ, nhưng tập được 1-2 tuần bắt đầu nản ngang.

Bạn lưu sạch các tips sinh hoạt đều độ, song nội việc “dậy sớm để thành công” thôi cũng bữa đực bữa cái.

Thời gian thì không ngừng trôi qua và bạn vẫn đang dậm chân tại chỗ, tâm trạng vẫn lên xuống thất thường.

Nhờ sự phổ biến của self-help, bạn được tiếp cận với 1001 thông điệp kỹ năng sống mỗi ngày. Bạn đọc sách, xem talkshow, góp nhặt mỗi nơi một ít kiến thức hy vọng rằng cuộc sống mình cũng sẽ hoàn hảo như những influencer trong mơ.

Nhìn chung, bạn có thể gọi tên vấn đề của bản thân và nhận ra “Mình không thể cứ thế này mãi”. Song bước tiếp theo để thay đổi như thế nào, lại là thứ bạn chưa thể làm được.

Vì sao lại thế?

Ngộ độc Self-help: Vì sao ta biết rất nhiều thứ, nhưng chẳng làm được gì ra hồn?

Self-help hiểu đơn giản là “phát triển bản thân” - là những quan niệm, tư tưởng, phương pháp tích cực dẫn bạn đến một phiên bản toàn diện hơn của bản thân, như:

  • “Dậy sớm để thành công”.
  • “Hãy là chính mình, đừng là ai khác”.
  • “Học cách yêu bản thân, trước khi yêu người khác”.

Self-help phổ biến vốn dĩ vì con người không ai hoàn hảo, và đều có một “kẽ hở” nào đó cần được hoàn thiện. Trên thực tế, self-help đã trở thành nền công nghiệp “tỷ đô” ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, Canada... giúp thay đổi cuộc đời của rất nhiều người.

Bạn sẽ vô tình bắt gặp thông điệp self-help ở nhiều nơi hơn bạn nghĩ: trong sách vở, trên podcast, từ người sếp đáng mến, hay đơn giản là một trích dẫn truyền cảm hứng dán đâu đó trên đường đi làm.

Về cơ bản self-help không xấu, nhưng quá nhiều self-help sẽ phản tác dụng.

Theo Mark Manson, tác giả 3 lần đạt Top #1 New York Times Bestseller với quyển sách “Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm”, dưới đây là những mặt trái của việc lạm dụng self-help, dễ khiến bạn “ngộ độc” và rơi vào vòng lặp dậm chân tại chỗ:

Kỳ vọng phi thực tế: “Cái này dễ, để mai làm”

Không có quá trình nào là dễ dàng. Những gì bạn thấy trên 15 giây video của một influencer giảm cân với “body mơ ước” chỉ là 1% của sự khổ luyện.

Tiếp thu quá nhiều phong cách sống hoàn hảo dễ khiến bạn vô thức nghĩ chuyện thay đổi, giảm cân, trị mụn,... cũng đơn giản thôi. Từ đó, bạn đặt cho mình những mục tiêu không tưởng, và nảy sinh sự mất kiên nhẫn nếu lộ trình thay đổi ở đời thực không dễ như bạn tưởng tượng.

alt
Đặt mục tiêu một đằng nhưng hành động một nẻo - nguyên nhân chính khiến ta mãi chẳng làm được gì ra hồn.

Ví dụ: Bạn tập cardio theo Chloe Ting được 3 buổi đã cảm thấy mình giảm hẳn 3kg nên sinh lười không thèm tập nữa.

Vạch lá tìm sâu: Thấy mình ở đâu cũng tệ

Không tự nhiên mà ta tìm đến những bài học self-help. Đây cũng là cách ta thừa nhận mình đang ôm nhiều trăn trở cần được giải đáp. Từ đó, Mark Manson chia độc giả của self-help thành 2 kiểu người:

  • Người từ Tệ đến Ổn: Họ ngầm tự ti từ sâu bên trong, và nghĩ mình còn nhiều điểm yếu cần cải thiện.
  • Người từ Ổn đến Tuyệt vời: Họ khá hài lòng với bản thân hiện tại, nhưng cần sức bật để bản thân tỏa sáng hơn ở tương lai.

Với nhóm 1 (người từ Tệ đến Ổn), họ vốn mang trong mình tâm lý thua thiệt và thấp bé. Điều này ảnh hưởng lên thế giới quan và khiến họ dễ tiếp cận thông điệp self-help tiêu cực hơn. Ví dụ, thay vì tham khảo tips để ăn kiêng, họ sẽ nhận thấy mình hiện tại 70kg quá mập và việc ăn kiêng sẽ tốn nhiều thời gian gấp đôi người khác.

Mấu chốt nằm ở chỗ, nhóm người tự ti đã mặc định xuất phát điểm họ thua thiệt, vì thế tự “gông cùm” bản thân nghĩ mình khó phát triển. Trên thực tế, họ đều có thể tiến lên mức “Ổn đến Tuyệt vời” để tối đa hiệu quả của self-help, tất cả bắt đầu từ bước chấp nhận bản thân.

