"Người Đưa Tiễn" và hành trình đi tìm vẻ đẹp của cái chết | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
06 Thg 06, 2021
Điện ẢnhDVD

"Người Đưa Tiễn" và hành trình đi tìm vẻ đẹp của cái chết

Departures khơi gợi hành trình tìm lại những cảm xúc nhân bản nhất của chúng ta khi đối diện với quá khứ, tương lai và điều khó chấp nhận nhất: cái chết.

"Người Đưa Tiễn" và hành trình đi tìm vẻ đẹp của cái chết

Nguồn: Shochiku

Sử dụng một đề tài nặng nề và có phần nhạy cảm, đạo diễn Yojiro Takita kể một câu chuyện về những người đã khuất. Những thước phim khiến chúng ta thêm trân trọng cuộc sống và thấu hiểu lẽ vô thường ở cuộc đời, từ đó chấp nhận cái chết như một chuyến đi.

Departures (tên tiếng Nhật: Okuribito, tạm dịch: “Người Đưa Tiễn”) là bộ phim thắng giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc năm 2009, cũng là phim Nhật duy nhất được vinh danh từ khi hạng mục này ra đời. 

Như tôi đã đề cập trong một bài viết trước, truyền thông xem cái chết là một đề tài nhạy cảm và luôn né tránh nó. Bởi lẽ, nếu cái chết được khắc hoạ quá chân thực, nó sẽ để lại những ấn tượng mạnh về thị giác, những cảm xúc tiêu cực và thậm chí là những sang chấn lâu dài.

Departures là một bộ phim về văn hoá nhập liệm người chết của Nhật Bản. Phim mở màn với một cảnh tượng lạnh lẽo cùng nhân vật Daigo Kobayashi, một thanh niên làm nghề nhập liệm sư (nokanshi) và một ngày làm việc bình thường của anh ấy: thực hiện các lễ nghi và sửa soạn cho người chết trước khi đưa họ vào quan tài.

okuribito-1
Daigo Kobayashi do nam diễn viên Masahiro Motoki thủ vai. | Nguồn: Shochuki

Trước khi kịp tìm hiểu thêm về nghề này, hình ảnh thi hài của một cô gái nằm trên sàn nhà lạnh lẽo, vây quanh bởi tiếng khóc than và những gương mặt buồn rũ rượi của người thân gần như vượt ngưỡng chịu đựng của tôi. Là một người có những ám ảnh về mất mát của riêng mình, ấn tượng của tôi về Departures là một thước phim nặng nề, nhuốm màu tang thương và đầy những hình ảnh gây khó chịu.

Tôi đã nhầm.

Khi vượt qua được nỗi ám ảnh và khó chịu ban đầu, Departures hiện lên trong mắt tôi là một thước phim giàu cảm xúc về vẻ đẹp của văn hoá nhập liệm và sự chấp nhận. Trên hết, bộ phim khơi gợi hành trình tìm lại những cảm xúc nhân bản nhất của chúng ta khi đối diện với quá khứ, tương lai và thứ luôn chờ đợi ở cuối một kiếp người: cái chết.

Người đưa tiễn: Nghề nhập liệm trong văn hóa Nhật Bản

Departures là câu chuyện về Daigo Kobayashi, một nhạc công trung hồ cầm (cello) ở Tokyo và ước mơ dang dở của mình: sống bằng âm nhạc. Daigo dành dụm cả tuổi trẻ để mua được cây cello với giá tiền cao ngất ngưởng, có được công việc anh ao ước trong một dàn nhạc thính phòng. Để rồi, mọi hy vọng và ước mơ của anh sụp đổ khi dàn nhạc bị giải thể.

okuribito-2
Nguồn: Shochuki

Thất bại với sự nghiệp, Daigo bán cây cello của mình, rồi cùng vợ là Mika (Ryoko Hirosue) trở về quê nhà ở Yamagata và bắt đầu cuộc sống mới. Tại vùng quê hẻo lánh luôn ám ảnh anh với một tuổi thơ không mấy hạnh phúc, Daigo hoang hoải tìm một công việc mới để làm lại từ đầu.

