Người Kể Chuyện: “Tìm điều phi thường trong những chuyện đời thường" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Người Kể Chuyện: “Tìm điều phi thường trong những chuyện đời thường"

Long chia sẻ về cuốn sách vừa xuất bản, Kiếp Người: Vĩnh Cửu và Vô Thường, cũng như những trăn trở của anh về sự sống, cái chết, tuổi trẻ, sự thật, cùng nhiều chủ đề khác.
Người Kể Chuyện: “Tìm điều phi thường trong những chuyện đời thường"

Nguồn: Vietcetera

Vũ Hoàng Long, bút danh Người Kể Chuyện, là một cây viết trẻ sở hữu blog cá nhân với gần 130 nghìn người theo dõi. Anh cũng là 1 contributor quen thuộc của Vietcetera, tác giả của 2 cuốn sách, cùng nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước.

Trong số 74 của Have A Sip, Vietcetera đã có cơ hội trò chuyện với Long về cuốn sách vừa xuất bản, Kiếp Người: Vĩnh Cửu và Vô Thường, cũng như những trăn trở của anh về sự sống, cái chết, tuổi trẻ, sự thật, cùng nhiều chủ đề khác.

Kiếp Người: Sự sống và cái chết

Long chia sẻ, khi viết cuốn Kiếp Người, anh suy nghĩ về 2 sự kiện quan trọng trong đời: việc sinh ra và chết đi.

Do có cơ hội làm dự án phỏng vấn người sắp mất, Long đã trăn trở, với tư cách là một người trẻ còn nhiều dang dở, “Liệu suy nghĩ về cái chết lúc này có phù hợp?” và “Mình nên tiếp cận nó như thế nào?”

Khi ông nội Long mất, anh nhận ra rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi. Giây phút đó, anh cảm thấy vô cùng hoảng sợ, xen lẫn nỗi lo lắng về cái chết, và cả những gì tiếp nối nó. Long suy nghĩ liên tục về chủ đề này, và đây là một trong những nguồn cơn chính để anh viết.

Tuy nhiên, khi đặt bút xuống, Long cảm thấy việc được sinh ra hấp dẫn hơn, đơn giản vì chúng ta không có lựa chọn cho việc đó. Anh chia sẻ, trong 3 năm đầu đời, mình là một đứa trẻ không có ký ức, “Tất cả những người thân xung quanh có ký ức về việc mình sinh ra, trừ mình. Vậy lúc đấy mình sẽ phải vật lộn với cuộc đời phía trước như thế nào, khi mà việc sinh ra nằm ngoài dự định và kế hoạch của chúng ta?”

Từ bể chất liệu trong quá khứ, cộng với năng lực phản tư, anh đã gói gọn những trăn trở của mình về 2 chủ đề này qua cuốn sách Kiếp Người.

Long viết cuốn Kiếp Người với những trăn trở về sự sống và cái chết | Nguồn: Vietcetera

Khai thác những chất liệu đời thường

Khi viết, Long tập thói quen tìm ra những chi tiết trong đời sống để khai thác sâu hơn. Trong nghiên cứu, có một từ là “khu biệt". Khu biệt là giới hạn vấn đề lại cho nhỏ nhất có thể, để đảm bảo mình thật sự hiểu về nó. Cách mà Long tiếp cận với bất kỳ câu chuyện hay một vấn đề nào cũng như thế. Anh xuất phát từ điểm nhìn của mình để xem nó có gì đặc biệt, điều gì đã hình thành nên điểm nhìn đó. Anh chia sẻ thêm, cách tiếp cận này không thuộc về bản năng, mà được hình thành qua quá trình nhào nặn trong xã hội.

Cách Long tìm chất liệu viết cũng xuất phát từ những tương tác của anh với những người xung quanh. Hồi còn bé, khi nhìn cái cây, Long thấy màu xanh lá cây, ông nội lại quả quyết đó là màu xanh da trời. Điều này khiến anh rơi vào một cuộc khủng hoảng, với câu hỏi bao trùm là, “Vậy đâu mới là cái đúng?”

Lên đến đại học, anh học ngành Báo chí ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, rồi sau này rẽ sang hướng nghiên cứu về xã hội. Từ đây, góc nhìn của Long thay đổi 180 độ. Ở buổi đầu tiên, giảng viên hỏi, “Đối với các bạn vì sự thật là gì?” bởi vì tôn chỉ của ngành báo là nói về sự thật khách quan, trung lập.

Từ câu hỏi đó, kết hợp với cuộc hội thoại thuở bé với ông, Long bắt đầu cố gắng nghĩ khác đi từ một điểm nhìn. Một ví dụ điển hình cho cách khai thác vấn đề này là cách anh suy nghĩ về việc ăn cơm. Long chia sẻ, hồi xưa anh rất ghét ăn cơm. Nhưng qua một thời gian, anh suy nghĩ lại về thìa cơm, về người nấu, về khung cảnh xung quanh bữa ăn.