Trốn tránh thực tại

Tâm lý này giống như việc bạn trồng được một cái cây và hy vọng mình sẽ có người yêu. Đọc 10 trang self-help một ngày cho bạn cảm giác mình đã “đạt được” một điều gì đó ý nghĩa, rồi phớt lờ đi vấn đề to lớn hơn ở thực tại.

Một người tuyệt vọng trong tình yêu sẽ vẫn… tuyệt vọng không thể mở lời với bất kỳ ai ngay cả khi đã đọc qua 100 tips hẹn hò trên Internet. Nguồn kiến thức self-help miễn phí cho phép bạn tiếp thu để cảm thấy… yên tâm hơn về bản thân. Song thực chất, ta chỉ đang tạm thời quên đi vấn đề cốt lõi chưa được giải quyết.

Không ai muốn mình mắc kẹt mãi, làm sao để thoát khỏi cái bẫy self-help ngọt ngào này?

4 Cách ngưng “dậm chân tại chỗ” để thực sự tiến bộ

"Liệu bạn có thực sự muốn thay đổi không?"

Đây không phải một câu hỏi tu từ.

Trên thực tế, Kirstin O'Donovan - CEO của Top Results Coaching, lý giải rằng ta sẽ dễ đưa quyết định sai lầm khi đang mông lung mơ hồ, không thực sự biết mình muốn gì. Như việc mặc cảm vì da mụn nên nghe lời bạn mua hàng tá sản phẩm skincare dù chưa hiểu rõ tính chất da mình.

Để xác định xem mình thực sự muốn thay đổi điều gì ở bản thân, dưới đây là 3 dấu hiệu nhận biết:

  • Bạn chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra, miễn là bạn đạt được mục tiêu đó. Ví dụ: Chấp nhận du học đánh đổi cuộc sống thoải mái, miễn là đạt đến mục đích định cư.
  • Bạn chịu khó đi đường vòng khó khăn hơn một chút, còn hơn là nằm trong vùng an toàn. Ví dụ: Bỏ nghề, học lại ngành mới.
  • Bạn linh hoạt ứng biến chứ không bỏ cuộc. Ví dụ: Muốn học ngoại ngữ sẽ canh giờ đi làm về sớm kịp để học.
alt
Nếu đã thực sự quyết tâm thì dù trời sập vẫn sẽ có lối thoát.

Câu hỏi này cũng giúp bạn củng cố ngọn lửa ý chí ở bản thân, để nhìn lại mục đích ban đầu ngay khi muốn từ bỏ.

Sàng lọc những người mình muốn học

Nếu chỉ có 10 influencer để bạn theo dõi, bạn sẽ nhấn nút theo dõi ai?

Chất lượng hơn số lượng, hãy chọn ra một số ít những influencer bạn thực lòng muốn học hỏi từ họ. Đây không nhất thiết phải là những vĩ nhân hay tỉ phú triệu đô, chỉ cần tư duy, lối sống, hay đơn giản xem story của họ tiếp thêm năng lượng giúp bạn vui vẻ mỗi ngày, vậy là đủ.

Chiến lược tập trung này giúp ta không bị bội thực thông tin. Từ đó mỗi lời khuyên bạn tiếp nhận được từ người bạn thích, sẽ mang nhiều sức nặng và giá trị cao hơn trong tâm trí.

Kiên trì và bền bỉ ngay cả những ngày chẳng muốn làm gì

Một influencer tôi yêu thích trên TikTok đã mách tôi một bí kíp rất thú vị rằng:

“Hãy nghĩ đến phiên bản mà bạn muốn trở thành trong tương lai, bất cứ khi nào bạn lười biếng. Ví dụ nếu bạn lười thức dậy mỗi sáng đi tập gym, hãy nghĩ đến vóc dáng bạn trong những bộ cánh lộng lẫy để gượng dậy đi tập dù bản thân chẳng có tí năng lượng nào”.

Cứ thế, ta vẫn tập dù bản thân chẳng hề muốn. Rồi dần dà, 100kcal đốt được mỗi ngày sẽ đóng góp vào kết quả “trái ngọt” cuối cùng nếu bạn duy trì sự đều đặn của mình.

Tập trung vào bản thân

Mặc dù nền công nghiệp self-help vẫn phát triển cực thịnh ở khắp nơi trên thế giới, không ai thực sự sống dựa 100% vào chúng. Vẫn tồn tại những lời khuyên vừa vặn với người khác, nhưng “lấn cấn” với chính bạn.

Nếu cuộc đời bạn là một bài toán cần lời giải, thì phương tiện self-help chỉ là những dẫn chứng giúp đưa bạn đến đáp án nhanh hơn. Phần còn lại, bạn sẽ là người duy nhất giải mã được cuộc đời mình.

Hiểu được điều này, hãy tiếp nhận mọi nguồn kiến thức với thái độ cởi mở và thoải mái, dựa trên những gì bạn hiểu về bản thân trước đó. Đây sẽ là một hành trình dài nhưng xứng đáng. Hy vọng bài viết này đã góp phần giúp bạn vạch ra định hướng cho riêng mình, trên hành trình tìm kiếm bản thân.