Một cách đầy châm biếm như chính sắc thái của bộ phim, Daigo tìm thấy “khởi đầu” của mình trong “kết thúc.” Số phận đã đưa anh đến một công ty chuyên “đưa tiễn” người chết, và anh bắt đầu hành trình trở thành một nhập liệm sư.

Ở Nhật Bản, tang lễ chịu ảnh hưởng nhiều theo các triết lý của Phật giáo. Người Nhật tin vào luân hồi chuyển kiếp. Khi một người chết đi, họ cần phải được sửa soạn, chuẩn bị chu đáo để gia đình từ biệt lần cuối trước khi đưa họ vào quan tài. Người đã khuất sẽ được đặt ngay ngắn trước toàn thể gia đình, chờ nhập liệm sư lau rửa cơ thể, thay y phục và trang điểm chỉn chu. 

Nhập liệm là một nghề khá ngách, và nghe tưởng như rất đơn giản, đối diện với nghề là một điều không hề dễ dàng. Dù tin vào triết lý đạo Phật, cái chết là một đề tài cấm kỵ trong văn hóa Nhật Bản. Tư tưởng này xuất phát từ thời Edo của Tokugawa, khi xã hội Nhật có sự phân chia giai cấp sâu sắc. Tương tự như tầng lớp Dalit ở Ấn Độ, tầng lớp Burakumin ở Nhật còn được gọi là tầng lớp “bất khả phạm.” Họ thường bị gắn với các công việc “không sạch sẽ,” bị ngược đãi và đối xử bất công vì làm những công việc trực tiếp gắn liền với cái chết, bị vấy bẩn bởi cải chết.

Dẫu sau này xã hội Nhật đã phát triển, nghề nhập liệm vẫn còn bị gắn nhiều định kiến và bị xem là một nghề thấp kém và dơ bẩn. Tiếp xúc với người chết vốn đã không dễ dàng, lại mang tâm lý tự kì thị chính nghề của mình, Daigo phải đối diện với những mâu thuẫn nội tâm sâu sắc. Ban đầu, anh phải che giấu sự thật với những người xung quanh, bao gồm cả Mika.

okuribito-3
Daigo phải đối diện với những mâu thuẫn nội tâm sâu sắc. | Nguồn: Shochuki

Khi sự thật vỡ lẽ, bạn thân của Daigo lẫn Mika cũng tỏ thái độ thiếu tôn trọng với anh. Mika thậm chí còn không để bàn tay của anh chạm vào người mình. Khi đứng giữa hai lựa chọn gia đình và nghề nghiệp, Daigo đã để Mika đi cùng câu hỏi đầy tính triết lý: “Ai rồi cũng phải chết, nghề của anh có gì sai?”

Daigo chọn sự thấu cảm, đứng về phía những người chịu tổn thất tinh thần để đặt vấn đề ngược lại: nếu cái chết là một sự dơ bẩn, vậy ai sẽ chăm sóc người thân của chúng ta khi họ trút hơi thở cuối cùng? Ai sẽ là người làm công việc bị xem là “dơ bẩn” đó? Xuyên suốt bộ phim, Daigo dần hiểu được giá trị của một nhập liệm sư và có những biến chuyển tâm lý.

Những biến chuyển đó được hình thành nhờ sự dẫn dắt của Sasaki (Tsutomu Yamazaki), một nhập liệm sư kì cựu, cũng là sếp và là người đã đưa Daigo đến với nghề. Mỗi lần tiếp xúc với một thi thể, Daigo lại có được một góc nhìn mới về công việc của mình. Hơn hết, anh hiểu được sự vô thường ở đời, mở lòng hơn và chấp nhận cái chết như một phần của cuộc sống.

Chấp nhận cái chết và sự vô thường như một phần của cuộc sống

Cái chết là một điều khó chấp nhận. Không phải ngẫu nhiên mà nhà tâm thần học Elisabeth Kubler-Ross đã vẽ nên mô hình “5 giai đoạn của khóc than” (5 stages of grief) trong quyển On Death and Dying của mình. 5 giai đoạn đó bao gồm chối bỏ (denial), phẫn uất (anger), thoả hiệp (bargaining), đau buồn (depression)chấp nhận (acceptance).

Nếu chấp nhận là giai đoạn cuối cùng và cũng là giai đoạn khó chạm tới nhất, thì đây lại là bài học đầu tiên cho các nhập liệm sư. Họ phải đối diện với cái chết mỗi ngày và chấp nhận nó.