Và từ đó Long nhận ra, không phải ngày nào mình cũng ăn một thìa cơm giống nhau. Có thời điểm anh ở Campuchia, trôi trên hồ Tonle Sap, với người bản địa, anh bỗng nhớ cái thìa cơm ở nhà khủng khiếp. Anh nhận ra khi tha hương, người ta thường cố níu giữ những gì thân thuộc càng lâu càng tốt trong ký ức. Thìa cơm bỗng trở thành biểu tượng cho kỷ niệm, tình yêu, chứ không chỉ đơn thuần là nó nữa.

"Khi tha hương, người ta thường cố níu giữ những gì thân thuộc càng lâu càng tốt trong ký ức" | Nguồn: Vietcetera

Nếu không đọc, sẽ không thể viết

Khi được hỏi về thực hành viết và đọc, 2 thứ vẫn luôn song hành với nhau, Long trả lời rằng, khi viết anh thường đưa ra được ít hơn so với những gì mình suy nghĩ. Trước khi viết, anh suy nghĩ về nhiều thứ với cảm xúc dâng trào. Trong một viễn cảnh hoàn hảo, anh sẽ viết được hết những gì mình nghĩ trên giấy. Nhưng khi đặt bút viết, Long lại phải suy nghĩ về bố cục, về câu từ, và lúc đấy toàn bộ sự hứng khởi của anh lại khác hoàn toàn so với lúc đầu.

Thậm chí, đối với Long, cơ hội viết cho bản thân không nhiều, vì luôn có người khác đọc, và anh phải viết cho họ nữa. Lúc đó, việc viết mang tính trình diễn, nên anh phải tính toán để viết ra điều phù hợp dựa trên nhiều yếu tố, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào “stream of consciousness" (dòng ý thức).

Long có thói quen viết nhật ký, để nhìn lại hiện tại với góc nhìn mới trong tương lai. Ví dụ, trong lúc xem lại những ghi chép, Long tình cờ phát hiện bà hồi trước rất hay than về việc đau dạ dày. Hồi đó, Long chỉ ghi thế thôi, như một cách nhắc nhở bản thân giữ sức khỏe.

Sau này, Long bỗng nhận ra đó không phải đau dạ dày mà bệnh tâm lý. Lý do là bởi hồi xưa bà anh bận bịu, phải một mình nuôi 3 đứa con, trong khi ông thì hay đi công tác xa, nên nhiều áp lực cuộc sống dồn lên bà. Bà lo lắng triền miên và thường cảm thấy đau dạ dày, cuối cùng bà lại đi chữa dạ dày thay vì chữa lo âu, quan tâm hơn đến tâm lý. Phát hiện này giúp anh nhận ra không chỉ Gen Z mới nói về bệnh tâm lý, mà thế hệ trước họ cũng nói, nhưng bằng một ngôn ngữ khác.

"Nếu không đọc thì sẽ không thể viết được" | Nguồn: Vietcetera

Còn về việc đọc, Long chia sẻ rằng, nếu không đọc thì sẽ không thể viết được. Bởi vì những thứ anh viết ra không có sẵn trong đầu, mà được tiếp thu và tổng hoà từ nhiều nguồn khác nhau. Long nhận ra điều này trong một cuộc hội thoại với bố.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ năm 2020, nền kinh tế đình trệ đã gây nên nhiều cản trở cho xưởng của nhà Long. Khi mọi thứ đóng cửa, bố anh than khó vì phải cân bằng quá nhiều thứ cùng một lúc. Thấy vậy, Long mới nói, “May là con có vốn tự có, con viết từ trong đầu và cần không lệ thuộc vào yếu tố ngoại cảnh như bố”. Câu nói này khiến bố anh đáp lời “Những cái trong đầu con là do bố mẹ đầu tư cho đi học từ bé đến giờ, là kiến thức vay mượn từ xã hội. Khi con viết ra để sống qua đợt dịch này dễ dàng hơn, không phải là do con có tài năng tự thân, mà về cơ bản là con vay một khoản từ xã hội và con đang trả lại nó”.

Dự án sách tiếp theo, Tạm biệt tuổi trẻ

Có những sự việc tưởng chừng như tầm thường, nhưng mà qua thời gian, Long lại cảm thấy là nó rất là phi thường | Nguồn: Vietcetera

Nhiều quan niệm trong đầu Long đã có sự thay đổi mãnh liệt khi Kiếp Người được xuất bản. Long nhận thấy nếu như anh chỉ coi cái chết là tất định và coi cuộc đời là hư vô, thì đôi lúc mình sẽ nảy sinh tính kiêu ngạo. Với anh, ý nghĩa cuộc sống còn liên quan đến tất cả mọi người xung quanh và những trách nhiệm đi kèm.

Anh cũng dành thời gian để chia sẻ về cuốn sách tiếp theo. Cuốn sách Tạm biệt tuổi trẻ được anh viết trong 2 năm vừa qua. Đây sẽ là phiên bản mà Long khai thác về cuộc sống ở lứa tuổi 20. Cuốn sách này được anh viết với phong cách khác cuốn sách trước, giống như lời thủ thỉ, tâm tình. Cuộc sống vẫn trôi đi, có những sự việc tưởng chừng như tầm thường, nhưng mà qua thời gian, Long lại cảm thấy là nó rất là phi thường. Và sứ mệnh của anh là khai thác những điều ấy.