Ngày đầu Daigo đến với nghề, đạo diễn Yojiro Takita mang chúng ta đến với một cảnh phim dở khóc dở cười: Daigo phải đóng giả xác chết để Sasaki ghi hình các bước thực hành nghi thức nhập liệm. Sự lúng túng, hổ thẹn của Daigo là một yếu tố hài hước, song lại là một tiền đề thâm thuý của phim. Không những dẫn dắt khán giả một cách nhẹ nhàng, vừa phải, tình tiết này còn cho họ thấy rằng trước khi làm việc với thi hài, Daigo phải trải qua cảm giác làm một “thi hài.”

Sau bài tập “nhập môn” nhẹ nhàng, Daigo được tiếp xúc với thi thể đầu tiên. Đó là một trải nghiệm không dễ dàng cho cả anh và khán giả: một bà lão đã chết được gần hai tuần tại nhà riêng. Bà sống cô độc, một mình, và chỉ được phát hiện ra khi cơ thể đã bắt đầu phân huỷ, bốc mùi hôi thối. 

okuribito-4
Những ngày đầu đi làm với Daigo vẫn khá khó khăn. | Nguồn: Shochuki

Ở Nhật, hiện tượng này được gọi là kodokushi, có nghĩa là “cái chết cô độc.” Giữa cuộc sống xã hội đầy áp lực, đầy sự tự lập kèm theo tình trạng già hoá dân số của Nhật Bản, có những người cao tuổi đã chọn sống phần đời còn lại một mình, không ai ở bên. Họ ra đi cũng im lặng như cách họ quanh quẩn trong căn nhà của mình. Cái chết của họ tuy gớm ghiếc và ám ảnh đến rợn người, nhưng lại là một thực tế đáng buồn. Công việc này khiến Daigo tự hỏi liệu có phải duyên số đã bắt anh trở thành một nhập liệm sư bởi anh đã không ở bên cạnh mẹ khi bà qua đời hay không. Câu hỏi này vừa ngậm ngùi vừa phảng phất triết lý nhân quả của nhà Phật.

Những ca tiếp theo của Daigo là một chuỗi những cảm xúc khó tả thành lời. Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến Sasaki thực hiện nghi thức nhập liệm cho một người phụ nữ tên Tomeo trước mặt gia đình bà, Daigo đã hồi tâm. Tâm hồn tĩnh lặng, lòng trắc ẩn, thái độ tôn kính cũng như sự tỉ mẩn của Sasaki khi chăm sóc cho xác chết đã khiến Daigo nhận ra rằng: một người chỉ có thể trở thành nhập liệm sư khi họ có một tấm lòng nhân hậu, trái tim đầy thấu cảm và cái tâm không bị lay chuyển bởi sự vô thường của kiếp người.

Khi thi hài của Tomeo được vận y phục chỉnh tề, với lớp trang điểm đầy sức sống cũng là lúc tang gia vỡ oà trong nước mắt. Chồng của Tomeo đã thay đổi thái độ từ khinh thường sang tôn kính. Ông cúi chào biết ơn Sasaki và Daigo kèm lời thú nhận: “Tôi chưa bao giờ thấy vợ mình đẹp như thế”.

Nghề nhập liệm, ở một mức độ nào đó, không chỉ là chăm sóc thi hài, mà còn là tiễn đưa người đã khuất. Nhập liệm sư thổi vào họ một luồng sinh khí cuối cùng, một “vẻ đẹp vĩnh cửu” trước khi họ bước vào một hành trình mới.

okuribito-5
Daigo được dẫn dắt bởi Sasaki (Tsutomu Yamazaki), một nhập liệm sư kì cựu, cũng là sếp và là người đã đưa Daigo đến với nghề. | Nguồn: Shochuki

Hiểu được giá trị của nghề, Daigo dần nhận ra trên đời không có gì là bất biến. Ngay cả giấc mơ âm nhạc của anh cũng có điểm dừng. Nếu ở đầu phim, ta thấy một Daigo trầm tính, có cái nhìn bi quan và dễ bị tác động bởi cái chết thì về cuối phim, Daigo dần phát triển thành một nhập liệm sư chuyên nghiệp, ung dung tự tại giữa cuộc đời hơn. Anh trở thành cầu nối giữa người sống và người chết, hàn gắn họ một lần cuối cùng và dẫn lối họ đến sự chấp nhận dễ dàng hơn.

Mở lòng trân trọng cuộc sống trước sự hữu hạn của kiếp người

Một trong những điểm sáng lớn nhất của Departures chính là cách tôn lên vẻ đẹp của sự sống khi khai thác về cái chết. Mỗi thi hài mà Daigo và Sasaki phải chăm sóc không chỉ dạy cho Daigo bài học về nghề, về việc chấp nhận, mà còn dạy anh cách trân trọng cuộc sống. 

Sau lần đầu tiếp xúc với xác người, Daigo đã gục ngã khi nhìn thấy những món thịt tươi sống trên bàn ăn. Trong giây phút đó, anh sa vào lòng vợ mình, hôn say đắm lên da thịt cô như muốn bày tỏ sự trân quý và nỗi khát khao khi anh vẫn còn được tồn tại trên đời.

okuribito-6
Những biến chuyển tâm lý của Daigo xuyên suốt phim. | Nguồn: Shochuki

Khi Mika tìm ra sự thật và rời đi, Yojiro Takita đưa khán giả đến một chuỗi cảnh phim đầy xúc động. Ông dẫn dắt chúng ta qua nhiều đám tang trên nền nhạc du dương, tựa như một khúc cầu siêu của nhạc sĩ Joe Hisaishi. Ở mỗi đám tang, Daigo chứng kiến nhiều câu chuyện của người sống khi họ tiễn đưa vong linh người đã khuất lần cuối.

Có câu chuyện thấm đẫm nước mắt. Có câu chuyện lại trào lộng, lạc quan. Có câu chuyện nhức nhối những vấn đề xã hội. Cũng có những câu chuyện vượt qua rào cản về tôn giáo. Nhưng ở mỗi câu chuyện, sự sống khi đặt cạnh cái chết đều được điểm tô một cách thật mỹ miều, ca ngợi vẻ đẹp của tạo hoá và của con người.

Ngay cả cảnh quan trong phim cũng gợi thông điệp vòng xoay của cuộc sống, với hình ảnh những nhánh cây khô trơ trọi giữa gió đông hay hình ảnh hoa đào bay trong gió. Một chi tiết ít khán giả nhận ra, rằng người làm việc với người chết nhiều nhất trong phim, ông Sasaki, lại là người trân trọng cuộc sống nhất. Ông có một vườn cây sum suê trong nhà, với thú vui chăm cây tao nhã mỗi ngày. Chính ông cũng đã tặng cho Daigo những cây con như một lời nhắc nhở về “sự sống” khi anh đang trải qua chuỗi ngày cô đơn.

okuribito-7
Nguồn: Shochuki

Tôi tin rằng, cái chết không chỉ ám ảnh mình tôi mà còn đeo bám tiềm thức của tất cả chúng ta. Cái chết là quá khứ đã từng và là tương lai sẽ tới. Cái chết là một nỗi sợ. Nó khơi dậy những ký ức đau buồn nhất về sự mất mát, về những người chúng ta sẽ không bao giờ còn nhìn thấy, khơi dậy cả cảm giác vô chừng của cuộc sống, khiến chúng ta tự hỏi khi nào sẽ là dấu chấm hết cho câu chuyện của mình.

Cuối cùng, khi Mika trở về cùng một sinh linh sắp ra đời trong bụng, cô đã chứng kiến chồng mình chăm sóc cho thi thể của bà chủ tiệm nước nóng, một người mà cô cũng hết lòng yêu mến. Các cú máy chuyển liên tục giữa ánh mắt đầy trân trọng và vỡ oà điều gì đó của Mika, sự đau buồn và hối hận của các thành viên trong gia đình và ánh nhìn điềm tĩnh, đầy nhân hậu của Daigo như truyền tải hết mọi thông điệp đẹp đẽ của bộ phim này: chấp nhận cái chết, trân trọng sự sống, bởi vẻ đẹp thật sự của kiếp người chỉ nở hoa khi ta hiểu ra rằng không có gì là vĩnh cửu.